Khủng hoảng hiện nay tại các trường đại học Nam Phi

Jonathan Jansen là Giáo sư giáo dục xuất sắc tại Đại học Stellenbosch ở Western Cape, Nam Phi. E-mail: jonathanjansen@sun.ac.za. Cyrill Walters là Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Stellenbosch. E-mail: cyrillwalters@sun.ac.za.

Trong năm 2015 – 2016, các trường đại học Nam Phi đã trải qua những cuộc biểu tình căng thẳng và dữ dội nhất của sinh viên trong một thế kỷ phát triển giáo dục đại học. Hầu hết các nhà phân tích cho rằng các cuộc biểu tình lan rộng khắp các học xá có hai yếu tố: văn hóa cô lập của các trường đại học trong lịch sử vốn chỉ dành cho người da trắng, gắn liền với phong trào được dán nhãn #RhodesMustFall (#RMF); và học phí mang tính phân biệt đối xử – đã tạo ra một phong trào được gọi là #FeesMustFall (#FMF).

Các cuộc biểu tình #RMF bắt đầu vào tháng 3 năm 2015 từ trường đại học hàng đầu của Nam Phi là Đại học Cape Town (UCT), khi một sinh viên đại học tên là Chumani Maxwele châm ngòi cho làn sóng phản đối bằng cách ném phân người vào bức tượng của Cecil John Rhodes – một thực dân người Anh thế kỷ XIX – bức tượng vinh danh người đàn ông đến châu Phi để thực hiện những giấc mơ, khát vọng và phức cảm tự đại của đế quốc Anh, dẫn đến sự chiếm đóng và áp bức người châu Phi. Rhodes là người khaui phá khu vực khoáng sản rộng lớn và tạo ra thuộc địa Rhodesia. Rhodes cũng chính người đã cung cấp kinh phí để thành lập UCT cũng như Đại học Rhodes ở Đông Cape. Sau khi những người biểu tình #RMF thành công trong việc loại bỏ bức tượng Rhodes ra khỏi khuôn viên trường, yêu cầu của phong trào còn mở rộng hơn như thay đổi biểu tượng thể chế (ví dụ các tác phẩm nghệ thuật), tuyển dụng thêm các giáo sư da đen, và yêu cầu thực hiện một thứ được gọi là “phi thuộc địa hóa chương trình giảng dạy”.

Cuộc nổi dậy #FMF phản đối mức học phí cao bắt đầu vào tháng 10 năm 2015 tại một trường đại học nghiên cứu lớn khác là Đại học Witwatersrand tại Johannesburg.

Cuộc nổi dậy #FMF phản đối mức học phí cao bắt đầu vào tháng 10 năm 2015 tại một đại học nghiên cứu lớn khác là Đại học Witwatersrand tại Johannesburg. Sinh viên cho rằng mức học phí ngày càng tăng làm hạn chế cơ hội tiếp cận giáo dục đại học và khiến sinh viên tốt nghiệp phải mang những khoản nợ lớn. Cuối cùng, các sinh viên đã giành chiến thắng khi Tổng thống Nam Phi – một người theo chủ nghĩa dân túy – bất ngờ tuyên bố sẽ miễn học phí giáo dục đại học cho sinh viên nghèo, đi ngược lại với lời khuyên của hai ủy ban chính thức.

Cái giá của cuộc nổi dậy của sinh viên

Hai luồng biểu tình đòi “lật đổ” (Rhodes và học phí) đã hợp nhất thành một phong trào sinh viên mạnh mẽ tạo ra cảm giác cấp bách phải chuyển đổi 7 trường đại học vốn là trường cho người da trắng trong lịch sử và mở ra thêm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho sinh viên nghèo, đặc biệt là trong 8 trường đại học vốn dành cho người da đen. Nhưng các trường đại học Nam Phi đã phải trả cái giá quá lớn vì những cuộc biểu tình này. Hỏa hoạn hoành hành khắp các khuôn viên khi các tòa nhà bị đốt cháy, bao gồm thư viện, trung tâm máy tính, ký túc xá sinh viên và tòa nhà hành chính. Ước tính thiệt hại trong khoảng từ 800 triệu R đến 2 tỷ R (tương đương 55 triệu đến 137 triệu USD). Nhiều tuần giảng dạy đã bị bỏ lỡ tại một số trường đại học, khiến các trường này phải sắp xếp khẩn cấp việc giảng dạy và tổ chức bảo vệ chặt chẽ cho các kỳ thi. Nhân viên và sinh viên bị tổn thương bởi sự tình trạng căng thẳng của các cuộc biểu tình, sự gián đoạn liên tục của các lớp học và những mối đe dọa về thể chất, cũng như các hành động của cảnh sát và lực lượng an ninh được điều đến để ngăn chặn các vụ gây rối.

Đã xảy nhiều bi kịch cá nhân. Một quả bom xăng được ném qua cửa sổ văn phòng của một phó hiệu trưởng. Vụ tự tử bi thảm của một nhà khoa học y tế hàng đầu đã thu hút sự chú ý của cả quốc gia. Giáo sư này cũng là trưởng khoa người da đen đầu tiên của khoa khoa học sức khỏe và cái chết của ông được cho là do những chấn thương cá nhân mà những sinh viên biểu tình, những người chiếm giữ văn phòng của ông gây ra. Tại một trường đại học khác, một nhân viên đã chết vì một cơn hen suyễn sau khi các sinh viên xả bình chữa cháy trong một không gian kín. Một cảnh sát và nhân viên bảo vệ mắc kẹt trong một gian hàng bị các sinh viên châm lửa đốt cháy. Tại UCT, một nhân viên bảo vệ đã bị đánh bằng gậy sắt và một người khác bị bể sọ khi một người biểu tình ném một viên gạch từ tầng bốn xuống.

