Philip G. Altbach là Giám đốc sáng lập và Giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: altbach@bc.edu.
Phiên bản rút gọn của bài viết này đã được đăng trong tờ South China Morning Post, Hồng Kông.
Các trường đại học ở các nước lớn vẫn đang phải phụ thuộc vào sinh viên Trung Quốc, bởi vì số lượng sinh viên quốc tế ngày càng quan trọng, và ở một mức độ nào đó sự phụ thuộc này phát sinh từ nhu cầu cân bằng ngân sách và trong một số trường hợp để lấp chỗ trống. Số lượng đáng kể các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ – lực lượng nghiên cứu mà các phòng thí nghiệm cần đến và đôi khi cũng tham gia giảng dạy, cũng đến từ Trung Quốc. Vì nhiều lý do, vai trò của Trung Quốc trong giáo dục đại học toàn cầu sắp thay đổi đáng kể, và sẽ tác động đến phần còn lại của thế giới.
Một phần ba trong số 1,1 triệu sinh viên quốc tế tại Hoa Kỳ đến từ Trung Quốc. Có thể thấy tỷ lệ tương tự ở các quốc gia tiếp nhận lớn như Úc (38%) và Vương quốc Anh (41% sinh viên ngoài EU). Điều này đã tạo ra tình trạng phụ thuộc quá mức một cách bền vững. Ngoài ra còn có những thách thức lớn liên quan đến Viện Khổng Tử Trung Quốc, sự tham gia của Trung Quốc vào nghiên cứu ở một số nước sở tại và các nước khác. Nói tóm lại, một số vấn đề xung đột và khủng hoảng có khả năng ảnh hưởng đến quan hệ giáo dục đại học giữa Trung Quốc với các đối tác quan trọng.
Trung Quốc không chỉ có số lượng sinh viên lớn nhất thế giới, mà còn là quốc gia xuất khẩu sinh viên lớn nhất, với hơn 600 ngàn sinh viên du học năm 2017. Khoảng 35% là sinh viên ở bậc đại học và chuyên nghiệp. Lần đầu tiên, Trung Quốc chủ động tham gia vào giáo dục đại học quốc tế. Hơn 440 ngàn sinh viên quốc tế, phần lớn từ các nước châu Á khác, đang học tập tại Trung Quốc. Trong sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng tỷ đô la, giáo dục đại học là một thành phần đáng kể.
Cuộc khủng hoảng đang đến gần
Mối quan hệ hữu hảo giữa Trung Quốc và các nước tiếp nhận lớn đã bắt đầu trải qua một loạt những thay đổi mạnh mẽ và tiêu cực. Những điểm mấu chốt kết hợp với nhau đang dẫn đến cuộc khủng hoảng trong tương lai gần có thể được tóm tắt ngắn gọn như sau:
- Ở Trung Quốc, một số diễn biến quan trọng đang xảy ra. Xu hướng nhân khẩu kết hợp với sự mở rộng đáng kể hệ thống giáo dục đại học Trung Quốc có nghĩa là sẽ có nhiều cơ hội học tập trong nước hơn. Điều đặc biệt quan trọng đối với những sinh viên phải dịch chuyển về mặt địa lý là họ có nhiều cơ hội tiếp cận các trường đại học tốt nhất của Trung Quốc, vì tiền tỷ đã được chi ra để nâng cấp 100 trường đại học hàng đầu Trung Quốc hoặc nhiều hơn thế. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đưa ra những hạn chế mới đáng kể đối với tự do học thuật và thu hẹp không gian trí tuệ. Hệ tư tưởng đã giành được vị trí trung tâm hơn trong đời sống học thuật và việc truy cập thông tin – vốn chưa bao giờ được công bố thực sự đầy đủ, bị giám sát và kiểm soát chặt hơn với các công nghệ mới. Những thay đổi này có thể tạo ra những xu hướng trái ngược nhau. Một số sinh viên thấy không cần phải ra nước ngoài du học mà vẫn có thể tiếp cận những trường đại học chất lượng cao, trong khi đó việc kiểm duyệt chặt chẽ lại khiến số khác rời đi. Ngoài ra, trong phạm vi Trung Quốc, các thỏa thuận hợp tác học thuật với các trường đại học nước ngoài đang chậm lại. Mùa hè năm ngoái, 234, hoặc 1/5 các quan hệ đối tác đại học quốc tế của Trung Quốc đã chấm dứt, trong đó có hơn 25 đối tác là các tổ chức của Mỹ, dù sao thì trước đó nhiều trường trong số này cũng không hoạt động. Cuối cùng, ý tưởng về “giáo dục khai phóng”, một thời phổ biến trong các trường đại học ưu tú, đã bị hoài nghi. Nói tóm lại, vì cả lý do chính trị nội bộ và như một phản ứng trước sự chỉ trích của nước ngoài, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, Trung Quốc dường như trở nên kém cởi mở hơn trong hợp tác quốc tế với các trường đại học hàng đầu.
