Tối đa hóa sứ mệnh dân sự của các trường đại học

Ellen Hazelkorn là Giáo sư và là Giám đốc danh dự của Ban Nghiên cứu Chính sách Giáo dục Đại học, Viện Công nghệ Dublin, Ireland, và là thành viên của Tổ chức Tư vấn Giáo dục BH Associates. E-mail: ellen.hazelkorn@dit.ie.

Cuốn tự truyện Becoming của Michelle Obama (2018, tr.147) nói về việc bà lớn lên ở vùng phía Nam của Chicago, Illinois (Hoa Kỳ), và về khoảng cách giữa Đại học Chicago và khu vực lân cận. Bà viết: “Với hầu hết những người lớn lên ở đây mà tôi biết, sự ưu tú không dành cho chúng tôi. Những tòa nhà bằng đá màu xám của trường gần như quay lưng lại với những đường phố bao quanh khuôn viên đại học. Những gì về trường còn lưu lại trong tâm trí của gia đình tôi, cũng như của nhiều người sống ở khu vực phía Nam, chỉ là những hình ảnh mờ nhạt và ít ỏi, mặc dù mẹ tôi từng có một năm làm việc vui vẻ ở đó”.

Những hồi ức tương tự như của bà Michelle cũng được phản ánh trong một cuộc khảo sát gần đây của Vương quốc Anh. Theo kết quả cuộc khảo sát năm 2018 của Civic University Commission, 58% số người được hỏi cho biết là họ tự hào về các trường đại học ở đây. Tuy nhiên, 35% không thể kể tên một việc mà trường đại học của họ đã làm để thu hút cộng đồng địa phương, và 30% những người ở với vị trí kinh tế xã hội thấp trả lời rằng chưa bao giờ đến thăm một khuôn viên đại học nào tại địa phương.

Đâu là vấn đề?

Các trường đại học từng phục vụ tốt cho xã hội khi đóng vai trò hàng đầu trong việc kiến tạo quốc gia, khám phá khoa học và diễn ngôn trí tuệ và công cộng. Nhưng ngày nay, trong bối cảnh sự chênh lệch kinh tế xã hội và giữa các khu vực bên trong quốc gia càng lớn hơn, và trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, ngày càng có nhiều lo ngại về kết quả học tập, chuẩn đầu ra và cơ hội việc làm của sinh viên. Các câu hỏi cũng được đặt ra về sự đóng góp của giáo dục và nghiên cứu, về các giá trị và tác động của chúng đối với các mục tiêu quốc gia và địa phương. Cũng có những lo ngại rằng việc các trường đại học theo đuổi danh tiếng và địa vị toàn cầu phải đánh đổi bằng sự lơ là các trách nhiệm xã hội – những lo lắng này được phản ánh trong sự sụp đổ niềm tin vào các trường công và giới tinh hoa.

Do vậy, ở nhiều quốc gia, chính phủ và công chúng ngày càng yêu cầu các trường đại học phải có trách nhiệm hơn, phải mang lại nhiều lợi ích công hơn cho các thành phố và khu vực của họ. Các trường đại học được yêu cầu vượt qua giới hạn của phương thức giảng dạy, nghiên cứu, và học tập theo cách truyền thống, và thoát ra khỏi những bức tường của họ – dù đó là thực hay ẩn dụ, để kết nối với cộng đồng và với khu vực theo những cách mới lạ, đầy thách thức và hiệu quả.

Những áp lực này làm nảy sinh ba vấn đề liên quan đến nhau: Thái độ của công chúng đối với các dịch vụ công trong đó có giáo dục; Mức độ tin cậy của công chúng thuộc các khu vực khác nhau của xã hội; Và mối quan tâm của công chúng về hiệu quả sử dụng các nguồn lực công, về đóng góp và giá trị xã hội của các trường.

Lịch trình tham gia

Giờ đây, “tham gia” là một phần quan trọng trong lịch trình chính phủ, và cũng quan trọng tương ứng trong lịch trình của giáo dục đại học. Trong lịch sử, sự tham gia của các học giả vào những hoạt động khác ngoài giảng dạy, nghiên cứu hoặc học tập được mô tả là sự “phục vụ”. Trong những năm qua, “phục vụ” chủ yếu được hiểu là sự tham gia vào các ủy ban đại học và/hoặc là thành viên của các tổ chức chuyên môn. Ngày nay, mối liên hệ giữa các trường đại học với xã hội và nền kinh tế là một chủ đề lớn. Nó là một thành phần chính trong hoạch định chính sách quốc gia, một công cụ để định hình đại học và/hoặc một chỉ số về hiệu suất – như một phần của các chương trình nghị sự rộng hơn về trách nhiệm giải trình và kiểm soát hệ thống.