Các trường đại học lớn mất đi các hợp đồng quốc tế và doanh thu cần thiết, bởi vì sinh viên từ các trường đại học ở nước ngoài hủy bỏ kế hoạch học tập của họ tại các cơ sở của Nam Phi. Các học giả hàng đầu, bao gồm cả phó hiệu trưởng, xin nghỉ hưu hoặc nhận công việc tại các trường đại học ở nước ngoài. Và mối quan hệ giữa các học giả; giữa các học giả và các nhà quản lý; và giữa sinh viên, giảng viên và lãnh đạo trường đại học, đã thay đổi căn bản sau những cuộc biểu tình bạo lực và kéo dài này.

Những hậu quả các cuộc biểu tình gây ra cho văn hóa học thuật

Không ai nghi ngờ rằng các cuộc biểu tình đã nêu lên những vấn đề quan trọng về học phí và chủng tộc trong các trường đại học hậu apacthai. Trong bối cảnh này, các cuộc biểu tình nên được coi là một món quà cho xã hội và sự thúc đẩy rất cần thiết để chuyển đổi các thể chế khó thay đổi. Nhưng điều gì khác đã bị lửa thiêu rụi? Viện Hàn lâm Khoa học Nam Phi đã phát động một diễn đàn hội thảo để cân nhắc cách thức thay đổi văn hóa trong khuôn viên trường sau những cuộc biểu tình 2015 – 2016. Sau những cân nhắc này, rõ ràng là tất cả các trường đại học công lập đã thay đổi nhiều. Tại các trường trước đây vốn dành cho người da đen, bạo lực và bãi khóa vẫn tiếp tục xảy ra từ tuần này sang tuần khác. Tại một số cơ sở giáo dục đại học trước đây vốn dành riêng cho người da trắng, đã có báo cáo về những sự cố người da trắng bị loại khỏi các sự kiện công cộng hoặc được yêu cầu rời khỏi một số lớp học. Các tác phẩm nghệ thuật bị phá hoại và bị che lại trong một số trường hợp, bao gồm cả những tác phẩm của các nghệ sĩ tiến bộ và da đen. Những hành động như vậy làm tăng thêm mối lo sợ về tình trạng kiểm soát ngày càng leo thang trong khuôn viên các trường đại học. Một sự cố trớ trêu là nhà báo người Đan Mạch Flemming Rose đã bị từ chối khi đến Đại học Cape Town để thực hiện bài giảng về Tự do Học thuật; Rose đã gây ra một cuộc bút chiến bằng cách xuất bản bộ phim hoạt hình về nhà tiên tri Mohammed ở Đan Mạch khoảng 10 năm trước. Và tại một trường đại học ở New Zealand, các giảng viên phải báo cáo về việc họ làm gì để “phi thuộc địa hóa” các chương trình giảng dạy.

Các tòa nhà đại học bị phá hoại sẽ được sửa chữa và xây dựng lại sau một thời gian. Đối phó với những chấn thương tâm lý và cảm xúc mà những người biểu tình gây ra trong cuộc nổi dậy sẽ khó hơn rất nhiều. Nhưng hậu quả nghiêm trọng hơn mà phong trào phản kháng của sinh viên năm 2015-2016 để lại là mối đe dọa lâu dài đối với chính ý tưởng về một trường đại học là nơi thể hiện ý tưởng tự do; một không gian trong đó các chức năng học thuật như giảng dạy, học tập, nghiên cứu và các cam kết công cộng có thể tiến hành mà không bị gián đoạn thường xuyên và bằng bạo lực; và là một diễn đàn trong đó giao dịch tri thức vẫn kết thúc mở và dành cho nhiều màu da mà không phải điều chỉnh theo ý thức hệ của bất kỳ phong trào chính trị nào.

Ý nghĩa rộng hơn của cuộc khủng hoảng đại học Nam Phi

Nam Phi không phải là ngoại lệ. Nghiên cứu gần đây chỉ ra những lý do chính dẫn đến sự sụp đổ của các trường đại học lớn ở châu Phi là sự can thiệp chính trị, khủng hoảng tài chính và các dự án học thuật của trường đại học bị gián đoạn kinh niên. Mặc dù hầu hết các trường đại học ở Nam Phi dường như đã bước vào thời kỳ ổn định đầy lo ngại từ sau cuộc biểu tình 2015-2016, nhưng vẫn không rõ liệu 26 trường đại học công lập của đất nước có thể phục hồi các năng lực xã hội, trí tuệ và văn hóa để phân biệt họ với các thực thể công cộng khác.

Những cuộc biểu tình của sinh viên trên diện rộng cũng có ý nghĩa trực tiếp đối với khu vực Nam Phi và toàn lục địa nói chung. Các sinh viên trung lưu châu Phi bên ngoài Nam Phi nhận định các tổ chức giáo dục đại học hậu apacthai là tương đối ổn định và các trường đại học nghiên cứu ưu tú địa phương là một lựa chọn gần và hợp lý hơn so với Tây Âu hoặc Hoa Kỳ để theo đuổi giáo dục đại học chất lượng cao. Theo cách tương tự, các học giả châu Phi coi các trường đại học hàng đầu Nam Phi là nơi họ có thể theo đuổi sự nghiệp học thuật của mình. Rất có khả năng dòng tài năng học thuật từ lục địa này cũng bị đe dọa do hậu quả của phong trào phản kháng 2015 – 2016. Thời gian sẽ trả lời.