Ellen Hazelkorn là Giáo sư danh dự và là Giám đốc của Đơn vị Nghiên cứu Chính sách Giáo dục Đại học, Viện Công nghệ Dublin, Ireland, và đối tác của BH Associates về Tư vấn Giáo dục. E-mail: ellen.hazelkorn@dit.ie.
Một trong những vấn đề nổi bật nhất của mối quan tâm chính trị và của công chúng hiện nay là mức độ đóng góp của các trường đại học cho lợi ích công. Về mặt lịch sử, trường đại học có mối quan hệ chặt chẽ với thành phố và đất nước nơi nó được thành lập. Tuy nhiên, ngày nay, các trường lại thường được coi là một phần của giới thượng lưu. Quá trình học tập và kết quả đầu ra của sinh viên thường không được coi trọng bằng việc theo đuổi danh tiếng toàn cầu.
Phân phối hàng hóa xã hội không đồng đều thổi bùng cảm giác bất bình sâu sắc được chứng minh bằng các cuộc bầu cử gần đây và những bất ổn chính trị trên khắp thế giới. Vụ bê bối gần đây ở Hoa Kỳ về việc trả tiền để đi cửa sau vào các trường đại học ưu tú bộc lộ rõ sự phân tầng xã hội ngày càng tăng đồng thời đặt ra những câu hỏi cơ bản về vai trò và trách nhiệm của các trường đại học. Những vấn đề này khiến dư luận tập trung sự chú ý và tăng cường giám sát đối với các trường đại học. Điều này tạo thành áp lực buộc các trường đại học đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng và khu vực của họ, làm việc với các cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng xã hội, và chứng tỏ họ có thể làm tốt việc này tốt.
Các bảng xếp hạng tự mô tả mình là những tổ chức thúc đẩy thông tin công khai và minh bạch hơn, so sánh kết quả và hoạt động của các trường trên phạm vi quốc tế để thông tin đến học sinh/phụ huynh, chính phủ và công chúng rộng rãi hơn. Nhưng điều thường thấy là các bảng xếp hạng đo lường lợi ích thu được từ của cải và đầu tư tích lũy của công chúng và/hoặc tư nhân trong nhiều thập kỷ nếu không phải là hàng thế kỷ. Sự lựa chọn các chỉ số của họ coi trọng lợi ích của việc thu hút những sinh viên có thành tích cao/có nền tảng kinh tế xã hội cao, tốt nghiệp đúng hạn và tiếp tục có sự nghiệp thành công. Sự xuất sắc được đo lường bằng thành tích của các trường đại học riêng lẻ hơn là bằng lợi ích chung cho xã hội. Các yếu tố này được thể hiện trong các chỉ số mà các bảng xếp hạng sử dụng và phổ biến.
Xếp hạng và tác động xã hội
Nhằm phản ứng lại với những lời chỉ trích và tăng sự hấp dẫn cũng như phạm vi sản phẩm của họ, các bảng xếp hạng bắt đầu đo lường cam kết xã hội của các trường đại học. Thời báo Giáo dục Đại học (THE) và QS từng đo lường sự tham gia xã hội trong khía cạnh nghiên cứu hoặc lợi nhuận mà bên thứ 3/ngành công nghiệp thu được. Điều này được hiểu như một cách đo lường việc chuyển giao tri thức và hoàn toàn dựa vào dữ liệu tổ chức. ARWU sử dụng các chỉ số nghiên cứu truyền thống và không đi chệch khỏi phương pháp này. Ngược lại, U-Multirank luôn sử dụng phạm vi chỉ số rộng hơn. Mối liên hệ xã hội với khu vực được đo lường thông qua các chương trình thực tập của sinh viên, thông qua việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp và hợp tác với các tổ chức trong khu vực, trong khi chuyển giao tri thức được đo lường thông qua sự hợp tác với các doanh nghiệp, bằng sáng chế/các sản phẩm phụ và các công trình xuất bản cùng các doanh nghiệp. U-Multirank cũng sử dụng các dữ liệu của tổ chức, và sử dụng cả số liệu tuyệt đối và tỷ lệ phần trăm. Xếp hạng Đại học Thế giới Greenmetric ra mắt vào năm 2010 và được quản lý bởi Đại học Indonesia. Bảng xếp hạng này so sánh “Cam kết của các trường đại học đối với việc phát triển xanh và thúc đẩy hoạt động bền vững”. Dù thiếu dữ liệu của tổ chức, nhưng trong thời đại nhận thức của công chúng về biến đổi khí hậu gia tăng, xếp hạng này bắt đầu có những tác động nhất định. Không có gì đáng ngạc nhiên, khi mà cả THE và QS cùng đưa tác động xã hội vào các phần đánh giá của mình.