Tổ chức OECD đã chủ trì một dự án có ảnh hưởng lớn nhằm khám phá mối quan hệ giữa giáo dục đại học với 40 khu vực và thành phố, và những động lực cũng như rào cản của mối quan hệ này. Các vấn đề được tóm tắt trong tài liệu Higher Education and Regions: Globally Competitive, Locally Engaged (Giáo dục đại học và khu vực: Cạnh tranh toàn cầu, tham gia địa phương). Liên minh châu Âu đã đưa ra tài liệu hướng dẫn cho các nhà chức trách khu vực về Connecting Universities to Regional Growth (Kết nối đại học với phát triển khu vực) và hiện đang theo đuổi chiến lược phát triển khu vực dựa vào cộng đồng (place-based), được gọi là chuyên môn hóa một cách thông minh, trong đó các nghiên cứu ở đại học và hệ thống giáo dục nghề nghiệp (VET) là tác nhân chính. Mạng lưới đổi mới của các trường đại học toàn cầu của UNESCO (Global Universities Network for Innovation – GUNI) đưa ra ý tưởng về trường đại học dân sự (civic university) và sự cần thiết phải đối phó với những thách thức lớn được nêu trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (Sustainable Development Goals – SDG), được mô tả trong báo cáo Higher Education in the World: Balancing the Global with the Local (Giáo dục đại học trên thế giới: Cân bằng tính toàn cầu với tính địa phương).

Liên minh châu Âu cũng đã phát triển các công cụ để định hướng hoạt động và xếp hạng các đại học, với các tiêu chí về trao đổi tri thức, tham gia vào hoạt động trong khu vực, cũng như việc làm sau tốt nghiệp. Điều này bắt đầu với U-MAP (2005), một công cụ định hình đại học, và sau đó được áp dụng cho xếp hạng U-Multirank (2014). E3M: European Indicators and Ranking Methodology for University Third Mission (Các chỉ số châu Âu và phương pháp xếp hạng cho sứ mệnh thứ ba của đại học – 2012) là một dự án khác của EU. Những sáng kiến ​​này tương tự như Carnegie Elective Classification for Communication Engagement (Phân loại tự chọn của Carnegie cho tham gia giao tiếp – 2006). Những sáng kiến khác bao gồm Campus Compact Indicators of Engagement (Bộ chỉ số tinh gọn về tham gia của nhà trường – 2001), Inventory Tool for Higher Education Civic Engagement (Công cụ đầu tư cho việc tham gia dân sự của đại học) của Mạng lưới Talloires/Hiệp hội các trường đại học khối thịnh vượng chung (2004), sáng kiến ​​của Australian Universities Community Engagement Alliance (Liên minh đại học Úc tham gia hoạt động cộng đồng AUCEA – 2008) và của UK National Coordinating Centre for Public Engagement (Trung tâm điều phối quốc gia tham gia công cộng Anh Quốc). Các bảng xếp hạng đại học toàn cầu mang tính thương mại cũng đã bắt đầu tập trung vào các chỉ số tham gia này.

Phát triển ở xứ Wales

Do tầm quan trọng của giáo dục đại học đối với sự phát triển kinh tế và xã hội, bộ giáo dục ở nhiều quốc gia đang tìm cách chỉ đạo các trường đại học định hướng tham gia vào các hoạt động dân sự ở mức độ cao hơn. Các công cụ chính sách được sử dụng bao gồm khung quốc gia về thiết lập mức độ ưu tiên, chỉ số hiệu suất và/hoặc các công cụ cấp tài chính khác, giáo dục khởi nghiệp và học tập dựa trên công việc, và các tiêu chí đánh giá phù hợp với các ưu tiên tầm quốc gia.

“Tham gia” là một phần quan trọng trong lịch trình chính phủ, và cũng quan trọng tương ứng trong lịch trình của giáo dục đại học.

