Christine Musselin là Giáo sư nghiên cứu tại Science Po, Trung tâm Xã hội học về các tổ chức thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS), Paris, Pháp. E-mail: christine.musselin@scaticspo. fr.
Nhiều nghiên cứu cho thấy sự hợp tác giữa các đối thủ cạnh tranh có thể có tác động tích cực. Nhưng, đôi khi cạnh tranh và hợp tác đụng độ với nhau. Những cải cách của hệ thống giáo dục đại học Pháp là một trường hợp thú vị để khám phá vấn đề này, bởi vì chúng làm tăng mức độ cạnh tranh, nhưng cũng hỗ trợ sự liên minh hợp tác của các cơ sở giáo dục đại học ở cấp địa phương.
Hợp tác nhiều hơn…
Trong nhiều năm, phân loại các trường đại học, đại học viện (Grandes écoles) và các viện nghiên cứu quốc gia là mối quan tâm thường xuyên của các chính trị gia. Để xóa bỏ sự phân loại thể chế này, Luật Nghiên cứu và Đổi mới năm 2006 đã cho phép các tổ chức giáo dục đại học thành lập tập đoàn địa phương gọi là PRES (tổ hợp giáo dục đại học và nghiên cứu) và phát triển các hoạt động chung. Bắt đầu từ năm 2007, một số dự án PRES đã được chọn và được tài trợ. Nhưng cũng năm đó, một quy định mới đã tăng quyền tự chủ cho các trường đại học Pháp. Hiệu trưởng các trường đại học giảm bớt sự hứng thú với PRES khi phạm vi hoạt động ở cấp trường được nới rộng, hầu hết họ trở nên miễn cưỡng chuyển giao quyền lực cho PRES. PRES vẫn được duy trì nhưng không hoạt động nhiều: một số trường đào tạo tiến sĩ chung được hình thành ở cấp độ đó, nhưng các trường đại học vẫn giữ lại những trách nhiệm khác dưới mái nhà riêng của mình.
Tình trạng này còn phát triển thêm sau khi François Hollande được bầu vào vị trí tổng thống Pháp năm 2012. Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu mới đã củng cố chính sách hợp tác địa phương: PRES trở thành COMUE (Cộng đồng các trường đại học và các viện) và, như quy định của điều luật năm 2013, mọi tổ chức giáo dục đại học phải là thành viên của COMUE và phải chuyển một số quyền hạn cho COMUE. Nhiệm vụ của COMUE là phát triển quan hệ hợp tác giữa các thành viên, chẳng hạn quản lý các trường đào tạo tiến sĩ của COMUE, tạo ra các phòng thí nghiệm nghiên cứu của COMUE, yêu cầu tất cả học giả đưa tên COMUE vào chữ ký của họ, v.v… COMUE cũng chịu trách nhiệm đưa ra chính sách giáo dục đại học và nghiên cứu trong phạm vi địa lý của họ và ký hợp đồng 5 năm với Bộ, thay thế cho hợp đồng với từng trường riêng lẻ. Ý tưởng phía sau việc thành lập COMUE cũng là để đơn giản hóa bối cảnh giáo dục đại học của Pháp: bản đồ của COMUE trông rất giống một khu vườn Pháp (jardin à la française), nếu so sánh với sự mờ nhạt của các trường đại học và Grandes écoles. Với tầm cỡ lớn hơn, COMUE cũng dự kiến sẽ xuất hiện nhiều hơn trên trường quốc tế.
…Và cạnh tranh nhiều hơn
Trong khi những chính sách này nhằm phát triển quan hệ hợp tác giữa các trường gần nhau về khoảng cách địa lý, những chính sách khác lại hướng đến xác định những trường tốt nhất, tưởng thưởng vì hiệu suất cao (chủ yếu trong nghiên cứu) và đề cao sự khác biệt.
Đây là một thay đổi lớn. Tất nhiên, cạnh tranh luôn tồn tại, nhưng hệ thống đại học Pháp từ trước tới nay vẫn dựa trên nguyên tắc bình đẳng quốc gia. Mọi người đều biết rằng trường hợp này không thực sự như vậy, nhưng vẫn kỳ vọng Bộ sẽ đảm bảo nguyên tắc bình đẳng này. Sau những cải cách của những năm 2000, diễn ngôn đã thay đổi: họ muốn phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho những trưởng tốt nhất. Chính phủ kêu gọi triển khai những dự án được chọn lọc kỹ: thành lập PRES hoặc các Mạng lưới khoa học (RTRA, mạng lưới nghiên cứu chuyên đề tiên tiến – advanced thematic research networks), các Plan Campus để tài trợ cho các tòa nhà mới liên kết với các dự án khoa học sáng tạo, và cuối cùng là Chương trình Đầu tư cho Tương lai (PIA – Investment Program for the Future) đầu tư 27 tỷ EUR vào giáo dục đại học và nghiên cứu. Một trong nhiều công cụ của PIA là Idex (sáng kiến xuất sắc – initiatives of excellence) đã tìm cách xác định những trường xuất sắc, đặt mục tiêu chọn ra 10 Idex để tài trợ nếu được đánh giá tốt sau 4 năm. Cho đến nay, PIA đã chọn được 4 Idex và đang xem xét đánh giá 6 trường khác, trong khi 1 đã bị ngừng.
