Cấu trúc quốc gia của giáo dục đại học tư nhân toàn cầu

Daniel C. Levy là Giáo sư xuất sắc của SUNY, Ban Chính sách và Lãnh đạo Giáo dục, Đại học bang New York tại Albany, NY, Hoa Kỳ. E-mail: [email protected]. PROPHE (Chương trình nghiên cứu về giáo dục đại học tư nhân) thường xuyên có một mục trong Tạp chí Giáo dục Quốc tế IHE.

Với thực tế là giáo dục đại học tư nhân (PHE) đang ngày càng mở rộng trên phạm vi toàn cầu, việc hiểu được cấu trúc quốc gia của nó là vô cùng quan trọng. Có thể làm được việc đó bằng cách phân tích bộ dữ liệu toàn cầu đầu tiên toàn diện và đáng tin cậy về giáo dục đại học tư nhân. Bộ dữ liệu này bao gồm tất cả 192 quốc gia có hiển thị dữ liệu tuyển sinh giáo dục đại học, trong số đó 179 quốc gia cho phép chúng ta xem hoặc tính toán dữ liệu cho cả khu vực công và tư. Bài viết này sử dụng số liệu từ năm 2010 (với những số liệu so sánh giữa các năm khá hạn chế.)

Bài báo cho thấy cấu trúc quốc gia chính của giáo dục đại học tư nhân toàn cầu đang bị chi phối bởi sự kết hợp của hai thực tế. Thứ nhất là giáo dục đại học tư hiện diện ở rất nhiều quốc gia thuộc mọi khu vực. Tuy nhiên, thực tế thứ hai là giáo dục đại học tư tập trung dày đặc và thiếu cân đối trong những hệ thống quốc gia lớn nhất. Rõ ràng là, thực tế này càng mạnh thì thực tế kia càng bị hạn chế, nhưng chính bằng cách xem xét mô hình phân tán và mô hình tập trung cạnh nhau chúng ta có thể hiểu rõ cấu trúc quốc gia chung của PHE toàn cầu.

PHE phân tán rộng

Mở rộng không phải là điều kiện cần thiết để PHE hiện diện ở nhiều quốc gia nhưng chắc chắn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phân tán đó. Cho đến một vài thập kỷ trước, nhiều quốc gia không có hoặc chỉ có rất ít PHE. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, PHE ngày càng mở rộng thị phần tuyển sinh bất chấp thực tế là khu vực công cũng tăng cường tuyển sinh nhanh hơn bao giờ hết. Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng của khu vực tư nhân cuối cùng cũng chậm lại, nhưng mức tăng trưởng tuyệt đối vẫn rất cao. Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, trong khi thị phần của giáo dục đại học tư nhân toàn cầu tăng từ 28% lên 33%, thì tổng số sinh viên trong khu vực này đã tăng từ khoảng 27 triệu lên gần 57 triệu. Chúng ta có thể ước tính một cách khiêm tốn rằng PHE ngày nay có ít nhất 75 triệu sinh viên.

Một minh họa rõ ràng cho xu hướng phân tán quốc gia là sự biến mất gần như hoàn toàn của các hệ thống độc quyền công (như đã được trình bày trong IHE # 94, Sự biến mất của độc quyền công). Trong số 179 quốc gia chúng ta đang xem xét, có lẽ chỉ 10 quốc gia vẫn chưa có PHE, và một vài trong số này đang cân nhắc các đề xuất PHE hoặc đã có một hình thức tư nhân mơ hồ (ví dụ như tổ chức tư thục quốc tế không phải của quốc gia). Giờ đây chúng ta có thể khẳng định thêm rằng khoảng 98% sinh viên trên thế giới đang học tập trong những hệ thống giáo dục song tính bao gồm cả công và tư.

Tuy nhiên, sự hiện diện gần như khắp mọi nơi không phải là minh họa duy nhất cho xu hướng phân tán quốc gia. Vào cuối thế kỷ trước, chỉ PHE ở Hoa Kỳ có số lượng tuyển sinh cao chót vót. Mặc dù vẫn dẫn đầu về chất lượng, uy tín, nghiên cứu và tài chính, nhưng PHE Hoa kỳ hiện nay chỉ chiếm một phần mười thị phần tuyển sinh của khu vực tư nhân toàn cầu và đang ngày càng bị thu hẹp. Trong khi đó, Ấn Độ trở thành người khổng lồ mới – với hơn 12 triệu sinh viên trong khu vực tư nhân, nhiều hơn gấp đôi so với bất kỳ quốc gia nào khác; nhưng ngay cả khi bỏ Ấn Độ đi thì thị phần tuyển sinh của khu vực tư nhân toàn cầu cũng chỉ giảm từ 33% xuống 29%. PHE đã lan rộng khắp toàn cầu đến mức sẽ không còn tập trung cao ở bất kỳ một quốc gia nào như đã từng tập trung ở Hoa Kỳ trước đây. Hơn nữa, ngoại trừ Brazil ở Mỹ Latinh, đối với bất kỳ khu vực nào trên thế giới, việc bỏ đi một quốc gia có thị phần PHE lớn nhất cũng không làm thị phần của cả khu vực bị giảm đi quá 2% (và nếu bỏ đi 2 quốc gia có thị phần PHE lớn nhất thì mức giảm cũng không quá 3%). Các khu vực trên thế giới đã lần lượt chứng kiến PHE ngày càng lan rộng đến nhiều quốc gia với quy mô đáng kể.

