Jane Knight là Giáo sư trợ giảng tại Viện Nghiên cứu Giáo dục Ontario, Đại học Toronto, Canada. E-mail: jane.knight@utoronto.ca. Hans de Wit là Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: dewitj@bc.edu. Bài viết này dựa trên lời mở đầu của cuốn sách Chương trình tương lai cho quốc tế hóa trong giáo dục đại học, do Douglas Proctor và Laura E. Rumbley biên soạn (Routledge, 2018).
Từ hơn 25 năm qua, hoạt động quốc tế hóa từ một thành phần thứ yếu đã trở thành yếu tố mang tính chiến lược, chủ đạo và toàn cầu trong giáo dục đại học. Là những người tham gia trực tiếp và nghiên cứu nhiều về quá trình tiến hóa đó, dường như đặt ra câu hỏi cho chính mình là thích hợp: trong lĩnh vực này, chúng ta đến từ đâu và chúng ta đang đi về đâu?
Năm 1995, chúng tôi đã công bố bài viết “Chiến lược Quốc tế hóa Giáo dục Đại học: Quan điểm Lịch sử và Khái niệm” – là chương giới thiệu của công trình nghiên cứu quốc tế so sánh – có thể coi là đầu tiên – về chiến lược quốc tế hóa, được xây dựng dựa trên một số ít các nghiên cứu trước đây từ Mỹ và châu Âu. Kể từ đó, mặc dù ý nghĩa, nội dung và cách tiếp cận quốc tế hóa, cũng như bối cảnh có nhiều tiến triển, nền tảng cho việc nghiên cứu quốc tế hóa vẫn không có những thay đổi đáng kể. Quốc tế hóa đã trở thành một khái niệm rất rộng và đa dạng, bao gồm nhiều mục đích, nhiều cách tiếp cận và chiến lược mới trong các bối cảnh khác nhau và liên tục thay đổi. Nhiều thuật ngữ đã được sử dụng để mô tả các khía cạnh quốc tế của giáo dục đại học phát triển trong 5 thập kỷ qua.
Trong thế kỷ vừa qua mối quan tâm chủ yếu tập trung vào học bổng cho sinh viên nước ngoài, vào các dự án phát triển quốc tế và các lĩnh vực hợp tác nghiên cứu. Ai có thể đoán trước được rằng ngày hôm nay chúng ta lại thảo luận về các hướng phát triển mới như xây dựng thương hiệu, chương trình quốc tế, tính dịch chuyển của các nhà cung cấp, công dân toàn cầu, quốc tế hóa tại chỗ, MOOCs, xếp hạng toàn cầu, ngoại giao tri thức, các trường đại học đẳng cấp thế giới, đồng nhất văn hóa, nhượng quyền thương mại, các chương trình liên kết và cấp bằng đôi? Giáo dục quốc tế là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong suốt những năm qua – và vẫn được ưa chuộng ở nhiều quốc gia.
Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa biệt lập không phải là mới
Khi đọc lại những gì chúng tôi viết vào năm 1995, một điều đáng chú ý là hiện tượng chống lại toàn cầu hóa, chống nhập cư, khí hậu chính trị hướng nội ở các khu vực khác nhau trên thế giới đã bộc lộ tại thời điểm đó: “Chủ nghĩa biệt lập, phân biệt chủng tộc và độc quyền văn hóa trở thành đám mây nguy hiểm treo lơ lửng, đe dọa mối quan tâm hiện nay đến quốc tế hóa giáo dục đại học”. Đám mây này ngày càng lớn, và có thể đang tạo ra những thách thức chưa từng có trong hiện tại và tương lai đối với quốc tế hóa giáo dục đại học. Chúng tôi cũng đề cập đến phân tích của Clark Kerr về “hội tụ một phần” của các trường đại học quốc tế. Có phải thế kỷ hai mươi đã thực sự trở thành phổ quát hơn như ông đã nói? Có vẻ là như vậy, nhưng quy mô quốc tế hóa của giáo dục đại học ngày nay có thể đã trở nên tách biệt với bối cảnh địa phương.
Quốc tế hóa rộng hơn là dịch chuyển việc học đại học
Các cuộc thảo luận và các nghiên cứu về quốc tế hóa tập trung chủ yếu vào các phương thức dịch chuyển học thuật quốc tế – con người, chương trình, nhà cung cấp, chính sách và dự án – nhưng chưa tập trung nhiều vào quốc tế hóa giáo dục sau đại học và hợp tác nghiên cứu, bao gồm cả việc cộng tác trong nghiên cứu và các tiêu chí đánh giá nghiên cứu quốc tế khác. Hoạt động nghiên cứu đã trở nên phức tạp hơn trong những năm gần đây. Nó đòi hỏi sự hợp tác quốc tế nhiều hơn so với quá khứ, và về bản chất ngày càng trở nên cạnh tranh. Các quốc gia và các trường đại học đều có nhu cầu cấp thiết thu hút các tài năng đến học tập nghiên cứu, các quy trình liên quan đến các vấn đề như cấp bằng sáng chế và chuyển giao tri thức đòi hỏi hỗ trợ nhiều hơn bao giờ hết. Sự tăng trưởng các nguồn tài trợ nghiên cứu quốc tế, số bằng sáng chế, các ấn phẩm và trích dẫn đòi hỏi phải phát triển các nhóm nghiên cứu mang tính quốc tế hoặc toàn cầu hoá. Kết quả phân tích thư mục cho thấy bằng chứng về sự cộng tác ngày càng tăng trong cộng đồng khoa học quốc tế.
