Xiamen University Malaysia: Phân hiệu đại học của Trung Quốc

Guo Jie là Giám đốc Văn phòng hợp tác quốc tế và là Giảng viên tại Trường Tan Kah Kee, Đại học Xiamen, CHND Trung Hoa. Tiến sĩ Guo đã tham gia vào quá trình thành lập Đại học Xiamen Malaysia từ năm 2012. E-mail: 410125299@qq.com.

Phân hiệu thứ tư và cũng là mới nhất của Đại học Xiamen (XMU), nằm cách Kuala Lumpur, Malaysia khoảng 45 km, đã hoàn thành giai đoạn phát triển đầu tiên với tốc độ điển hình kiểu Trung Quốc. Dự án này bắt đầu được soạn thảo vào năm 2012, khởi động vào năm 2014 và bước vào giai đoạn thứ hai vào tháng 11 năm 2017. Trong số mười phân hiệu đại học quốc tế tại Malaysia, Đại học Xiamen Malaysia (XMUM) chiếm diện tích lớn nhất với tổng diện tích mặt bằng là 47 héc ta, là khoản đầu tư lớn nhất (khoảng 1,5 tỷ RM, chủ yếu của đại học Đại học Xiamen – tương đương hơn 37 triệu USD), và 100% thuộc sở hữu của XMU. Phân hiệu đại học này khai trương vào ngày 22 tháng 2 năm 2016, và hiện đang cung cấp 15 chương trình đào tạo cho 1720 sinh viên Malaysia, 950 sinh viên Trung Quốc và 30 sinh viên quốc tế khác. Dự kiến trong 5 năm tới, tổng số sinh viên sẽ lên tới 5000.

Giáo dục quốc tế, thương mại hóa và cạnh tranh ở Malaysia

Trước khi XMUM được thành lập, chính phủ Malaysia đã mời ba trường đại học của Úc và sáu trường đại học của Anh thành lập các phân hiệu đại học tại nhiều bang khác nhau của Malaysia. Những sáng kiến này dựa trên kế hoạch chiến lược mang tên “Căn cứ giáo dục quốc tế của châu Á” bắt đầu vào khoảng năm 1990. Những năm 1990 là thời kỳ nền kinh tế Malaysia bắt đầu tìm kiếm những con đường mới thay vì buôn bán các nguồn tài nguyên thiên nhiên truyền thống. Sự gia tăng luồng sinh viên quốc tế vào Malaysia trong những năm qua đã chứng minh tính hiệu quả của kế hoạch đó, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng của thị trường giáo dục toàn cầu. Điều đặc biệt là XMUM thu hút được những sinh viên quốc tế chất lượng hàng đầu; các sinh viên Trung Quốc theo học tại đây là Gao Kao Yi Ben Sheng (những sinh viên có kết quả hàng đầu của Gao Kao – kỳ thi đầu vào đại học của toàn Trung Quốc). Theo các chuyên gia giáo dục trong nước, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Malaysia thu hút được số lượng sinh viên Yi Ben Sheng từ Trung Quốc lớn như vậy, những người thường chỉ chọn Hoa Kỳ, Anh, Úc và các nước phương Tây khác khi có ý định học tập ở nước ngoài.

Kế hoạch chiến lược của Malaysia đem lại lợi ích cho cả Malaysia và phần lớn những trường đại học quốc tế tham gia, vì nó thúc đẩy thương mại hóa giáo dục và kích thích sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các trường đại học. Theo yêu cầu của chính phủ Malaysia, các phân hiệu đại học quốc tế phải là các trường đại học tư nhân có mức học phí cao và tăng hàng năm (thường là từ 42 ngàn đến 48 ngàn RM mỗi năm). Các trường đại học tư nhân địa phương, chủ yếu thuộc sở hữu của những người Malaysia gốc Hoa, có mức học phí chỉ bằng một nửa hoặc hai phần ba so với mức học phí trên, nhưng không trường nào lọt được vào bảng xếp hạng thế giới. Các trường đại học công lập của Malaysia có mức học phí thấp và cung cấp giáo dục có chất lượng với cơ hội việc làm cao hơn, nhưng hệ thống này thường ưu tiên sinh viên người Malay, và duy trì hạn mức tuyển sinh đối với các nhóm dân tộc khác. Hệ thống hạn mức không đồng đều này đã kích hoạt một giai đoạn tăng và giảm các trường đại học tư. Ngược lại, XMUM tính phí 22 ngàn đến 24 ngàn RM mỗi năm và công khai cam kết không sử dụng một xu nào cho bất kỳ mục đích thương mại hoặc hoàn tiền cho trường đại học mẹ ở Trung Quốc, toàn bộ nguồn thu từ học phí sẽ được đầu tư vào nghiên cứu khoa học trong nước và cấp học bổng cho sinh viên.

Phân hiệu thứ tư và mới nhất của Đại học Xiamen (XMU), nằm cách Kuala Lumpur, Malaysia khoảng 45 km, đã hoàn thành giai đoạn phát triển đầu tiên với tốc độ điển hình kiểu Trung Quốc.

