Hiệu suất chương trình “Ngàn tài năng trẻ” ở Trung Quốc

Lili Yang là Nghiên cứu sinh Tiến sỹ tại Khoa Giáo dục, Trung tâm Giáo dục Đại học Toàn cầu, Đại học Oxford, Anh Quốc. Email: [email protected]. Giulio Marini là Trợ lý nghiên cứu tại Học viện Giáo dục, Đại học London, Trung tâm Giáo dục Đại học Toàn cầu, Email: [email protected]

Chiêu mộ nhân tài đã trở thành một chiến lược được nhiều quốc gia áp dụng nhằm thu hút các nhà nghiên cứu quốc tế. Những quốc gia không thu hút được nhân tài quốc tế và/hoặc không giữ chân được tài năng trong nước có nguy cơ đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám nghiêm trọng. Một chương trình chiêu mộ nhân tài được thiết kế tốt, cung cấp những điều kiện làm việc và lương bổng hấp dẫn có thể xoay chuyển tình trạng chảy máu thành tăng cường chất xám.

Cho đến cuối thế kỷ 20, Trung Quốc vẫn là một quốc gia bị chảy máu chất xám. Để đối phó, chính phủ Trung Quốc liên tiếp ban hành nhiều chính sách nhằm chiêu mộ nhân tài người Hoa ở nước ngoài và nhân tài người nước ngoài đến Trung Quốc. Chương trình Ngàn Tài năng Trẻ (Y1000T), khởi xướng năm 2011, được cho là thành công nhất trong các chương trình chiêu mộ các nhà nghiên cứu – mới hoặc đã nổi tiếng – từ nước ngoài. Chương trình Y1000T cung cấp những điều kiện tuyển dụng hấp dẫn nhằm thu hút những nhân tài trẻ (có bằng Tiến sĩ, dưới 40 tuổi đang ở nước ngoài), có tiềm năng trở thành những nhân vật hàng đầu. Từ 2011 đến 2018, chương trình Y1000T chiêu mộ được khoảng 4000 nhà nghiên cứu, phần lớn là học giả người Hoa trở về nước. Nói chung, các ý kiến đều đồng thuận rằng những tài năng trở về đã giúp nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của giáo dục đại học Trung Quốc, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có nghiên cứu so sánh hiệu suất của những học giả trở về với hiệu suất của những học giả hoa kiều đang làm việc tại các nước có trình độ nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt là Hoa Kỳ. Sẽ là một việc thú vị khi xác minh xem điều kiện nghiên cứu ở Trung Quốc có thực sự tốt hơn các quốc gia khác hay không.

Hai nhóm có hiệu suất tương đương về tổng số ấn phẩm, nhưng nhóm Y1000T thua kém đôi chút về chất lượng (đo bằng chỉ số ảnh hưởng của tạp chí)

Chúng tôi đã so sánh nhóm học giả chọn lọc từ chương trình Y1000T các năm trước, 2011 và 2012 (gọi là nhóm “đối tượng”) với các nhà nghiên cứu hoa kiều đang làm việc tại các trường đại học nghiên cứu chuyên sâu của Mỹ (gọi là nhóm “đối chứng”, có dữ liệu về họ được trích xuất thủ công từ các trang web của trường/viện phục vụ cho nghiên cứu này). Mục tiêu so sánh nhằm trả lời câu hỏi số lượng và chất lượng nghiên cứu của các học giả Y1000T có tương đương với các học giả nhóm “đối chứng” đang làm việc tại Hoa Kỳ hay không. Nhóm “đối tượng” gồm 183 người, nhóm “đối chứng” bao gồm 363 người. Các học giả nhóm “đối tượng” đều làm việc trong trường đại học hoặc viện nghiên cứu ở Trung Quốc, còn các học giả nhóm “đối chứng” đều làm việc trong các trường đại học nghiên cứu chuyên sâu. Cả hai nhóm đều đồng nhất về tuổi tác và chuyên môn (khoa học đời sống, khoa học kỹ thuật và vật liệu, hóa học, toán học và vật lý, khoa học thông tin, khoa học môi trường và trái đất, y học, y tế công cộng và y tế dự phòng). Nhóm các nhà nghiên cứu hoa kiều đang làm việc ở Hoa Kỳ được chia thành hai nhóm nhỏ hơn để so sánh với những học giả trở về theo chương trình Y1000T.

Hiệu suất tương đương về số lượng xuất bản

Các nhà nghiên cứu của cả hai nhóm đều có bằng tiến sĩ vào khoảng năm 2006. Trong 5 năm sau đó, cả hai nhóm đều đạt được những tiến bộ đáng kể về số lượng công bố. Trong năm 2013, số lượng công bố trung bình của nhóm “đối tượng” là 27,1 so với 25,7 của nhóm đối chứng. Sau khi trở về Trung Quốc và cho đến năm 2018, con số này tăng lên 39,0 đối với nhóm Y1000T, và là 39,4 đối với các nhà nghiên cứu trong nhóm “đối chứng”. Sự khác biệt là không đáng kể, mặc dù số lượng công bố của nhóm đối tượng tăng chậm hơn so với nhóm đối chứng.