Trong ngôn từ nghiên cứu quốc tế hóa, phần lớn chú ý tập trung vào tất cả các phương thức dịch chuyển học thuật quốc tế |
Việc tạo ra tri thức mới thông qua các phát minh và ứng dụng kết quả nghiên cứu đã khiến giáo dục và nghiên cứu quốc tế được nhìn nhận như một dạng quyền lực mềm. Sử dụng tri thức như một dạng quyền lực đòi hỏi sự cân nhắc nghiêm túc, bởi quyền lực mềm có đặc trưng là tính cạnh tranh, sự thống trị và tính tư lợi. Một thay thế cho mô hình quyền lực là khung ngoại giao. Ngoại giao tri thức liên quan đến việc tạo lập, chia sẻ và sử dụng giáo dục và tri thức để đóng góp và tham gia vào các quan hệ quốc tế. Nhưng ngoại giao tri thức nên được xem là một quá trình mang tính đối ứng. Các bên đều được lợi và trao đổi hai chiều là điều cần thiết để sử dụng giáo dục và nghiên cứu quốc tế như một công cụ ngoại giao tri thức. Tóm lại, chia sẻ tri thức và các bên đều có lợi là nền tảng cho sự hiểu biết và vận hành ngoại giao tri thức.
Quốc tế hóa có thực sự toàn diện không?
Không còn gì phải nghi ngờ, lúc này chính là thời điểm của quốc tế hóa giáo dục đại học. Không còn là một giải pháp tình thế hoặc nằm ngoài bức tranh giáo dục đại học. Các kế hoạch chiến lược của trường đại học, các báo cáo chính sách quốc gia, các sáng kiến khu vực hóa, tuyên bố quốc tế và các bài viết học thuật đều cho thấy vị trí trung tâm của quốc tế hóa giáo dục đại học. Tuy nhiên, sự phổ biến của cụm từ “quốc tế hóa toàn diện” không phản ánh một thực tế phổ biến là: đối với hầu hết các trường đại học trên thế giới quốc tế hóa vẫn chỉ là một tập hợp các hoạt động phân tán và không liên quan với nhau. Trong khi đó, hiện thực hóa giáo dục đại học gia tăng vẫn chủ yếu hướng tới đạt được các mục tiêu, mà không cân nhắc đến các rủi ro tiềm ẩn và hậu quả đạo đức. Tuy nhiên đã có sự gia tăng nhận thức về việc khái niệm “quốc tế hóa” không chỉ đụng chạm đến quan hệ giữa các quốc gia, mà hơn thế, còn ảnh hưởng đến quan hệ giữa các nền văn hóa và giữa các thực tại ở cấp độ toàn cầu và địa phương.
Lợi ích kinh tế và chính trị ngày càng trở thành động lực chính khi các quốc gia ban hành chính sách liên quan đến quốc tế hóa giáo dục đại học, trong khi động lực học thuật và động lực văn hóa – xã hội không có được tầm quan trọng ở mức độ tương tự. Bởi vì thế giới mà chúng ta đang sống ngày càng liên kết và phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, sự mất cân bằng này phải được giải quyết và điều chỉnh.
Những câu hỏi cơ bản
Chúng ta cần nhìn lại 20 – 30 năm quốc tế hóa, và đặt cho mình một số câu hỏi: Quốc tế hóa giáo dục đại học có đáp ứng được các kỳ vọng của chúng ta và tiềm năng của nó hay không? Điều gì là những giá trị dẫn dắt nó vượt qua cuộc cách mạng thông tin và truyền thông, sự dịch chuyển chưa từng có của con người, của ý tưởng và công nghệ; sự va chạm của các nền văn hóa; và các giai đoạn bùng nổ và suy thoái kinh tế? Chúng ta học được gì từ quá khứ để định hướng trong tương lai? Hấp lực mạnh mẽ của việc quốc tế hóa chương trình, kết quả học tập mang tính quốc tế và liên văn hóa và công dân toàn cầu có được coi là sự trở về với những hoạt động hợp tác và liên kết trước đây, hay là lời kêu gọi một quá trình quốc tế hóa có trách nhiệm hơn để phản ứng lại bầu không khí chính trị hiện tại và sự gia tăng thương mại hóa các hoạt động quốc tế hóa? Ai có thể dự đoán rằng quốc tế hóa sẽ biến đổi từ những gì vốn được coi là một quá trình dựa trên các giá trị hợp tác, trao đổi, cùng có lợi và xây dựng năng lực thành một thứ ngày càng đặc trưng bởi sự cạnh tranh, thương mại hóa, tư lợi và xây dựng danh tiếng?
Khi nhìn về quá khứ và cả tương lai, điều rất quan trọng là phải xác định những nguyên tắc và giá trị cốt lõi nào làm nền tảng cho quốc tế hóa giáo dục đại học trong 10 – 20 năm tới sẽ khiến chúng ta nhìn lại và tự hào về những việc làm được và thành quả mà giáo dục đại học quốc tế đã đóng góp cho một thế giới liên kết với nhau chặt chẽ hơn, cho thế hệ công dân tiếp theo và cho hàng tỷ người nghèo sống trên hành tinh.