Linh Tong là Nghiên cứu sinh chuyên về Chính sách giáo dục đại học trong chương trình Thạc sĩ Hành chính công tại Trường Chính sách công, Đại học Trung Âu, Hungary. E-mail: Tong_Linh@spp.ceu.edu.
Giáo dục được coi là một giải pháp chính để giải quyết vấn đề thất nghiệp. Khi một quốc gia phải đối mặt với suy thoái kinh tế hoặc mong muốn cải thiện hiệu quả kinh tế, một trong những bước đầu tiên có thể thực hiện là tăng đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và nghiên cứu và phát triển. Mặc dù vẫn tiếp tục tin tưởng vào “phép lạ giáo dục”, các tổ chức giáo dục đại học trên toàn thế giới hiện đang chịu một áp lực mạnh mẽ phải chứng minh đủ khả năng đảm bảo cho sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Trong trường hợp của Việt Nam, áp lực này đến từ phía chính phủ, các trường đại học phải cung cấp số liệu thống kê tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm để chứng tỏ hoàn thành nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược Phát triển Giáo dục 2011-2020. Cách làm này cho đến nay là không hiệu quả, vì các trường đại học chỉ đơn giản thực hiện yêu cầu vì áp lực từ chính phủ hơn là chủ động cải thiện danh tiếng của họ dựa trên số liệu thống kê có lợi.
Đào tạo kỹ năng không khớp với yêu cầu của nền kinh tế Việt Nam
Kể từ khi chính thức tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới, bắt đầu vào tháng 1 năm 2007, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những cải cách cơ cấu sâu rộng để thích ứng với quá trình hội nhập ngày càng tăng và nhu cầu thị trường toàn cầu. “Hiện đại hóa” và “công nghiệp hóa” trở thành phương châm quốc gia và một thị trường mở với khu vực tư nhân ngày càng phát triển đã dần thay thế mô hình kế hoạch hóa tập trung. Do đó, một phần lớn lực lượng lao động đã chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang chế tạo và các ngành đòi hỏi kỹ năng cao. Hơn nữa, khái niệm “nền kinh tế dựa trên tri thức” đã được đưa vào Kế hoạch Phát triển Quốc gia 2006 – 2010 và trở thành định hướng chính cho cải cách giáo dục của Việt Nam, dẫn đến nhu cầu về trình độ giáo dục đại học tăng cao. Nguồn cung nhân lực có trình độ giáo dục đại học nhanh chóng vượt qua nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề cao, đặt ra câu hỏi về trách nhiệm liên quan của giáo dục đại học. Ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không kiếm được việc làm phù hợp với trình độ học vấn của họ.
Yêu cầu công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm
Trong nỗ lực khuyến khích cạnh tranh giữa các trường đại học và cải thiện chất lượng đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET) đã buộc các trường đại học, bắt đầu từ tháng 1 năm 2018, phải công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp. Theo Thông tư 05/2017/TT-BGDĐT, những trường đại học và cao đẳng không công khai thông tin cần thiết sẽ bị cấm tuyển sinh mới. Việc công bố tỷ lệ có việc làm được trông đợi là sẽ hỗ trợ sinh viên và gia đình họ đưa ra những quyết định chọn trường sáng suốt.
Sáng kiến buộc các trường đại học công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm không chỉ có ở Việt Nam. Những nỗ lực tương tự đã được tiến hành ở nhiều quốc gia, như Úc, Singapore, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và những quốc gia khác. Trong số 5 nước được chỉ tên ở đây, Úc, Singapore, Hàn Quốc và Vương quốc Anh thu thập thông tin thông qua những cuộc khảo sát ở quy mô quốc gia được thực hiện bởi một bên thứ ba, một cơ quan được nhà nước giám sát. Tuy nhiên, bảng xếp hạng của Hoa Kỳ được quản lý bởi US News, một nhà xuất bản đa kênh hoạt động vì lợi nhuận, và xếp hạng chủ yếu dựa vào số liệu do các trường đại học tự thống kê. Trên phạm vi toàn cầu, bảng xếp hạng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của QS được coi là nỗ lực công phu nhất để so sánh 500 cơ sở giáo dục đại học khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, như đã được chỉ ra trong phương pháp luận, các số liệu thống kê đều dựa trên cơ chế tự báo cáo. Times Higher Education cũng công bố bảng xếp hạng Tỷ lệ Tốt nghiệp Đại học Có việc làm Toàn cầu, đánh giá sinh viên tốt nghiệp từ 150 trường đại học ở 33 quốc gia khác nhau.
