Vì sao Ấn Độ không thu hút được giảng viên quốc tế?

Philip G. Altbach là Giáo sư nghiên cứu, Giám đốc sáng lập Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: altbach@bc.edu. Eldho Mathews Nhà nghiên cứu độc lập về giáo dục đại học ở New Delhi, Ấn Độ. E-mail: eldhomathews@gmail.com.

Báo cáo gần đây cho thấy chỉ có 40 giảng viên nước ngoài – chiếm 1% trong tổng số 5400 giảng viên – đang làm việc tại các Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT), bất chấp mục tiêu của chính phủ đặt ra là các ITT phải có 20% giảng viên là người nước ngoài. Quốc tế hóa nói chung, và tuyển dụng nhân viên toàn cầu nói riêng là trọng tâm của chương trình “Trường đại học danh giá”. Mục tiêu còn trở nên cao hơn sau khi Hội đồng IIT năm ngoái đề nghị tuyển dụng giảng viên nước ngoài làm việc cơ hữu. Quy chế tự chủ của Ủy ban tài trợ đại học (UGC) hiện cũng cho phép những trường đại học có hiệu suất cao nhất tuyển dụng tới 20% giảng viên nước ngoài cơ hữu trên tổng số lực lượng giảng viên.

Ấn Độ sẽ không thể thu hút được số lượng lớn giáo sư quốc tế trình độ cao nếu không có những thay đổi mạnh mẽ trong nhiều khía cạnh của giáo dục đại học. Những thay đổi không chỉ liên quan đến tiền lương và phụ cấp, mà còn về cơ cấu quản trị ở các trường đại học và các quy định của chính phủ. Trong nhiều thập kỷ, dòng chảy học giả vẫn đi theo hướng ngược lại – từ Ấn Độ sang các nước khác. Chẳng hạn, có thể thấy những tài năng hàng đầu Ấn Độ, tại các trường đại học Mỹ, giảng dạy hoặc giữ các vị trí quản lý cao như chủ tịch, hiệu trưởng hoặc trưởng khoa, ví dụ như trưởng khoa trường Kinh doanh Harvard và hiệu trưởng Harvard College.

Giáo sư quốc tế

Có hai nhóm đối tượng giáo sư quốc tế mà Ấn Độ đang muốn thu hút về. Nhóm thứ nhất là những giáo sư giỏi đã thành danh, nhưng rất khó mời được họ. Họ là những người có sự nghiệp ổn định ở nước ngoài, lương cao, ràng buộc gia đình và những trách nhiệm cộng đồng nơi họ đang sống, họ là một phần của các trường đại học và cộng đồng địa phương. Một số người có thể quan tâm hợp tác với các trường đại học Ấn Độ trong trường hợp có nghiên cứu liên quan và điều kiện tốt. Những học giả mới về hưu có thể quan tâm đến một chuyến “phiêu lưu Ấn Độ”, nhưng có thể họ không còn năng suất nghiên cứu tốt. Khả năng thu hút thực tế nhất là hướng đến những học giả gốc Ấn (Ấn kiều, viết tắt là NRI), họ đã thành công ở nước ngoài và muốn quay về Ấn Độ. Sáng kiến Toàn cầu về Mạng học thuật (GIAN) được chính phủ ban hành gần đây chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút nhiều học giả về nước làm việc. Mặc dầu vậy, thực tế từ hai đại học lớn (South Asian University ở New Delhi, và Nalanda University ở Bihar) cho thấy chính sách lương cao (gần gấp đôi so với học giả trong nước và được miễn thuế) đối với các giáo sư ngoại quốc không phải là một sách lược thành công, nhất là đối với giáo sư cao cấp.

Ấn Độ sẽ không thể thu hút được số lượng lớn giáo sư quốc tế trình độ cao nếu không có những thay đổi mạnh mẽ trong nhiều khía cạnh của giáo dục đại học.

Nhóm thứ hai là những học giả trẻ hơn, ít ràng buộc với các trường đại học và cộng đồng địa phương, do đó dễ dàng dịch chuyển hơn. Tùy thuộc vào ngành học của họ, một số có thể gặp khó khăn khi tìm kiếm một công việc học thuật lâu dài trong nước do thị trường việc làm thiếu cơ hội. Dĩ nhiên, có thể là rủi ro lớn hơn nếu mời những học giả này về làm việc, bởi vì không thể biết chắc họ sẽ tạo lập được sự nghiệp nổi bật hay không. Họ không thể ngay lập tức làm tăng uy tín cho các trường đại học Ấn Độ, bởi vì họ chưa có danh tiếng. Tuy nhiên, họ có thể thực hiện các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu có chất lượng, và mang theo về những kinh nghiệm quốc tế hữu ích. Tuy nhiên, thực tế ở những quốc gia đã tuyển dụng học giả trẻ trên thị trường quốc tế, ví dụ như Nga, cho thấy nhiều người đã bỏ việc sau khi tích luỹ đủ số lượng công bố nghiên cứu cần thiết.

