Thu hút tri thức châu Phi từ hải ngoại: Bài học Ethiopia

Ayenachew A Woldegiyorgis là ứng cử viên Tiến sĩ tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: woldegiy@bc.edu.

Mặc dù không có dữ liệu chính xác, ý kiến đồng thuận chung cho rằng châu Phi có một nguồn tài nguyên trí tuệ khổng lồ trong cộng đồng người Phi lưu vong, có thể giúp thúc đẩy nỗ lực cải thiện giáo dục đại học. Ví dụ, vào năm 2012, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy, theo một ước tính thận trọng, có khoảng 1600 học giả gốc Ethiopia có trình độ tiến sĩ đang giảng dạy ở Canada và Hoa Kỳ; không có gì phải nghi ngờ là số lượng này đến nay đã tăng lên. Các điểm đến phổ biến khác của cộng đồng người di cư từ Ethiopia, như Vương quốc Anh, Đức, Na Uy và Úc, cũng có thể đưa ra các con số tương đương. Trái lại, cũng vào thời gian đó, năm học 2011-2012, toàn bộ hệ thống giáo dục công lập ở Ethiopia chỉ có khoảng 1100 học giả người Ethiopia có trình độ tiến sĩ (6,2% tổng số giảng viên).

Sự đóng góp của cộng đồng người Phi lưu vong trong các lĩnh vực tri thức và giáo dục đại học từ lâu vẫn kém xa tiềm năng của họ. Ngoài những lý do khác, có hai yếu tố có thể giải thích sự bất cập này. Đầu tiên là mối quan hệ chính trị cay đắng giữa những cộng đồng trí thức người Phi lưu vong và chế độ đàn áp ở đất nước quê hương họ. Điều này ngăn cản các học giả ở hải ngoại tham gia vào các hoạt động giáo dục trong nước, đặc biệt là tại các trường công. Thứ hai, chính phủ các nước châu Phi không có chiến lược rõ rằng nhằm thu hút cộng đồng trí thức lưu vong và các trường đại học không có hệ thống hỗ trợ tập trung vào chuyển giao kiến thức và công nghệ. Dù đã hình thành được một số mối liên hệ hợp tác hạn chế, nhưng vẫn còn rời rạc và không chính thức. Trường hợp của Ethiopia phản ánh tình cảnh ở nhiều quốc gia châu Phi với những niềm hy vọng và tuyệt vọng tương tự, sự yếu kém về thể chế và nhu cầu cải cách chính trị.

Động lực chính trị

Việc bổ nhiệm một thủ tướng mới vào tháng 4 năm 2018 đã thay đổi động lực của mối quan hệ giữa chính phủ Ethiopia và cộng đồng người Ethiopia lưu vong. Thủ tướng mới đã đến một số quốc gia để gặp gỡ cộng đồng người Ethiopia lưu vong và thảo luận với các đại diện cộng đồng và các tổ chức, từ đó đưa ra lời mời mở trở về quê hương cho tất cả, bao gồm cả những cá nhân và tổ chức trước đây bị coi là khủng bố. Ngoài những cải cách tiếp theo tạo thêm không gian cho cộng đồng người lưu vong, một trong những thông điệp chính của thủ tướng kể từ khi nhậm chức là lời kêu gọi, đặc biệt hướng tới cộng đồng trí thức hải ngoại, tham gia xây dựng đất nước. Các phản ứng đều rất tích cực. Ba sự kiện gần đây có thể minh họa cho động lực mới này trong việc thu hút cộng đồng tri thức người Ethiopia ở hải ngoại.

Vào tháng 12, Vision Ethiopia – một tổ chức cộng đồng được thành lập và lãnh đạo bởi những trí thức nổi tiếng, có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã tổ chức hội nghị lần thứ bảy lần đầu tiên tại Addis Ababa. Sự kiện này trở thành biểu tượng của tinh thần mới trong mối quan hệ giữa chính phủ Ethiopia và cộng đồng lưu vong vì ít nhất hai lý do. Thứ nhất, bởi vì các nhà lãnh đạo của Vision Ethiopia vẫn được biết đến là  những người chỉ trích chính phủ mạnh mẽ nhất, nên thật khó hình dung là hội nghị này lại được tổ chức tại Ethiopia. Hầu hết các nhà tổ chức và những học giả có bài thuyết trình tại hội nghị cuối cùng đã trở về Ethiopia sau nhiều năm lưu vong. Thứ hai, như các nhà tổ chức sau đó tiết lộ, Vision Ethiopia đã nhận được sự hỗ trợ đáng khích lệ từ chính phủ, đến mức hai bộ trưởng (Bộ trưởng Khoa học và Giáo dục đại học và Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch) đã phát biểu tại hội nghị.