So sánh theo loại ấn phẩm, sau khi được chương trình Y1000T chiêu mộ, 84,8% công bố của nhóm “đối tượng” là các bài báo (ngoài ra là các bài tóm tắt, chương sách và thể loại khác), tỷ lệ này ở nhóm “đối chứng” là 76,1%. Không có sự khác biệt lớn giữa hai nhóm trong xu hướng công bố nghiên cứu theo chế độ truy cập mở. Tỷ lệ xuất bản truy cập mở tăng từ 3,7% lên 6,9% đối với nhóm “đối tượng” và từ 4,6% lên 6,6% đối với nhóm “đối chứng” ở Hoa Kỳ.

Chất lượng xuất bản thấp hơn

Hai nhóm có hiệu suất tương đương về tổng số ấn phẩm, nhưng nhóm Y1000T thua kém đôi chút về chất lượng (đo bằng chỉ số ảnh hưởng của tạp chí), mặc dù giữa hai nhóm không có sự khác biệt đáng kể về số lượng ấn phẩm được đăng trên các tạp chí hàng đầu. Về chỉ số ảnh hưởng, Y1000T có xu hướng xuất bản trên các tạp chí kém uy tín hơn, và họ có hệ số trích dẫn cao hơn, cụ thể, 78,29% ấn phẩm của Y1000T được trích dẫn kể từ khi trở về Trung Quốc, cùng thời gian đó, nhóm đối chứng có 73,8% ấn phẩm được trích dẫn.

Số liệu thống kê cũng cho biết rằng, sau khi trở về Trung Quốc, mức trích dẫn trung bình trên mỗi ấn phẩm của nhóm Y1000T (12,225) thấp hơn so với nhóm đối chứng (15,931). Về chỉ số nhận biết ấn phẩm, được đo bằng số lần trích dẫn tích lũy, nhóm Y1000T dường như tụt hậu so với nhóm đối chứng. Ngoài ra, mặc dù Y1000T tập trung nhiều vào việc đồng xuất bản với các đối tác quốc tế, tỷ lệ hợp tác quốc tế sụt giảm rõ rệt sau khi họ về nước. Trước khi trở về Trung Quốc, 56% ấn phẩm của nhóm Y1000T có liên quan đến hợp tác quốc tế. Tỷ lệ này giảm xuống còn 44,8% sau khi trở về theo chương trình Y1000T. Trong khi đó, nhóm đối chứng vẫn duy trì tỷ lệ hợp tác quốc tế khá cao (66,2% trước các năm khảo sát 2011 và 2012; 65,6% sau đó).

Kết luận

Tóm lại, chương trình Y1000T tỏ ra khá thành công với kết quả thu hút được những nhân tài người Trung Quốc tốt nhất – tốt nghiệp tiến sĩ từ những trường nước ngoài có uy tín cao – trở về nước. Phần lớn các học giả Y1000T làm việc trong các trường đại học hoặc viện nghiên cứu ưu tú của Trung Quốc, được cấp ngân sách dồi dào và điều kiện làm việc đặc quyền, trong một số trường hợp, những hỗ trợ tài chính và trang thiết bị họ nhận được còn tốt hơn so với nhóm đối chứng.

Tuy nhiên, cần xem xét kỹ hơn những điều kiện do các trường đại học đặt ra, đặc biệt là hệ thống đánh giá các học giả tham gia chương trình Y1000T. Nhiệm vụ chính của các học giả Y1000T là hàng năm phải công bố một số lượng nhất định các bài báo chất lượng cao trên các tạp chí quốc tế uy tín. Mặc dù nhóm Y1000T vẫn duy trì được tỷ lệ xuất bản tương tự như nhóm đối chứng, họ bị thua kém về chất lượng ấn phẩm do áp lực hoàn thành chỉ tiêu số lượng.

Điều này cũng làm bộc lộ nhược điểm của hệ thống đánh giá hiệu suất nghiên cứu ở Trung Quốc. Sự thôi thúc bắt kịp các quốc gia khác bao trùm và tác động đến các chiến lược và chính sách nâng cao năng lực nghiên cứu của quốc gia, của các trường đại học. Chính phủ và các trường đại học đặc biệt chú trọng đến các mục tiêu ngắn hạn là tăng số lượng ấn phẩm nghiên cứu và các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao. Tuy nhiên, trong khi nhiều sự chú ý được dành cho số lượng ấn phẩm và cho nỗ lực xuất bản trong các tạp chí hàng đầu, thì chất lượng của mỗi ấn phẩm lại ít được quan tâm. Mặc dù tập trung vào lợi ích ngắn hạn góp phần rất lớn để gia tăng kết quả nghiên cứu, nhưng điều này có thể cản trở sự phát triển một nền văn hóa học thuật bền vững đề cao chất lượng. Và cũng hạn chế phát triển những lĩnh vực học thuật ít có các nghiên cứu chuyên sâu. Có thể cho rằng, bước tiếp theo mà Trung Quốc cần thực hiện không phải là đối phó với sự thiếu hụt tài chính hay tài năng, mà là kiềm chế sự thôi thúc phải bắt kịp các nước khác và theo đuổi lợi ích ngắn hạn.