Futao Huang là Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Giáo dục Đại học, Đại học Hiroshima, Nhật Bản. E-mail: futao@hiroshima-u.ac.jp.
Từ những năm 1980, các hệ thống giáo dục đại học trên toàn thế giới đã sử dụng việc tuyển dụng giảng viên quốc tế như một chiến lược hiệu quả để cải thiện vị thế của các trường đại học trong bảng xếp hạng toàn cầu và khả năng cạnh tranh quốc tế. Từ điều đó, đồng thời là kết quả của các yếu tố mới trong bối cảnh toàn cầu và quốc gia, đã có những thay đổi to lớn trong yêu cầu công việc đối với giảng viên quốc tế cũng như trong nhận thức của quốc gia chủ nhà về quốc tế hóa giáo dục đại học. Nhật Bản không phải là ngoại lệ.
Không giống như ở các nước Đông Á khác, giảng viên quốc tế có vai trò lịch sử trong giáo dục đại học của Nhật Bản. Ngay từ cuối thế kỷ 19, Nhật Bản đã mời một số lượng lớn các chuyên gia, học giả và nhà chuyên môn người nước ngoài từ Anh, Mỹ, Đức và Pháp trong nỗ lực thiết lập một hệ thống giáo dục đại học hiện đại dựa trên mô hình phương Tây. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, việc đưa quan điểm giáo dục đại cương của Mỹ vào các trường đại học Nhật Bản đòi hỏi sử dụng giảng viên quốc tế, đặc biệt là từ các nước nói tiếng Anh, để cung cấp các chương trình ngoại ngữ cho sinh viên Nhật Bản. Sau đó, việc thực hiện đạo luật năm 1982 về “Sử dụng giảng viên quốc tế toàn thời gian ở các trường đại học công lập và quốc gia” cho phép các trường công lập tuyển dụng giảng viên quốc tế toàn thời gian và theo nhiệm kỳ, và cho phép giảng viên tham gia vào các vấn đề quản trị của các tổ chức. Trong những năm gần đây, tuyển dụng giảng viên quốc tế cũng được sử dụng một cách hiệu quả để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh quốc tế của giáo dục đại học Nhật Bản. Những yếu tố này đã góp phần làm tăng số lượng giảng viên quốc tế tại các trường đại học Nhật Bản: số liệu toàn quốc cho thấy số giảng viên quốc tế toàn thời gian tăng từ 940 (0,9% tổng số giảng viên) năm 1979 lên 8262 (4,5% tổng số giảng viên) trong năm 2017. Trước sự gia tăng đáng kể như vậy, bài viết này phân tích những thay đổi diễn ra trong hồ sơ cá nhân và chuyên môn của họ, trong động lực thúc đẩy họ đến Nhật Bản và trong nhận thức của họ về thị trường lao động, dựa trên sự so sánh các kết quả từ các cuộc điều tra quốc gia do Giáo sư Kazuhiro Kitamura tiến hành vào năm 1979 và do tác giả thực hiện năm 2017.
Nhiều người châu Á và nhiều phụ nữ hơn trong các ngành khoa học cứng
Về quốc tịch, cuộc khảo sát đầu tiên cho thấy vào năm 1979, các giảng viên quốc tế chủ yếu đến từ Hoa Kỳ (39,1%), tiếp theo là Vương quốc Anh (17,1%), Đức (15%), Tây Ban Nha (7,7%), Pháp (6,6%), Trung Quốc (4,4%) và Hàn Quốc (2,7%). Ngược lại, khảo sát thứ hai cho thấy năm 2017, nhóm giảng viên lớn nhất đến từ Trung Quốc (22,2%), tiếp theo là Hoa Kỳ (18,8%), Hàn Quốc (13,2%), Vương quốc Anh (8,2%), Canada (4,8%), Đức (3,8%), Úc (2,8%), Pháp (1,8%) và Đài Loan (1,7%). Về giới tính, số lượng giảng viên nữ tăng từ 20,7% năm 1979 lên 26,4% năm 2017. Về ngành học, năm 1979, giảng viên quốc tế ở Nhật Bản chủ yếu dạy ngôn ngữ (33,4%), các môn học kèm theo ngôn ngữ và văn học (26,1%) và văn học (17,4%). Năm 2017, trong khi các môn xã hội nhân văn vẫn là lĩnh vực phổ biến nhất của giảng viên người nước ngoài (39,4%), thì khoa học tự nhiên là nhóm lớn thứ hai (25,5%), tiếp theo là khoa học xã hội (18,2%) và khoa học đời sống (7,3%) . Về chức danh học thuật, năm 1979, những giảng viên nước ngoài chỉ giảng dạy ngôn ngữ chiếm số đông nhất (34,9%), tiếp đến là nhóm các giáo sư (23,7%), giảng viên (15,8%), phó giáo sư (14,7%), giáo sư thỉnh giảng (9,7%) và giáo sư trợ giảng (0,8%). Do số lượng giảng viên nước ngoài giảm nhanh, năm 2017, nhóm giảng viên quốc tế lớn nhất là giáo sư (35,6%), tiếp theo là phó giáo sư (29,6%), giáo sư trợ giảng (18,1%) và giảng viên (13,6%).
