Ludovic Highman là Trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Giáo dục Đại học Toàn cầu, Viện Nghiên cứu Giáo dục, University College Luân Đôn, Vương quốc Anh, E-mail: l.highman@ucl.ac.uk.
Trưng cầu dân ý tháng 6 năm 2016 đã đưa đến quyết định Brexit, tuy nhiên, việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu tác động thế nào đối với giáo dục đại học và nghiên cứu vẫn chưa rõ ràng, và phụ thuộc vào cách chính phủ Anh diễn giải kết quả trưng cầu dân ý và từ đó tiến hành Brexit “cứng” hay “mềm”. Sau hai năm, lập trường không nhất quán của chính phủ Vương quốc Anh trong những cuộc thương thảo Anh – EU về lựa chọn Brexit “cứng” hay “mềm”, đã để lại rất ít lựa chọn cho các đại học Anh, là những trường vẫn được xếp hàng đầu thế giới về giảng dạy và nghiên cứu, với 4 trường trong tốp 10 thế giới (theo QS World University Rankings 2019). Trước đây khi còn ở trong Liên Hiệp, những cơ chế ưu đãi tài chính và kỹ thuật hỗ trợ hợp tác (như học bổng khuyến khích du học, ECTS – hệ quy đổi tín chỉ châu Âu, công nhận thời gian học tập nước ngoài…) đã tạo nên sức hấp dẫn cho các trường đại học châu Âu. Brexit “cứng” sẽ gây nguy hại cho những mối quan hệ hợp tác này. Ủy ban chỉ đạo Brexit của Quốc hội châu Âu nhận định rằng trong tương lai, khi Vương quốc Anh chỉ tham gia với tư cách là nước thứ ba trong chương trình “Horizon Europe”, sẽ không còn “các nguồn tiền từ ngân sách Liên minh châu Âu sang Vương quốc Anh, cũng như vai trò ra quyết định của Vương quốc Anh”(Times Higher Education, 15/03/2018). Rõ ràng đây là vấn đề lớn, vì cho đến nay Vương quốc Anh vẫn là bên nhận nguồn ngân sách ròng cho phần lớn các nghiên cứu của châu Âu, dẫn đầu tỷ lệ nhận tài trợ của Hội đồng Nghiên cứu châu Âu, đồng thời đóng vai trò quyết định chính sách nhằm có lợi cho nước Anh.
Đã có nhiều thảo luận bên trong Vương quốc Anh về việc thúc đẩy quan hệ đối tác nội bộ của khối thịnh vượng chung. |
Có thể thấy cả hai phía nước Anh và châu Âu, đang chơi trò poker ở tầng cao, và mọi thứ chỉ ngã ngũ lúc hạ bài. Trong khi các trường đại học vẫn đang phải giảng dạy và nghiên cứu, và phải đảm bảo rằng họ vẫn là những điểm đến hấp dẫn. Điều này có thể đạt được bằng cách tiếp tục cung cấp những trải nghiệm văn hóa phong phú thông qua giảng dạy và nghiên cứu – là cánh cửa mở ra thế giới. Liệu các trường đại học Anh có những chiến lược nào để kết nối với các đối tác châu Âu và thế giới, để tái khẳng định họ vẫn tiếp tục là những tổ chức quốc tế hoạt động vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ, bất chấp bối cảnh Brexit đang đe doạ cô lập họ?
Các nguồn tài trợ từ khu vực châu Âu
Về nghiên cứu, “Horizon 2020” của EU là chương trình tài trợ nghiên cứu quốc tế lớn nhất thế giới, với ngân sách khoảng 80 tỷ Euro (2014–2020). Chương trình này sẽ được nối tiếp bằng “Horizon Europe”, với ngân sách dự kiến 97,9 tỷ euro (2021-2027). Mặc dù ghi nhận những con số là quan trọng, nhưng thật khó hình dung khi chúng quá lớn. Về thể chế, hơn 40 trường đại học ở Vương quốc Anh nhận được hơn 20% ngân sách nghiên cứu từ các cơ quan chính phủ EU. Oxford, Cambridge, Đại học London, Cao đẳng Hoàng gia và Đại học Edinburgh đều được quỹ Nghiên cứu EU bảo đảm hàng trăm triệu euro mỗi năm, kể từ năm 2014.
Ngoài tài trợ nghiên cứu và đổi mới, Erasmus+, chương trình hỗ trợ toàn diện về giáo dục, đào tạo, thanh thiếu niên và thể thao của EU (2014–2020) có ngân sách 14,7 tỷ euro, đã tỏ ra thành công trong việc hỗ trợ sinh viên du học, hỗ trợ trao đổi sinh viên và giảng viên. Dù khó định lượng, nhưng những kinh nghiệm sinh viên thu nhận được khi du học là thực tế, ví dụ các kỹ năng ngôn ngữ được cải thiện. Vương quốc Anh sẽ phải đưa ra những phương án thay thế cho chương trình Erasmus+, mặc dù cụm từ “du học toàn cầu” có vẻ hấp dẫn, nhưng không thể giả định rằng đó là nhu cầu nội tại của sinh viên Vương quốc Anh. Dịch chuyển trong khu vực châu Âu vẫn là đặc quyền của thiểu số do vấn đề chi phí; các cơ hội đi Úc, New Zealand và Bắc Mỹ còn đắt hơn (và nói chung không tạo ra cơ hội học ngoại ngữ), vì khoảng cách và thiếu các khung hỗ trợ tài chính.
