Đài Loan: Các trường đại học trong một xã hội già hóa

Julian Marioulas là Ứng viên Tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Đông Á, Đại học Vienna, Áo và Giảng dạy tiếng Đức tại Trường Ngoại ngữ, Đại học Khoa học và Công nghệ Đông Trung Quốc. E-mail: julian@marioulas.de.

Các trường đại học và cao đẳng ở các quốc gia phát triển sẽ phải đối mặt với tác động của thay đổi nhân khẩu sớm hơn họ nghĩ. Khi số lượng học sinh ở độ tuổi thấp hơn giảm đi, tuyển sinh đại học sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Song song đó, mở rộng giáo dục đại học vẫn là một mục tiêu chính sách ở hầu hết các quốc gia. Một chủ đề khác – còn kém hấp dẫn hơn nữa đối với những người ra quyết định – cần được nêu ra là xu hướng ngược không thể tránh khỏi sẽ ảnh hưởng thế nào đến các tổ chức giáo dục đại học.

Ở Đài Loan, các trường đại học đã phải đối mặt với những vấn đề này. Trong quá khứ, chính phủ đã thực hiện các chính sách mở rộng giáo dục đại học. Với 23 triệu dân, hòn đảo này là một trong những nơi có tỷ lệ nhập học đại học cao nhất, đồng thời có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Tình trạng này đã trở thành một vấn đề chính sách quan trọng, và rộng hơn dẫn đến việc thực hiện ba chiến lược khác nhau có thể được điều chỉnh đâu đó trong tương lai: là sáp nhập, đóng cửa và quốc tế hóa.

Sáp nhập

Cho đến đầu những năm 2000, sáp nhập đại học ở Đài Loan thường đi đôi với việc nâng cấp một tổ chức mới thành lập lên vị thế đại học. Trong những năm gần đây, việc sáp nhập các trường đại học công lập cũng là một biện pháp để đối phó với số lượng tuyển sinh giảm. Như vậy, động lực và kết quả của việc sáp nhập đã thay đổi. Năm 2013, Đại học Đài Bắc ra đời sau khi hai trường đại học chuyên ngành đang có được sáp nhập, cũng như Đại học Quốc gia Pingtung, vào năm 2014. Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Cao Hùng, được thành lập vào năm 2018, là một trường đại học công lập kết hợp ba trường đang có. Trong hai trường hợp khác, các trường đại học nhỏ hơn đã được nhập vào các tổ chức có uy tín hơn – Đại học Quốc gia Đài Loan và Đại học Quốc gia Thanh Hoa.

Một sự hợp nhất khác cũng sắp diễn ra, bởi vì Đại học Quốc gia YangMing đã bắt đầu đàm phán với Đại học Quốc gia Chiao Tung. Cả hai tổ chức này đều được coi là tốt nhất ở Đài Loan. Liên minh với nhau sẽ cần nhiều thời gian, nhưng họ sẽ tạo nên một cường quốc trong giáo dục đại học của Đài Loan. Cùng với các biện pháp khác, bao gồm tăng quyền tự chủ về thể chế và hội nhập mạnh mẽ hơn với các ngành công nghiệp địa phương, các trường đại học công lập được cung cấp các công cụ cho phép họ tuyển đủ số lượng sinh viên ngay cả khi các nhóm học sinh nhỏ tuổi hơn tiếp tục suy giảm về số lượng.

Giữa các trường đại học tư không diễn ra việc sáp nhập hoàn toàn, mặc dù vào năm 2015, Đại học Kang Ning đã tích hợp một trường cao đẳng y tế độc lập vào cấu trúc của nó. Trong khi một số trường đại học tư thục lâu đời hơn, có uy tín hơn vẫn thu hút đủ số lượng sinh viên và chưa phải lo lắng, các trường hạng hai đang đứng trước một viễn cảnh ảm đạm.

Đóng cửa

Giữa năm 2014 và 2018, bốn trường cao đẳng dạy nghề đã đóng cửa hoàn toàn. Cho đến nay chưa trường đại học nào phải đóng cửa, nhưng số lượng tuyển sinh giảm mạnh ở một số cơ sở giáo dục đại học. Viện ẩm thực Đài Loan – nơi có tình hình nghiêm trọng nhất trong số các trường còn hoạt động, có mức tuyển sinh chỉ đạt 30%. Đại học Khoa học và Công nghệ Nan Jeon nhỉnh hơn một chút, với mức tuyển sinh bằng 32% trước đây. Điều này, thêm vào sự lo ngại dai dẳng về tình hình tài chính và chất lượng giảng dạy của trường, đã khiến Bộ Giáo dục cấm Đại học Nan Jeon tuyển sinh viên mới từ năm 2019 trở đi. Nhiều khả năng trường này sẽ trở thành tổ chức đào tạo cấp bằng cử nhân đầu tiên phải chấm dứt sự tồn tại trong tương lai gần.