Ví dụ, chương trình chiến lược về giáo dục đại học và nghiên cứu của Hà Lan giai đoạn 2015-2025 xác định việc bình ổn hóa tri thức – tức tạo ra giá trị kinh tế xã hội từ tri ​thức và lợi ích xã hội – là ưu tiên chính. Mô hình tài trợ theo hiệu suất (performance funding model) của Phần Lan gồm các chỉ số liên quan đến việc đáp ứng các mục tiêu quốc gia, mục tiêu chiến lược và khuyến khích hợp tác. Kế hoạch hành động giáo dục Ireland 2016-2019 yêu cầu các trường phải mô tả “cách thức đóng góp cho phát triển cá nhân cũng như phát triển kinh tế bền vững, đổi mới sáng tạo, xác định và giải quyết các thách thức xã hội, gắn kết xã hội, gắn kết dân sự và đẩy mạnh các hoạt động văn hóa”.

Xứ Wales cũng không khác. Theo truyền thống, điểm đặc trưng của giáo dục đại học xứ Wales là sự cam kết với người dân xứ Wales, nguồn tài trợ từ công chúng và đáp ứng cơ hội học tập suốt đời cho người dân địa phương. Tuy nhiên, ngày nay Wales là nơi nhập khẩu ròng sinh viên mới và xuất khẩu ròng sinh viên tốt nghiệp. Trong bối cảnh Brexit, các dự báo cho thấy kinh tế Wales có thể nghèo hơn so với phần còn lại của Vương quốc Anh, và cách biệt trong trình độ học vấn có thể còn lớn hơn. Do đó, trong quyết tâm định hướng một vị trí đặc biệt cho chính mình, chính phủ xứ Wales đã đưa ra một số ​​chính sách mang tính đổi mới. Trong khi nước Anh áp dụng cách tiếp cận thị trường cho giáo dục đại học với học phí leo thang và sự bất bình đẳng về thể chế và khu vực ngày càng tăng, chính phủ Wales theo đuổi chính sách “dịch vụ công”. Năm 2015, Đạo luật Hạnh phúc của Thế hệ Tương lai đã đưa thành luật định buộc các cơ quan công quyền phải thực hiện 7 mục tiêu tốt đẹp để đảm bảo xứ Wales trở thành thịnh vượng, kiên định, lành mạnh hơn, bình đẳng hơn, và bao gồm các cộng đồng gắn kết với văn hóa sôi động và ngôn ngữ xứ Wales, và là một xã hội có trách nhiệm toàn cầu. Ủy ban nghiên cứu và giáo dục đại học mới của Wales (TERCW) sẽ tìm cách phối hợp tốt hơn giữa giáo dục đại học và giáo dục bổ túc, và giám sát mối liên hệ dân sự chặt chẽ hơn giữa các trường đại học và xã hội xứ Wales.

Trong bối cảnh đó, chương trình Tối đa hóa sự đóng góp của các trường đại học (2018) của các tác giả John Goddard, Ellen Hazelkorn, Stevie Upton và Tom Boland đưa ra sáu khuyến nghị:

  • Áp dụng tầm nhìn chiến lược cho lĩnh vực đào tạo sau phổ cập ở Wales,
  • Tham gia dân sự là một tiêu chí chính thức đo hiệu suất của các trường đại học,
  • Phát triển mạng lưới các trường trong khu vực như một phương tiện tăng cường việc lập kế hoạch và ra quyết định dựa vào cộng đồng (place-based) giữa giáo dục đại học với các bộ phận khác của xã hội và kinh tế xứ Wales,
  • Khuyến khích hợp tác giữa các trường đại học và các bộ phận khác của ngành giáo dục sau phổ cập,
  • Việc đưa vào và mở rộng quyền tiếp cận học tập suốt đời – bao gồm giáo dục cho người lớn – được xem là đặc tính nội tại và trách nhiệm của nhiệm vụ dân sự,
  • Mức cấp kinh phí cho các trường đại học phụ thuộc vào sự hợp tác dân sự và mức độ liên kết với các ưu tiên quốc gia và khu vực của xứ Wales.

Mục đích của các khuyến nghị nêu trên là để đảm bảo một cách tiếp cận tích hợp, mạch lạc, không dẫn đến sự cô lập các hoạt động dạy và học, nghiên cứu và đổi mới, tham gia và thực hiện sứ mệnh dân sự – thành ba nhóm hoạt động riêng biệt và tiến hành song song, cạnh tranh với nhau về tiền bạc, về thời gian và về vị thế. Thay vào đó, tham vọng của các tác giả là khuyến khích một cách tiếp cận nhúng, trong đó nhiệm vụ dân sự là một phần của vai trò và trách nhiệm cốt lõi của các trường đại học, với tư cách là tổ chức công của xứ Wales và vì xứ Wales.