Liên minh châu Âu đã tài trợ cho một số sáng kiến tìm cách thu hút sự tham gia/tác động đến xã hội dân sự. |
QS đưa tiêu chí trách nhiệm xã hội vào Xếp hạng sao QS của mình. Nó đánh giá mức độ nghiêm túc của một trường đại học trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với xã hội thông qua việc hỗ trợ cộng đồng địa phương và nhận thức về môi trường. Các chỉ số bao gồm đầu tư và phát triển cộng đồng, công tác từ thiện và cứu trợ thiên tai, vốn nhân lực khu vực và tác động môi trường. Hai nhóm chỉ số đầu tiên đo lường cam kết đóng góp tài chính là 1% doanh thu hoặc 2 triệu USD; hai nhóm chỉ số sau bao gồm tuyển dụng sinh viên và việc làm sau đại học trong khu vực, và các hành động bền vững. THE đã đưa ra Bảng xếp hạng tác động của Trường đại học vào tháng 4 năm 2019 với sự phô trương tuyệt vời. Nó đo lường hoạt động phù hợp với 11 trong số 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc. Các trường đại học phải cung cấp dữ liệu về SDG số 17 – hợp tác với các quốc gia khác, thúc đẩy các thực tiễn tốt nhất và công bố dữ liệu – thêm vào đó là ít nhất ba SDG khác mà họ lựa chọn. Điều này cho phép các trường đại học khác biệt hoá và phát huy thế mạnh của mình. Mỗi lĩnh vực SDG bao gồm vô số các chỉ số, nhưng hoạt động nghiên cứu chiếm đến 27% trong mỗi lĩnh vực. Điều này khiến các trường đại học mới/trẻ hoặc những trường không nghiên cứu gặp khó khăn trong việc tạo ra tác động. Ngoại trừ dữ liệu nghiên cứu từ Elsevier, các trường đại học cũng cung cấp tất cả các bằng chứng và các ví dụ. Điều này không chỉ có nghĩa là rất nhiều việc phải làm, mà thật đáng buồn phải nói rằng, những dữ liệu của các tổ chức hoặc những nhận xét hoàn toàn không đáng tin cậy. Khoảng 556 trường đã gửi dữ liệu về một hoặc nhiều SDG và 141 trường (25%) đã gửi dữ liệu về 11 SDG được nêu trong bảng xếp hạng.
Những cách tiếp cận khác
Có những bảng xếp hạng ít quen thuộc khác, cộng với một số nỗ lực ngày càng tăng của chính phủ, đang tìm kiếm và hiển thị những thông tin so sánh về lợi ích công. Đáng chú ý nhất là Chỉ dẫn và Xếp hạng Đại học của Washington Monthly, phỏng theo một câu nói của JFK: “Trong khi các chỉ dẫn khác hỏi các trường đại học có thể làm được gì cho sinh viên, chúng tôi hỏi các trường đại học đang làm được gì cho đất nước”. Chỉ dẫn này cho rằng các trường đại học phải được đánh giá như những động cơ thúc đẩy xã hội vận động, hỗ trợ tư duy học thuật và nghiên cứu khoa học giúp nâng cao kiến thức và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và khắc sâu/khuyến khích đạo đức phục vụ. Nó cũng đã phát triển một bảng xếp hạng các trường cao đẳng cộng đồng. Một ví dụ có trước đó là Dự án Cứu tinh của các thành phố: Khảo sát Quan hệ Đối tác Công dân Đại học và Cao đẳng Tốt nhất; xếp hạng này đo lường “tác động tích cực về kinh tế, xã hội và văn hóa của các cơ sở giáo dục đại học đối với các thành phố nơi họ cư trú”. Đứng ở vị trí tiếp theo là bảng Xếp hạng Metroversity. Những trường đại học được ưa chuộng nhất Hoa Kỳ ban đầu được Money công bố vào năm 1990; hiện được Forbes công bố trong ấn bản mang tên Các trường Cao đẳng Giá trị nhất Hoa Kỳ. Ấn bản này phân tích “mức độ chi phí dự kiến để theo học một trường đại học dựa trên một số yếu tố”. Tương tự, tạp chí Washington Monthly đã tạo ra Bảng xếp hạng đại học Bang-for-the-Buck (những trường mà chi phí học tập đầu tư vào đó có thể mang lại nhiều lợi ích về sau).
