Steven G. Brint là Giáo sư xuất sắc về Xã hội học và Chính sách công, và là Giám đốc của Dự án Cao đẳng & Đại học, Đại học California, Riverside, Hoa Kỳ. E-mail: steven.brint@ucr.edu
Trong cuốn sách của tôi mới xuất bản: Hai sự cổ vũ cho Giáo dục đại học: tại sao các trường đại học Mỹ mạnh hơn bao giờ hết – Và làm thế nào để đáp ứng được những thách thức mà họ phải đối mặt (Nhà xuất bản Đại học Princeton), tôi cho rằng hệ thống Hoa Kỳ thành công là nhờ có mức đầu tư cao từ nhiều nguồn doanh thu kết hợp với sự tương tác đôi khi gây tranh cãi nhưng cuối cùng lại thành tương hợp của ba logic phát triển.
So với những hệ thống bị phụ thuộc vào nhà nước ở hầu hết các nước trên thế giới, hệ thống của Hoa Kỳ đặc biệt ở chỗ có nhiều nguồn thu khác nhau mà các tổ chức có thể thu hút được, bao gồm các quỹ nghiên cứu của liên bang và tiểu bang, hỗ trợ của chính phủ, học phí của sinh viên và tiền từ thiện. Cho đến năm 2015, chỉ riêng chính phủ liên bang đã rót 65 tỷ đô la vào quỹ hỗ trợ tài chính cho sinh viên và cung cấp hàng trăm tỷ đô la cho các khoản vay ưu đãi, và cũng đã giải ngân hơn 30 tỷ đô la cho các trường đại học để nghiên cứu và phát triển. Các nhà tài trợ đã cung cấp hơn hàng tỷ đô la. Thật khó để đánh giá hết được tầm quan trọng của các nguồn tài chính đa dạng và tương đối phong phú này.
Khi dùng cụm từ “Logic của sự phát triển”, tôi muốn nói đến việc dẫn dắt các ý tưởng tham gia vào thực tiễn của tổ chức. Logic đầu tiên rất truyền thống: cam kết khám phá và truyền tải tri thức vào các lĩnh vực nghiên cứu (và vào các khoảng trống nghiên cứu của các lĩnh vực này). Tôi gọi cam kết này là chuyên nghiệp học thuật. Logic này vẫn là nền tảng và cung cấp quyền tự chủ cần thiết cho các trường đại học, tách rời khỏi các ưu tiên của nhà nước và nền kinh tế. Trong giai đoạn sau năm 1980, có hai phong trào đã tác động mạnh đến các trường đại học và cao đẳng: một là phong trào sử dụng nghiên cứu trong các trường đại học để thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua việc phát minh ra các công nghệ mới có tiềm năng thương mại. Hai là sử dụng các trường cao đẳng và đại học làm công cụ hòa nhập xã hội, tạo cơ hội cho các thành viên của các nhóm bị thiệt thòi trước đây. Lập luận của tôi là những phong trào này, kết hợp với truyền thống chuyên nghiệp học thuật, đã tạo ra một kiểu động lực đặc biệt nhờ vào những cam kết ủng hộ mạnh mẽ được bảo trợ ở mức độ cao.
Quy mô và mức tài trợ có được ở Hoa Kỳ là sản phẩm của hơn 100 năm phát triển và không dễ chuyển giao đến cho các quốc gia khác. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Hoa Kỳ lại chứa đựng cả những bài học và cảnh báo cho các nhà cải cách giáo dục ở các quốc gia khác.
Các bài học
Sự tập trung các nguồn lực cho một số ít các trường chọn lọc rất có giá trị đối với những đóng góp khoa học và học thuật. Mọi quốc gia đều cần có những trường được kỳ vọng cao, có nguồn lực dồi dào, và sự đúng đắn trong tranh luận và thảo luận không bị thỏa hiệp bởi những ảnh hưởng phi học thuật. Tăng dần số lượng những trường như vậy nên là một mục tiêu chính sách trên toàn thế giới. Hoa Kỳ có 35-40 trường đẳng cấp thế giới loại này.
