Philip G. Altbach là Giáo sư nghiên cứu và là Giám đốc sáng lập Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: altbach@bc.edu. Rahul Choudaha là Phó Chủ tịch điều hành Nghiên cứu và Tham gia Toàn cầu tại Studyportals, Hoa Kỳ. E-mail: rahul@DrEducation.com.
Phiên bản trước của bài viết này đã được đăng trong tạp chí The Hindu (Chennai, Ấn Độ).
Ấn Độ là nơi có một trong những hệ thống giáo dục đại học phức tạp nhất trên thế giới. Với hơn 860 trường đại học và hơn 40 ngàn trường cao đẳng đang đào tạo 35 triệu sinh viên, đây cũng là hệ thống lớn thứ hai trên thế giới. Cấu trúc độc đáo của các trường đại học công lập liên kết với các trường cao đẳng và chủ yếu kiểm soát các trường này (công lập hoặc tư nhân, tập trung chủ yếu vào giảng dạy), tạo ra một mạng lưới các trường có chất lượng khác nhau. Kích cỡ , quy mô và tổ chức cồng kềnh của hệ thống khiến cho nó hầu như không thể quản lý được; ngoài ra, những chính sách thiếu nhất quán và sự quan liêu góp phần tạo thêm nhiều thách thức. Hệ thống đảm bảo chất lượng hiện tại không đáng ứng được yêu cầu. Trong nửa thế kỷ qua Ấn Độ đầu tư rất ít vào giáo dục đại học nên không thể giải quyết vấn đề này.
Tuy nhiên, áp lực ngày càng tăng buộc chính phủ Ấn Độ phải có biện pháp để xuất hiện trong các bảng xếp hạng toàn cầu. Cuối cùng chính phủ đã phải nhìn nhận rằng Ấn Độ cần gia nhập thế giới giáo dục đại học thế kỷ 21 nếu muốn cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức toàn cầu. Một trong những nỗ lực đầu tiên được đề xuất bởi chính phủ trước trong năm 2009 liên quan đến việc thúc đẩy 14 “Trường đại học đổi mới”. Kế hoạch đã bị bỏ dở do thiếu kinh phí và do sự thay đổi chính phủ ở New Delhi. Phiên bản mới của nó – sáng kiến “Các trường đại học nổi tiếng” (Institutions of Eminence – IoE) của chính phủ hiện tại, đặt mục tiêu xây dựng 10 trường đại học công lập và 10 trường tư thục đủ sức cạnh tranh toàn cầu.
Những trường chiến thắng “cuộc thi xuất sắc” để trở thành IoE hiện đã được công bố. Chỉ sáu trường được chọn – rõ ràng bởi vì chỉ sáu trường có đủ khả năng tài chính – là một thực tế đáng nói, đặc biệt bởi vì chỉ có ba trường sẽ được nhận mọi nguồn quỹ từ chính phủ. Ngoài ra, không trường nào trong số những trường thắng cuộc thi thực sự là trường đa ngành, thuộc loại hạt nhân của bất kỳ hệ thống học thuật nào. Ba trường công được chọn, Viện Khoa học Ấn Độ Bangalore và hai Viện Công nghệ Ấn Độ – Bombay và Delhi — đều là các trường định hướng công nghệ. Ba trường tư là Viện Công nghệ và Khoa học Birla (BITS) tại Pilani, Học viện Giáo dục Đại học Manipal và Viện Jio “greenfield” (làm mới từ đầu).
