Jason E. Lane là Chủ tịch và Phó Giáo sư của Khoa Chính sách Giáo dục & Lãnh đạo, và là đồng Giám đốc của Nhóm Nghiên cứu Giáo dục Xuyên biên giới, Đại học Bang New York, Albany, Hoa Kỳ. E-mail: jlane@albany.edu.
Khi Ai Cập xây dựng “Tân Cairo” – một trung tâm hành chính và kinh tế trong sa mạc ở ngoại ô Cairo – chính phủ muốn ở đó có các phân hiệu đại học quốc tế (IBC). Ngày càng nhiều chính phủ coi quốc tế hóa là một phương tiện thúc đẩy sự ưu tiên các chính sách quốc gia, được định hướng bởi sự tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế kết hợp với danh tiếng toàn cầu. Các chính phủ thể hiện sự quan tâm đối với quốc tế hóa có thể bằng thái độ hoan nghênh, hoặc cả những chính sách và tác động thực tiễn có thể gây phiền toái.
Ai Cập không phải là quốc gia đầu tiên tuyên bố rằng thu hút các IBC là một phần của chiến lược quốc gia. Các ví dụ trải dài từ Trung Quốc đến Qatar. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận lại khác nhau. Một số quốc gia cấp những khoản tài trợ lớn; một số quốc gia khác có cách tiếp cận thị trường tự do hơn. Một khía cạnh giống nhau đó là tận dụng “quốc tế hóa” để nhập khẩu đầu tư khoa học nước ngoài nhằm xây dựng năng lực giáo dục trong nước. Ngoài một số lợi ích mang lại, những nỗ lực này cũng đặt ra các câu hỏi về tính bền vững và cái giá có thể phải trả để đổi lấy IBC.
Quốc tế hóa giáo dục đại học tại Ai Cập tăng mạnh chủ yếu là nhờ vào sinh viên du học. Trong năm 2017, khoảng 47 ngàn sinh viên đại học người nước ngoài đã đăng ký học tại Ai Cập, tăng đáng kể so với con số dưới 2 ngàn vào năm 2010. Quốc gia này nổi lên như một trung tâm hàng đầu thu hút du sinh viên ở Trung Đông, do các cơ sở đại học công cho phép nhập học cả những người không phải là công dân Ai cập. Điều này không có ở hầu hết các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập; và một lý do nữa là mức học phí tương đối phải chăng so với nhiều cơ sở đại học khác trong khu vực. IBC giờ đây được xem như một cơ hội để quốc tế hóa mang lại thêm lợi ích cho đất nước. Nỗ lực nhập khẩu các IBC thể hiện sự mâu thuẫn của chính phủ Ai Cập, một mặt chính phủ mong muốn thu hút đầu tư nước ngoài và xây dựng các mối quan hệ quốc tế như một phương tiện để tăng cường vai trò của quốc gia trên toàn cầu, mặt khác vẫn muốn hạn chế quyền tự do – khía cạnh có ý nghĩa quan trọng nhất – của các IBC mà Ai cập muốn nhập khẩu.
Giáo dục đại học ở Ai Cập
Ai Cập có 24 trường đại học công lập và 23 trường tư thục, bao gồm Đại học Mỹ ở Cairo (1919) và phân hiệu của Đại học Kỹ thuật Berlin, được mở vào năm 2012. Tuyển sinh giáo dục đại học đã tăng từ khoảng 2 triệu sinh viên năm 2010 lên gần 2,8 triệu vào năm 2017.
Mục đích là để nâng cao kinh nghiệm giáo dục quốc tế của Ai Cập và thu hút sinh viên toàn cầu; và các IBC cũng có trách nhiệm nhận vào một tỷ lệ nhất định sinh viên Ai Cập. |
Chính sách gần đây của chính phủ đã thiết lập một chương trình nghị sự mới cho giáo dục đại học, bao gồm tăng số lượng sinh viên đại học lên gần 50% vào năm 2030; nâng cao chất lượng đào tạo thông qua quy trình kiểm định mới; yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học tư nhân mới hợp tác với các đối tác nước ngoài được xếp hạng cao; nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế bằng cách tăng số lượng các trường đại học được xếp hạng trong số 500 trường xếp hạng cao nhất trên toàn cầu; tăng số lượng sinh viên quốc tế lên 50% và cung cấp các chương trình có chất lượng tốt hơn nhằm đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động.