Cho đến nay, dường như tinh thần doanh nhân gia tăng lại thích hợp để đóng góp vào việc giải quyết vấn đề trong các lĩnh vực nghiên cứu. |
Bầu không khí tự do ngôn luận tối đa và tự do truy vấn, cùng với truyền thống phê phán nghiêm khắc đã tạo điều kiện để khoa học và học thuật đột phá ở những nơi có lịch sử xuất sắc. Bằng cách tối đa hóa các nguồn thu từ sinh viên, ngân sách nhà nước, các nhà tài trợ, các tổ chức và cơ quan tài trợ nghiên cứu, các trường đại học đã giảm bớt sự phụ thuộc vào những nguồn thu có vấn đề có thể hạn chế các quyền tự do thiết yếu.
Cho đến nay, dường như tinh thần doanh nhân gia tăng lại thích hợp để đóng góp vào việc giải quyết vấn đề trong các lĩnh vực nghiên cứu. Những nhà sản xuất kiến thức khoa học và học thuật dẫn đầu thường cũng là những người đi đầu trong việc phát triển các công nghệ mới có tiềm năng thương mại. Các nhà đổi mới, xét cho cùng, cũng cần nhận được phản hồi từ các chuyên gia về việc liệu những khám phá của họ có thực sự hiệu quả hay không. Trong cuốn sách này, tôi đưa ra ví dụ về sự cạnh tranh giữa ba nhóm các nhà nghiên cứu làm việc để phát triển chất ức chế protease HIV. Nhóm đầu tiên xuất bản có một phần giải pháp sai, sai lầm này nhanh chóng được người trưởng nhóm thứ hai phát hiện và sửa chữa. Trường hợp của Hoa Kỳ cho thấy những lỗ hổng lớn hơn giữa các trường đại học và các ngành công nghiệp có thể được quản lý mà không gây nguy hại cho việc tạo ra tri thức cơ bản trong các trường đại học.
Sự đa dạng trong cách thức mà các nhà nghiên cứu đại học và các công ty tương tác để tạo ra những mối quan hệ hai bên cùng có lợi đã vượt ra ngoài phạm vi các bằng sáng chế, cấp phép và nghiên cứu dưới dạng hợp đồng. Quan hệ tương tác này còn bao gồm bố trí sinh viên tốt nghiệp vào các công ty để khai thác thương mại những khám phá mới, sử dụng các giảng viên như cố vấn khoa học, cho phép các nhà nghiên cứu của doanh nghiệp có kỳ nghỉ dành cho nghiên cứu (sabbatical) trong phòng thí nghiệm của đại học, và trong một số trường hợp là hợp tác khoa học mở với tất cả các nhóm ngành công nghiệp. Những trường đại học nằm trong khu vực có các doanh nghiệp công nghệ cao và trung tâm y tế phát triển mạnh có thể phát triển theo hướng giống như Đại học California – San Diego và Đại học Texas – Austin bằng cách “thâm nhập” vào một hệ sinh thái của các công ty đối tác tiềm năng hiện có, trong khi đồng thời khuyến khích các công ty khởi nghiệp bổ sung năng lực cho công ty hiện có. Những trường nằm trong khu vực không có địa hình kinh tế thuận lợi như vậy cần phải phát triển kinh tế công nghệ cao của riêng họ bằng cách thu hút các giảng viên và sinh viên vào các hoạt động khởi nghiệp. Như tôi đã trình bày trong cuốn sách này, kinh nghiệm của các trường đại học công lập ở Colorado, Michigan và Utah cho thấy chiến lược này có thể rất hiệu quả.