Các trường công sẽ được chính phủ cấp khoản tài trợ tương đương 150 triệu đô la Mỹ trong 5 năm – các trường tư nhân không được chính phủ tài trợ, nhưng được cấp quyền tự chủ về thể chế và không bị ràng buộc bởi các quy định của chính phủ. Mặc dù 150 triệu đô la Mỹ là số “tiền lớn”, nó không đủ để khiến các trường lột xác. Thật vậy, so với các chương trình xuất sắc ở các quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc, Nga, Đức và Pháp, mức độ tài trợ này là quá thấp. Những trường được nhận tài trợ có thể tiến hành một số cải tiến hoặc tăng lương cho giảng viên để cạnh tranh tốt hơn trên phạm vi quốc tế – nhưng vẫn không đủ sức thực hiện những thay đổi cơ bản. Nếu các trường IoE tập trung chủ yếu vào việc thực hiện những thay đổi nhằm cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng toàn cầu, họ sẽ mất đi cơ hội để có những cải cách quan trọng, và họ cũng không thể đạt được kết quả xếp hạng cao.
Sáng kiến Jio và bối cảnh Greenfield (làm mới từ đầu)
Trong cuốn sách gần đây Các trường đại học tăng tốc: kết hợp ý tưởng và tài chính để xây dựng nền học thuật xuất sắc, Altbach, Reisberg, Salmi và Froumin khẳng định rằng nên tạo lập mới một trường đại học với tham vọng đẳng cấp thế giới hơn là cố gắng cải cách một trường đã có. Mặc dù tạo lập một trường đại học mới là một nỗ lực mạo hiểm và tốn nhiều công sức, nó có thể đạt được sự xuất sắc nhanh hơn nếu kết hợp quyền lực lãnh đạo và tài nguyên. Trong bối cảnh sáng kiến IoE, các thí điểm “greenfield” (làm mới từ đầu) cũng rất mạo hiểm, nhưng trên thực tế, hầu hết các cơ sở giáo dục hàng đầu của Ấn Độ là kết quả của các sáng kiến như vậy. Viện Công nghệ Ấn Độ đầu tiên được thành lập vào năm 1951 với sự giúp đỡ của các đối tác nước ngoài để xây dựng mới các trường hàng đầu mà không phải đối phó với sự quan liêu của các trường đại học truyền thống. Cả BITS Pilani (1964) và Manipal (1953), các trường tư thành lập mới, đều là những nỗ lực greenfield vào thời điểm đó.
Mặc dù tạo lập một trường đại học mới là một nỗ lực mạo hiểm và tốn nhiều công sức, nó có thể đạt được sự xuất sắc nhanh hơn nếu kết hợp quyền lực lãnh đạo và tài nguyên. |
Sáng kiến Jio được tài trợ bởi Mukesh Ambani – nhà tài phiệt giàu nhất Ấn Độ và giàu thứ 14 trên thế giới, ông là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của tập đoàn Reliance Industries và dịch vụ điện thoại di động. Jio không phải là sáng kiến khác thường trong bối cảnh Ấn Độ. Nhưng nó phải đối mặt với những thách thức lớn, chẳng hạn như phải làm rõ các vấn đề liên quan đến các nguyên tắc tổ chức cơ bản. Cần làm gì để phân biệt với các trường đại học khác, ở Ấn Độ và nước ngoài, và đồng thời phù hợp với thực hành học thuật tốt nhất ở những nơi khác? Mặc dù đế chế công nghiệp Reliance Industries là tập đoàn doanh nghiệp tư nhân lớn nhất ở Ấn Độ, chi phí để tạo lập mới một trường đại học cạnh tranh ở đẳng cấp thế giới vẫn là quá lớn với họ, đặc biệt khi bắt đầu từ đầu. Ví dụ, Đại học Khoa học và Công nghệ King Abdullah (KAUST) tại Ả Rập Xê Út, được thành lập năm 2009, đã chi 1,5 tỷ đô la cho cơ sở vật chất và có vốn hoạt động là 10 tỷ đô la — cho số lượng hiện tại là 900 sinh viên cao học và tiến sĩ.