Trong những tháng qua, một số đại diện của các tổ chức và mạng lưới người lưu vong đã đến thăm Ethiopia và tổ chức các cuộc thảo luận với các quan chức chính phủ và đại diện của các tổ chức học thuật. Một số trong các tổ chức và mạng lưới này cũng đã ký kết bản ghi nhớ với Bộ Khoa học và Giáo dục đại học, trong nỗ lực vạch ra một lộ trình để thành viên của họ tham gia vào hoạt động giáo dục đại học của Ethiopia. Sự phát triển này cũng được thúc đẩy bởi các bước tích cực từ phía chính phủ. Bộ Khoa học và Giáo dục đại học mới đã lập ra một hội đồng tư vấn, trong đó thành viên từ cộng đồng lưu vong chiếm một số lượng đáng kể. Ngoài ra, hội đồng tư vấn còn có một nhóm nhỏ chịu trách nhiệm thu hút các học giả lưu vong tham gia vào khoa học và giáo dục đại học.

Thử thách

Những bước tiến triển này, dù đang tạo được một môi trường ngày càng tích cực thu hút người lưu vong trên khắp lục địa tham gia vào phát triển giáo dục đại học trong nước, không phải là không có trắc trở. Một trong những vấn đề chính là sự mất cân bằng trong các ngành học mà các học giả hải ngoại có thể hỗ trợ. Mặc dù đã có những sáng kiến đáng chú ý trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), nhưng về tổng thể, so với nhu cầu của các trường đại học địa phương, sự tham gia của các trí thức hải ngoại vào các lĩnh vực này còn rất hạn chế. Các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhận được nhiều sự đóng góp hơn. Điều nhất thiết phải làm là đưa ra các cơ chế để khuyến khích được nhiều hơn nữa thành viên của cộng đồng hải ngoại trong các lĩnh vực STEM tham gia giảng dạy trong các trường ở quê nhà.

Một thách thức khác là thiếu các cơ chế thể chế và cơ chế phối hợp rõ ràng. Bộ Ngoại giao từng phụ trách tất cả các vấn đề liên quan đến cộng đồng hải ngoại. Trong một cuộc cải tổ gần đây, một cơ quan tự trị chịu trách nhiệm về các vấn đề cộng đồng hải ngoại đã được thành lập. Tuy nhiên, cơ quan này đang ở giai đoạn đầu của việc tổ chức và chuẩn bị nguồn nhân lực và dường như vẫn chưa sẵn sàng để bắt kịp với đà phát triển hiện tại nên sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức và các bên liên quan vẫn chưa được hiệu quả.

Sự đóng góp của cộng đồng người Phi lưu vong trong các lĩnh vực tri thức và giáo dục đại học từ lâu vẫn kém xa tiềm năng của họ.

Điều này được kết hợp bởi thực tế là phần lớn các trường đại học không có bất kỳ cách tiếp cận rõ ràng và hợp lý nào để thu hút và khai thác sự tham gia của các học giả lưu vong. Hầu hết các sáng kiến đều đến từ phía những trí thức kiều bào và diễn ra theo cách rời rạc, tự phát, phụ thuộc nhiều vào các kết nối cá nhân hơn là được tổ chức theo hệ thống. Bộ Khoa học và Giáo dục đại học cần có trách nhiệm phối hợp và hợp tác với các trường đại học, xây dựng một khung chính sách và thể chế để thu hút cộng đồng lưu vong tham gia vào lĩnh vực tri thức.

Ở đây, điều quan trọng là phải nhìn nhận rằng tình trạng thiếu ổn định và thiếu đảm bảo, đặc biệt trong các tổ chức công, là một trở ngại nghiêm trọng. Điều này không chỉ ngăn cản các học giả lưu vong trở về, mà còn tạo thành một gánh nặng cho Bộ, khi phải luôn giải quyết tình trạng khủng hoảng thay vì tập trung vào các ưu tiên chiến lược.

Một loại thách thức khác, đặc biệt đối với những người đã trở thành công dân ở các quốc gia khác, là cần đối xử với họ như người Ethiopia hay như người nước ngoài. Đây là một vấn đề đặc biệt trong các trường hợp cộng tác dài hạn, bởi vì nó liên quan đến thù lao và các lợi ích khác. Thực tế, Tuyên bố số 270/2002 cung cấp khuôn khổ pháp lý cho phép những người nước ngoài sinh ra ở Ethiopia được đối xử như người Ethiopia. Những người nước ngoài có giấy xác nhận là sinh ra ở Ethiopia không cần làm thị thực và giấy phép làm việc. Tuy nhiên, việc được xác nhận là sinh ra ở Ethiopia lại đặt ra câu hỏi cá nhân đó sẽ nhận mức thù lao như người Ethiopia hay như người nước ngoài, bằng ngoại tệ hay bằng nội tệ. Người nước ngoài làm việc trong giáo dục đại học ở Ethiopia nhận mức lương cao ít nhất gấp 5 lần so với các học giả người Ethiopia và bằng ngoại tệ. Sự thiếu rõ ràng trong vấn đề này cũng gây ra tranh cãi.

Tóm lại, làn sóng động lực và cải cách hiện nay đang hình thành một môi trường thuận lợi có thể tăng đáng kể quy mô sự tham gia của cộng đồng lưu vong trong lĩnh vực tri thức. Để không bị mất đà, Ethiopia cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp chiến lược nhằm khai thác tiềm năng hấp dẫn của nó.