Cân bằng giữa quyền lực nhà nước và quyền tự chủ của các trường đại học
Nhu cầu học đại học ngày càng tăng và bối cảnh chính sách mới có thể là hấp dẫn đối với các đối tác quốc tế tiềm năng. Dù vậy, điều quan trọng là cần xem xét kỹ các chi tiết. Một đạo luật mới về IBC tìm cách cân bằng giữa một bên là sự giám sát và tham gia của nhà nước và bên kia là nhu cầu được độc lập trong học thuật của các IBC.
Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc cho phép các IBC hoạt động; những cơ sở được phê duyệt sẽ có được mức độ linh hoạt cao trong việc thúc đẩy sứ mệnh của họ. Mục đích là để nâng cao kinh nghiệm giáo dục quốc tế của Ai Cập và thu hút sinh viên toàn cầu; và các IBC cũng có trách nhiệm nhận vào một tỷ lệ nhất định sinh viên Ai Cập. IBC có quyền tự chủ về quản trị, nhưng phải tuyển dụng một số lượng nhất định nhân viên và giảng viên người Ai Cập. Chính phủ Ai Cập sẽ cung cấp các cơ sở vật chất và một số hỗ trợ hành chính trong quá trình hoạt động; và sẽ chỉ đánh thuế đối với thu nhập từ học phí không quá 1% để thu hồi các khoản đầu tư đó. Đạo luật này đảm bảo chính phủ không can thiệp vào quyền tự do học thuật của các IBC; tuy nhiên cách hình dung thiếu rõ ràng về một trường đại học có thể khiến các IBC khó được vận hành một cách tự do, khi môi trường xung quanh không có mức tự do tương tự. Các chi tiết khác có thể không chắc chắn; nhưng sự tham gia tích cực của chính phủ là rõ ràng.
Hơn nữa, bối cảnh chính sách của Ai Cập giống như những đụn cát sa mạc luôn chuyển động. Điều mà lúc này có vẻ là sự đánh đổi hợp lý, có thể sẽ thay đổi khi IBC trở thành hiện thực. Và hình dạng của những thay đổi đó thế nào là một điều rất khó dự đoán.
Sự quan tâm của Ai Cập đối với phân hiệu đại học: Dấu hiệu, ngoại giao và bước nhảy vọt
Những lý do để đầu tư vào giáo dục đều đã rõ. Nhưng vì sao một quốc gia theo đuổi việc nhập khẩu một trường đại học nước ngoài – trong khi vẫn phản đối, hoặc đang đồng thời đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đại học trong nước – thì lại chưa rõ ràng. Một tuyên bố gần đây của Bộ trưởng Ai Cập về giáo dục đại học đã giúp chúng ta hiểu đôi chút: “Cơ hội cho các trường đại học Anh thành lập phân hiệu ở Ai Cập sẽ hỗ trợ tham vọng quốc tế hóa của Ai Cập và nhu cầu thị trường lao động… Các IBC sẽ đóng góp vào bức tranh của nền giáo dục đại học Ai Cập, và là chất xúc tác cho quan hệ đối tác quốc tế rộng hơn giữa Vương quốc Anh và Ai Cập trong nghiên cứu, đổi mới và du học”.
