Ana García de Fanelli là một Học giả Nghiên cứu cao cấp của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật quốc gia (CONICET) tại Trung tâm nghiên cứu Nhà nước và Xã hội (CEDES) ở Buenos Aires, Argentina. E-mail: [email protected].
Những cuộc tranh luận công khai về sự công bằng trong giáo dục đại học thường tập trung vào tác động của chính sách tuyển sinh và chính sách cấp ngân sách đối với toàn bộ hệ thống như một tổng thể. Thứ nhất, người ta cho rằng khi các tiêu chí và thủ tục nhập học càng chọn lọc thì sinh viên thuộc nhóm thu nhập thấp càng có ít cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học. Thứ hai, người ta cho rằng chính sách chia sẻ chi phí học đại học thông qua việc thu học phí có thể làm giảm cơ hội theo đuổi giáo dục đại học của các tầng lớp xã hội ít đặc quyền. Mặc dù cả hai ý kiến trên đều đúng, vẫn còn hai yếu tố bổ sung có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự công bằng trong giáo dục đại học: năng lực của trường trung học và đại học trong việc duy trì và cung cấp giáo dục chất lượng cao cho người học có thu nhập thấp và thuộc tầng lớp xã hội thiệt thòi; và sự khác biệt giữa các trường dẫn đến tình trạng phân cấp, trong đó sinh viên có thu nhập thấp hơn thường theo học tại các cơ sở giáo dục chất lượng thấp.
Tiếp cận giáo dục đại học và cấp ngân sách ở Argentina và Chile
Chúng ta có thể dùng trường hợp Argentina và Chile làm minh họa cho sự tương tác phức tạp giữa các chính sách và kết quả công bằng, cả hai quốc gia Mỹ Latinh này đều theo đuổi chính sách tuyển sinh và cấp ngân sách mang tính phân cực. Argentina có chính sách tuyển sinh không chọn lọc trong hầu hết các chương trình đại học (ví dụ không có kỳ thi tuyển sinh hoặc chỉ tiêu tuyển sinh tối đa) và các chương trình đại học trong các trường công đều không thu học phí, do đó có tỷ lệ đăng ký cao nhất (75% tổng số tuyển sinh năm 2015). Ngược lại, hệ thống Chile dựa trên các chính sách tuyển sinh chọn lọc và thu học phí khá cao trong bối cảnh thị trường giáo dục đại học được tư nhân hóa đáng kể (năm 2017, khu vực tư nhân chiếm 84% tổng số sinh viên). Về nguyên tắc, chúng ta kỳ vọng rằng giáo dục ở Argentina công bằng hơn ở Chile. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của tỷ lệ tham gia vào giáo dục đại học của nhóm người có thu nhập thấp nhất ở hai quốc gia này không phản ánh giả định này. Chile đã nhanh chóng cải thiện cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho sinh viên thuộc tầng lớp thấp nhất, vượt qua tỷ lệ nhập học ròng (NER – New Enrollment Rate) của Argentina. Theo dữ liệu từ Khảo sát Hộ gia đình Quốc gia do Cơ sở Dữ liệu Kinh tế Xã hội ở Mỹ Latinh và Caribê (SEDLAC) công bố năm 2015, NER của nhóm thu nhập thấp nhất ở Chile là 29% và ở Argentina là 19%. Mười năm trước, các tỷ lệ tương ứng là 13% và 16%. Hơn nữa, năm 2015, tỷ lệ chênh lệnh giữa nhóm có thu nhập cao nhất và nhóm có thu nhập thấp nhất tham gia vào giáo dục đại học là 2,2 ở Chile và 2,8 ở Argentina.
Những chỉ số tham gia này không nhất thiết ngụ ý rằng giáo dục đại học Chile về mọi mặt công bằng hơn so với Argentina, nhưng chúng lôi kéo sự chú ý đến bản chất phức tạp của thách thức công bằng trong bối cảnh giáo dục đại học ngày càng đại chúng hóa và phân cấp hóa. Ngoài ra, cả hai hệ thống đều cho thấy sự bất bình đẳng rõ rệt. Để hiểu rõ hơn các yếu tố ảnh hưởng đến sự bình đẳng, chúng ta cần xem xét hai vấn đề nêu trên: cơ hội để học sinh thuộc những nhóm thu nhập thấp hơn hoàn thành chương trình trung học và theo đuổi giáo dục đại học, và những loại hình trường mà họ có thể nhập học.
Tỷ lệ tốt nghiệp trung học và tỷ lệ bỏ học ở bậc đại học
Tỷ lệ tốt nghiệp trung học giải thích rõ lý do Argentina thua kém Chile về tỷ lệ NER của học sinh nhóm thu nhập thấp trong giáo dục đại học. Theo dữ liệu của OECD, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2015 ở Chile là 90%, trong khi đó ở Argentina là 61%. Về chất lượng, kết quả PISA cho thấy Chile đã đạt được những dấu ấn và cải thiện tốt hơn theo thời gian so với Argentina, mặc dù những thành tích này vẫn ở dưới mức trung bình của OECD. Do đó, trong bối cảnh tỷ lệ tốt nghiệp thấp và kết quả học tập kém ở cấp trung học, chính sách tuyển sinh mở và miễn học phí đại học của Argentina cũng không thể thúc đẩy học sinh các nhóm thu nhập thấp tham gia vào giáo dục đại học.
