Vấn đề sinh viên Trung Quốc ở Úc

Anthony Welch là Giáo sư Giáo dục tại Trường Giáo dục & Công tác xã hội, Đại học Sydney, Úc. E-mail: [email protected].

Như ở một số quốc gia khác, quan điểm của Úc về ảnh hưởng của Trung Quốc trong giáo dục và nghiên cứu đại học đã trở thành một vấn đề quan trọng từ một năm trước hoặc lâu hơn nữa. Ở Úc, cuộc tranh luận trở nên sôi nổi khi chạm đến các xu hướng tuyển sinh, các vấn đề giao thức và bảo mật Internet, Học viện Khổng Tử, và thậm chí trở thành phân cực và bị chính trị hóa, khi một số nhà phê bình cho rằng một vài chính trị gia đang cố tìm kiếm lợi ích chính trị. Tuy nhiên, nước Úc có hai điểm khác biệt chính so với Hoa Kỳ và Canada. Thứ nhất là mức độ phụ thuộc tài chính vào sinh viên Trung Quốc của các trường đại học trên cả nước. Thứ hai là quyết định không đóng cửa bất kỳ Viện Khổng Tử nào.

Sự phụ thuộc vào “thị trường người” Trung Quốc

Cũng như ở một số quốc gia vẫn tiếp nhận số lượng lớn sinh viên quốc tế, sinh viên từ Trung Quốc đại lục tạo thành nhóm lớn nhất trong lực lượng sinh viên quốc tế ở Úc. Trong số gần 400 ngàn sinh viên quốc tế theo học tại các trường đại học Úc năm 2018, sinh viên Trung Quốc chiếm ít nhất 30%. Mặc dù điều này không nhất thiết khác với các hệ thống nói tiếng Anh lớn khác như Anh Quốc hoặc Hoa Kỳ, mức độ phụ thuộc tài chính vào nguồn thu từ sinh viên quốc tế của các trường đại học Úc là khác biệt. Dữ liệu gần đây nhận được từ các kiểm toán viên chính phủ và từ các báo cáo hàng năm của các trường đại học cho thấy trong số các trường đại học tốp trên của Úc – nhóm Eight (Go8) – một số trường có 30% doanh thu hàng năm là từ sinh viên quốc tế. Đại học Melbourne và Đại học Sydney thu được hơn 750 triệu đô la Úc mỗi trường (tương đương 535 triệu đô la Mỹ) chỉ từ sinh viên quốc tế. Nếu tạm tính rằng hơn 30% số tiền này là nguồn thu từ sinh viên Trung Quốc, không có gì ngạc nhiên khi hiệu trưởng các trường đại học trên cả nước đều lo lắng trước bất kỳ sự sút giảm số lượng nào trong tuyển sinh từ Trung Quốc, và họ đang phải tìm cách nhanh chóng đa dạng hóa sinh viên quốc tế trong các tổ chức của mình. Một phần vì lý do đó mà tuyển sinh từ Ấn Độ đã tăng 32% trong năm 2018, từ Nepal tăng 51% và từ Brazil 10%. Trường Kinh doanh Đại học Sydney gần đây đã đưa ra chương trình giảm phí 1 triệu đô la Úc để thu hút 100 sinh viên đạt thành tích cao từ các quốc-gia-châu-Á-không-phải-Trung-Quốc như Hàn Quốc và Ấn Độ.

Có những lo ngại về an ninh không?

Vì nhiều lý do giống nhau, lãnh đạo các trường đại học bắt đầu có xu hướng phản bác những lo ngại được nêu ra bởi một số người trong các cơ quan an ninh của Úc, như Australian Signals Directorate – ASD. Người đứng đầu ASD, chịu trách nhiệm bảo vệ đất nước khỏi các mối đe dọa mạng toàn cầu, gần đây đã nhấn mạnh rằng sự Dịch chuyển về Phương Đông cũng kèm theo sự gia tăng các trung tâm công nghệ và nghiên cứu và phát triển hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm Công ty công nghệ truyền thông 5G hàng đầu thế giới Huawei, mà gần đây đã bị Úc cấm với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Hoa Kỳ. Khi được hỏi về trường hợp các nhà nghiên cứu Trung Quốc làm việc tại Úc, những người đồng thời là sĩ quan Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), tham gia vào nghiên cứu công nghệ cao trong các lĩnh vực như điện toán lượng tử, robot, vật liệu mới hoặc trí tuệ nhân tạo, nhưng không tiết lộ thân thế quân sự của họ và sau đó trở về Trung Quốc mang theo kết quả nghiên cứu, một vị hiệu trưởng nổi tiếng đã gạt đi những lo ngại và cho rằng đó là sự “đả kích Trung Quốc”. Một báo cáo từ Viện Chính sách Chiến lược Úc vào cuối năm 2018 đã liệt kê Đại học New South Wales (UNSW), một trong những tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Úc, là một trong số ít các tổ chức hàng đầu bên ngoài Trung Quốc đã hợp tác và công bố nghiên cứu chung với các nhà khoa học PLA. Đáp lại, hiệu trưởng của trường UNSW, nơi được hưởng lợi đáng kể cả từ sự hợp tác với các học giả Trung Quốc và từ đầu tư của Trung Quốc vào nghiên cứu khoa học chung, đã biện hộ cho sự hợp tác của tổ chức với Đại học Quốc phòng Trung Quốc như một hoạt động bình thường của một trường đại học quốc tế, và chỉ ra rằng kết quả được công bố trên các tạp chí quốc tế được bình duyệt. Và rằng, UNSW đã tiến hành đánh giá nghiêm ngặt để đảm bảo các nội dung chuyên môn quân sự không bị mang ra khỏi Úc. Tư cách thành viên của Úc trong mạng chia sẻ thông tin tình báo của “Five Eyes” (Úc, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ), nơi quy tụ nhiều nhà khoa học, nghiên cứu viên và kỹ sư trong số 2500 người dường như được PLA gửi ra nước ngoài để làm việc với các nhà nghiên cứu quốc tế trong những năm gần đây – chỉ càng làm cho cuộc tranh luận về vấn đề này thêm gay gắt.

