William Yat Wai Lo là Phó Giáo sư tại Khoa Giáo dục Quốc tế, Đại học Giáo dục Hồng Kông. E-mail: willlo@eduhk.hk.
Tạo dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới vẫn luôn là dự án quan trọng đối với nhiều quốc gia, vì phát triển giáo dục đại học được coi là một phương tiện để nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. Chiếu theo các tiêu chuẩn khắt khe đặt ra cho các trường đại học đẳng cấp thế giới, nhiều chính phủ đã thực hiện cải tổ, tái cấu trúc và quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học của mình. Một hệ lụy của xu hướng “đẳng cấp thế giới” này là một số hệ thống giáo dục đại học ở Đông Á, ví dụ Đài Loan, đã áp dụng chính sách phân biệt hóa, khi thấy rằng ở hầu hết các quốc gia số lượng các trường đại học hàng đầu rất hạn chế. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của Đài Loan, nơi có hơn 150 cơ sở giáo dục đại học trên một quốc đảo tương đối nhỏ với dân số khoảng 23 triệu người. Chính phủ không thể cấp cùng một mức ngân sách và giao nhiệm vụ giống nhau cho tất cả các trường đại học. Trong bối cảnh đó, giống như ở các nước Đông Á khác, chính phủ Đài Loan đi đến quyết định phân tầng hệ thống giáo dục đại học theo các sứ mạng khác nhau, trong đó các trường đại học nghiên cứu chuyên sâu được coi là các tổ chức hàng đầu và nhắm đến vị thế đẳng cấp thế giới.
Xu hướng đẳng cấp thế giới và các vấn đề liên quan
Chính phủ Đài Loan đã khởi xướng Dự án Đại học hàng đầu (còn được gọi là dự án “5 năm – 50 tỷ”) như một chương trình tài trợ khuyến khích cạnh tranh để cấp thêm kinh phí ngoài ngân sách cho các trường đại học. Dự án, dự kiến cung cấp 50 tỷ Đài tệ (khoảng 1,63 tỷ USD) trong vòng 5 năm (2006-2010), được thiết kế để thúc đẩy nghiên cứu xuất sắc và quốc tế hóa trong lĩnh vực giáo dục đại học Đài Loan. Dự án này đã được gia hạn để cung cấp thêm 50 tỷ Đài tệ trong 5 năm tiếp theo (2011-2015). Nhận tài trợ là những trường đại học được coi là hàng đầu quốc gia; và là những trường dự kiến sẽ đạt được vị thế đẳng cấp thế giới trong vòng 5 năm.
Dự án “5 năm – 50 tỷ” bộc lộ chính sách phân biệt và sự tập trung tài trợ từ nguồn quỹ công hạn chế cho một số trường đại học hàng đầu. Chính sách xây dựng “các tòa nhà chọc trời” này nhằm mục đích duy trì tối đa khối lượng nghiên cứu xuất sắc để thúc đẩy chất lượng và đảm bảo khả năng cạnh tranh toàn cầu của hệ thống giáo dục đại học Đài Loan, từ đó nâng cao uy tín cũng như chất lượng chung của các trường đại học trên đảo. Thật vậy, theo Bảng xếp hạng Tạp chí & Quốc gia SCImago, số lượng ấn phẩm khoa học từ Đài Loan đã tăng đáng kể trong những năm 2000, điều này có thể phản ánh sự gia tăng năng lực nghiên cứu.
Tuy nhiên, chính sách này cũng gây ra sự phân biệt và phân tầng gay gắt trong hệ thống giáo dục đại học. Một nền văn hóa định hướng nghiên cứu và định hướng đầu ra đã được nhân bản, càng tăng cường sự cạnh tranh giữa các trường đại học. Hậu quả là một trò chơi có tổng bằng 0 kéo theo sự cạnh tranh không lành mạnh và bất bình đẳng. Tiêu chuẩn duy nhất được chính phủ sử dụng, khi chỉ đơn thuần nhấn mạnh đến kết quả nghiên cứu trong các tạp chí được lập chỉ mục, đã làm giảm sự đa dạng trong lĩnh vực này. Trong khi đó, do xu hướng tập trung vào nghiên cứu, công việc giảng dạy bị bỏ qua. Những vấn đề này hội tụ lại và được coi là biểu hiện của “hội chứng SSCI (chỉ số trích dẫn khoa học xã hội)” ở Viện hàn lâm Đài Loan, và đã được mô tả rộng rãi trên báo chí, làm tăng thêm sự thù địch của công chúng đối với các sáng kiến liên quan của chính phủ.