Thách thức

Bằng cách này hay cách khác, những trường đại học tốt nhất của Ấn Độ cần một cuộc “cách mạng văn hoá” mới có thể đứng vào hàng ngũ các trường đại học tầm cỡ thế giới và thu hút giảng viên quốc tế hàng đầu. Cơ cấu tổ chức và thực tế vận hành khiến cho các trường đại học Ấn Độ trở nên không hấp dẫn đối với các tài năng học thuật từ nước ngoài. Một vài ví dụ cho thấy những thách thức cụ thể:

Mức lương không cạnh tranh toàn cầu, dù đã tính đến chi phí sinh hoạt thấp ở Ấn Độ. Các học giả cao cấp Hoa Kỳ trong các trường đại học nghiên cứu thường có mức lương tối thiểu 130 ngàn USD/năm, còn trong các trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ mức lương là 200 ngàn USD. Mức lương trung bình toàn thời gian là 73 ngàn USD, riêng những lĩnh vực khoa học-kinh doanh có nhu cầu cao thì cao hơn đáng kể. So sánh mức lương ở các ITT Ấn Độ, theo khuyến nghị mới nhất của Ủy ban Thanh toán, mức lương thấp nhất là 17.622 USD cho giáo sư trợ lý, tăng lên khoảng 38.165 USD đối với giáo sư chính thức. Những vị trí cao hơn sẽ thu nhập cao hơn chút ít. Trung Quốc cũng đang tích cực thu hút giảng viên quốc tế hàng đầu vào các trường đại học nghiên cứu của mình, và đưa ra mức lương từ 100 ngàn USD trở lên, cùng với tài trợ nghiên cứu bổ sung.

Các cơ sở đại học công lập Ấn Độ có ít kinh nghiệm tuyển dụng giảng viên quốc tế và có nhiều thủ tục quan liêu gò bó. Nghĩa là tốn rất nhiều thời gian để bổ nhiệm giảng viên nước ngoài bởi vì cần có sự phê duyệt của nhiều bộ phận chính phủ ngoài các quy trình tiêu chuẩn của trường. Các trường đại học công lập Ấn độ không có quy trình tại chỗ để tuyển dụng giảng viên nước ngoài.

  • Các trường công lập không được phép ký hợp đồng dài hạn với giảng viên quốc tế. Thời hạn tối đa là 5 năm, dù có thể gia hạn. Nghĩa là không có sự đảm bảo lâu dài cho công việc của họ.

Rất khó để nhận được tài trợ nghiên cứu, và các nguồn lực theo chuẩn quốc tế cũng rất hạn chế. Các thủ tục liên quan đến tài trợ nghiên cứu đều quan liêu đến mức đáng lo ngại. Trái ngược hoàn toàn với Trung Quốc là nơi mà các khoản tài trợ nghiên cứu đáng kể được cung cấp gần như tự động cho giảng viên nước ngoài.

Rất ít các IIT của Ấn Độ coi trọng việc tuyển dụng giảng viêng nước ngoài. Các tổ chức hàng đầu như IIT Bombay chi trả cho giảng viên nước ngoài khoảng 1.500 USD theo dạng trợ cấp di dời. Mặc dù khoản tài trợ lần đầu cấp cho giảng viên quốc tế mới nhằm đáp ứng chi phí ban đầu để thiết lập phòng thí nghiệm nghiên cứu lên tới 29.000 USD, chỉ có khoảng 2.900 USD được cung cấp dưới dạng Trợ cấp Phát triển Chuyên nghiệp Tích lũy (CPDA) cho mỗi 3 năm, để họ trình bày báo cáo tại các hội nghị. Ngoài ra, mỗi trường hợp tuyển dụng giảng viên nước ngoài đều cần được Bộ Ngoại giao và Nội vụ cho phép thông quan chính trị và an ninh.

Chiến lược của các trường tư

Một số trường đại học tư thục phi lợi nhuận hàng đầu, như OP Jindal, Azim Premji, Ashoka, Shiv Nadar, Ahmedabad, Krea và Trường Kinh doanh Ấn Độ áp dụng những chiến lược khác nhau để thu hút những công dân nước ngoài và người Ấn Độ tốt nghiệp các đại học nước ngoài có uy tín bằng cách trả mức lương cao hơn và những lợi ích khác so với giảng viên trong nước. Đại học O.P. Jindal Global nằm ở khu vực thủ đô New Delhi nổi tiếng nhờ sự đa dạng giảng viên, với 71 giảng viên nước ngoài toàn thời gian đến từ 32 quốc gia. Động lực chính của những trường này khi tuyển dụng giảng viên nước ngoài, chủ yếu cho các môn đại cương, kỹ thuật, quản lý và luật, là giúp cải thiện khả năng cạnh tranh quốc tế và đảm bảo vị trí trong bảng xếp hạng toàn cầu, nhờ thế cũng thu hút đông sinh viên nhập học hơn.

Những biện pháp do các trường đại học tư kể trên thực hiện, với nhữngnguồn lực đáng kể theo tiêu chuẩn Ấn Độ, đã chứng tỏ rằng hoàn toàn có thể thu hút giảng viên nước ngoài, ít nhất là những người gốc Ấn Độ. Nhưng những thách thức mà các trường công đang phải đối mặt, ngay cả những trường có chất lượng cao như IIT và những trường đại học tốt nhất, lại dường như không thể vượt qua, ít nhất trong bối cảnh môi trường giáo dục đại học Ấn Độ hiện nay, với khuôn khổ pháp lý bất cập và bộ máy quan liêu.