Chính sách ngôn ngữ quốc gia của Malaysia và việc làm sinh viên

Viswanathan Selvaratnam là Cựu Giám đốc Học viện Khu vực về Giáo dục Đại học và Phát triển (RIHED), nguyên là Chuyên gia về giáo dục đại học của World Bank. E-mail: selvaratnam432@gmail.com.

Hệ thống giáo dục đại học, bao gồm cả khu vực công và tư, của Malaysia mỗi năm cho ra đời hơn 200 ngàn sinh viên tốt nghiệp. Một phần năm trong số đó không tìm được việc làm – tương đương 35% lực lượng lao động trẻ. Báo cáo Quốc gia về Việc làm cho sinh viên tốt nghiệp 2012-2017 nhấn mạnh rằng trên 50% sinh viên tốt nghiệp không đạt yêu cầu về kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh), kỹ năng giao tiếp và kỹ năng viết, và thái độ với công việc. Cuộc khảo sát năm 2013 của JobStreet.com cho biết 70% người sử dụng lao động cho rằng chất lượng sinh viên tốt nghiệp trong nước gần đây chỉ ở mức trung bình và trình độ tiếng Anh kém.
Thiếu hụt nguồn cung cấp nhân lực chất lượng cao đang ngăn cản Malaysia thực hiện khát vọng trở thành một quốc gia có thu nhập cao, sáng tạo, thành thạo công nghệ và định hướng xuất khẩu vào năm 2020. Chính phủ mới Pakatan Harapan (Liên minh Hy vọng) đã lùi mục tiêu này đến năm 2023.

Giáo dục đại học Malaysia bị chi phối bởi nhiều nguồn tài trợ với động cơ chính trị, và có sự phân cực chủng tộc trong tuyển sinh. Các trường công lập nhận được nhiều tài trợ và thể hiện rõ rệt một chiến lược hành động với động cơ chính trị nhất quán, phân biệt chủng tộc, sử dụng ngôn ngữ quốc gia trong giảng dạy. Từ khi độc lập, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai bắt buộc ở bậc trung học. Tuy nhiên sau bốn thập kỷ, tiếng Anh dần dần suy yếu do chất lượng giảng dạy kém và ít được sử dụng. Điều này khiến cho học sinh trong các trường trung học không được chuẩn bị để theo học những chương trình đại học giảng dạy bằng tiếng Anh, cũng không bắt kịp tốc độ tăng trưởng kiến thức toàn cầu và cạnh tranh trong thị trường lao động thay đổi nhanh chóng.

Người ta từng kỳ vọng rằng sự cạnh tranh giữa các trường vì lợi nhuận và định hướng thị trường với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, sẽ tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng của nền kinh tế. Thực tế, tất cả các trường này đều chạy theo số lượng hơn là chất lượng. Liệu các trường đại học, công cũng như tư, về cơ bản bị chi phối bởi các động cơ chính trị và kinh tế, có thể tạo ra nguồn cung cấp nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế công nghệ và tri thức hay không?

Không đáp ứng nhu cầu và thất nghiệp ngày càng tăng

Yếu kém trong cả khu vực công và tư, các trường đại học của đất nước đang đào tạo ra những người không đủ kỹ năng tiếng Anh và năng lực tư duy kiến tạo – điều mà các nhà tuyển dụng công nghiệp và dịch vụ Malaysia đang rất cần. Nhu cầu nhân công lành nghề có nhận thức toàn cầu tăng lên, nhiều công ty hàng đầu tuyển dụng hầu hết sinh viên tốt nghiệp trở về từ các trường đại học chọn lọc, giảng dạy bằng tiếng Anh ở nước ngoài, thay vì từ các tổ chức giáo dục nội địa.

Gần đây, một nhà lập pháp chỉ ra rằng ngoài lý do yếu kém trong kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phối hợp và lãnh đạo, hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học công lập không tìm được việc làm ở khu vực tư nhân chủ yếu vì trình độ tiếng Anh kém. Chính phủ buộc phải tuyển dụng họ vào làm việc trong khu vực dịch vụ công vốn đã cồng kềnh. Hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học trong nước thất nghiệp bởi vì kém tiếng Anh, họ “không nói nổi một câu tiếng Anh”, như lời của ông Adenan Satem, cựu thủ hiến bang Sarawak, Đông Malaysia. Để giảm thiểu vấn nạn “sinh viên tốt nghiệp không tương lai”, vị thủ hiến đã quy định tiếng Anh Sarawak là ngôn ngữ chính thức thứ hai.
Báo cáo Quốc gia về Việc làm cho sinh viên tốt nghiệp cho thấy khoảng cách lớn giữa cung và cầu nhân lực sinh viên tốt nghiệp trong thị trường lao động và nhấn mạnh rằng tỷ lệ sử dụng lao động “vẫn còn thấp và chưa được cải thiện”. Liên đoàn Lao động Malaysia cũng chỉ ra rằng thất nghiệp sau đại học là một vấn đề nghiêm trọng. Trình độ tiếng Anh kém được coi là lý do chính dẫn đến tỷ lệ có việc làm thấp.

