Dịch chuyển sinh viên: Xem xét lại việc chảy máu chất xám

Rajika Bhandari là Cố vấn cao cấp về nghiên cứu và chiến lược, đồng thời là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tác động dịch chuyển học thuật IIE, Viện Giáo dục quốc tế (IIE), Hoa Kỳ. E-mail: rajika_bhandari@yahoo.com.

Sự dịch chuyển toàn cầu của sinh viên sau trung học vẫn là một hiện tượng đơn phương đáng chú ý: sinh viên từ những nước đang phát triển, hoặc phía Nam bán cầu, mang kiến thức và tài năng của họ đến những nước phát triển, hoặc phía Bắc toàn cầu. Tám trong số 10 nước chủ nhà hàng đầu đều nằm ở những nước phát triển và thu hút khoảng 60% trong số 5 triệu du học sinh trên thế giới. Trong số các quốc gia gửi sinh viên đi du học, chỉ riêng Trung Quốc và Ấn Độ đã chiếm một phần tư số du học sinh trên thế giới. Đồng thời, sự gia tăng của các điểm đến mới và phi truyền thống (ví dụ như Trung Quốc), sự dịch chuyển giữa các khu vực, và sự tăng trưởng của dòng dịch chuyển Nam-Nam là không thể bỏ qua.

Bất chấp những phát triển mới hơn, luồng du học sinh từ Trung Quốc và Ấn Độ đến các nước khác vẫn rất cao, cả về số lượng và về chất lượng: năm 2017 có 869.387 sinh viên từ Trung Quốc và 306.000 từ Ấn Độ đi du học. Mặc dù những con số khá lớn này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong nhóm người ở độ tuổi học đại học ở cả hai quốc gia – 1% ở Trung Quốc và 0,3% ở Ấn Độ, những tỷ lệ thấp này lại che giấu tiềm năng nguồn vốn nhân lực và chất lượng của những sinh viên rời khỏi đất nước để đi du học. Chất lượng có thể là chủ quan, nhưng có một thước đo là xem các sinh viên Ấn Độ và Trung Quốc đang học gì ở nước ngoài, ở những trình độ học vấn cao hơn và trong một số lĩnh vực nghiên cứu nhất định có thể đem lại những lợi ích lớn hơn cho các nước và các nền kinh tế tiếp nhận họ. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, gần một nửa số sinh viên Ấn Độ đang theo học ở cấp độ sau đại học và trong các lĩnh vực STEM (81%). Còn về sinh viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ, mặc dù số lượng sinh viên đại học hiện nay đang nhiều hơn số học viên sau đại học, nhưng vẫn có tới 36% theo đuổi bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ.

Xem xét lại vấn đề chảy máu chất xám

Trong những năm 1950 và 1960, vấn đề “chảy máu chất xám” được xem là tối quan trọng và thậm chí còn được mô tả như một hình thức của chủ nghĩa thực dân. Đến thế kỷ 21, cuộc tranh luận đã chuyển thành “tuần hoàn chất xám”, hay thậm chí là “thu thêm chất xám”. Người ta cho rằng sự mất mát vốn nhân lực của những quốc gia gửi sinh viên đi du học đã được thay thế bằng sự trao đổi cân bằng về kiến thức; quan hệ đối tác quốc tế lâu dài giữa những đối tác bình đẳng; và những đóng góp kinh tế đáng kể của người nhập cư cho quê nhà của họ dưới hình thức chuyển tiền về. Tuy nhiên, ước tính hiện tại về dân số nhập cư và di cư cho thấy đích đến của hầu hết người nhập cư là các nước phát triển, trong khi nơi họ rời đi chủ yếu là các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Bằng chứng về “tỷ lệ lưu trú” và “tỷ lệ trở về” cho thấy một số lượng rất lớn sinh viên từ các nước đang phát triển tiếp tục nhập cư vào những nước sở tại nơi họ theo học, và các khu vực như châu Phi tiếp tục chịu mất mát lớn về nguồn vốn nhân lực do du học sinh không trở về. Năm 2017, chỉ riêng ở Hoa Kỳ, gần 90% sinh viên tiến sĩ người Ấn Độ và 83% sinh viên tiến sĩ người Trung Quốc cho thấy họ quan tâm đến việc ở lại Hoa Kỳ sau khi học xong. Ngoài ra, 80% người nhận bằng tiến sĩ quốc tế trong các lĩnh vực STEM có các kế hoạch học lên và cho biết rằng trong tương lai họ muốn làm việc tại Hoa Kỳ.

Những quốc gia gửi sinh viên đi học và những quốc gia tiếp nhận họ có thể làm gì

Những giải pháp nhằm cân bằng phương trình tri thức giữa những quốc gia gửi đi và những quốc gia tiếp nhận đòi hỏi sự hiểu biết rằng, động lực cơ bản của sinh viên quốc tế từ các nước đang phát triển khác với sinh viên từ các nước phát triển. Hãy xem trường hợp của sinh viên Ấn Độ: động lực chính để họ học tập ở phương Tây không phải là mục tiêu trao đổi văn hóa hay mong muốn học ngoại ngữ. Thay vào đó, những cân nhắc của họ thực dụng hơn, được thúc đẩy bởi sự thiếu năng lực của các tổ chức giáo dục chất lượng cao tại Ấn Độ và mong muốn phát triển nghề nghiệp của họ. Điều này phù hợp với cả hai giả thiết về “điều kiện học tập bị hạn chế” và “di cư vì việc làm”. Mặt khác, dòng chảy sinh viên giữa các quốc gia phát triển, chẳng hạn như giữa Châu Âu và Hoa Kỳ, thường được thúc đẩy vì những lý do như trao đổi văn hóa và tương hỗ, ngoại giao khoa học, và triết lý chung của phương Tây về mở rộng tầm nhìn cho bản thân.

