Ấn Độ: Xu hướng tập trung giáo dục đại học ở đô thị

N.V. Varghese là Viện trưởng đồng thời là Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách về Giáo dục Đại học, Viện Quản lý và Kế hoạch Giáo dục Quốc gia (CPRHE/NIEPA), New Delhi, Ấn Độ. E-mail: nv.varghese@niepa.ac.in. Jinusha Panigrahi là trợ lý giáo sư tại CPRHE/NIEPA. E-mail: jinusha@niepa.ac.in.

Nhìn chung, đại chúng hóa giáo dục đại học thường đồng nghĩa với việc tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục đại học và giảm bớt bất bình đẳng. Bằng chứng thực nghiệm ở Ấn Độ lại cho thấy việc mở rộng hệ thống kéo theo nhiều hình thức bất bình đẳng khác nhau. Giáo dục đại học ở Ấn Độ vốn dĩ vẫn chậm tăng trưởng, và có tỷ lệ nhập học thấp. Thế kỷ này chứng kiến một bước ngoặt kịch tính khi lĩnh vực này trải qua sự tăng trưởng nhanh chóng dẫn đến sự đại chúng hóa của ngành. Trong năm học 2017-2018, Ấn Độ có hơn 900 trường đại học, 41 ngàn trường cao đẳng, 36,6 triệu sinh viên và tỷ lệ nhập học chung (GER) là 25,8%. Sự bất bình đẳng trong phát triển giáo dục đại học giữa các khu vực tăng lên và bất bình đẳng xã hội vẫn tiếp tục cao, nhưng bất bình đẳng giới đang giảm đi. Dựa trên một nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Chính sách về Giáo dục Đại học tại Viện Quản lý và Kế hoạch Giáo dục Quốc gia (CPRHE/NIEPA) thực hiện, bài viết này nêu ra một số đặc điểm quan trọng của hiệu ứng tập trung và xu hướng đô thị trong phát triển giáo dục đại học ở Ấn Độ. Điều này liên quan đến chính sách giáo dục đại học của Ấn độ và của những quốc gia khác trên thế giới đang gặp vấn đề tương tự.

Xu hướng đô thị trong phát triển giáo dục đại học

Bất kỳ quá trình tăng trưởng kinh tế nào đều tạo ra hiệu ứng tập trung và khuếch tán. Hiệu ứng tập trung xảy ra do nguồn lực phân bổ không đồng đều dẫn đến sự phân cực các khu vực. Hiệu ứng khuếch tán, do các mối liên kết xuôi và liên kết ngược của nguồn lực, dẫn đến sự phát triển lan rộng. Nền kinh tế tri thức dựa vào các trường đại học để sản xuất tri thức và đào tạo nhân lực tri thức, nên sự phát triển khuếch tán của các trường đại học giúp phát triển năng lực nghiên cứu có thể thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn và giúp cho các khu vực phát triển cân bằng.

Như ở nhiều nước, giáo dục đại học ở Ấn Độ có xu hướng phát triển mạnh ở đô thị. Nhóm các trường đại học đầu tiên được thành lập vào năm 1857 tại các Presidencies (thành phố) của Calcutta, Bombay và Madras. Trong thời kỳ hậu phụ thuộc, các cơ sở giáo dục đại học (HEI) mới thành lập thường lựa chọn địa điểm là đô thị. Các trường đại học được thành lập trong những năm 1950 và 1960 chủ yếu ở các khu vực thành thị hoặc bán ngoại ô. Chỉ các viện nông thôn và các trường đại học nông nghiệp là ngoại lệ đối với xu hướng này.

Ở Ấn Độ, có thể thấy rõ những địa phương có ít trường đại học thì cũng có tỷ lệ nhập học thấp. Trong những năm 1970, chính sách công đã đặc biệt chú ý đến việc thành lập các HEI ở khu vực nông thôn, khu vực kém phát triển và vùng sâu vùng xa nhằm giảm thiểu sự mất cân bằng giữa đô thị và nông thôn trong phát triển giáo dục đại học. Tuy nhiên, sự phổ biến của HEI tư nhân (PHEI) cũng bù đắp cho các sáng kiến công nhằm giảm bớt bất bình đẳng trong khu vực. Trong những năm 1980 và sau đó, khi đầu tư công vào giáo dục đại học bị cắt giảm, khu vực tư nhân trở nên tích cực thành lập các HEI ở các khu vực thành thị và bán đô thị, đặc biệt là trong các ngành học chuyên môn và kỹ thuật.