Ngay từ cuối thế kỷ 19, Nhật Bản đã mời một số lượng lớn các chuyên gia, học giả và các nhà chuyên môn người nước ngoài. |
Động lực và tuyển dụng
Về động lực đến Nhật Bản, trong cả hai cuộc khảo sát, nhóm lớn nhất cho biết họ bị thu hút bởi các trường đại học Nhật Bản vì lý do học thuật hoặc chuyên môn (64,9% vào năm 1979 và 78,9% vào năm 2017), trong khi nhóm quan tâm đến cuộc sống và văn hóa Nhật Bản tăng lên đáng kể (31% vào năm 1979 và 64,8% trong năm 2017). Năm 2017, đa số người được hỏi tuyên bố rằng họ đã quyết định dạy c hoặc nghiên cứu tại Nhật Bản do điều kiện sống tốt hơn ở nước họ (37,7%, so với chỉ 1,9% vào năm 1979), do những tình huống ngẫu nhiên (29,3%, chỉ 14,9% vào năm 1979), hoặc vì khó tìm được việc làm ở nước họ (21,2% so với 4,6% vào năm 1979).
Có thể nhận thấy những khác biệt đáng kể trong cách thức tuyển dụng giảng viên quốc tế. Theo khảo sát năm 1979, phần lớn được tuyển dụng thông qua các liên hệ cá nhân (58,7%), thông qua một tổ chức trung gian (16,1%) hoặc bằng cách nộp đơn trực tiếp vào các trường thông qua quảng cáo tuyển dụng công khai hoặc quảng cáo quốc tế (8,5%). Ngược lại, dữ liệu năm 2017 chỉ ra rằng có tới 64,7% nộp đơn trực tiếp cho trường, tiếp theo là tuyển dụng thông qua các liên hệ cá nhân (30,5%) và thông qua một cơ quan trung gian (0,8%). Một mặt, các giảng viên quốc tế thường thành công hơn khi nộp đơn tuyển dụng thông qua các quảng cáo công cộng hoặc quốc tế. Mặt khác, có những bằng chứng cho thấy thị trường học thuật Nhật Bản ngày càng mở cửa cho các giảng viên quốc tế, chấp nhận giảng viên quốc tế ứng tuyển trực tiếp mà không cần dựa vào mạng lưới quan hệ cá nhân.
Điều này cũng được khẳng định bởi người trả lời khảo sát. Ví dụ, có tới 71,7% giảng viên quốc tế năm 1979 tin rằng thị trường học thuật Nhật Bản đóng cửa đối với các ứng cử viên quốc tế, trong khi trong cuộc khảo sát năm 2017 cho thấy chỉ còn 37,4% giữ quan điểm như vậy. Hơn nữa, dường như vai trò của họ trở nên quan trọng hơn trong môi trường học thuật. Trong cuộc khảo sát năm 1979, gần một nửa số người được hỏi (47,5%) trả lời rằng nhìn chung, giảng viên Nhật Bản thờ ơ với các đồng nghiệp quốc tế của họ, so với 36% vào năm 2017.
Kết luận
Kết quả của hai cuộc khảo sát cho thấy đã diễn ra những thay đổi đáng kể trong hồ sơ, lộ trình tuyển dụng và nhận thức của giảng viên quốc tế tại Nhật Bản. Các trường đại học Nhật Bản đang thu hút nhiều hơn giảng viên quốc tế từ các nước láng giềng so với 30 năm trước và đã trở thành một trung tâm của khu vực. Ngoài ra, dường như giảng viên quốc tế đang đóng vai trò công việc tương tự như giảng viên bản địa, thay vì phần lớn chỉ tham gia giảng dạy ngôn ngữ như vào cuối những năm 1970. Tuy nhiên, không có những thay đổi đáng kể trong động lực của họ khi đến Nhật Bản.