Chính phủ cũng đặt ra những câu hỏi tương tự. Mối quan tâm về kết quả học tập của sinh viên, khả năng chi trả, và thành công sau đại học, bên cạnh sự tham gia của công chúng/cộng đồng, đã thúc đẩy nhiều hành động đáng kể trên toàn thế giới. Những công cụ này ít quan tâm đến việc xếp hạng và tập trung nhiều hơn vào trách nhiệm. Dưới thời chính quyền Obama, chính phủ Hoa Kỳ đã liên kết cơ hội tiếp cập, khả năng chi trả và kết quả học tập của sinh viên trong một công cụ duy nhất gọi là Thẻ điểm Đại học (College Scorecard). Điều này hiện đang được mở rộng để tập trung nhiều hơn vào các chương trình cá nhân hơn là các tổ chức. Vương quốc Anh đã tạo ra Khung giảng dạy xuất sắc (TEF) và Khung trao đổi kiến thức (KEF). Liên minh châu Âu đã tài trợ cho một số sáng kiến tìm cách thu hút sự tham gia/tác động đến xã hội dân sự. Trong những tuần gần đây, Quỹ Bill và Melinda Gates đã thành lập Ủy ban Giá trị sau Trung học (Post-Secondary Value Commission) nhằm đánh giá mức độ các trường đại học tạo ra giá trị và đóng góp vào việc tạo ra những cơ hội kinh tế cho sinh viên.
Hành vi thúc đẩy, nhưng theo hướng nào?
Mọi công cụ đặt câu hỏi rộng hơn về lợi ích công của đại học đều được hoan nghênh. Tuy nhiên, hầu hết các nỗ lực đều tạo ra tác động kinh tế – là cách mà giáo dục đại học đáp ứng các mục tiêu về hiệu quả, công bằng và hiệu suất – hơn là tác động xã hội rộng lớn hơn. Lý do cho điều này phần nào bởi vì đo lường tác động văn hóa và xã hội hoặc giá trị đối với tranh luận công khai thông qua các ý tưởng mới, v.v.. là rất phức tạp. Tuy nhiên, quyền lực mềm được thể hiện thông qua sự đóng góp cho các tổ chức văn hóa cho nền dân chủ, cho sự hiểu biết quốc tế và hệ thống giá trị xã hội nói chung và cho hệ thống chính trị, cũng mạnh mẽ tương đương và có thể ảnh hưởng đáng kể đến vị thế quốc tế của một quốc gia đang đầu tư để thu hút sinh viên quốc tế và tài năng.
Không có gì phải nghi ngờ là việc xếp hạng sẽ điều khiển hành vi, nhưng hướng đi lại phụ thuộc vào sự lựa chọn các chỉ số. Chính phủ và các trường đại học không phải là nạn nhân vô tội: họ thường xuyên thay đổi chính sách và ưu tiên của mình để vươn lên trong bảng xếp hạng vì sợ tụt hậu so với quốc gia láng giềng hoặc đối thủ cạnh tranh. NHƯNG các tổ chức xếp hạng có lỗi trong điều đó không khi mục đích thực sự của họ là bán được tạp chí và/hoặc tư vấn? Trong thực tế, mặc dù họ yêu cầu tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn, các phương pháp của họ rất ít thể hiện điều đó. Giờ đây, không là đủ nếu chỉ nói đến trách nhiệm xã hội của các trường đại học. Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần bàn về trách nhiệm xã hội của các tổ chức xếp hạng?