Các trường đại học Kenya trên bờ vực vỡ nợ tài chính

Ishmael I. Munene là Giáo sư tại Khoa Lãnh đạo Giáo dục, Đại học Bắc Arizona, Hoa Kỳ. E-mail: Ishmael.Munene@nau.edu.
Các trường đại học ở Kenya đang trong giai đoạn khủng hoảng: trong ba năm qua ngành giáo dục của quốc gia này quay cuồng trong cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng chưa từng có. Câu hỏi về tính bền vững lâu dài của hệ thống được đặt ra đề xem xét. Các trường đại học lâm vào tình cảnh tuyệt vọng vì không thể trang trải các chi phí hoạt động cơ bản như tiền lương, tiền điện nước và các khoản đóng góp theo luật định bao gồm thuế thu nhập và quỹ hưu trí. Một trường đại học tư đã bị các cơ quan quản lý yêu cầu đóng cửa do mất khả năng chi trả, trong khi hai trường đại học tư khác được gia hạn hai năm để xóa các khoản nợ hoặc phải đối mặt với số phận tương tự. Hệ thống đại học công lập đang nợ tổng cộng 110 triệu đô la Mỹ, riêng trường đại học công lập hàng đầu mắc nợ hơn 10 triệu đô la Mỹ.

Cuộc khủng hoảng hiện nay lặp lại thảm họa tài chính từng xảy ra trong giai đoạn từ giữa những năm 1980 đến giữa những năm 1990, khi hệ thống đại học công lập gần như phá sản bởi ngân sách bị nhà nước cắt giảm và do áp dụng chính sách thu học phí và các chiến lược dựa trên thị trường khác. Thật trớ trêu khi một hệ thống đại học mười năm trước được cấp nguồn tài trợ học phí dồi dào giờ đây đang trên bờ vực phá sản. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại là kết quả của tác động qua lại giữa hai yếu tố: những cải cách chính sách ở tầm vĩ mô ảnh hưởng đến toàn hệ thống và những sai lầm trong quản trị ở cấp độ vi mô. Yếu tố thứ nhất bao gồm sự tăng trưởng hệ thống, sự bất bình đẳng trong tăng trưởng tuyển sinh, những chiến lược nâng cao chất lượng, sự thất bại của mô hình thị trường và việc cắt giảm hỗ trợ từ nhà nước, trong khi yếu tố sau là hệ thống quản trị tài chính yếu kém.

Những thách thức đối với chính sách cho toàn hệ thống

Thiếu sự điều phối trong tăng trưởng toàn hệ thống khiến cho hầu hết các trường đại học bị giảm doanh thu học phí. Mức gia tăng đột biến số trường ban đầu là để đáp ứng nhu cầu học đại học cao chưa từng thấy sau khi giáo dục đại học được tự do hóa vào giữa những năm 1990. Từ 4 trường đại học công lập và tư nhân vào giữa những năm 1990, số lượng trường đại học hiện tại đã đạt đến con số 63, trong đó 33 trường công lập và 30 trường tư thục. Khoảng 70% các trường đại học công lập được thành lập trong năm học 2012-2013. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng về số lượng của các trường đại học đã vượt xa nhu cầu học đại học, vốn đã chững lại trong những năm gần đây. Tăng trưởng toàn hệ thống một cách thiếu kiểm soát đã chuyển thành sự sụt giảm doanh thu học phí của từng trường.

Sinh viên đại học tăng lên theo cấp số nhân, từ 10 ngàn sinh viên năm 1990 lên gần 540 ngàn hiện nay. Trong số này, 86% là sinh viên trong các trường đại học công, đặc biệt là 5 trường hàng đầu. Mô hình tuyển sinh này khiến hầu hết các trường đại học tư nhân chỉ hoạt động với 50%- 60% năng lực, và bị giảm doanh thu học phí – do các trường đại học tư nhân thu học phí cao hơn, nhiều sinh viên lựa chọn ghi danh vào các trường công lập. Ngoài ra, các trường đại học công lập mới được thành lập ở các khu vực cận biên không thu hút được đủ số lượng tuyển sinh do bất lợi về vị trí và chưa tạo được danh tiếng. Do đó, mặc dù hệ thống tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu tăng, điều này cũng tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường giáo dục phụ thuộc nhiều vào nguồn thu học phí này.

Những động thái gần đây nhằm ngăn chặn sự suy giảm chất lượng cũng dẫn đến tình trạng số lượng sinh viên trả học phí bị giảm đi. Khi nhà nước xóa bỏ gian lận trong kỳ thi trung học quốc gia hai năm trước, số lượng thí sinh đủ điều kiện nhập học đại học giảm gần 40%. Kể từ đó, số lượng học sinh đủ điều kiện chỉ đủ để ghi danh vào các trường đại học nhà nước (lựa chọn ưa thích của hầu hết các học sinh tốt nghiệp trung học do học phí thấp hơn). Cũng vì lý do này, số lượng học sinh đủ điều kiện đăng ký vào các trường đại học tư đã giảm đáng kể, ​​kéo theo sự sụt giảm doanh thu học phí.