Các viện Khổng Tử

Không giống như ở Canada và Hoa Kỳ, không có Học viện Khổng Tử (Confucius Institute – CI) nào ở Úc bị đóng cửa do lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc hoặc do kiểm soát chính trị. Trong số 40 trường đại học Úc, 13 trường có Học viện Khổng Tử, bao gồm 6 trong số 8 trường Go8 hàng đầu. Điều này không ngụ ý rằng không có những tranh cãi về vai trò và tầm quan trọng của chúng. Một số nhà phê bình trên các phương tiện truyền thông, và một vài kẻ hiếu chiến chống Trung Quốc, đã lập luận rằng cần buộc các CI đăng ký như các thực thể nước ngoài phải chịu sự kiểm soát của đạo luật mới của Úc về sự can thiệp nước ngoài (tương tự như Đạo luật Đăng ký Đại lý Nước ngoài của Hoa Kỳ), được thông qua vào giữa năm 2018. Lập luận rằng các CI nhận được tài trợ từ cơ quan Hanban của Bắc Kinh, và họ tìm cách gây ảnh hưởng đến quan điểm về Trung Quốc và có lẽ là chiến lược hội nhập quốc tế của các trường đại học chủ nhà của họ, một số người đã chỉ trích lãnh đạo các trường đại học vì đã không đăng ký các CI là các thực thể nước ngoài và mô tả hành động này như sự luồn cúi trước Bắc Kinh vì sợ mất sinh viên hoặc mất nguồn đầu tư nghiên cứu từ Trung Quốc. Các trung tâm khác, chẳng hạn như Trung tâm USAsia tại Đại học Western Úc và Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Sydney, đã đăng ký theo luật mới và chính phủ liên bang gần đây đã gửi thư thông báo về chính sách mới cho tất cả các CI. Ngược lại, một số học giả về Trung Quốc đã đưa ra sự so sánh giữa một bên là Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ nổi tiếng của Đại học Sydney với nhiệm vụ ủng hộ vai trò quan trọng của liên minh quốc phòng và chiến lược với Hoa Kỳ và thực hiện một loạt các khóa học thường xuyên như một phần của chương trình giảng dạy trong trường đại học, và bên kia là các CI nhỏ hơn và được tài trợ khiêm tốn hơn nhiều, nơi cung cấp các khóa học ngôn ngữ và Thái cực quyền mà không có vai trò gì trong giảng dạy đại học hoặc sau đại học. Lập luận ở đây là, sự cởi mở và tự do trí tuệ đòi hỏi rằng, khi các trường đại học cho phép các trung tâm như Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ của Đại học Sydney tích cực định hình các các tranh luận về an ninh và liên minh chiến lược của Úc, thì hoàn toàn không hợp lẽ khi coi các CI là những tác nhân nước ngoài có tiềm năng gây ảnh hưởng. Nếu các CI bị chỉ mặt gọi tên, thì nên chăng các tổ chức như Trung tâm Pháp ngữ của Pháp và Viện Goethe của Đức, chẳng hạn, cũng phải tuân thủ luật pháp mới của quốc gia?

Sinh viên từ Trung Quốc đại lục tạo thành nhóm lớn nhất trong lực lượng sinh viên quốc tế ở Úc.

Không giống như ở Hoa Kỳ, nơi các chính trị gia của cả cánh tả và hữu đều đồng ý rằng Trung Quốc là đối thủ chiến lược cần bị kiềm chế, đặc biệt là trong những lĩnh vực chính của nghiên cứu và phát triển công nghệ cao – được nhấn mạnh trong chính sách Made in China 2025 của Trung Quốc, các ý kiến tranh luận ở Úc đang bị phân cực. Một phần lý do là vì tính đến vị trí địa lý và sự hội nhập ngày càng tăng trong khu vực, Úc nhận ra rằng tương lai của nó nằm ở châu Á, bao gồm các cơ hội mở rộng nghiên cứu hợp tác, đặc biệt với Trung Quốc. Trong khi đó, các liên minh chiến lược và quốc phòng vẫn gắn liền với Hoa Kỳ, bao gồm cả vai trò trong mạng lưới tình báo Five Eyes. Tuy nhiên Úc vẫn chưa tìm ra cách thức để thỏa hiệp những lợi ích cạnh tranh này. Các trường đại học của Úc đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào nghiên cứu hợp tác quốc tế, bao gồm với Trung Quốc là quốc gia đã trở thành đối tác tri thức lớn trong những năm gần đây. Trí thức Hoa kiều, một thành phần quan trọng và vẫn tiếp tục tăng thêm trong nhân lực các trường đại học Úc, đang lo lắng theo dõi những thay đổi thời cuộc, bao gồm cả những tuyên bố chống Trung Quốc. Trước đây, theo truyền thống, các trường đại học Úc cam kết cho phép truy cập các nghiên cứu của họ, nhưng hiện nay, dưới áp lực phải kiểm soát nghiên cứu hợp tác quốc tế trên cơ sở an ninh, các trường đại học Úc đang là nơi diễn ra những căng thẳng và mâu thuẫn. Mức độ phụ thuộc cao và lâu dài của họ vào học phí quốc tế, đặc biệt là sinh viên từ Trung Quốc, sẽ là một yếu tố chính quyết định các phản ứng của họ.