Lĩnh vực du học ngày nay đang trải qua giai đoạn suy ngẫm và kiểm nghiệm lại, chủ yếu do bối cảnh chính trị và xã hội đã thay đổi.

Khi nhận thức rõ các động lực của sinh viên, các quốc gia gửi đi và quốc gia tiếp nhận có thể đóng vai trò trong việc giảm bớt sự mất cân bằng hiện tại, cả trong chính sách và ở cấp độ tổ chức. Ziguras và Gribble đưa ra một khuôn khổ gồm ba nhóm biện pháp cho các quốc gia gửi sinh viên đi: giữ chân, thu hút về nước và tham gia. Biện pháp giữ chân hướng đến việc cung cấp giáo dục đại học đầy đủ và chất lượng cao ngay trong nước, để ngay từ đầu ngăn chặn mức độ di cư cao của sinh viên. Đây là cách mở rộng và xây dựng năng lực gần đây ở cả Trung Quốc và Ấn Độ. Thứ hai, các quốc gia cũng đang cung cấp các ưu đãi cho những tài năng giáo dục nước ngoài của họ trở về nước; một phân tích cho thấy có ít nhất 18 quốc gia có chương trình được thiết kế để thu hút chuyên gia nước ngoài trở về nước. Nhóm biện pháp thứ ba gồm các chiến lược thu hút sự tham gia và xây dựng mạng lưới dựa trên sự ghi nhận rằng, các cá nhân có học vấn và trình độ cao đang sống ở nước ngoài có thể đóng góp công sức thông qua các mạng lưới kiều bào ở hải ngoại, và tham gia vào những sáng kiến khác có thể đem lại lợi ích cho quê nhà của họ và cho phép họ đóng góp, mặc dù từ xa.

Các nước tiếp nhận có thể làm gì? Đầu tiên, ở cấp quốc gia, học bổng do các nước sở tại cấp là một cơ chế lâu dài để tăng cơ hội tiếp cận không chỉ cho sinh viên từ các nước nghèo, mà còn cho các sinh viên bị thiệt thòi và sinh viên từ các nhóm thiểu số trong các quốc gia đó – chương trình học bổng như vậy hiện đang được thực hiện thông qua mục tiêu 4.b của Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Thứ hai, các tổ chức giáo dục không những nên tuyển sinh viên quốc tế từ nhiều quốc gia đa dạng, mà còn cần chú ý hơn đến việc tăng cơ hội tiếp cận cho sinh viên quốc tế tiềm năng, những người không có phương tiện hoặc bí quyết để tiếp cận cơ hội giáo dục toàn cầu. Cuối cùng, cần thực hiện nhiều điều hơn nữa ở cấp độ tổ chức và quốc gia ở những quốc gia lớn tiếp nhận, để thúc đẩy các mạng lưới và hợp tác quốc tế cho phép sinh viên quốc tế và giảng viên nhập cư/kiều bào hải ngoại của họ kết nối với các đồng nghiệp ở quê hương mình.

Lĩnh vực du học ngày nay đang trải qua giai đoạn suy ngẫm và kiểm nghiệm lại, chủ yếu do bối cảnh chính trị và xã hội đã thay đổi. Do đó, cần kịp thời xem xét và đánh giá lại các vấn đề đạo đức cơ bản, các giả định và động lực làm nền tảng cho sự dịch chuyển của sinh viên: làm thế nào để chúng ta đảm bảo rằng dịch chuyển sinh viên và tài năng dựa trên các nguyên tắc tiếp cận, công bằng và toàn diện, cả ở cấp độ sinh viên và cấp quốc gia? Các SDG cũng đã mang lại trọng tâm đổi mới cho những vấn đề này. Cuối cùng, cũng cần phải giải quyết một số khoảng trống quan trọng trong số liệu và tri thức. Chúng ta chưa có đủ những thông tin cơ bản về nền tảng kinh tế xã hội của những sinh viên tham gia trải nghiệm du học. Cần nhiều phép đo cụ thể hơn để xác định loại sinh viên nào sẽ rời khỏi đất nước của họ và điều này tác động thế nào đến lực lượng tài năng tương lai của cả quốc gia quê nhà và quốc gia tiếp nhận họ. Với thực tế là dòng sinh viên và tài năng chảy đi từ phía Nam toàn cầu sẽ luôn lớn hơn, chúng ta cần phát triển các biện pháp khác nhau và có ý nghĩa để những người nhập cư và cộng đồng kiều bào hải ngoại lành nghề có thể tiếp tục đóng góp cho các quốc gia của họ thông qua việc thúc đẩy hợp tác và mạng lưới quốc tế – hiệu ứng nhân rộng vượt xa các biện pháp tài chính đơn giản (mặc dù quan trọng) như kiều hối.