Sự tập trung của các tổ chức giáo dục đại học

Các tác giả đã phát triển một thước đo mật độ tập trung để đánh giá sự bất bình đẳng trong phân bố HEI. Phương pháp này tính đến nhóm tuổi (18 đến 23); tổng số sinh viên trong giáo dục đại học; số lượng cơ sở giáo dục đại học ở mỗi khu vực; quy mô trung bình của các trường; và GER.

Sự chênh lệch về mật độ phân bố HEI giữa các khu vực đã lớn hơn. Ví dụ, số lượng trường tính trên 100 ngàn dân thay đổi từ 7 ở Bihar đến 56 ở Telangana. Mặc dù số lượng HEI đã tăng lên ở tất cả các bang, tốc độ tăng trưởng của các bang lại khác nhau. Nói cách khác, sự bất bình đẳng giữa các khu vực trong cung cấp giáo dục đại học vẫn tiếp tục tăng là do các cơ sở giáo dục có tốc độ tăng trưởng khác nhau, không phải do không có tăng trưởng.

Sự bất bình đẳng trong phát triển giáo dục đại học giữa các khu vực tăng lên và bất bình đẳng xã hội vẫn tiếp tục cao, nhưng bất bình đẳng giới đang giảm đi.

Ở hầu hết các bang, mật độ tập trung tỷ lệ thuận với GER và tỷ lệ nghịch với quy mô trung bình của các trường. Những phát hiện này ngụ ý rằng những bang có mật độ HEI cao có các cơ sở giáo dục lớn hơn và mỗi cơ sở cũng có số lượng sinh viên đông hơn. Điều này không đáng ngạc nhiên, khi tính đến hệ số tương quan cao và tích cực (0,84) giữa số lượng HEI và số lượng các trường trung học phổ thông mà học sinh tốt nghiệp từ đó tạo thành nguồn nhu cầu xã hội cao đối với giáo dục đại học.

Phân tích tiếp theo cho thấy những bang mà các cơ sở giáo dục đại học tư nhân (không được chính phủ hỗ trợ) chiếm thị phần lớn hơn cũng có mật độ HEI cao hơn. Sự gia tăng số lượng PHEI đã góp phần làm tăng mật độ HEI ở các bang. Trái lại, những bang phụ thuộc chủ yếu vào các trường công có mức độ tập trung HEI thấp hơn. Những xu hướng này cho thấy phản ứng của thị trường trước nhu cầu xã hội ngày càng tăng đối với giáo dục đại học là một nguyên nhân dẫn đến sự tập trung các HEI ở khu vực thành thị.

Phân tích dựa trên 635 tỉnh cho thấy một số tỉnh có mật độ tập trung HEI cao hơn nhiều so với các tỉnh khác. Trong đó, 17 tỉnh hoàn toàn không có trường đại học nào và 191 tỉnh có mật độ tập trung rất thấp – những tỉnh này cần chú ý khẩn cấp đến nhu cầu mở HEI mới. 54 tỉnh cần thành lập HEI đa ngành, 121 tỉnh cần các HEI về kỹ thuật và 16 tỉnh cần cả hai loại nói trên. Tiếp theo trong danh sách, khoảng 293 tỉnh cũng cần thành lập thêm các HEI để đáp ứng nhu cầu giáo dục của dân chúng.

Những lợi ích của sự tập trung

Từ những phân tích trên có thể rút ra một kết luận chung là giáo dục đại học ở Ấn Độ phát triển theo xu hướng tập trung, và chủ yếu ở các vùng đô thị. Gần 75% các tỉnh đang thiếu HEI, nơi chỉ có rất ít trường hoặc hoàn toàn không có. Thành lập HEI mới theo thứ tự ưu tiên những nơi có mật độ tập trung thấp có thể giúp quốc gia loại bỏ sự bất bình đẳng hiện có trong việc cung cấp giáo dục đại học và đạt được tình trạng phân bố HEI cân bằng hơn.