Đại học tư thuộc sở hữu gia đình ở châu Phi

Wondwosen Tamrat là Phó Giáo sư, Chủ tịch sáng lập của Đại học St. Mary, Ethiopia, thành viên PROPHE. E-mail: preswond@smuc.edu.et hoặc wondwosentamrat@gmail.com.

PROPHE – Chương trình Nghiên cứu về Đại học Tư thục – đóng góp một chuyên mục thường kỳ cho IHE.

Trong số các tổ chức giáo dục đại học tư nhân (PHEI) gia tăng nhanh chóng ở châu Phi trong hai thập kỷ qua, có loại hình thuộc sở hữu cá nhân hoặc gia đình và hầu như chưa được nghiên cứu. Hiếm thấy các bài viết về loại hình này ở cấp toàn cầu hoặc khu vực. Bài viết này khảo sát sơ bộ các tổ chức giáo dục đại học do gia đình làm chủ ở châu Phi, nơi có rất ít tài liệu và nghèo nàn thông tin về giáo dục đại học tư thục.

Mức độ hiện diện

Số lượng các đại học tư do gia đình sở hữu đang gia tăng bất chấp sự hiện diện áp đảo của các trường đại học tư tôn giáo ở nhiều quốc gia trên lục địa châu Phi. Dấu hiệu mới mẻ này một phần nhờ vào sự gia tăng của khu vực doanh nghiệp tư nhân vì lợi nhuận trong hai thập kỷ qua.

Mức độ hiện diện của các trường tư thuộc sở hữu gia đình thường bị ảnh hưởng bởi loại hình trường tư đang nắm ưu thế ở một quốc gia cụ thể. Chẳng hạn ở Congo, Kenya, Liberia, Nigeria, Tanzania và Zimbabwe, do các trường tư tôn giáo chiếm ưu thế, số lượng trường tư thuộc sở hữu gia đình còn hạn chế nhưng cũng đang tăng thêm. Thực tế, hai hoại hình trường tư “tôn giáo” và “thuộc sở hữu gia đình” không loại trừ lẫn nhau, một số gia đình hoặc cá nhân cũng tham gia vào việc thành lập và/hoặc sở hữu các trường tôn giáo (và một số loại hình phi lợi nhận khác).

Trong khi đó, ở các nước như Benin, Botswana, Ghana, Ai Cập, Ethiopia, Mozambique, Senegal, Nam Phi, Sudan và Uganda, nơi mà số lượng các trường vì lợi nhuận đang vượt qua trường tôn giáo, loại hình trường tư thuộc sở hữu gia đình phát triển đặc biệt mạnh mẽ. Một khi được cấp phép, trường tư vì lợi nhuận sẽ tạo ra cơ hội hấp dẫn và thu hút đầu tư. Ethiopia là một trường hợp cực đoan, đa số lớn các trường đại học tư (hơn 90% trong tổng sổ 130 trường tư hợp pháp) là do gia đình hoặc cá nhân sở hữu. Ngược lại, ở nhiều nước, số trường tư gia đình không quá 3-5%.

Bản chất của các trường tư thuộc sở hữu gia đình

Hầu hết các tổ chức tư thục thuộc sở hữu gia đình ở châu Phi đều là các học viện phi đại học hoặc là trường chuyên ngành với định hướng nghề nghiệp. Loại hình học viện phi đại học rất phổ biến ở Botswana, Lesotho, Nam Phi và Tunisia, còn Bờ Biển Ngà, Kenya, Nigeria, Tanzania và Uganda vẫn có các trường đại học tư thục. Đa số đại học tư thuộc sở hữu gia đình đều định hướng vì lợi nhuận, hầu hết có quy mô nhỏ và cung cấp các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài khoản đầu tư ban đầu của chủ sở hữu, hoạt động của họ phụ thuộc nhiều vào học phí, gần như không có hỗ trợ từ bên ngoài hoặc các hoạt động tạo thu nhập khác. Sự phụ thuộc chủ yếu vào học phí quyết định cấu trúc tổ chức và cách quản lý vận hành nhà trường.

Các trường tư nhân xuất sắc về học thuật thường là trường tôn giáo, đa số các trường thuộc sở hữu gia đình ít có hoạt động nghiên cứu hoặc đào tạo sau đại học. Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ, ví dụ ở Ma Rốc chính phủ có chính sách khuyến khích phát triển các trường đại học tư ưu tú. Mặc dù ít, cũng có một số trường tư gia đình ở Ghana và Ethiopia được đánh giá cao về chất lượng chương trình đào tạo.