Ở cả hai quốc gia, kết quả học tập kém của học sinh thuộc các nhóm thu nhập thấp cản trở sự tiến bộ của họ trong các chương trình đại học và dẫn đến tỷ lệ bỏ học cao hơn trong năm học đầu tiên. Theo ước tính của Dịch vụ Thông tin Giáo dục Đại học Chile (SIES), tỷ lệ bỏ học trong năm đầu tiên của sinh viên khóa 2008-2012 là khoảng 30%. Dữ liệu cho thấy tỷ lệ bỏ học cao hơn ở những sinh viên thuộc nhóm thu nhập thấp có cha mẹ ít học và ở những sinh viên tốt nghiệp các trường phổ thông công lập hoặc trường tư thục được trợ cấp ngân sách. Argentina không có dữ liệu để so sánh, nhưng dựa trên Khảo sát Quốc gia Hộ gia đình, chúng tôi tính được tỷ lệ bỏ học ở những người trẻ tuổi (18 đến 30 tuổi) có chung tình trạng kinh tế xã hội. Dữ liệu cho thấy những sinh viên có thu nhập thấp hơn có tỷ lệ bỏ học cao hơn (55%) so với những người thuộc nhóm thu nhập trung bình (40%) hoặc nhóm thu nhập cao (21%).
Sự phân cấp
Trong thập kỷ qua, cả ở Argentina và Chile, năng động nhất trong việc mở rộng tuyển sinh đại học không phải là các trường công hàng đầu mà là các cơ sở đào tạo bậc trung cấp, cao đẳng (công lập hoặc tư thục), hoặc các trường đại học tư thục.
Ở Argentina, mặc dù sinh viên đại học trong các trường đại học công lập đang chiếm phần lớn, số lượng tuyển sinh của khu vực này đã giảm gần 10% trong một thập kỷ (từ 63% xuống còn 54% tổng số sinh viên đại học trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2015). Mức tăng cao nhất được ghi nhận trong các cơ sở đào tạo công lập bậc trung cấp, cao đẳng và, tiếp theo là trong các trường tư thục đào tạo giáo viên cấp tiểu học và trung học và cung cấp các chương trình dạy nghề và kỹ thuật ngắn hạn. Ngoài ra, một số trường đại học tư nhân định hướng giảng dạy, không kén chọn đối tượng tuyển sinh cũng mở rộng nhanh hơn so với các trường tinh hoa – tư nhân hoặc trường đại học công lập.
Chile đã nhanh chóng cải thiện cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho học sinh thuộc tầng lớp thấp nhất, vượt qua tỷ lệ nhập học ròng (NER) của Argentina. |
Tại Chile, 61% tuyển sinh đại học năm 2017 tập trung ở các trường/viện chuyên nghiệp không kén chọn đầu vào và trong các trường đại học tư thục độc lập (những trường không thuộc tổ chức Hội đồng Hiệu trưởng các trường Đại học Chile – gồm các trường công lập và tư thục chọn lọc chất lượng cao). Tại các trường chuyên nghiệp, chương trình đào tạo nghề có mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2008 đến 2017. Kể từ năm 2006, và đặc biệt là sau phong trào sinh viên năm 2011, các chính sách hỗ trợ sinh viên đã giúp tăng số lượng học viên trong các ngành này nhờ việc mở rộng các chương trình cho vay và chương trình trợ cấp bao gồm cả các ngành đào tạo kỹ thuật. Luật gratuidad (học phí) mới ban hành năm 2016 và nhắm đến đối tượng là sinh viên có thu nhập thấp và trung bình, cũng giúp tăng số lượng sinh viên có thu nhập thấp tiếp cận với các chương trình và các trường đào tạo ít kén chọn. Biện pháp hỗ trợ tài chính này không yêu cầu sinh viên phải đạt điểm tối thiểu trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia (PSU), đây vẫn là điều kiện để nhận các chương trình tài trợ và tín dụng.
Tóm lại, đại chúng hóa ở cả hai quốc gia đã cải thiện cơ hội để thế hệ mới những học sinh tốt nghiệp trung học có thu nhập thấp tiếp cận được các chương trình đào tạo ít chọn lọc và chất lượng thấp hơn trong cả khu vực công lập và tư thục. Sự phân cấp theo chiều dọc giữa các tổ chức giáo dục đại học tăng lên do thiếu các kênh liên lạc và phương thức liên thông giữa chúng.
Kết luận
Do sự phức tạp của quá trình đại chúng hóa và sự khác biệt về thể chế trong giáo dục đại học, chúng ta không thể phân tích tính công bằng của một hệ thống cụ thể nếu chỉ tập trung vào các chính sách điều chỉnh nhập học chung và vào cơ chế cấp ngân sách của nhà nước hoặc tài trợ của tư nhân. Khi tập trung xem xét tỷ lệ bỏ học ở trung học và đại học và các chương trình và cơ sở giáo dục mà sinh viên có thu nhập thấp hơn theo học, sự bất bình đẳng nổi bật có thể xuất hiện. Để tiến hành loại phân tích này, cần có thêm các chỉ số, và chỉ số phải chính xác hơn để đo lường những biến đổi về số lượng và chất lượng của cấu trúc sinh viên, cũng như diễn biến của sự phân cấp thể chế như kết quả của quá trình đại chúng hóa, đa dạng hóa giáo dục phổ thông và đại học đang diễn ra trên khắp châu Mỹ Latinh.