Số liệu thống kê không đáng tin cậy
Đến tháng 4 năm 2018, 64 trường đại học của Việt Nam đã công bố tỷ lệ có việc làm của cựu sinh viên theo yêu cầu. Theo số liệu được công bố, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của các trường đại học trong khu vực như Đại học Tây Bắc, Đại học Hồng Đức và Đại học Hải Phòng thấp đáng kể (từ 30% đến 70%) so với các trường đại học ở các thành phố lớn và ở thủ đô (trên 80%). Tuy nhiên, số lượng những trường đại học thực hiện yêu cầu công bố chỉ chiếm chưa đến 20% tổng số trường cao đẳng đại học (306) tại Việt Nam. Hơn nữa, các số liệu thống kê đã công bố bị chỉ trích là không đáng tin cậy. Trong số 64 trường đại học, 34 trường báo cáo tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao hơn 90%, 10 trường công bố con số từ 70% đến 90% và số còn lại báo cáo tỷ lệ từ 40% đến 70%.
Số liệu thống kê sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đại học được cho là bị thổi phồng, bởi vì báo cáo tháng 12 năm 2017 của Bộ Lao động cho rằng một phần năm trong tổng số người thất nghiệp (237 ngàn trên tổng số 1.07 triệu) có bằng cử nhân hoặc cao hơn. Câu hỏi đặt ra là vì sao có tới 237 ngàn người có bằng cấp đại học bị thất nghiệp, trong khi tỷ lệ có việc làm được 64 trường đại học công bố là rất cao.
Ngoài ra, ở đây còn có một số hoài nghi đối với Đại học Kinh tế Tài chính (thành phố Hồ Chí Minh) và Đại học Phòng cháy chữa cháy, cả hai trường đều khẳng định 100% sinh viên tốt nghiệp của họ có việc làm. Các nhà phê bình đặt dấu hỏi về quy mô chọn mẫu và số lượng mẫu đại diện được hai trường này sử dụng khi thực hiện thống kê. Chẳng hạn, trong một báo cáo được công bố vào tháng 9 năm 2017, Đại học Sài Gòn đã kết luận rằng tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ kỹ thuật điện và điện tử là 100%, chỉ dựa trên phản hồi của một cá nhân. Hiện vẫn chưa rõ loại công việc nào đang được tính là việc làm. Ở Việt Nam, nhiều sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong các lĩnh vực phù hợp với chuyên ngành đã học; một số người có bằng đại học sư phạm nhưng lại trở thành công nhân dệt.
Những giải pháp khả thi
Sự nghi ngại trước số liệu thống kê việc làm không đáng tin cậy là phổ biến ở những quốc gia không có các tổ chức chuyên môn và được công nhận để thực hiện khảo sát tình trạng việc làm. Số liệu báo cáo do các trường đại học cung cấp luôn bị nghi ngờ. Khảo sát việc làm được thực hiện bởi các bên thứ ba dưới sự giám sát của các cơ quan nhà nước được coi là đáng tin cậy và khách quan hơn.
Các trường đại học của Việt Nam chưa quen vận hành như những doanh nghiệp độc lập trong một thị trường giáo dục cạnh tranh. |
Một số bài báo trên các phương tiện truyền thông Việt Nam đã bày tỏ sự hoài nghi về tính hiệu quả của chính sách mới. Có vẻ như công chúng mong đợi các quy định của nhà nước thực sự được thực thi. Để giải quyết những lo ngại về mức độ tin cậy của số liệu thống kê việc làm, Bộ GD-ĐT rất nên hoặc tự mình thực hiện khảo sát tình trạng có việc làm của sinh viên tốt nghiệp trên toàn quốc, hoặc thành lập một cơ quan đáng tin cậy để kiểm soát quá trình thống kê, hơn là để các trường đại học tự báo cáo. Hơn nữa, để nâng cao độ tin cậy và chất lượng thông tin việc làm vì lợi ích của sinh viên, Bộ GD-ĐT cần yêu cầu các trường đại học báo cáo thu nhập trung bình của sinh viên tốt nghiệp.
Hiện tại, hầu hết các trường đại học Việt Nam vẫn đang coi quy định công bố số liệu thống kê sinh viên tốt nghiệp có việc làm là một yêu cầu phải thực hiện hơn là cơ hội vàng để cải thiện vị trí của họ trong bảng xếp hạng chất lượng. Nói cách khác, các trường đại học của Việt Nam chưa quen vận hành như những doanh nghiệp độc lập trong một thị trường giáo dục cạnh tranh, nơi khách hàng (sinh viên và phụ huynh) xem xét số liệu thống kê việc làm rồi mới đưa ra quyết định. Do đó, kế hoạch của chính phủ nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp bằng cách gây áp lực từ trên xuống sẽ không thành công chừng nào quy định công bố tỷ lệ có việc làm vẫn bị coi là một yêu cầu phải thực hiện thay vì là một nhu cầu của chính các trường đại học. Đây là hiện trạng tất yếu của một hệ thống giáo dục kế hoạch hóa tập trung, như đã được chỉ ra trong một bài báo gần đây về quyền tự chủ của các trường đại học Việt Nam trong Tạp chí Giáo dục Đại học Quốc tế. Sẽ phải mất thêm nhiều thời gian nữa cho đến khi dữ liệu việc làm có thể trở thành một công cụ hiệu quả thúc đẩy các trường đại học Việt Nam cải thiện chất lượng giáo dục đại học.