Các chính sách công bằng toàn cầu

Jamil Salmi là Chuyên gia Giáo dục Đại học toàn cầu, Nhà nghiên cứu tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ và là Giáo sư danh dự về chính sách Giáo dục Đại học tại Đại học Diego Portales, Chile. E-mail: [email protected]. Toàn bộ nội dung tham khảo dùng cho bài viết này có thể tìm thấy tại https://worldaccesshe.com/wp-content/uploads/2018/11/All-around-the-world-Higher-education-equity-policies-across-the-globe.pdf.

Quỹ Lumina gần đây tài trợ cho một nghiên cứu nhằm đánh giá bản chất và mức độ cam kết chính sách của các chính phủ quốc gia để giải quyết sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận và thành công trong giáo dục đại học. Bên cạnh việc xem xét chính sách của 71 quốc gia trên tất cả các châu lục, nghiên cứu cũng phân tích các chính sách thúc đẩy các cơ quan khu vực và các cấp liên quan tham gia tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ tài chính.

Ngoại trừ một vài quốc gia yếu ớt đang trải qua giai đoạn hồi phục sau thảm họa tự nhiên hoặc khủng hoảng chính trị lớn, đối với hầu hết các chính phủ, công bằng là một chủ đề ưu tiên trong chương trình nghị sự về giáo dục đại học. Cam kết chính thức này phản ánh thực tế rằng những người trẻ tuổi trên toàn thế giới nhận thức sâu sắc rằng cơ hội thành công nghề nghiệp và thăng tiến xã hội có liên quan trực tiếp đến các cơ hội trong giáo dục đại học.

Công bằng, từ nguyên tắc đến thực tiễn

Tuy nhiên, ngoài các tuyên bố chính thức về công bằng thường có xu hướng phản ánh các nguyên tắc chung nhất, cuộc khảo sát đã tìm thấy một loạt các tình huống khi các nguyên tắc này trở thành các chính sách và áp dụng vào thực tế. Một số quốc gia vẫn chỉ dành sự quan tâm mang tính hình thức đến chương trình nghị sự về công bằng, hiểu theo nghĩa họ không nêu ra những chiến lược thúc đẩy công bằng rõ ràng, không xác định các mục tiêu cụ thể để tuyển sinh và hỗ trợ những sinh viên thuộc diện dễ bị tổn thương, không huy động đủ nguồn lực dành cho các nhóm đối tượng thiểu số và không có các hành động nhằm giúp sinh viên hoàn thành chương trình học tập của họ.

Nhiều quốc gia vẫn áp dụng một định nghĩa hẹp về các nhóm đối tượng mục tiêu của chính sách công bằng. Do đó, sự tồn tại của những nhóm đối tượng bị bỏ quên hoặc bị phân biệt đối xử đã không được chuyển thành chính sách thừa nhận và chính sách bồi thường thực tế. Các nhóm dân tộc thiểu số là nạn nhân thường xuyên của những điểm mù này, vì các chính phủ có thể coi việc công nhận quyền của họ là mối đe dọa đối với quyền lực, uy tín hoặc tài nguyên của nhóm thống trị.

Trong khi hầu hết các quốc gia tập trung vào việc loại bỏ những rào cản công bằng mà các nhóm đối tượng mục tiêu truyền thống phải đối mặt, bao gồm sinh viên từ các hộ gia đình có thu nhập thấp, phụ nữ và trẻ em gái, thành viên các dân tộc thiểu số và sinh viên khuyết tật, một số quốc gia đã xác định thêm các nhóm đối tượng mục tiêu phi truyền thống, phản ánh sự chuyển đổi xã hội trong những quốc gia này:

  • Nạn nhân của bạo lực tình dục và giới tính;
  • Thành viên của cộng đồng LGBT;
  • Người tị nạn các loại (trong nước và từ nước ngoài; bị trục xuất);
  • Con cái của những người bị ảnh hưởng bởi bạo lực trong quá khứ;
  • Sinh viên từ các trại giáo dưỡng, trẻ mồ côi, thanh thiếu niên không được bố mẹ nuôi dưỡng.

Nhìn chung, 11% những quốc gia được khảo sát đã xây dựng một chiến lược công bằng toàn diện; 11% khác đã xây dựng một chính sách công bằng cụ thể cho một nhóm đối tượng mục tiêu: phụ nữ, người khuyết tật hoặc nhóm người bản địa.

Nhiều quốc gia vẫn thực hiện chính sách công bằng theo cách truyền thống, tập trung chủ yếu vào hỗ trợ tài chính là công cụ chính và có xu hướng xem xét các rào cản tiếp cận thay vì thúc đẩy các biện pháp can thiệp để tăng cơ hội thành công cho sinh viên xuất thân từ những hoàn cảnh khó khăn đang theo học trong các cơ sở giáo dục đại học.

Ngoại trừ một vài quốc gia yếu ớt vì đang trải qua giai đoạn hồi phục sau thảm họa tự nhiên hoặc khủng hoảng chính trị lớn, đối với hầu hết các chính phủ, công bằng là một chủ đề ưu tiên trong chương trình nghị sự về giáo dục đại học.

