Những thách thức đối với giáo dục đại học ở Lào và Campuchia

Martin Hayden là Giáo sư Ngành Giáo dục đại học tại Viện Giáo dục, Đại học Nam Cross, Úc. E-mail: martin.hayden@scu.edu. au.
Cố gắng tóm lược những thách thức mà giáo dục đại học ở Lào và Campuchia phải đối mặt có thể tạo ra một số quan ngại khác. Một là nguy cơ giải quyết vấn đề một cách hời hợt. Nguy cơ thứ hai là không nhìn nhận được đầy đủ sự khác biệt trong văn hóa, lịch sử và hoàn cảnh chính trị của mỗi quốc gia. Gạt những vấn đề này sang một bên, bài viết này tìm cách xác định ba thách thức lớn, và là chung cho cả hai hệ thống giáo dục của hai quốc gia.

Bối cảnh

Lào và Campuchia hiện đang có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và bền vững, chủ yếu dựa vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển các ngành sản xuất và mở ra các ngành dịch vụ mới. Tuy nhiên, cả hai quốc gia vẫn tiếp tục nằm trong danh sách các nước nghèo theo tiêu chuẩn quốc tế. Mức độ bất bình đẳng trong thu nhập và tỷ lệ nghèo đói ở nhiều vùng nông thôn đều rất cao ở cả hai nước. Tham nhũng có mặt khắp nơi, kể cả trong các lĩnh vực giáo dục đại học.

Những cải thiện đáng kể trong việc duy trì sĩ số học sinh trung học trong 15 năm qua đã góp phần làm tăng nhu cầu đối với giáo dục đại học. Ở cả hai nước, khu vực giáo dục đại học công lập không đủ sức đáp ứng nhu cầu gia tăng. Do đó, giáo dục đại học tư nhân được phép mở rộng nhanh chóng và không bị kiểm soát quá nhiều. Campuchia theo đuổi chính sách này mạnh mẽ hơn, nên hiện nay khu vực giáo dục đại học tư thục đã lớn hơn khu vực giáo dục đại học công lập.

Trong năm 2015 – là năm gần đây nhất có dữ liệu đáng tin cậy – Lào với dân số hơn sáu triệu người, có 5 trường đại học công lập, 8 trường cao đẳng công lập và 43 trường cao đẳng tư thục cấp bằng đại học. Lào cũng có hơn 90 ngàn sinh viên đại học, khoảng một phần ba trong số đó theo học trong các trường tư thục, mặc dù chủ yếu là các chương trình tại chức.

Campuchia, với dân số hơn 15 triệu người, có 109 trường đại học và cao đẳng, trong đó 66 trường đại học và cao đẳng thuộc khu vực tư nhân. Campuchia có khoảng 260 ngàn sinh viên đại học, hơn một nửa trong số đó học tập trong khu vực đại học tư thục.

Tự chủ đại học

Thách thức đầu tiên đối với giáo dục đại học ở cả hai quốc gia liên quan nhiều hơn đến vấn đề quyền tự chủ thể chế. Ở cả hai nước, các trường đại học công lập đều có cấu trúc hội đồng quản trị cần thiết để thực hiện quyền tự chủ thể chế, nhưng hội đồng quản trị và hội đồng học thuật của họ có rất ít hoặc không có thẩm quyền ra quyết định. Ở Lào, ngay cả những thay đổi khiêm tốn trong chương trình đào tạo cũng phải được Bộ Giáo dục và Thể thao chấp thuận; ở Campuchia, tình hình cũng tương tự, ngoại trừ việc các trường đại học công lập còn phải chịu sự quản lý của 15 bộ khác nhau, bên cạnh sự điều phối của Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao. Chín trường đại học công lập ở Campuchia đã được cấp quyền tự chủ tài chính hạn chế nhờ được chỉ định là “tổ chức hành chính công”, hình thức này không có ở Lào.

Tình trạng các trường đại học công lập thiếu quyền tự chủ thể chế gây ra những hậu quả rõ ràng ở cả hai nước. Các nhà quản lý giáo dục cảm thấy ngạt thở dưới sức nặng của bộ máy quan liêu nhà nước. Ngoài ra, trong các trường công lập vẫn tồn tại văn hóa tránh né trách nhiệm ra quyết định.

Ngược lại, khu vực giáo dục đại học tư thục ở cả hai quốc gia đều hoạt động độc lập hơn, ít chịu sự kiểm soát của nhà nước. Phần lớn các cơ sở giáo dục tư thục định hướng vì lợi nhuận và thuộc sở hữu của các cá nhân hoặc gia đình giàu có. Cơ cấu quản trị thường là công ty, nhưng các ưu tiên chiến lược của các trường này chủ yếu do chủ sở hữu quyết định.