Tương tự, các biện pháp cải tiến chất lượng đã khiến Ủy ban Giáo dục Đại học (CUE) hạn chế việc cho phép mở thêm các cơ sở chi nhánh chất lượng thấp, đặc biệt đối với các trường đại học công lập. Các cơ sở này thường sử dụng các trợ giảng chưa đạt yêu cầu bằng cấp và đóng tại các trung tâm đô thị khác nhau trên cả nước, là những kênh quan trọng để các trường đại học tăng tuyển sinh và tăng doanh thu với chi phí tối thiểu. Các yêu cầu cấp phép hoạt động nghiêm ngặt mới được ban hành khiến nhiều cơ sở trong số đó phải đóng cửa, tước đi một nguồn thu quan trọng của các trường đại học. Một trường đại học công lập đã phải đóng cửa 10 trong số 15 cơ sở chi nhánh.

Điều đáng ngại là sự thất bại của mô hình thị trường như một chiến lược hỗ trợ cho các trường đại học đã trở thành một lời nguyền đen tối đối với những chính sách tài chính mới được nhà nước đưa ra để thay thế mô hình này. Không trường đại học nào ở Kenya xây dựng được một hệ thống tạo doanh thu dựa trên thị trường đủ mạnh ngoài nguồn thu học phí để hỗ trợ chính cho hoạt động của trường. Doanh thu dự kiến ​​từ các khoản tài trợ nghiên cứu, tư vấn, quan hệ đối tác doanh nghiệp và cung ứng dịch vụ không trở thành hiện thực, vì các trường đại học thiếu khả năng khai thác các nguồn lực này. Trong khi các trường đại học ở những quốc gia tiên tiến có được thu nhập từ các nguồn bổ sung này, Kenya giống như nhiều quốc gia châu Phi thiếu khả năng kinh tế để hỗ trợ những hướng phát triển như vậy.

Nhà nước cắt giảm ngân sách dành cho các trường đại học công cũng góp phần vào cuộc khủng hoảng hiện nay. Do ngân sách nhà nước phải chịu áp lực lớn hơn, chính phủ đã giảm quy mô hỗ trợ tài chính cho các trường đại học công lập. Ví dụ trong năm tài chính hiện tại, ngân sách cho hệ thống đại học công lập đã bị cắt giảm gần 300 triệu đô la Mỹ, khi chính phủ thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng để ngăn chặn cuộc khủng hoảng kinh tế sắp xảy ra. Các trường đại học công lập nhận được 1 tỷ đô la hỗ trợ trong khi con số yêu cầu là 1,3 tỷ đô la Mỹ. Động thái này buộc các trường đại học phải mạnh tay cắt giảm biên chế, ngừng tuyển dụng, giảm chi phí dành cho nghiên cứu và đi lại.

Thất bại của hệ thống quản trị tài chính

Theo các báo cáo được công bố, rõ ràng các trường đại học Kenya không có một hệ thống quản lý tài chính thận trọng. Các báo cáo điều tra khác nhau đều phát hiện tình trạng ngân quỹ các trường bị trộm cắp và bị chiếm dụng. Ví dụ, một trường đại học tôn giáo tư nhân đã có thặng dư từ 5 năm trước, nhưng hiện đang trên bờ vực phá sản với khoản nợ khoảng 4 triệu đô la Mỹ vì bị trộm cắp. Tại 2 trường đại học tôn giáo, những cuộc đình công của sinh viên và những thay đổi đột ngột trong lãnh đạo trường đều là hậu quả của sự bất thường trong việc quản lý các nguồn tài chính. Tình trạng tài chính bất minh cũng xảy ra trong các trường đại học công lập. Họ đã bị tổng kiểm toán viên chính phủ đưa ra như những ví dụ về việc chiếm dụng các nguồn lực và lựa chọn đầu tư kém. Ví dụ, họ đã tuyển dụng lao động dài hạn dựa trên kế hoạch tăng trưởng dự kiến ​​đối tượng tuyển sinh tự chi trả học phí, điều này hóa ra không trở thành hiện thực. Một trường đại học công lập đã mở 2 cơ sở chi nhánh ở nước ngoài với chi phí gần 7 triệu USD, nhưng vì vi phạm quy định, những cơ sở này đã bị chính quyền nước sở tại đóng cửa trước khi có thể hoạt động hoàn toàn và hòa vốn.

Thiếu sự điều phối trong tăng trưởng toàn hệ thống khiến cho hầu hết các trường đại học bị giảm doanh thu học phí.

Tương lai

Để giảm bớt căng thẳng tài chính mà nền đại học Kenya đang phải đối mặt, đòi hỏi phải có tiền ngay lập tức, nhưng để đưa ra một giải pháp dài hạn, cần một cách suy nghĩ đa chiều, sáng tạo về các chiến lược tài chính hỗ trợ giáo dục đại học. Điều này liên quan đến sự cần thiết cân nhắc thấu đáo và cơ cấu hỗ trợ của nhà nước dành cho cả khu vực đại học công và tư, tính minh bạch trong quá trình ra quyết định tài chính ở cấp độ trường, tách biệt quyền sở hữu và quyền quản lý trong các trường đại học tư, ​​gắn các quyết định ngân sách với các hướng tuyển sinh thực tế và tuyển dụng các nhà quản lý tài chính – thay vì các học giả như hiện nay – để quyết định các vấn đề tài chính.