Thu hút và giữ chân Giảng viên quốc tế

Wondwosen Tamrat PGiáo sư, Chủ tịch sáng lập Đại học St. Mary EthiopiaPhân hội PROPHE. Email: wondwosentamrat@gmail.com hoặc preswond@smuc.edu.et.

 Kỹ năng truyền đạt, tính đa dạng và danh tiếng là những giá trị được thừa nhận rộng rãi mà giảng viên quốc tế mang lại cho bất kỳ hệ thống giáo dục đại học nào. Mặc dù có sự tương đồng trong mối quan tâm thu hút giảng viên quốc tế, các hệ thống khác nhau đặt ra những mục tiêu khác nhau khi sử dụng họ. Sự khác biệt trong mục tiêu sử dụng được thể hiện qua hoạt động thu hút, tuyển dụng, thuê mướn và giữ chân giảng viên quốc tế.

Ethiopia chưa từng là thuộc địa, nhưng lịch sử của nền giáo dục hiện đại phản ánh sự phụ thuộc nặng nề và có hệ thống vào nhân lực nước ngoài. Ảnh hưởng của chuyên gia nước ngoài thể hiện rõ trong nhiều lĩnh vực, từ việc thiết lập hệ thống trường học, thiết kế chính sách và chương trình giảng dạy, cho đến tuyển dụng nhân sự ở cấp cố vấn, hiệu trưởng, cán bộ quản lý, giảng viên.

Học viện phương tây đầu tiên ở Ethiopia, Menelik II School thành lập năm 1908, phụ thuộc hoàn toàn vào người Copt của Ai Cập. Hiệu trưởng và giảng viên của trường Teferi Mekonen School, được thành lập năm 1925, đều là những người nước ngoài đến từ Lebanon thuộc Pháp, còn chủ tịch trường là Hakim Workneh Eshete, một người Ethiopia được đào tạo ở nước ngoài. Ethiopia bắt đầu những nỗ lực khiêm tốn hình thành hệ thống giáo dục hiện đại của họ ngay trước khi chiến tranh Italia-Ethiopia nổ ra vào năm 1935, chỉ với vài trăm giảng viên (tính cả người nước ngoài). Trước cuộc chiến này ngôn ngữ sử dụng chính trong các trường học là tiếng Pháp.

Trong thời kỳ bị Ý chiếm đóng (1935-1941), phần lớn trí thức địa phương bị giết hoặc buộc phải rời bỏ đất nước; vì thế sau chiến tranh, Ethiopia phải dựa vào chuyên gia nước ngoài để xây dựng lại hệ thống giáo dục. Do được Lực lượng Đồng minh hỗ trợ giải phóng vào năm 1941, giai đoạn 1942-1952 tiếp theo Ethiopia chịu sự chi phối bởi sự hiện diện và ảnh hưởng đáng kể của người Anh trong ngành giáo dục và các bộ/ngành khác của chính phủ.  Vào nửa cuối thập niên 1950, các chuyên gia và giáo viên người Anh được người Mỹ thay thế do liên minh với Hoa Kỳ được củng cố thông qua Chương trình Hỗ trợ Kỹ thuật Point Four (sau này đổi tên thành Cơ quan Phát triển Quốc tế – AID). Trong hai thập kỷ tiếp theo, Hoa Kỳ có ảnh hưởng rất lớn trong nhiều lĩnh vực, bao gồm giáo dục. Người Mỹ đã tham gia tái tổ chức Bộ Giáo dục, cung cấp nhân lực, tài liệu, sách giáo khoa, và thành lập các tổ chức giáo dục đại học đầu tiên của đất nước.

Khi Đại học Addis Ababa (UCAA, đại học đầu tiên của nước này) được thành lập vào năm 1950, giảng viên và chủ tịch đều là người Canada dòng Tên. Thực tế, UCAA không có giảng viên người Ethiopia trong bốn năm đầu hoạt động. Các tổ chức đào tạo đại học khác được thành lập từ năm 1950 đến 1960 cũng tương tự. Số lượng và quốc tịch của giảng viên quốc tế trong các trường đại học này được quyết định bởi cách thành lập, quốc tịch của lãnh đạo và chính sách tuyển dụng của từng trường. Mặc dù có một số thay đổi vào cuối chính thể Hoàng gia, do chính sách “Ethiopia hoá” được thực hiện một cách thận trọng, giảng viên quốc tế vẫn chiếm ưu thế tại Đại học Haile Selassie I (HSIU, nay là Đại học Addis Ababa). Vào năm 1973, 54% nhân lực của HSIU là người nước ngoài.