- Trung Quốc đang phải gánh chịu sự chỉ trích và áp lực ngày càng tăng từ nước ngoài – những chỉ trích có khả năng dẫn đến những hạn chế từ một số quốc gia và phản ứng từ chính Trung Quốc.
- Ví dụ như Hoa Kỳ đã thắt chặt các quy định cấp thị thực cho sinh viên người Trung Quốc trong một số lĩnh vực STEM. FBI từng cảnh báo về các lỗ hổng học thuật trước hoạt động gián điệp của Trung Quốc và chính quyền Trump đã thành lập lại một ủy ban để theo dõi những người nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc) có mối liên hệ với những nghiên cứu được phân loại. Một báo cáo của Viện Chính sách chiến lược Úc đã cảnh báo rằng sự hợp tác giữa các nhà khoa học hàn lâm ở một số tổ chức phương Tây và các nhà khoa học của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung quốc đang cung cấp các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực khác cho “quân đội đối thủ”. Một nghiên cứu của Anh cũng cảnh báo về những hợp tác nghiên cứu không phù hợp với Trung Quốc. Và Tổng thống Trump đã gọi các sinh viên và học giả người Trung Quốc đang học tập tại Hoa Kỳ là gián điệp – điều này khó được coi là sự khuyến khích hợp tác khoa học.
Ví dụ như Hoa Kỳ đã thắt chặt các quy định cấp thị thực cho sinh viên người Trung Quốc trong một số lĩnh vực STEM. |
- Học viện Khổng Tử, được thành lập tại hơn 100 trường đại học Mỹ và có số lượng lên đến hơn 500 trên toàn thế giới, gần đây đã bị chỉ trích nặng nề. Một báo cáo của các chuyên gia Mỹ-Trung đã khuyến nghị cần có sự minh bạch hơn trong các hợp đồng giữa Hanban, cơ quan Trung Quốc quản lý Viện Khổng Tử và các trường đại học Mỹ. Một nửa tá viện này gần đây đã bị đóng cửa, và nhiều hơn số đó đang bị xem xét. Trong khi đó, các viện này, rõ ràng là một phần trong các sáng kiến quyền lực mềm của Trung Quốc, được khởi đầu như một nỗ lực nhằm phổ biến văn hóa Trung Quốc và dạy tiếng Trung tại các trường nước ngoài, giờ đây bị một số người coi là một cơ quan nước ngoài nguy hiểm tiềm tàng tại đây.
- Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm áp đặt kiểm duyệt đối với các tạp chí học thuật phương Tây ở Trung Quốc đã bị lan truyền và lên án rộng rãi ở phương Tây. Tờ China Quarterly uy tín và nhà xuất bản của họ là Cambridge University Press từng bị gây áp lực đã phải gỡ bỏ 300 bài báo trực tuyến; những bài báo này chỉ được khôi phục sau khi giới học thuật phương Tây đồng loạt lên tiếng chỉ trích. Nhà xuất bản đa quốc gia Springer Nature cũng phải kiểm duyệt và ngừng phát hành một số nội dung của họ tại Trung Quốc vì vướng các quy định của Trung Quốc. Những chính sách và sự bất đồng này góp phần tạo nên một hình ảnh tiêu cực về Trung Quốc.