Các cảnh báo
Việc mở rộng cơ hội cho thành viên các nhóm sinh viên có thu nhập thấp, thế hệ thứ nhất, và nhóm từng bị coi là thiểu số (ví dụ như người Mỹ gốc Phi, gốc Ấn) đã kích thích động lực dịch chuyển và làm phong phú môi trường giáo dục của các trường đại học Mỹ. Đồng thời, ở một số trường và một số khoa, điều này dẫn đến những hạn chế đối với các phát biểu được chấp nhận về mặt chính trị. Những hạn chế này mâu thuẫn với truyền thống tự do ngôn luận và tự do truy vấn- là những đặc điểm thiết yếu của môi trường đại học. Ở một số nơi, việc nhấn mạnh vào hòa nhập xã hội cũng gây ra sự lẫn lộn giữa ưu tiên cho sự xuất sắc trong học thuật và tăng cường đại diện các nhóm xã hội. Tôi cho rằng, các quốc gia khác có thể làm tốt hơn trong việc chào đón các nhóm sinh viên đa dạng trong khuôn khổ giá trị hợp lý, mà không cần tranh cãi về ưu thế của các chuẩn mực khoa học và học thuật truyền thống.
Nguồn thu học phí là cần thiết đối với những hệ thống đang phải đối mặt với các khoản trợ cấp nhà nước bị giảm dần, và do đó các khoản vay cho sinh viên cũng rất cần thiết. Phần lớn sinh viên không có những khoản nợ không thể quản lý, nhưng đó chỉ là lý lẽ an ủi nhạt nhẽo đối với nhóm thiểu số đáng kể những sinh viên đã tích lũy mức nợ cao và không thể tìm được một công việc phù hợp. Vấn đề chính đối với hệ thống cho vay sinh viên ở Mỹ là sinh viên được yêu cầu trả nợ trước khi họ có chỗ đứng vững vàng trên thị trường lao động. Giải pháp đã được nhiều quốc gia, bao gồm cả Anh và Úc áp dụng, là một hệ thống trả nợ các khoản vay phổ biến dựa theo mức thu nhập từng thời kỳ được thiết kế rất tốt.
Việc phát triển nguồn nhân lực trong sinh viên đại học đang có những vấn đề nghiêm trọng. Ngoài một nhóm thiểu số từ 10-15% có động lực, sinh viên đại học ở Hoa Kỳ không học nhiều ở mức họ có thể. Trách nhiệm thay đổi là ở giảng viên và các nhà quản lý. Các tiểu bang có thể cân nhắc lựa chọn tài trợ thêm cho những trường thực sự nỗ lực nhằm chuyên nghiệp hóa việc giảng dạy đại học. Nhờ khoa học nhận thức và hàng ngàn nghiên cứu học thuật được thiết kế tốt, những lý luận nền tảng về giảng dạy hiệu quả ở bậc đại học hiện đã được biết đến. Các công cụ như Bộ công cụ thực tiễn giảng dạy của Weiman Gilbert cho phép giảng viên tự đánh giá theo những thực tiễn mà khoa học về học tập đã cho thấy là có giá trị đối với sự hiểu biết và nắm bắt vấn đề của sinh viên. Các biện pháp kiểm tra như đọc các câu hỏi trực tuyến trước khi vào lớp cũng tạo ra sự khác biệt.
Việc sử dụng hàng loạt giảng viên bán thời gian được trả lương thấp và trình độ kém là một nhược điểm lớn trong hệ thống hiện tại của Hoa Kỳ. Bằng chứng nghiên cứu chỉ ra rằng những người này có xu hướng trở thành những giảng viên kém hiệu quả, và trong nhiều trường đại học, điều kiện làm việc và lương của họ rất tệ. Nhiều tổ chức có thể làm theo Đại học California bằng cách thay thế những vị trí này bằng các giảng viên cơ hữu với sự bảo đảm việc làm dựa trên những tiêu chí đánh giá nghiêm ngặt năng lực giảng dạy và kiến thức về thực hành hiệu quả trong giảng dạy đại học của các ứng cử viên.