Sáng kiến Jio và khái niệm đẳng cấp thế giới
Mặc dù mỗi trường đại học đẳng cấp thế giới là duy nhất, vẫn có những yêu cầu quan trọng chung cho tất cả. Trong cuốn Con đường dẫn đến học thuật xuất sắc: tạo lập các trường đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới, Altbach và các đồng tác giả chỉ ra ba yêu cầu thiết yếu: tài năng, nguồn lực và quản trị thích hợp. Ba yếu tố này, tất nhiên là cần thiết cho tất cả các IoE được chính phủ Ấn Độ lựa chọn. Nhưng chúng ta hãy tập trung vào nhu cầu cụ thể của Viện Jio vì, theo quan điểm của chúng tôi, nó phải đối mặt với những cơ hội và thách thức độc đáo và dường như đây là một nỗ lực đầy tham vọng. Ở trên, chúng tôi đã đề cập đến nguồn lực, một thách thức đặc biệt lớn, bởi vì Jio và các trường tư khác không được nhận tài trợ từ quỹ công. Trong phần này chúng ta sẽ tập trung xem xét hai yếu tố còn lại là tài năng (giảng viên và sinh viên) và quản trị.
Giảng viên là trung tâm của bất kỳ trường đại học nào, có ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của việc hiện thực hóa và thực hiện sứ mệnh của trường đại học. Khi các trường đặt ra tham vọng về thứ hạng, kết quả nghiên cứu là một chỉ số quan trọng. Vì vậy, thu hút tài năng học thuật hàng đầu theo định hướng nghiên cứu sẽ không chỉ đòi hỏi nguồn lực tài chính để trả lương cho giảng viên ở mức cạnh tranh toàn cầu, mà còn cung cấp cuộc sống chất lượng hấp dẫn đối với gia đình họ trong và ngoài khuôn viên trường. Liệu Karjat – một thành phố cách sân bay Mumbai hai giờ xe hơi – có thể cung cấp một hệ sinh thái cơ sở hạ tầng mềm và cứng quan trọng để thu hút tài năng quốc tế tốt nhất hay không?
Nhu cầu được tiếp cận giáo dục chất lượng ở Ấn Độ vẫn còn rất lớn, nên thương hiệu Reliance và một chương trình giảng dạy sáng tạo sẽ khá dễ dàng thu hút sinh viên tốp đầu trong nước. Tuy nhiên, thu hút sinh viên quốc tế mới là thách thức thực sự. Quá trình ra quyết định của sinh viên quốc tế rất phức tạp, trước nhiều sự lựa chọn toàn cầu dành cho những sinh viên giỏi nhất. Ví dụ, một “viện” không có được sức hút mạnh mẽ đối với sinh viên và giảng viên quốc tế như một “trường đại học”. Thương hiệu Reliance, Ambani hay Jio có thể gây ấn tượng với thị trường toàn cầu và ảnh hưởng đến sự lựa chọn của sinh viên quốc tế đối với Ấn Độ và Viện Jio hay không?
Một yếu tố tích cực của chương trình IoE là mức độ tự chủ cao và không bị ràng buộc bởi các chính sách của chính phủ và các quy định pháp lý. Tuy nhiên, Jio (và những trường IoE được chọn) cần phải có những ý tưởng sáng tạo về mặt tổ chức và quản trị. Ví dụ, những quy trình ra quyết định nào cần được phối hợp, với sự tham gia của giảng viên, và quy trình nào thực hiện theo mệnh lệnh từ trên xuống? Các trường đại học hàng đầu, sau tất cả, không phải là các doanh nghiệp kinh doanh mà là các cộng đồng học thuật sáng tạo. Các phong cách quản lý doanh nghiệp truyền thống không phù hợp với kỳ vọng quản trị một trường đại học sáng tạo.
Xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới là một nỗ lực rất tốn kém về tài nguyên và cần nhiều sáng tạo, quá trình này thực sự thử thách sức bền bỉ và lòng kiên nhẫn. Nền giáo dục đại học của Ấn Độ đang rất cần những hình mẫu xuất sắc. Để tham vọng xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới ở Ấn Độ trở thành hiện thực thông qua các IoE đòi hỏi sự liên kết các nguồn lực, tài năng (giảng viên và sinh viên) và quản trị.