Tác động tất yếu
Cũng như cuộc chiến thương mại hiện nay giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nơi Trung Quốc áp thuế trả đũa đối với các sản phẩm của Hoa Kỳ, và khéo léo nhắm mục tiêu vào các quốc gia ủng hộ Tổng thống Trump, Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng chống lại những lời nói và hành động chống Trung Quốc được thể hiện rõ ràng ở nhiều nước phương Tây. Rất khó hiểu rõ bản chất của những phản ứng như vậy, nhưng chính quyền Trung Quốc có khả năng sẽ cố gắng hạn chế số lượng sinh viên du học ở một mức độ nào đó thông qua các chính sách cụ thể, sự định hướng của Chính phủ và truyền thông, và áp lực tài chính, như cắt giảm ngân sách dành cho Hội đồng Học bổng Trung Quốc và các chương trình học bổng khác vốn đã khá hạn hẹp, tìm cách điều chỉnh thị trường việc làm nội địa để lôi kéo sinh viên tốt nghiệp về nước và những biện pháp khác. Mặc dù rất khó dự đoán, nhưng nhiều khả năng là số lượng du học sinh người Trung Quốc đến một số quốc gia tiếp nhận chính sẽ ít đi hoặc thậm chí giảm mạnh. Mặc dù tổng số sinh viên Trung Quốc nhập học tại Hoa Kỳ có tăng nhẹ, số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ mới đăng ký đã giảm, một dấu hiệu báo trước xu hướng trong tương lai.
Những xu hướng du học ít liên quan đến tình hình chính trị cũng sẽ có những vấn đề nghiêm trọng. Ví dụ, các trường cao đẳng và đại học ít tiếng tăm sẽ chứng kiến sự sụt giảm đáng kể bởi vì một số lượng nhỏ sinh viên Trung Quốc sẽ cạnh tranh để vào học trong các trường hàng đầu, hoặc trường trong nước. Ở Hoa Kỳ, sinh viên từ Trung Quốc đã không còn mặn mà với các trường đại học ở khu vực giữa đất nước, những nơi được coi là “ủng hộ Trump” và có lẽ kém thân thiện với người nước ngoài.
Hoàn toàn có khả năng Trung Quốc sẽ thắt chặt các quy định liên quan đến các phân hiệu đại học nước ngoài hoạt động tại đây hoặc thậm chí gây khó dễ để họ không thể hoạt động, đồng thời với việc chính quyền Trump đe dọa thắt chặt các quy định từ phía Mỹ. Những hạn chế tương tự có khả năng cũng sẽ được áp đặt đối với các trung tâm nghiên cứu nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc.
Mặc dù không thể dự đoán chính xác tương lai của mối quan hệ giáo dục đại học giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, nhưng rõ ràng là, ít nhất đối với các quốc gia có quan hệ học thuật gần gũi nhất với Trung Quốc và vẫn tiếp nhận phần lớn sinh viên Trung Quốc, sẽ diễn ra những thay đổi tiêu cực đáng kể. Đối với những quốc gia và những tổ chức vẫn đang phải dựa vào sinh viên Trung Quốc để lấp đầy chỗ trống trong lớp và như một nguồn thu nhập cần thiết, những thay đổi này sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Mối quan hệ khoa học toàn cầu với một cường quốc khoa học mới nổi sẽ bị phá vỡ. Mặt khác, những quốc gia đang hợp tác với Trung Quốc trong sáng kiến Vành đai và Con đường nhiều khả năng sẽ gia tăng và mở rộng thêm quan hệ hợp tác.