Các chính sách quốc gia và vai trò của tiếng Anh trong giáo dục đại học

Xinyan Liu là Sinh viên cao học Chương trình Giáo dục Đại học Quốc tế ở Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: liupm@bc.edu.

Bài này dựa vào một công trình nghiên cứu cùng tựa, được tài trợ bởi Hiệp hội Đại học Quốc tế (IAU) ở Paris.

Khi tác động của toàn cầu hoá này càng sâu rộng, giáo dục đại học trên toàn thế giới tích cực đáp ứng bằng cách quốc tế hóa các tổ chức giáo dục. Sử dụng tiếng Anh như một phương tiện giảng dạy (English as Medium of Instruction – EMI) là một trong nhiều sáng kiến được áp dụng. Điều này góp phần làm tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính của cộng đồng học thuật trong nghiên cứu, xuất bản và giảng dạy.

Việc công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ học thuật chính trong các xã hội không nói tiếng Anh là một vấn đề nhạy cảm, đặc biệt ở những vùng, những quốc gia trước đây từng là thuộc địa. Việc bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ của các nhóm thiểu số, hoặc của nhóm dân tộc bản địa chính có thể bị ảnh hưởng, tùy thuộc vào các chính sách về việc sử dụng tiếng Anh. Phân tích việc sử dụng EMI không thể tách rời khỏi các chính sách quốc gia về ngôn ngữ nói chung. Trước trách nhiệm phải đảm bảo cả sự công bằng và quyền tiếp cận, đồng thời đóng góp thiết thực vào kho tàng tri thức nhân loại, nhiều quốc gia vẫn ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Mức độ ứng dụng EMI khác nhau tùy thuộc rất nhiều vào sự phát triển chung của nền giáo dục đại học.

Các nghiên cứu và tranh luận trước đây tập trung chủ yếu vào những quốc gia bắc Âu, là những nước đầu tiên sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính trong học thuật. Ngày nay, khi tiếng Anh đang lan rộng toàn cầu với động lực và tốc độ chưa từng có, việc nghiên cứu tác động của hiện tượng này trên quy mô lớn là rất quan trọng. Bài viết trình bày nghiên cứu mở rộng đến một nhóm đa dạng các quốc gia bao gồm Brazil, Pháp, Malaysia, Nam Phi và Tây Ban Nha. Hai khía cạnh chính được xem xét gồm chính sách quốc gia liên quan đến ngôn ngữ trong giáo dục đại học và vai trò của tiếng Anh trong các hệ thống giáo dục đại học của các nước này.

Tiếng Anh và ngôn ngữ bản địa

Nghiên cứu sự phát triển của EMI ở năm quốc gia cho thấy một số chủ đề tỏ ra nhất quán, dù vẫn có những khác biệt đáng kể. Một thực tế là sự thông thạo tiếng Anh giúp tăng đáng kể cơ hội có việc làm đã trở thành động lực mạnh mẽ của các trường đại học, bởi vì họ chịu trách nhiệm đào tạo nhân lực cho thị trường lao động tri thức. Đặc biệt, cơ hội có việc làm còn bao hàm sự dịch chuyển, trong bối cảnh gia tăng hợp tác quốc tế và thương mại toàn cầu. Ở Nam Phi, những sinh viên tốt nghiệp thành thạo tiếng Anh chiếm tỷ lệ có việc làm cao hơn. Ở Malaysia, sinh viên cho rằng trình độ tiếng Anh là thiết yếu để tìm việc hoặc thăng tiến.

Mặc dù đây có thể là một kết luận khá hiển nhiên, nghiên cứu này cũng tìm ra các bằng chứng cho thấy giá trị quan trọng của việc duy trì ngôn ngữ bản địa ở Nam Phi, Malaysia, vùng Catalan và Basque ở Tây Ban Nha. Ngôn ngữ bản địa đóng vai trò biểu tượng đoàn kết quốc gia/khu vực, là điều kiện để một người trở thành công chức. Ngoài ra, nắm vững ngôn ngữ mẹ đẻ cũng giúp học ngoại ngữ dễ dàng hơn.