Dự án “5 năm – 50 mươi tỷ” bộc lộ chính sách phân biệt và sự tập trung tài trợ từ nguồn quỹ công hạn chế cho một số trường đại học hàng đầu. |
Thúc đẩy trách nhiệm xã hội của trường đại học
Để đối phó với những vấn đề này và sau khi tiến hành nhiều phiên điều trần công khai, chính quyền mới nhậm chức sau cuộc tổng tuyển cử năm 2016 đã tuyên bố thay đổi chính sách tài trợ để phát triển các trường đại học đẳng cấp thế giới. Năm 2018, chính phủ phân bổ 86,85 tỷ Đài tệ (khoảng 2,82 tỷ USD) cho một sáng kiến 5 năm mới được gọi là Dự án Ươm mầm Giáo dục Đại học. Dự án bao gồm cả trường đại học công và tư và có hai phần. Phần đầu tiên tập trung vào việc nâng cao chất lượng tổng thể của các trường đại học và khuyến khích sự đa dạng. Nó nhấn mạnh đến 4 yếu tố (cụ thể là thúc đẩy đổi mới giảng dạy, tăng cường phục vụ công chúng, phát triển các đặc điểm độc đáo của các trường đại học và hoàn thành trách nhiệm xã hội), và tài trợ cho tổng số 158 cơ sở giáo dục đại học, bao gồm 71 trường đại học tổng hợp và 87 trường kỹ thuật. Đây là phần chính của dự án. Nhiệm vụ chính của dự án là thúc đẩy bình đẳng trong giáo dục đại học, phát triển mối liên kết với địa phương và nuôi dưỡng tài năng.
Phần thứ hai của dự án nhằm mục đích thúc đẩy năng lực cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực giáo dục đại học. Phần này được chia thành hai dự án con. Dự án con thứ nhất xác định 4 trường đại học là các trường hàng đầu sẽ theo đuổi mô hình xuất sắc toàn diện. Dự án con thứ hai chọn và tài trợ cho 65 trung tâm nghiên cứu tại 24 trường để phát triển thành những lĩnh vực nghiên cứu xuất sắc.
Chính phủ đã giải ngân 17,37 tỷ Đài tệ (khoảng 565 triệu đô la Mỹ) cho năm đầu tiên của dự án, với 65% (11,37 tỷ Đài tệ, hoặc 370 triệu đô la Mỹ) được phân bổ để nâng cao trách nhiệm xã hội và 35% (6 tỷ Đài tệ, hoặc 195 triệu đô la Mỹ) để nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. Trong mô hình tài trợ này, trách nhiệm xã hội của trường đại học (tăng cường hợp tác giữa trường đại học và ngành công nghiệp; thúc đẩy quan hệ cộng tác giữa các trường đại học và trường trung học, thu hút các bộ ngành và chính quyền địa phương tham gia vào các dự án do trường đại học chủ trì; nuôi dưỡng những tài năng mà nền kinh tế địa phương cần) đã trở thành một chỉ số quan trọng để theo dõi, đánh giá hiệu suất của các trường đại học.
Việc áp dụng chỉ số mới này nhắm đến một mục tiêu lạc quan là lôi kéo các giảng viên quan tâm đến các vấn đề của địa phương, chính phủ trông đợi giảng viên sẽ hợp tác chặt chẽ với các cộng đồng, các ngành công nghiệp và các tổ chức chính phủ thay vì tìm cách cạnh tranh trên toàn cầu bằng cách công bố trên các tạp chí quốc tế. Sáng kiến này cũng đánh dấu một sự thay đổi từ một chiến lược hướng ngoại sang cách tiếp cận tương đối hướng nội. Điều quan trọng là sự thay đổi định hướng này thể hiện mối quan hệ căng thẳng giữa chương trình nghị sự toàn cầu và chương trình của địa phương trong chính sách giáo dục đại học.
Các vấn đề chính trị trong chính sách giáo dục đại học
Sự thay đổi định hướng theo sau chu kỳ bầu cử của Đài Loan này cho thấy mối liên quan giữa chính trị địa phương và việc hoạch định chính sách giáo dục đại học. Trong sự tương tác mới giữa tự chủ giáo dục và văn hóa làm việc, rõ ràng hoàn cảnh chính trị đã ảnh hưởng đáng kể đến chính sách giáo dục đại học Đài Loan. Quá trình chuyển đổi dân chủ của quốc đảo này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các khu vực khác nhau (bao gồm cả ngành công nghiệp và chính quyền thành phố) tham gia vào quản trị giáo dục đại học. Điều này đã dẫn đến một khung quản trị phi tập trung, trong đó mỗi tổ chức giáo dục đại học có nhiều quyền tự chủ hơn, thể hiện sự đáp ứng và trách nhiệm giải trình của chính sách giáo dục đại học trước xã hội.
Căn cứ vào những chuyển biến này, chúng ta có thể coi sự thay đổi định hướng là một nỗ lực nhằm cân bằng các xu hướng bên ngoài/toàn cầu và các yêu cầu (như được bộc lộ trong xu hướng đẳng cấp thế giới) và áp lực nội bộ/địa phương. Nói cách khác, có một mối quan hệ với tổng bằng 0 giữa các quan điểm toàn cầu và địa phương về chính sách giáo dục đại học. Điều này không chỉ biện minh cho sự thay đổi theo hướng tiếp cận hướng nội, mà còn cho thấy các quá trình hoạch định chính sách trong giáo dục đại học không tránh khỏi mang tính cục bộ bởi vì quan điểm và thực tế đều bị chính trị ràng buộc. Từ cách nhìn này, những tranh cãi về trường đại học đẳng cấp thế giới và kêu gọi trách nhiệm xã hội của trường đại học nên được giới hạn ở những phương cách kết hợp giữa yêu cầu đáp ứng chính trị và khả năng tiếp cận theo cách tích hợp với nhu cầu toàn cầu và địa phương.