Xây dựng những quan hệ đối tác mới: Hướng đến khối thịnh vượng chung và xa hơn
Đã có nhiều thảo luận bên trong Vương quốc Anh về việc thúc đẩy quan hệ đối tác nội bộ của khối thịnh vượng chung, dựa vào những giá trị và di sản chung vốn có. Khối thịnh vượng chung là một tổ chức liên chính phủ bao gồm 53 quốc gia/lãnh thổ với dân số 2,4 tỷ người dưới sự cai trị trực tiếp của Anh trước đây, là một khối khá chọn lọc so với EU27. Mặc dù tổ chức hậu thuộc địa này vẫn có danh tiếng hấp dẫn, thực tế hiện tại, 31 nước trong số đó là những quốc gia rất nhỏ, phần lớn không có trường đại học công lập, ngoài Úc, Canada, New Zealand và Singapore là những cường quốc nghiên cứu ngang bằng với các nước EU hàng đầu, được minh chứng bằng sản lượng nghiên cứu và số lượng các trường đại học xếp hạng cao. Không có trường đại học nào ngoài bốn quốc gia thịnh vượng chung nói trên được xếp trong tốp 150 đại học hàng đầu thế giới (theo QS World University Rankings 2019).
Tập trung vào các nước khối thịnh vượng chung sẽ chỉ đem đến những kết quả hạn chế – ngoài ra, một số nước thành viên có những khác biệt về giá trị nhân quyền, điều này có khả năng gây nguy hiểm cho giảng viên và sinh viên Anh đến làm việc hoặc du học. Chính phủ Anh luôn ủng hộ mạnh mẽ cho việc tập trung để trở thành xuất sắc, xem đó là cơ sở duy nhất để tài trợ cho nghiên cứu. Thật khó hình dung viễn cảnh Vương quốc Anh lại chuyển ngân sách để xây dựng năng lực cơ sở hạ tầng nghiên cứu cho các quốc gia trong khối thịnh vượng chung, đặc biệt là trong kịch bản đầy cam go của Brexit khi Vương quốc Anh không còn quyền hạn trong các chương trình khung của EU và phải cạnh tranh với EU từ vị trí ngoài cuộc.
Các trường đại học tự lo cho số phận của mình
Theo kết quả nghiên cứu thực hiện tại Trung tâm Giáo dục Đại học Toàn cầu thuộc dự án “Brexit, thương mại, di cư và giáo dục đại học”, ở cấp lãnh đạo, các trường đại học nghiên cứu của Vương quốc Anh rất muốn tham gia vào những quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện bao gồm nghiên cứu và trao đổi sinh viên với các trường đại học thứ hạng cao, nơi có nhiều môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh, vì họ cho rằng sự hợp tác này phản ánh thứ hạng và danh tiếng của chính họ. Điều này dẫn đến việc một nhóm các trường đại học châu Âu và quốc tế sẽ bị quá tải với lời mời tham gia vào liên minh chiến lược từ các trường đại học Anh, danh sách các trường như thế cũng không nhiều. Các trường đại học lớn chuyên sâu nghiên cứu trong tốp 100 của Úc, Canada, Đức, Hà Lan, New Zealand, Scandinavia, Singapore và Hoa Kỳ được coi là đối tác ưu tiên. Các học viện và trường đại học kếp hợp với nhau một cách hợp lý có thể thúc đẩy luồng sinh viên dịch chuyển và quan hệ hợp tác nghiên cứu chỉ trong phạm vi những trường đại học được coi là “có chung chí hướng”, chủ yếu ở thế giới phương Tây, tạo ra những vòng tròn liên minh các trường tùy theo năng lực nghiên cứu và thứ hạng. Cho đến nay, châu Âu vẫn phần nào tránh được hội chứng “câu lạc bộ” này nhờ vô số những nỗ lực/thoả thuận từ dưới lên theo khung Erasmus+, nhờ những kết nối cá nhân, quan hệ đối tác và nghiên cứu của các học giả tự do. Trong thời đại của đại học hợp tác, và tình cảnh bấp bênh hậu Brexit, điều này cũng không còn là lựa chọn dành cho các trường đại học Anh.
Kết luận
Đã hai năm trôi qua từ sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit, chính phủ vẫn chưa làm rõ được vai trò tham gia của Vương quốc Anh trong Erasmus+ và Horizon Europe. Mức độ thiếu chắc chắn cao đang khiến cho các trường đại học Anh lo ngại. Trong khi các trường đại học vẫn phải có trách nhiệm đối với những sinh viên – nhập học một năm trước – đang theo học các chương trình còn kéo dài từ ba đến bốn năm, và trách nhiệm đối với những nghiên cứu viên đang làm việc trong các dự án hợp tác sẽ sớm hết hiệu lực. Các trường cần được đảm bảo những điều kiện chắc chắn để thực hiện hoạt động giảng dạy cũng như tiến hành các dự án nghiên cứu chất lượng. Các trường đại học Anh đang tìm cách tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với những trường đại học châu Âu và ở nước ngoài để duy trì định hướng quốc tế, xua đi bóng ma của một hòn đảo bị cô lập và hướng nội. Chính phủ Anh hy vọng các trường đại học góp phần để khiến “nước Anh toàn cầu hóa”, nhưng lại không dành cho họ bất kỳ sự hỗ trợ hữu hiệu nào.