Trong năm quốc gia được nghiên cứu, cách thức chính phủ lựa chọn để tiếp cận vấn đề EMI trong hệ thống giáo dục quốc dân ảnh hưởng rất lớn đến thái độ đối với ngôn ngữ, cơ hội tiếp cận, tính công bằng và hiệu quả của chính sách. Nam Phi rất đa dạng về ngôn ngữ và chính phủ tuyên bố sẽ thúc đẩy các chính sách tiến bộ liên quan đến đa ngôn ngữ; mặc dầu vậy, thiếu thốn nguồn lực và mối liên hệ nhạy cảm của tiếng Anh với vấn đề phân biệt chủng tộc ở đất nước này là những trở ngại lớn. Malaysia là một quốc gia đa sắc tộc, và ngôn ngữ quốc gia được thừa nhận là một công cụ thống nhất, nhưng cơ hội tiếp cận với tiếng Anh lại phụ thuộc vào vị trí xã hội. Pháp có tới vài ngôn ngữ khu vực, dù tiếng Pháp là ngôn ngữ quốc gia; một thách thức đặc biệt đối với Pháp hiện nay là sự gia tăng những ngôn ngữ nhập cư, và không rõ chính phủ Pháp sẽ thể chế hóa tình trạng đa ngôn ngữ như thế nào trong tương lai. Ở Tây Ban Nha, ngôn ngữ của các nhóm thiểu số có sự hiện diện chính trị đáng kể ở các khu vực họ cư trú và nhìn chung họ đang cố gắng thích nghi với tiếng Anh.

Thực tại xã hội chi phối thái độ của người dân đối với ngôn ngữ, dẫn đến xu hướng tiếp nhận hoặc từ bỏ một ngôn ngữ. Bất kể định hướng chính sách, nếu các cá nhân không đồng thuận với một bối cảnh thực tiễn cụ thể, thì việc áp đặt chính sách vẫn không hiệu quả. Ví dụ, nếu người Nam Phi cảm thấy rằng tiếng Nam Phi mang dấu ấn thực dân, hoặc nếu người Catalonia cho rằng tiếng Castilian (tiếng Tây Ban Nha chuẩn) là biểu tượng của một chính phủ tập quyền mà họ không thừa nhận, thì tình trạng của các ngôn ngữ này có thể bị đe dọa. Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đa dạng và nuôi dưỡng lòng khoan dung, nên việc thực hành đa ngôn ngữ tại các tổ chức giáo dục đại học sẽ là một hình mẫu cho cả xã hội.

Ứng dụng EMI trong giáo dục đại học

Mức độ ứng dụng EMI khác nhau tùy thuộc rất nhiều vào sự phát triển chung của nền giáo dục đại học, vào khả năng chính phủ cung cấp nguồn lực và mức độ đầu tư vào học tập của người dân. Trong số năm quốc gia, Tây Ban Nha và Pháp có hệ thống giáo dục đại học lâu đời nhất. Dưới sự bảo trợ của EU, vị thế của họ là những nước phát triển đảm bảo cho an ninh tài chính và hỗ trợ chính trị; tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha là những ngôn ngữ phổ biến rộng và đưa tiếng Anh vào sử dụng cũng là một nỗ lực thành công. Tình hình ở Brazil, Malaysia và Nam Phi thì khác. Đây là những thuộc địa cũ, điều này tác động đến tình trạng phát triển kinh tế quốc gia hiện nay. Ngôn ngữ bản địa có thể bị đẩy vào thứ yếu nếu tiếng Anh được khuyến khích sử dụng rộng hơn nữa vì những lợi ích mà nó mang lại. Ở Nam Phi và Malaysia, khuyến khích tiếng Anh không phải là một chính sách mới. Sự giằng co là ở chỗ liệu có phải là điều tốt khi toàn bộ hệ thống chấp nhận một ngôn ngữ thuộc địa có khả năng khơi dậy vết thương cũ và thừa nhận rằng đó là một công cụ không thể thiếu trên thế giới ngày nay, hay vẫn cần nỗ lực bản địa hóa, khôi phục một nền văn hóa – một trật tự xã hội đã mất.

Ba quốc gia này cũng đang phải đối mặt với mức độ bất bình đẳng xã hội cao hơn. Đặc biệt ở Brazil và Malaysia, giáo dục ngoại ngữ trong hệ thống công lập chưa đầy đủ, chỉ người giàu có thể vào học các khóa tiếng Anh và thành công ở trường đại học hoặc trên thị trường việc làm. Bất bình đẳng là không tránh khỏi. Ở Nam Phi, bất đồng giai cấp và chủng tộc còn mạnh hơn, do lịch sử phân biệt chủng tộc.

Không có giải pháp thần kỳ nào cho những trở ngại được đề cập ở trên khi áp dụng EMI. Hơn nữa, quá trình này cần phải được đánh giá liên tục về tác động tiềm tàng lâu dài của nó đối với hệ thống kiến thức và giáo dục đại học. Mỗi quốc gia đều có một tập hợp các yếu tố lịch sử và xã hội duy nhất ảnh hưởng đến các bên liên quan trong hệ thống; tiến hành nghiên cứu so sánh toàn cầu về chủ đề này sẽ là một việc đáng giá, có thể khuyến khích học hỏi từ những thành công và thất bại trên toàn thế giới.