Hàng chục trường đại học đã phải giảm bớt số lượng tuyển sinh và đóng cửa các viện, các khoa của mình. Chỉ riêng trong năm 2019, 172 khoa sẽ ngừng tuyển sinh viên mới. Quá trình điều chỉnh này phần lớn thuộc quyền quyết định của các trường đại học, nhưng chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối của các nhân viên bị ảnh hưởng. Trong trường hợp của Đại học Shixin, quyết định chấm dứt tuyển sinh khóa mới cho Viện Phát triển Xã hội đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình của giảng viên, họ kêu gọi Bộ Giáo dục tạm hoãn thực hiện kế hoạch đóng cửa.

Với 23 triệu dân, hòn đảo này là một trong những nơi có tỷ lệ nhập học đại học cao nhất, đồng thời có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Hai biện pháp được Bộ Giáo dục nêu ra để đối phó với tình trạng giảm sút số lượng sinh viên là cho giảng viên lớn tuổi nghỉ hưu sớm và giảm tỷ lệ sinh viên/giảng viên. Đóng cửa cả một khoa hoặc viện là một vấn đề đòi hỏi các giải pháp sáng tạo. Một đề xuất khác là cung cấp các ưu đãi để khuyến khích giảng viên trong các đơn vị học thuật có khả năng đóng cửa trong những năm tới chuyển nghề. Điều này đã được thực hiện trong các trường đại học công lập.

Quốc tế hóa

Ở Đài Loan, hầu hết học sinh tốt nghiệp trung học không chỉ vào đại học; họ còn có xu hướng ra nước ngoài du học với số lượng khá lớn. Hàng năm, 35 đến 40 ngàn người Đài Loan chọn lựa du học, và phần lớn đến các quốc gia nói tiếng Anh. Đối với các trường đại học, số lượng sinh viên đi du học lớn hơn đồng nghĩa với việc nhóm sinh viên trong nước giảm đi. Tuy nhiên, những nỗ lực quốc tế hóa của họ cũng thành công, với sự gia tăng tổng số sinh viên nước ngoài từ 33.6 ngàn trong năm 2008 lên 118 ngàn trong năm 2017. Tỷ lệ sinh viên quốc tế gia tăng từ 2,5% lên 9,7% là rất đáng kể. Gần một nửa sinh viên nước ngoài tại Đài Loan theo học các khóa học cấp bằng. Sinh viên từ Trung Quốc đại lục chiếm tỷ lệ lớn nhất, với 35 ngàn người. Tuy nhiên, chỉ 9500 trong số họ theo học chương trình đại học trọn vẹn. Theo cách phân loại này thì  Malaysia chiếm vị trí đầu bảng với 13.400 sinh viên,  Hồng Kông và Macao cũng xuất hiện trong những vị trí cao.

Do rất muốn cô lập Đài Loan dưới thời Tổng thống Thái Anh Văn, kể từ năm 2017, Bắc kinh đã giới hạn số lượng sinh viên Trung Quốc đại lục được phép đến Đài Loan tham dự các khóa học có cấp bằng ở mức 1000 người mỗi năm. Động thái này đã ảnh hưởng xấu đến các trường đại học tư vốn phụ thuộc vào nguồn thu học phí cao hơn từ sinh viên nước ngoài. Vì thế, Chính phủ Đài Loan chuẩn bị tăng gấp đôi Chính sách hướng Nam mới về phía các nước Đông Nam Á và đã cấp học bổng và các ưu đãi khác cho sinh viên từ khu vực đó.

Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều lời chỉ trích về cách đối xử với sinh viên từ các quốc gia như Philippines và Indonesia. Một số trường đại học tư bị lên án khi buộc sinh viên làm việc trong các nhà máy như một phần của chương trình đào tạo đại học, và còn bị cáo buộc đã đe dọa sinh viên bằng hình phạt tài chính và cắt học bổng, và có những hành động và lời nói xúc phạm họ. Số lượng sinh viên quốc tế dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa, vì chính lợi ích của mình, Đài Loan cần đảm bảo giám sát đầy đủ các chương trình đào tạo nhắm đến sinh viên nước ngoài, đặc biệt là tại các trường tư nhân.

Kết luận

Đài Loan là một ví dụ về những thách thức mà một xã hội già hóa đặt ra đối với việc quản lý các cơ sở giáo dục đại học. Mặc dù viễn cảnh sụt giảm trong tuyển sinh đại học ban đầu có vẻ đáng ngại, nhưng nó có thể mang lại hiệu quả tích cực. Nếu được thực hiện đúng, quá trình này có thể giúp sắp xếp lại chương trình giảng dạy phù hợp hơn với nhu cầu hiện tại, tập trung các nguồn lực để tăng cường chất lượng giáo dục và thúc đẩy nỗ lực vươn ra ngoài biên giới. Vì các quyết định chính sách sẽ ảnh hưởng đến giảng viên, sinh viên và xã hội rộng lớn hơn, họ không nên vội vàng, mà nên tính đến tất cả các bên và cho phép các giai đoạn chuyển tiếp diễn ra trọn vẹn.