Ưu, nhược điểm

Các đại học tư thuộc sở hữu gia đình được chấp nhận rộng rãi bởi vì hình thức tổ chức này có thể kết hợp hài hòa những yếu tố vì lợi nhuận với định hướng đào tạo của giáo dục đại học. Mặc dù còn nhiều thách thức, sự cân bằng cần thiết này vẫn có thể đạt được như một số trường tư thành công đã chứng minh điều này. Những trường tư gia đình tỏ ra linh hoạt hơn các trường khác. Do ít bị cản trở bởi bộ máy quan liêu và thủ tục hành chính rườm rà so với các trường đại học công, những trường tư gia đình thành công thường có các đặc trưng là tính năng động, đổi mới, hiệu quả và linh hoạt – những yêu tố quan trọng quyết định sự thành công của một trường đại học. Để đảm bảo khả năng tồn tại và phát triển của trường, họ cố gắng giảm chi phí, thúc đẩy kế hoạch chiến lược và hoạt động tiếp thị, gắn kết với nhà tuyển dụng, cung cấp dịch vụ sắp xếp việc làm, tư vấn – hỗ trợ sinh viên và tăng cường trách nhiệm của nhân viên. Họ thường mạnh mẽ cam kết những chương trình hỗ trợ cộng đồng, như dịch vụ chuyên nghiệp miễn phí, đóng góp từ thiện, tham gia các dự án địa phương, sáng kiến xã hội như bảo vệ môi trường, giúp đỡ người vô gia cư và hỗ trợ cộng đồng thông qua đào tạo và đóng góp vật lực.

Hầu hết các tổ chức tư thục thuộc sở hữu gia đình ở châu Phi đều là các học viện phi đại học hoặc là trường chuyên ngành với định hướng nghề nghiệp.

Ngoài một số trường tư gia đình đặt mục đích đóng góp cho xã hội, phần lớn có mục tiêu lợi nhuận là chính. Các trường như vậy thường có người trong gia đình nắm các vị trí điều hành, mặc dù họ không đủ năng lực và kinh nghiệm. Hoạt động của trường có thể bị đe dọa nghiêm trọng khi trình độ, tầm nhìn và hành vi của các chủ sở hữu không phù hợp với yêu cầu và mục tiêu của một trường đại học. Ảnh hưởng tương tự có thể thấy trong tất cả các loại hình trường tư, và càng trầm trọng hơn ở các trường tư thuộc sở hữu gia đình được điều hành kém; các trường công không phải chịu tác động này. Một trong những lý do khiến các trường tư yếu kém phải đóng cửa là động cơ lợi nhuận quá mức của chủ sở hữu làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Thiếu quyền tự chủ, và sự can thiệp quá sâu của chủ sở hữu vào hoạt động hàng ngày và vào định hướng tương lai của trường cũng ngăn cản sự thừa nhận về mặt xã hội và học thuật – là những yếu tố quan trọng để một trường đại học được xã hội công nhận. Những chủ sở hữu coi các tổ chức của họ chủ yếu là các thực thể kinh doanh thường sử dụng quyền lực để điều hành và định hướng hoạt động của nhà trường nhằm phục vụ mục tiêu cá nhân. Các ví dụ như vậy xuất hiện rất nhiều ở các quốc gia châu Phi. Ảnh hưởng của chủ sở hữu thể hiện qua sự mở rộng không giới hạn, ít chú ý đến cam kết lâu dài, chuyển lợi nhuận thu được vào những mục đích phi học thuật, tuỳ tiện bổ nhiệm nhân viên và người quản lý, can thiệp vào các vấn đề học thuật và áp đặt hệ thống quản trị độc đoán. Quyết định về những vấn đề quan trọng của trường không được chia sẻ và thảo luận công khai. Khi hành động không tuân thủ pháp luật, chủ sở hữu đã can thiệp vào công việc, xâm phạm thẩm quyền và quyền ra quyết định của hiệu trưởng và/hoặc nhân viên của trường, làm xói mòn sự tự tin của nhân viên, không tôn trọng quyền cá nhân và/hoặc tự do học thuật. Ở Ethiopia, ảnh hưởng của những chủ sở hữu như vậy phổ biến đến mức thường quyết định sự thành công hay thất bại của nhà trường. Những hiện tượng tương tự có thể nhận thấy trên khắp lục địa và đôi khi khiến chúng ta phải nghi ngờ liệu có phải là khôn ngoan khi cấp phép cho các trường như vậy mà không có những hạn chế pháp lý trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của một trường đại học.

Tóm lại, mặc dù bản chất, cách thức vận hành và tiềm năng của các đại học tư thuộc sở hữu gia đình trong giáo dục đại học châu Phi vẫn chưa được tìm hiểu kỹ, loại hình này vẫn tiếp tục tăng trưởng và đóng góp vào sự phát triển của khu vực đại học tư vì lợi nhuận. Tuy nhiên, sự chấp nhận rộng rãi của xã hội sẽ tùy thuộc vào cách thức hoạt động của các tổ chức này và/hoặc khả năng duy trì tính độc lập của họ trước ảnh hưởng của các chủ sở hữu thiển cận chỉ nhắm đến lợi nhuận.