Alma Maldonado-Maldonado là Nghiên cứu viên tại Departamento de Investigacès Education (DIE) – CINVESTAV ở Mexico City, Mexico. E-mail: almaldo2@gmail. Jenny J. Lee là Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học tại Đại học Arizona, Tucson, Hoa Kỳ và là Học giả thỉnh giảng tại Đại học Cape Town, Nam Phi. E-mail: jennylee@email.arizona.edu
Ai sẽ đóng vai trò chính trong việc thực hiện hoạt động nghiên cứu, và các hoạt động này nên thực hiện ở đâu? Với việc giao trách nhiệm của việc tạo lập tri thức cho các giảng viên làm việc tại các trường đại học hàng đầu (được xác định qua vị trí trong bảng xếp hạng đại học toàn cầu), hệ thống giáo dục đại học phân tầng đang được duy trì trong bối cảnh việc tham gia tạo lập tri thức có nhiều hạn chế. Hệ thống hiện tại đã gặp các thách thức về tính tương hợp và tính đa dạng. Duy trì sự khác biệt này trên toàn thế giới, trong bối cảnh việc tham gia vào giáo dục đại học ngày càng mở rộng, có thể không phải là chiến lược tốt nhất khi tri thức đã được thừa nhận là yếu tố then chốt để chống lại tình trạng bất bình đẳng trên thế giới.
Có hai hậu quả chính và liên quan cần được xem xét khi giới hạn các nơi thực hiện nghiên cứu. Trước tiên, việc gán chức năng nghiên cứu cho một số trường đại học được lựa chọn có thể ảnh hưởng đến sự đa dạng của những người tham gia tạo ra tri thức, do đó hạn chế phạm vi các tri thức được tạo ra. Giảng viên tại các trường này ít đa dạng về giới tính, về chủng tộc và đẳng cấp. Thứ hai, việc gán chức năng nghiên cứu cho bất kỳ trường đại học nghiên cứu hàng đầu ở quốc gia nào cũng chắc chắn làm tăng sự phân tầng giữa các quốc gia.
Gán chức năng nghiên cứu cho một số trường đại học được lựa chọn có thể ảnh hưởng đến sự đa dạng của những người tham gia tạo ra tri thức, do đó hạn chế phạm vi các tri thức được tạo ra |
Đã có nhiều nghiên cứu (bao gồm từ các học giả trong các trường đại học không định hướng nghiên cứu) cho thấy các cá nhân thuộc nhóm chủng tộc thiểu số và với tình trạng kinh tế xã hội thấp bị thiệt thòi khi tiếp cận với giáo dục đại học. Trên thực tế, các trường đại học nghiên cứu có các thủ tục tuyển sinh rất chọn lọc, hạn chế sự dịch chuyển xã hội và ưu tiên các cá nhân từ các tầng lớp kinh tế xã hội cao nhất, điều đó gây bất lợi cho các nhóm thiểu số khi đẩy họ vào các trường đại học có ít nguồn lực hơn. Các mối quan tâm nhân khẩu học không chỉ áp dụng cho sinh viên mà cũng áp dụng cho tầng lớp giảng viên.
Thay vào đó, hoạt động nghiên cứu nên được thúc đẩy triển khai ở nhiều loại trường đại học, với các nỗ lực lớn hơn trong việc củng cố cũng như hợp pháp hóa tri thức địa phương, từ đó cho phép các học giả ở các khu vực trên thế giới có ít hoạt động nghiên cứu trở thành một phần của cuộc chơi toàn cầu. Khi những người tham gia tạo ra kiến thức đa dạng hơn, sẽ có nhiều khả năng mở rộng về các vấn đề cần giải quyết, các phương pháp được sử dụng và khả năng các cách tiếp cận, diễn giải và khám phá đa dạng hơn. Số lượng các đồng tác giả quốc tế đang tăng lên, và xu hướng này cũng là tác động của sự tham gia giáo dục đại học toàn cầu ngày càng tăng và cũng là cách thức mà một số nền kinh tế mới nổi đang tích cực tăng cường vai trò của mình như là nơi tạo lập tri thức.
Đánh giá và phổ biến
Thực tế đang có một cuộc khủng hoảng trong việc xuất bản, ít nhất là được tạo nên bởi áp lực để được xuất bản của các học giả và các trường đại học. Các vấn đề khác có liên quan là thành kiến của phương Tây trong việc đánh giá ngang hàng và sự thống trị của các tạp chí hàng đầu thế giới. Hai yếu tố liên quan này cần được xem xét trong một cuộc thảo luận khác rộng hơn về thực hiện nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu.
Giảng viên từ các trường đại học hàng đầu làm việc dưới sự giám sát liên tục của cơ chế đánh giá thường xuyên theo các tiêu chí xếp hạng đại học toàn cầu. Các trường đại học mong muốn các giảng viên xuất bản công trình của mình trên các tạp chí hàng đầu bằng tiếng Anh (có thể không phải là ngôn ngữ chính của họ, và do đó có thể không được đọc đến tại địa phương). Nghiên cứu mang tính địa phương có thể không được đo lường là có độ “impact” cao. Điều này đang được chấp nhận rộng rãi, nhưng hầu như không ai băn khoăn về tiêu chí đánh giá “impact” chỉ dựa trên trích dẫn quốc tế, tiếp tục tạo lợi thế cho những tay chơi cốt lõi trong khi làm thiệt thòi cho phần còn lại. Các trường đại học cần định hướng lại cách đánh giá bằng cách nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của việc tạo ra tri thức địa phương, tầm quan trọng trong bối cảnh địa phương khi ra thông báo cho độc giả toàn cầu.