Yếu kém trong cả khu vực công và tư, các trường đại học của đất nước đang đào tạo ra những người không đủ kỹ năng tiếng Anh và năng lực tư duy kiến tạo.

Để cải thiện tình trạng tuyển dụng, chính phủ quốc gia Barisan trước đây đã ban hành Một khung Chương trình đào tạo Malaysia và Chương trình Quản lý việc làm sau tốt nghiệp đại học. Thật khó hiểu khi sinh viên tốt nghiệp đại học công lập phải được đào tạo lại bằng tiền của người nộp thuế, trong khi hệ thống giáo dục không đủ khả năng sửa chữa những thiếu sót, mặc dù gần 6% GDP của quốc gia được chi cho giáo dục.

Từ chối sử dụng và giảng dạy bằng tiếng Anh

Singapore duy trì giảng dạy bằng tiếng Anh ở tất cả các cấp giáo dục với mục đích bắt kịp với kiến thức toàn cầu và các hệ thống thị trường đang phát triển nhanh chóng. Malaysia, ngược lại, sử dụng tiếng Bahasa Malay là ngôn ngữ giảng dạy chính để đối trọng với tiếng Anh là ngôn ngữ của chủ nghĩa đế quốc. Tuy nhiên, không giống như Hàn Quốc, họ đã thất bại trong việc biến Bahasa Malay thành ngôn ngữ học thuật khoa học.

Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai bắt buộc kể từ khi độc lập, nhưng tinh thần yêu nước kết hợp với sự bất lực chính trị quốc gia và sự bất tài trong giảng dạy đã dần dẫn đến việc tiếng Bahasa Malay được sử dụng nhiều hơn, trong khi tiếng Anh, sau bốn mươi năm, đã bị từ chối sử dụng và giảng dạy trong trường trung học, ở các bậc giáo dục đại học, và trong cộng đồng học thuật.

Hầu hết những quốc gia không nói tiếng Anh có tham vọng bắt kịp một thế giới toàn cầu hóa nhanh chóng đều coi tiếng Anh là ngoại ngữ số một trong hệ thống giáo dục. Ví dụ, tiếng Anh được dạy từ cấp tiểu học tại Hà Lan, Trung Quốc và Ấn Độ. Tại Trung Quốc, yêu cầu năng lực tiếng Anh đang tăng lên, nhất là ở các trường đại học tốp trên. Người hàng xóm ASEAN và cũng là đối thủ cạnh tranh của Malaysia, Việt Nam, đã xác định môi trường tiếng Anh là chìa khóa để cải thiện chất lượng giáo dục đại học đang phát triển nhanh. Ngoài ra, Việt Nam công bố rằng tiếng Anh hết sức quan trọng đối với mục tiêu hiện đại hóa và quốc tế hóa nền kinh tế. Ủy ban Tri thức Quốc gia Ấn Độ năm 2009 nhấn mạnh rằng, “sự hiểu biết và thành thạo tiếng Anh là yếu tố quyết định quan trọng nhất để tiếp cận giáo dục đại học, có việc làm và thành công trong xã hội. Học sinh tốt nghiệp trung học không được đào tạo tiếng Anh thích hợp sẽ luôn ở thế bất lợi trong thế giới giáo dục đại học.” Tiếng Anh là một yếu tố quan trọng đảm bảo cải thiện vị thế xã hội và lương bổng tốt trong các lĩnh vực cạnh tranh cao như thương mại, tài chính, kinh doanh, công nghệ và khoa học. Hội đồng Anh cho rằng tiếng Anh được khoảng 1,75 tỷ người – một phần tư dân số thế giới – sử dụng trong công việc.

Nỗ lực của Malaysia để trở thành một quốc gia hiện đại, am hiểu công nghệ và xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào việc củng cố nguồn nhân lực của họ. Năng lực sử dụng tiếng Anh đảm bảo khả năng tiếp cận những khám phá và phát triển mới nhất của khoa học.