Cuộc khảo sát nhấn mạnh sự đa dạng trong việc lựa chọn các công cụ được sử dụng để thúc đẩy công bằng, vượt ra ngoài các cơ chế hỗ trợ tài chính truyền thống, các khoản trợ cấp và các khoản vay sinh viên. Mười hai quốc gia sử dụng công thức tài trợ phân bổ ngân sách hoặc các khoản tài trợ dành cho những nỗ lực thúc đẩy công bằng ở cấp độ tổ chức.

Xu hướng đầy hứa hẹn

Cuộc khảo sát đã nhận diện được hai xu hướng đầy hứa hẹn. Thứ nhất, ngày càng nhiều quốc gia nhận ra tầm quan trọng của việc kết hợp cả biện pháp can thiệp tài chính và phi tài chính để loại bỏ một cách toàn diện những rào cản mà sinh viên từ các nhóm thiệt thòi phải đối mặt. Những chương trình phi tài chính được hỗ trợ thường xuyên nhất là xác định và cải cách tiêu chí nhập học, chương trình tiếp cận và cầu nối, và chương trình duy trì.

Thứ hai, chính phủ một số nước đã bắt đầu bổ sung những khoản hỗ trợ trực tiếp dành cho sinh viên với các ưu đãi cho chính các trường đại học, như một biện pháp thúc đẩy các trường đóng vai trò chủ động hơn trong việc cải thiện cơ hội tiếp cận và thành công. Điều này đạt được bằng cách tích hợp chỉ số công bằng vào công thức tài trợ, thiết lập các quỹ dành cho các hành động can thiệp công bằng mà các trường đại học có thể hưởng lợi, và/hoặc đưa các tiêu chí liên quan đến tính công bằng vào quy trình đảm bảo chất lượng.

Tính toàn diện và nhất quán của các chính sách công bằng

Nghiên cứu này đã cố gắng so sánh các chính sách công bằng quốc gia trên phạm vi quốc tế từ quan điểm toàn diện và nhất quán. 71 quốc gia tham gia khảo sát được chia thành bốn loại chính sách công bằng được xác định theo cách sau:

  • Mới nổi: Là những quốc gia đã xây dựng xong các nguyên tắc và mục tiêu cơ bản của chính sách công bằng nhưng có rất ít những chính sách, chương trình và hành động can thiệp cụ thể (9 quốc gia).
  • Đang phát triển: Là những quốc gia đã đặt nền móng cho chiến lược thúc đẩy công bằng, nhưng chưa xác định được nhiều chính sách và chương trình, không đầu tư nhiều vào lĩnh vực này và đã thực hiện được một số chính sách và chương trình (33 quốc gia).
  • Phát triển: những quốc gia này đã hình thành được chiến lược thúc đẩy công bằng và đưa ra những chính sách, chương trình và hành động can thiệp phù hợp để thực hiện chiến lược (23 quốc gia).
  • Tiên tiến: những quốc gia đã xây dựng và thực hiện chiến lược thúc đẩy công bằng toàn diện. Một số quốc gia trong nhóm này thậm chí có cơ quan xúc tiến công bằng chuyên nghiệp (6 quốc gia).

Hầu hết các quốc gia rơi vào loại thứ hai hoặc thứ ba (đang phát triển hoặc phát triển). Sự khác biệt chủ yếu giữa hai loại này không phải ở sự giàu có của các quốc gia liên quan. Danh sách “phát triển” nói trên bao gồm một số quốc gia đang phát triển, có thể họ không dành ra một lượng tài nguyên lớn như các nền kinh tế OECD, nhưng lại có chính sách khá toàn diện để thúc đẩy công bằng trong giáo dục đại học.

Những quốc gia xuất hiện với tư cách “mới nổi’ từ khía cạnh chính sách công bằng về cơ bản là những quốc gia yếu ớt không có nguồn lực cũng như sự ổn định chính trị cần thiết để xây dựng và duy trì các chính sách công bằng mạnh mẽ cho giáo dục đại học trong thời gian dài.

Số ít những quốc gia được dán nhãn “tiên tiến” cho thấy mức độ nhất quán cao về chiến lược, chính sách, mục tiêu dài hạn và ngắn hạn, và mối liên kết giữa các mục tiêu công bằng và các công cụ – tài chính và phi tài chính – được sử dụng để thúc đẩy công bằng trong giáo dục đại học. Một vài quốc gia trong số đó thậm chí có cơ quan xúc tiến công bằng chuyên nghiệp. Hầu hết các quốc gia này (Úc, Anh, Ireland, New Zealand, Scotland) đều thuộc Khối thịnh vượng tương đối giàu có với hệ thống giáo dục đại học đã hoàn thiện, họ ngày càng chú ý nhiều đến những rào cản thành công mà sinh viên phải đối mặt. Một quốc gia khác cũng được đưa vào danh sách này là Cuba – vì những lý do ý thức hệ đã luôn chú trọng đến công bằng kể từ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa năm 1959.