Việc truy cập các công trình công bố trong các tạp chí hàng đầu chỉ giới hạn ở các trường đại học lớn, các tổ chức và cá nhân có thể chi trả, khiến nhiều người trên thế giới không tiếp cận được với tri thức mới này, và làm giảm các chỉ số trích dẫn. Dân chủ hóa việc tạo lập tri thức không ngăn được các vấn đề hình thành từ sự bão hòa của các ấn phẩm trên khắp thế giới, từ các tạp chí dởm hoặc các vấn đề về đạo văn và đạo đức. Tuy nhiên, những vấn đề như vậy không thể giải quyết bằng cách gửi một thông báo đơn giản là không công bố. Thay vào đó, hệ thống đánh giá nên xem xét giá trị của ngôn ngữ địa phương và phạm vi rộng hơn của các nhà xuất bản.
Chủ nghĩa tư bản hàn lâm
Khoảng cách bất bình đẳng đặc biệt rõ ràng khi các kết quả nghiên cứu được thương mại hóa. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới về thanh toán và mua tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ, Brazil, Argentina và Chile (cân đối thanh toán, USD) trong năm 2017, Hoa Kỳ thu được 79 tỷ USD, trong khi Brazil mất 4,5 tỷ USD, Argentina mất 2,1 tỷ USD và Chile mất 1,4 tỷ USD. Dữ liệu này cho thấy bức tranh tài chính không bình đẳng của nền kinh tế tri thức và minh họa tầm quan trọng của việc tạo lập tri thức đối với sự phát triển. Chi phí cho tài sản trí tuệ dẫn đến thâm hụt tài chính tại các quốc gia tạo ra ít tri thức. Với những bất bình đẳng như hiện nay, việc duy trì cùng một cấu trúc mang tính toàn cầu và phân tầng quốc gia – đặc biệt là cho cả các nơi tạo lập ít tri thức – không phải là câu trả lời.
Đào tạo sau đại học
Nghiên cứu và giảng dạy không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau và công việc giảng viên trong các lĩnh vực này không phải là tổng bằng không (zero-sum, được cái nọ mất cái kia). Đào tạo sau đại học đặc biệt quan trọng trong xã hội tri thức hiện nay. Học viên phải có kỹ năng về quá trình nghiên cứu – cho dù họ có trở thành học giả hay không – để có thể nhận dạng vấn đề nghiên cứu cũng như hiểu cách tham gia nghiên cứu. Với thách thức về việc sinh viên toàn cầu tìm chen nhau để vào được các trường hàng đầu, việc sáng tạo tri thức phải là một thành phần giáo dục cốt lõi trong tất cả các loại trường đại học.
Xây dựng năng lực nghiên cứu
Trong xã hội tri thức hiện nay, sinh viên và học giả, đặc biệt là trong các trường đại học không định hướng nghiên cứu, nên học cách trở thành người đóng góp tri thức tích cực thay vì chỉ là người tiêu dùng. Đặc biệt là các nước thu nhập thấp bị tụt hậu trong công tác nghiên cứu, việc nâng cao năng lực nên dựa trên tích hợp nghiên cứu và giảng dạy.
Các chiến lược hứa hẹn bổ sung để xây dựng năng lực tạo lập tri thức bao gồm đầu tư và giám sát tài trợ nghiên cứu, tạo ra các nhà xuất bản có uy tín và giám sát các tạp chí dởm, cũng như giáo dục sinh viên (đại học và sau đại học) về sự khác biệt và thưởng cho các nghiên cứu có ý nghĩa giải quyết nhu cầu địa phương và thông báo cho địa phương cũng như cho thế giới biết.
Lời kết
Tóm lại, việc tạo lập tri thức toàn cầu sẽ bị suy yếu nghiêm trọng nếu khuyến nghị về việc giới hạn hoạt động nghiên cứu cho một số loại trường đại học hoặc một số loại giảng viên được thông qua. Ngoài ra, các giải pháp đơn giản sẽ không khắc phục được các vấn đề phức tạp và có thể tạo ra những thách thức tồi tệ hơn. Một thông điệp đưa ra không thể ngăn các loại trường đại học hoặc các giảng viên cụ thể khỏi công việc nghiên cứu. Với cách tiếp cận thực dụng như vậy, vấn đề là họ không thể thay đổi hiện trạng và dùng để biện minh cho văn hóa bá chủ. Giảm số lượng các ấn phẩm nghiên cứu có thể làm suy yếu thị trường cho các nhà xuất bản dởm và có thể giải quyết một số hình thức tham nhũng, nhưng cũng sẽ hạn chế sự tham gia của các nhóm liên quan. Tương lai của nghiên cứu, giảng dạy và dịch vụ là đổi mới, liên ngành và không biên giới. Giới hạn nghiên cứu cho các trường đại học ưu tú sẽ không thay đổi trật tự toàn cầu hiện tại. Hiện nay tri thức và sự giàu có gắn bó chặt chẽ với nhau; chỉ khi chúng ta bắt đầu thay đổi động lực của trật tự này, chúng ta mới có thể bắt đầu giảm khoảng cách về chất lượng giữa các nước trong phạm vi toàn thế giới.