Nguồn lực

Thách thức thứ hai đối với giáo dục đại học ở cả hai nước liên quan đến sự thiếu thốn nguồn lực. Lào và Campuchia là những quốc gia có thu nhập thấp, vì thế ngân sách dành cho giáo dục đại học công chắc chắn bị giới hạn. Tuy nhiên, những hạn chế về ngân sách nghiêm trọng đến mức việc nâng cấp chất lượng phòng học, thư viện, mạng công nghệ thông tin và phòng thí nghiệm nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học công lập chỉ được tiến hành như những sự việc ngoại lệ hơn là định kỳ. Cả hai quốc gia đều cam kết chi nhiều hơn cho hệ thống giáo dục của mình, nhưng mỗi quốc gia đều đang phải thực hiện những cam kết nặng nề cho giáo dục mầm non, tiểu học và trung học. Mục tiêu tăng nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học công lập được coi là khó đạt được.

Thách thức thứ ba đối với giáo dục đại học ở cả hai nước liên quan đến nhu cầu nâng cao chất lượng.

Cả hai quốc gia đều có chính sách duy trì chặt chẽ mức trần học phí tại các cơ sở giáo dục đại học công lập. Lý do đưa ra để bảo vệ chính sách này là giáo dục đại học công phải phù hợp tầng lớp trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, lập luận này hiếm khi được củng cố bằng dữ liệu về hồ sơ kinh tế xã hội của các sinh viên hiện đang theo học tại các cơ sở giáo dục đại học công lập. Nhiều sinh viên trong số này được coi là xuất thân từ những gia đình khá giả có khả năng trả học phí cao hơn, nhưng quan điểm này thường xuyên bị cả hai chính phủ quốc gia phủ nhận.

Học phí tại các trường tư thục cao hơn gấp nhiều lần so với học phí của các trường công. Tình trạng này làm nản lòng các học giả làm việc trong khu vực công, bởi vì họ nhận thấy chương trình đào tạo trong các trường tư thục thường giống như chương trình trong các trường công lập. Hơn nữa, giảng viên trong các trường tư thục cũng chính là các học giả thuộc khu vực công, những người “đi cày đêm” với mục đích tăng thu nhập. Các học giả thuộc khu vực công cũng cho rằng các trường tư thục nên cung cấp những chương trình đào tạo đắt giá mà dường như không thiếu nhu cầu, trong trường hợp như vậy học phí trong khu vực công có thể tăng lên mà không gây ra những tác động xã hội bất lợi, đặc biệt nếu có nhiều hơn các loại học bổng dành để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Chất lượng

Thách thức thứ ba đối với giáo dục đại học ở cả hai nước liên quan đến nhu cầu nâng cao chất lượng. Các giảng viên đại học ở cả hai nước đều có trình độ học vấn thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ, ở Lào chưa đến 5% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Kỹ năng giảng dạy cũng không được huấn luyện tốt, và có rất ít hoặc không có những hỗ trợ chuyên môn để cải tiến giảng dạy. Ở cả hai quốc gia, các giảng viên tại các trường đại học công lập đều được kỳ vọng là sẽ tham gia nghiên cứu. Tuy nhiên, năng suất nghiên cứu tại các trường công vẫn không đáng kể, chủ yếu bởi vì các giảng viên không có kỹ năng cũng như nguồn lực để tham gia vào các dự án nghiên cứu quan trọng. Ngoài ra, nhiều người trong số họ chọn cách bổ sung cho mức lương ít ỏi của mình bằng việc nhận thêm nhiệm vụ giảng dạy.

Các chính sách và quy trình đảm bảo chất lượng toàn hệ thống đã được giới thiệu ở cả hai quốc gia, nhưng chậm được triển khai và cho đến nay không có nhiều bằng chứng cho thấy tác động của chúng. Tuy nhiên các bộ của chính phủ công khai thừa nhận sự tồn tại của các vấn đề liên quan đến chất lượng. Mối quan tâm ngày càng tăng ở cả hai quốc gia là sự không phù hợp giữa các chương trình đào tạo đang được các cơ sở giáo dục đại học cung cấp và nhu cầu của thị trường lao động. Cũng được quan tâm đến mặc dù lẻ tẻ là những vụ bê bối liên quan đến các nhà cung cấp giáo dục đại học tư nhân đã trở nên quá tham lam.

Kết luận

Ba thách thức lớn đối với giáo dục đại học ở Lào và Campuchia được đề cập ở trên hiển nhiên đều liên quan với nhau, điều đó có nghĩa là cả ba cần được giải quyết đồng thời để đạt được những tiến bộ có ý nghĩa. Ở cả hai quốc gia, những tuyên bố chính thức về sự cần thiết cải cách đã cung cấp nền tảng cho các kế hoạch và định hướng thực hiện. Dù vậy, điều kỳ lạ là các hệ thống giáo dục đại học của cả hai nước đều không có động lực cải cách. Không khó để nhận ra rằng cả hai quốc gia vẫn chưa có một ý chí chính trị đủ mạnh để tạo ra những thay đổi cần thiết khiến giáo dục đại học phát triển đột phá trong những năm tới.