Chúng ta có thể ước tính một cách khiêm tốn rằng PHE ngày nay có ít nhất 75 triệu sinh viên.

PHE tăng trưởng theo xu hướng phân tán chủ yếu liên quan đến các nước đang phát triển. Khi nói rằng các nước đang phát triển đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng và mở rộng của giáo dục đại học nói chung, điều này đặc biệt đúng đối với khu vực giáo dục tư nhân. Một số nước đang phát triển, đầu tiên là Trung Quốc, hình thành khu vực tư nhân lớn mặc dù thị phần tuyển sinh tư nhân còn tương đối nhỏ, nhưng nhiều nước đang phát triển với hệ thống giáo dục đại học lớn (ví dụ Brazil, Ấn Độ và Indonesia) đã có được thị phần tuyển sinh tư nhân lớn. Vì sao PHE tăng trưởng mạnh và phân tán đến các nước đang phát triển? Một lý do là nguồn tài chính công của các nước này chỉ có hạn trong bối cảnh giáo dục đại học tăng trưởng mạnh. Một lý do khác là trong khi hầu hết các nước phát triển đều đạt được mức tăng trưởng thần kỳ trong giai đoạn khi mà hình thức công – ở hầu hết các quốc gia – giữ vị trí thống trị gần như tuyệt đối trong chuẩn mực và thực hành giáo dục, thì phần lớn các nước đang phát triển lại mở rộng hệ thống của họ trong thời kỳ tư nhân hóa ngày càng lớn mạnh trên các vũ đài xã hội, với các tùy chọn hình thức công tư song song khá sẵn có trong giáo dục đại học.

PHE tập trung mạnh mẽ trong các hệ thống lớn nhất

Bất chấp thực tế là PHE đã phân tán đến nhiều quốc gia, sự lan rộng này chưa đạt được mức độ đồng đều. Thật vậy, PHE toàn cầu tập trung đáng kể ở một số quốc gia. Tính theo giá trị trung bình (mean) PHE chiếm 33% thị phần giáo dục đại học toàn cầu, nhưng nếu tính theo giá trị giữa (median) của các quốc gia thì chỉ đạt 20%. Chỉ ba quốc gia là Ấn Độ, Hoa Kỳ và Brazil đã nắm giữ hơn 40% PHE toàn cầu. Trên thực tế, có đến 17 phép cộng 2 quốc gia khác với Ấn Độ đều cho ra kết quả là một phần ba PHE toàn cầu. Mặt khác, mặc dù người ta có thể kinh ngạc trước thực tế là sự kết hợp 3 quốc cho ra một tỷ lệ PHE toàn cầu cao như vậy, thì sự tồn tại của 17 kết hợp khác nhau có thể được coi là một bằng chứng khác về sự phân tán tương đối giữa các quốc gia.

Biểu hiện mạnh mẽ nhất của sự tập trung quốc gia PHE là mức độ tập trung trong các hệ thống giáo dục đại học lớn. Tất nhiên, chúng ta có thể mong đợi nhìn thấy một vài mối tương quan giữa tổng số tuyển sinh nói chung và số lượng tuyển sinh của PHE. 10 hệ thống lớn nhất thế giới (chỉ tính những hệ thống có hơn 3 triệu sinh viên) nắm giữ 58% tổng số tuyển sinh toàn cầu – nhưng 10 hệ thống này lại nắm giữ tới 69% số lượng tuyển sinh tư nhân toàn cầu. Nếu chọn ra 10 quốc gia lớn nhất theo tiêu chí tuyển sinh tư nhân thay vì tổng số tuyển sinh của toàn hệ thống thì thị phần khu vực tư nhân cũng chỉ tăng thêm 2%. Thực tế, 9 trong số 10 quốc gia hàng đầu vẫn giữ nguyên, trong khi Philippines sẽ thay thế Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thứ tự giảm dần, 10 khu vực tuyển sinh tư nhân lớn nhất là Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc, Iran, Philippines và Nga. Sáu trong số các quốc gia này có khu vực tư nhân lớn hơn khu vực công. Trong khi các nước châu Á chiếm đa số trong tốp 10 của danh sách này, thì các nước Mỹ Latinh chiếm đa số trong 10 vị trí tiếp theo.

Quan sát cuối cùng này cho thấy rằng bên cạnh sự tập trung theo quốc gia, PHE còn tập trung theo khu vực thế giới, và đây là sẽ chủ đề cho một dịp khác. Những gì bài báo hiện tại cho thấy là cấu trúc quốc gia của PHE toàn cầu có sự kết hợp của xu hướng phân tán đáng kể tới nhiều hệ thống với sự tập trung đáng kể trong các hệ thống giáo dục đại học lớn.