Thu hút một trường đại học nước ngoài nổi tiếng thiết lập phân hiệu là dấu hiệu về một hiện tượng thú vị, nếu không muốn nói là quan trọng, diễn ra ở các quốc gia nhập khẩu bảo đảm sự chú ý từ các đối tác bên ngoài. Sự đầu tư tương tự bởi (hoặc vào) hệ thống trong nước nhiều khả năng không đạt được mức chú ý như vậy, hoặc ít nhất không lớn bằng. Xây dựng một thủ đô mới là một nỗ lực tìm kiếm sự chú ý; và khi có các IBC nổi tiếng, đặc biệt là từ các cường quốc toàn cầu, sẽ giúp quốc gia nhận được nhiều sự chú ý hơn. IBC có thể là một phương tiện quan trọng để tăng cường các mối quan hệ địa lý-chính trị và là một nền tảng để thu hút các hình thức đầu tư khác. IBC có thể được coi là một hình thức ngoại giao công chúng mới, vì nó tạo ra một liên kết vật chất và văn hóa giữa hai quốc gia. Hy vọng của chính phủ Ai Cập là IBC có thể là một chất xúc tác cho sự hợp tác cao hơn.
Thu hút phân hiệu của các trường đại học nổi tiếng có thể là một cơ chế nhập khẩu vốn khoa học của nước ngoài để giúp phát triển hệ thống giáo dục địa phương. Trong nhiều phương diện, đầu tư vào khoa học theo cách này (so với đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong kinh doanh) có thể là phương tiện giúp giáo dục phát triển nhảy vọt, trong khi nếu đầu tư vào các cơ sở đại học trong nước thì nhiều khả năng tốc độ phát triển sẽ chậm hơn. Như vậy, đây chính là động cơ thúc đẩy Ai cập nỗ lực trở thành ngôi nhà của một số trường đại học hàng đầu thế giới.
Những vấn đề IBC cần xem xét
Những người ủng hộ IBC lập luận rằng Tân Cairo là một biểu tượng quan trọng của tương lai Ai Cập và là ngọn hải đăng cho đầu tư mới. Các nhà phê bình thì lo ngại rằng việc dịch chuyển các thành phần xã hội giàu có sang thành phố mới và tập trung các IBC ở Tân Cairo sẽ làm nổi bật sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội.
Ai Cập cũng là một nơi có chính sách và môi trường chính trị năng động. Các chính sách được tạo ra hôm nay có thể bị hủy bỏ vào ngày mai. Thu hút một IBC có thể mở rộng được năng lực, thay đổi cấu trúc để phù hợp với các sáng kiến kinh tế, và phục vụ như một phương tiện nâng cao thứ hạng toàn cầu và tuyển sinh quốc tế. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra khi tinh thần đặc trưng của khoa học là tìm kiếm sự phản biện và tự do biểu đạt, thứ đã góp phần vào sự thành công của trường đại học nước ngoài ở quê hương họ – lại mâu thuẫn và xung đột với những quy định của nước chủ nhà, khi chính phủ cố gắng hạn chế những quyền tự do này trong môi trường rộng hơn?
Các trường đại học thiết lập IBC ở những nơi khác đã chấp nhận thỏa hiệp bằng cách lựa chọn hoạt động trong các môi trường tương tự, thường lập luận rằng việc thay đổi xã hội từ bên trong dễ dàng hơn là từ bên ngoài. Thật vậy, IBC có thể là tòa đại sứ của tri thức và là địa điểm trình diễn, nơi tự do học thuật được phép thử nghiệm và khuyến khích, tách biệt với các ràng buộc ở môi trường rộng lớn hơn. Tuy nhiên, các hoạt động đó phải được thực hiện một cách cẩn trọng và vẫn tiềm ẩn rủi ro đối với các cá nhân và tổ chức. Mức độ rủi ro càng cao hơn khi các hoạt động tương tự diễn ra ở nơi mà môi trường chính sách năng động dễ dàng cho ra đời những chính sách cấm đoán các nội dung của Internet, và nơi mà các cơ sở nước ngoài có thể rất nhanh chóng chuyển từ vị thế được hoan nghênh nhiệt liệt sang bị cấm đoán. Các tổ chức đại học ưu tú có dám mạo hiểm đến vùng sa mạc cát luôn chuyển động của Ai Cập hay không, khó mà biết được; điều này phụ thuộc vào việc họ nhìn thấy ở đó lợi ích hay rủi ro nhiều hơn.