Đưa ra mức học phí như thế không phải là không có vấn đề, theo tính toán, XMUM sẽ mất khoảng 30 năm để hòa vốn. Do đó, không lạ khi có những hoài nghi về khả năng cân bằng của XMUM giữa một bên là duy trì tài chính bền vững và bên kia là tinh thần phi thương mại. Các chuyên gia tuyển dụng trong nước cũng bày tỏ lo ngại về việc duy trì nguồn thu nhập ổn định và nguồn nhân lực có chất lượng tại XMUM trong thời gian dài. Các phân hiệu đại học của Anh và Úc được thành lập trước khoảng một hoặc hai thập kỷ, đã hoạt động ổn định, có thể sẽ là những đối thủ cạnh tranh mạnh trong tuyển dụng nhân sự và tuyển sinh trong tương lai. Cuối cùng, việc không có bất kỳ cổ đông nào khác, hoàn toàn thuộc sở hữu của trường mẹ đồng nghĩa với danh tiếng nhưng cũng là áp lực. May mắn thay, những người Malaysia gốc Hoa ẩn danh đã quyên góp đáng kể cho XMUM kể từ năm 2013. Họ noi gương những Hoa kiều yêu nước như ông Tan Kah Kee – Nhà tài phiệt người Malaysia gốc Hoa và là người sáng lập Đại học Xiamen.

Sự đồng thuận giáo dục trong ASEAN và Trung Quốc

Quy trình Bologna đã ảnh hưởng sâu sắc đến các hệ thống giáo dục của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, đặc biệt là hệ thống ECTS của họ (Hệ thống tích lũy và chuyển đổi tín chỉ châu Âu). Trong năm 2007, các nước ASEAN đã đạt được sự đồng thuận về công nhận bằng cấp và tín chỉ. Trong năm 2016, với sự phát triển nhanh chóng của các hoạt động kinh tế, ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý mở rộng thỏa thuận trước đó để thúc đẩy trao đổi giáo dục đại học và văn hóa. Với 10 phân hiệu đại học quốc tế, Malaysia là một trong những nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN về trao đổi giáo dục.

Một mô hình thành công sẽ được sao chép, và các quốc gia khác trong khu vực đang cố gắng mô phỏng phương pháp của Malaysia. Từ năm 2007, Viên chăn đã cho phép Đại học Tô Châu (Trung Quốc) hoạt động tại Lào. Năm 2016, Thái Lan mời Đại học Tài chính và Kinh tế Vân Nam (Trung Quốc) thành lập Trường Kinh doanh Bangkok cùng với Đại học Rangsit. Trong năm 2013, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự tham gia của Trung Quốc vào các khu vực rộng lớn hơn, chính phủ Trung Quốc đã ban hành Khuôn khổ Nhất Đới Nhất Lộ (Chính sách Một vành đai, Một con đường: Con đường tơ lụa mới kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu). Kể từ đó, các trường đại học Trung Quốc tích cực hoạt động ở nước ngoài, bao gồm tuyển sinh sinh viên quốc tế đến học tại Trung Quốc, đặc biệt là sinh viên ASEAN. Tuy nhiên, mô hình EU khó có thể được nhân rộng bởi vì các thỏa thuận chung về trao đổi sinh viên và tuyển sinh vẫn chưa dựa trên sự đồng thuận của liên chính phủ trong ASEAN; ví dụ, tất cả các quốc gia ASEAN đã quyết định tiếp tục làm việc trong khuôn khổ Nhất Đới Nhất Lộ của Trung Quốc, vì ưu điểm của chính sách này là không bắt buộc.

Do đó, phân hiệu đại học tại nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc được gọi là “Nhịp cầu tình bạn giữa Malaysia và Trung Quốc”. Theo các đại lý tuyển sinh ở địa phương, XMUM phù hợp với thị trường giáo dục của người Malaysia gốc Hoa, nhưng hoạt động của nó trong tương lai sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giữa các chính phủ. Căng thẳng bắt nguồn từ thời Chiến tranh lạnh, khi quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia khác ở Đông Nam Á bị gián đoạn. Những học sinh người Malaysia gốc Hoa tại 61 trường phổ thông Hoa ngữ độc lập của Malaysia tham gia vào “Kỳ thi Trung học Hoa ngữ độc lập Malaysia” (UEC), là những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cắt đứt quan hệ giữa hai nước. Từ sau năm 1957 họ không được nhận vào các trường đại học công của Malaysia, lệnh cấm này cho đến nay vẫn còn hiệu lực. Từ những năm 1990, chính phủ Malaysia đã tái định hướng chính sách quốc gia, chuyển từ bảo vệ quyền lợi của người Malay sang thích ứng với một thực tế đa sắc tộc và đa văn hóa hơn. Khung pháp lý hiện nay vẫn bảo vệ người Malaysia gốc Hoa, nhưng hầu hết sinh viên Malaysia gốc Hoa khi tham gia vào các kỳ thi quốc gia vẫn không dễ dàng ghi danh vào các trường đại học công lập, vì hạn mức nhập học vẫn được giữ nguyên.

Tóm lại, quá trình thành lập XMUM phản ánh sự pha trộn các xu hướng phát triển giáo dục gần đây ở Malaysia, ASEAN và Trung Quốc. Mặc dù phân hiệu đại học này có một khởi đầu thành công, thị trường giáo dục toàn cầu hóa mở rộng ở châu Á báo hiệu sự cạnh tranh khốc liệt trong tương lai – nhưng XMUM đã được chuẩn bị tốt để đối mặt với điều đó.