Trong khi những chính sách này nhằm phát triển quan hệ hợp tác giữa các trường gần nhau về khoảng cách địa lý, những chính sách khác lại hướng đến xác định những trường tốt nhất, tưởng thưởng vì hiệu suất cao (chủ yếu trong nghiên cứu) và đề cao sự khác biệt. |
Giao thoa giữa cạnh tranh và hợp tác
Hai luồng cải cách này đã phát sinh mâu thuẫn. Một trong những vấn đề chính của các chương trình cạnh tranh là liệu các trường đại học và/hoặc tập đoàn có nên cạnh tranh với nhau hay không. Vào năm 2007, trong khi tăng quyền tự chủ cho các trường đại học Pháp, Bộ cũng cho ra mắt chương trình Plan Campus nhưng chỉ tài trợ cho PRES, không tài trợ cho các trường đại học riêng lẻ. Điều này cũng diễn ra với dự án Idex. Sau cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Bộ và tổ chức đại diện PIA, người ta đã quyết định rằng chỉ PRES (sau này là COMUE) mới có thể đăng ký Idex. Do đó, ngay từ đầu, Idex đã tạo ra sự mâu thuẫn giữa hai logic: logic thuần túy khoa học được PIA thúc đẩy nhằm xác định những trường tốt nhất, và logic thể chế được Bộ thúc đẩy.
Logic thể chế này tác động đến kết quả của cuộc đua để lọt vào Idex. 3 Idex đầu tiên thiết lập nên xu thế khi ban giám khảo đánh giá cao các dự án hình thành nhờ sáp nhập. Một số tập đoàn có tiềm năng khoa học xuất sắc đã không được chọn vì các dự án của họ không đủ mức độ tích hợp. Trong các lần mời gọi tiếp theo, tất cả các dự án đều đề xuất một ban quản trị tổng hợp hơn và cơn sốt hợp nhất bắt đầu: 9 vụ sáp nhập đã diễn ra, liên quan đến 25 trường, và 3 vụ khác liên quan đến 16 trường sẽ diễn ra vào tháng 1 năm 2020.
Cuộc đua để trở thành Idex làm bộc lộ những mâu thuẫn mới phát sinh. Các trường đại học và các Grandes écoles không dễ dàng hợp tác với nhau. Cho đến nay, các vụ sáp nhập chủ yếu liên quan đến các trường đại học, bởi văn hóa, tình trạng nhân sự, mức lương của họ, v.v … rất khác biệt so với các Grandes écoles. Hơn nữa, hầu hết các Grandes écoles đều sợ phải tuân theo các quy tắc, thực tiễn và văn hóa của các trường đại học lớn và mạnh hơn nhiều trong cùng COMUE với họ. Sự phân biệt thể chế vẫn rất mạnh mẽ.
Những COMUE có thành viên trở thành Idex bị yếu đi và mối quan hệ của họ với các thành viên này trở nên căng thẳng: những kẻ thắng cuộc không sẵn sàng chia sẻ tài trợ Idex của họ với các thành viên khác trong cùng COMUE và về mặt hợp tác, họ thích làm việc với các đối tác khoa học của mình (thường không cùng địa phương). Trong những COMUE không có thành viên là Idex sự cạnh tranh cũng gia tăng, vì những thành viên có danh tiếng khoa học mạnh nhất trong đó thích hoạt động độc lập và do đó giảm sự hợp tác với cộng đồng xuống mức tối thiểu. Hơn nữa, những COMUE này không cung cấp được điều gì hấp dẫn, vì họ không nhận được thêm tiền từ nhà nước.
Điều này phản ánh những mâu thuẫn giữa quan hệ hợp tác dựa trên khoảng cách gần mà các COMUE đang trông cậy vào và quan hệ hợp tác dựa trên vị thế, dựa trên mạng lưới khoa học. Do đó, nhiều COMUE sắp giải thể hoặc sẽ được tổ chức lại: với cách quản trị hiện tại, các thành viên COMUE có quyền xem xét lại vị thế của họ và thay đổi cách vận hành, hoặc COMUE sẽ chuyển đổi thành một hiệp hội lỏng lẻo hơn.