Sự cân bằng giữa đội ngũ quốc tế và địa phương tại các đại học Ethiopia đã thay đổi đáng kể sau cuộc cách mạng năm 1974, khiến nhiều người nước ngoài rời khỏi đất nước do chính sách xã hội chủ nghĩa và mối quan hệ với các nước thuộc khối Đông phương. Khoảng trống lớn sau sự ra đi của những người nước ngoài phương Tây được lấp đầy bởi lực lượng đến từ các nước xã hội chủ nghĩa, sự phụ thuộc vào giảng viên nước ngoài vẫn tiếp tục trong một thập kỷ sau khi chính quyền xã hội chủ nghĩa nắm quyền. Trong tổng số nhân lực đại học 934 người vào năm 1982-1983, có 335 (36%) là người nước ngoài. Giảng viên quốc tế chiếm tỷ lệ thống trị rõ rệt hơn ở các vị trí học thuật cao.

Vẫn cần người nước ngoài                

Hiện nay, nhu cầu và ảnh hưởng của giảng viên quốc tế ở các cấp giáo dục thấp đã chấm dứt, trong khi tầm quan trọng của họ trong việc nâng cao năng lực giảng dạy/học tập và nghiên cứu ở bậc giáo dục đại học vẫn tiếp tục được thừa nhận, nhất là trong bối cảnh giáo dục đại học được mở rộng mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua.

Vào nửa cuối thập niên 1950, các chuyên gia và giáo viên người Anh được người Mỹ thay thế do liên minh với Hoa Kỳ được củng cố thông qua Chương trình Hỗ trợ Kỹ thuật Point Four.

Hiện có khoảng 8% trong số 30 ngàn nhân lực đại học Ethiopia là người nước ngoài, hầu hết làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu khan hiếm nhân lực địa phương. Một số khá lớn giảng viên quốc tế được tuyển dụng từ Ấn Độ, Nigeria và Philippines, cũng có từ châu Âu và các quốc gia khác. Giảng viên quốc tế được tuyển dụng theo các mô hình khác nhau, bao gồm sự tham gia trực tiếp của các trường đại học và/hoặc thông qua trung gian là các tổ chức tuyển dụng mọc lên gần đây nhằm khai thác lĩnh vực kinh doanh mới này. Trong Kế hoạch Phát triển Giáo dục lần thứ 5 (2015-2016 đến 2019-2020), chính phủ dự định sẽ tăng tỷ lệ giảng viên nước ngoài lên 10%. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể sẽ bị thách thức bởi những phát triển mới trong ngành.

Những thách thức trước mắt

Các vấn đề về tiền lương, thuế và chất lượng nhân lực (và những vấn đề khác) là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thu hút, tuyển dụng và giữ chân đội ngũ giảng viên quốc tế tại các trường đại học Ethiopia. Tuỳ theo quốc tịch, thù lao của người nước ngoài ở các trường công trung bình là 2.500 – 3.000 USD mỗi tháng, chênh lệch rất lớn so với thu nhập ít ỏi của giảng viên bản địa. Mặc dầu vậy, giảng viên nước ngoài cho rằng mức lương này vẫn thấp hơn nhiều so các quốc gia khác có nền kinh tế tương tự. Bên cạnh sự cạnh tranh về mức lương giữa giảng viên trong nước và quốc tế, giới hạn của thang bậc lương cũng gây khó khăn cho những trường muốn thu hút và tuyển dụng những tài năng giỏi nhất. Vấn đề thuế gần đây cũng trở thành một nguồn gây bất mãn khác trong giảng viên quốc tế, ảnh hưởng đến động lực duy trì công việc của họ. Một loại thuế mới đánh vào mức lương cơ bản đang buộc một số lượng đáng kể các giảng viên quốc tế (đặc biệt là người Ấn Độ, chiếm đa số) rời bỏ công việc để về nước. Giảng viên quốc tế còn đối mặt với một thách thức lớn khi họ phải cố gắng để được sinh viên và cộng đồng học thuật bản địa chấp nhận, đặc biệt khi công việc họ thực hiện không đáp ứng được kỳ vọng.

Cho đến khi những nỗ lực của Ethiopia trong việc mở rộng chương trình đào tạo sau đại học, đặc biệt là bậc tiến sĩ, kết hợp với sự trở về của đông đảo ứng viên hiện đang được đào tạo ở nước ngoài đáp ứng được nhu cầu nhân lực của ngành giáo dục đại học, nhu cầu tuyển dụng giảng viên nước ngoài vẫn không giảm. Trước những thách thức nghiêm trọng nêu trên, tình huống này đòi hỏi một chính sách kiên định cấp quốc gia và quản lý hợp lý ở cấp trường.