Claudia Frittelli là Cán bộ Chương trình Quốc tế, Công ty Carnegie, New York, Hoa Kỳ, E-mail: cf@carnegie.org.
Sinh viên đại học ở hạ Sahara châu Phi gia tăng gần gấp đôi từ 4,5 triệu vào năm 2000 lên 8,8 triệu năm 2016 (theo UIS UNESCO). Để đáp ứng nhu cầu mở rộng cũng như thành lập mới các trường đại học, một số chính phủ châu Phi bao gồm Kenya, Nam Phi đặt mục tiêu tăng cường hàng ngàn tiến sĩ trong thập niên tới nhằm nâng cao chất lượng cũng như số lượng cán bộ học thuật. Một báo cáo khoa học của UNESCO năm 2015 cho biết với số lượng sinh viên tăng lên chủ yếu đến từ những quốc gia công nghiệp mới, tương lai giáo dục đại học sẽ phụ thuộc vào mạng lưới các trường có chung giảng viên, chương trình đào tạo và dự án nghiên cứu. Trao đổi nguồn lực giữa các đại học dựa trên sự di trú học thuật là nền tảng căn bản để hiện thực hoá việc này. Theo một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew tháng 4 năm 2018, kiều dân gốc Phi hạ Sahara từ Hoa Kỳ có học vấn cao hơn so với châu Âu, và 69% những người từ 25 tuổi trở lên (vào năm 2015) cho biết họ có kinh nghiệm về giáo dục đại học. Một số trường đại học và học viện châu Phi đã phát triển những mô hình mới nhằm gắn kết kiều dân vào sự phát triển thế hệ học giả tiếp theo.
Kiều dân tham gia vào các mạng lưới nghiên cứu
Viện Khoa học Toán châu Phi (AIMS) đưa ra chương trình Nghiên cứu viên nhằm thu hút những người tốt nghiệp xuất sắc,có ít nhất hai năm nghiên cứu sau tiến sĩ, đang sống ở nước ngoài về châu Phi định cư và vẫn tiếp tục nghiên cứu ở đẳng cấp quốc tế. AIMS đã tuyển mộ được 8 nghiên cứu viên là kiều dân châu Phi sống ở châu Âu và bắc Mỹ, vào làm việc tại 6 trung tâm nghiên cứu ở Cameroon, Ghana, Rwanda, Senegal, South Africa và Tanzania với nhiệm kỳ 4 đến 5 năm, và dự kiến tuyển thêm 5 vị trí nữa trong năm 2018. Thành lập vào năm 2003, có trụ sở tại Kigali, Rwanda, AIMS tuyển những sinh viên tốt nghiệp đại học tài năng, đào tạo cho họ về toán học đỉnh cao cần thiết cho các lĩnh vực kỹ thuật hoặc nghiên cứu sau đại học. Các nghiên cứu viên có nhiệm vụ hỗ trợ phát triển khoa học thông qua hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc có trọng tâm là khoa học toán ứng dụng, hợp tác quốc tế và giữa các quốc gia châu Phi. Chương trình nghiên cứu viên còn hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ; tổ chức sự kiện khoa học; điều phối giảng viên thỉnh giảng và xây dựng đối tác, trao đổi nghiên cứu. AIMS có quan hệ đối tác với hơn 200 trường đại học, 300 nhà nghiên cứu và 500 giảng viên trên toàn thế giới, xuất bản gần 70 ấn phẩm nghiên cứu được bình duyệt ngang hàng và 300 luận án mỗi năm. Đưa học viên vào các lĩnh vực khoa học toán học mới qua các nhà khoa học hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới, từ ngày thành lập AIMS đã đào tạo được hơn 1500 học viên của 42 quốc gia châu Phi, hơn 30% là nữ. Phần lớn các cựu học viên này đang theo đuổi chương trình tiến sĩ hoặc làm việc ở châu Phi.
Triển khai mô hình học giả kiểu dân vào công tác nghiên cứu
Viện nghiên cứu sau đại học của Đại học Western Cape (UWC) ở Cape Town, Nam Phi, và Đại học Eduardo Mondlane ở Maputo, Mozambique, đã sử dụng các học giả là kiều dân châu Phi trong việc thiết kế những chương trình tiến sĩ về giáo dục đại học so sánh, khoa học và nghiên cứu đổi mới, nhằm đào tạo lực lượng nghiên cứu viên và đội ngũ chuyên gia cho khu vực giáo dục đại học đang mở rộng của châu Phi. Cùng với các giảng viên của UWC, các giảng viên thỉnh giảng là kiều dân châu Phi từ các trường hàng đầu thế giới đã đóng góp vào thiết kế chương trình, hội thảo và bài giảng, đào tạo về phương pháp nghiên cứu và đồng hướng dẫn tiến sĩ. Để đáp ứng nhu cầu gia tăng về đào tạo phương pháp, Học viện Tiến sĩ Liên – Phi (PADA) của Đại học Ghana (UG) đã đưa 20 học giả kiều dân vào làm việc cùng với giảng viên UG. PADA hỗ trợ nghiên cứu sinh tiến sĩ và giảng viên trẻ thông qua đào tạo, cố vấn, hướng dẫn nghề nghiệp và cấp học bổng, với mục tiêu chung là nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Tây Phi. PADA đã đào tạo được 400 nghiên cứu sinh tiến sĩ người châu Phi kể từ khi thành lập vào năm 2014. Đánh giá cao cách tiếp cận này, các hiệu trưởng Đại học bang Kwara ở Nigeria và Đại học Johannesburg ở Nam Phi đã nhân rộng mô hình học giả kiều dân PADA. Ngoài ra, Văn phòng Nghiên cứu Khoa học Y tế của Đại học Witwatersrand (Wits) ở Johannesburg, Nam Phi nhắm đến những cựu sinh viên trong các lĩnh vực kỹ năng khan hiếm để hợp tác nghiên cứu có đối ứng, giảng dạy, hướng dẫn học viên sau đại học và chia sẻ các phòng thí nghiệm. Những chuyến viếng thăm của 24 kiều dân – cựu sinh viên trường Witstrong hơn bốn năm đã mở ra những hợp tác liên tục với sáu trường đại học hàng đầu, tạo ra 14 ấn phẩm khoa học chung, năm chương trình tài trợ chung, sự hợp tác hướng dẫn sau đại học và phát triển một tổ hợp những cơ sở dữ liệu ứng dụng y tế.
Các nghiên cứu viên có nhiệm vụ hỗ trợ phát triển khoa học thông qua hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc. |
Liên kết với học giả kiều dân có bền vững không?
Các nhà tài trợ bên ngoài đã đẩy mạnh một số chương trình, nhưng liệu những liên kết này có bền vững không? Một khảo sát của Carnegie African Diaspora Fellowship –chương trình hỗ trợ kinh phí cho 335 học giả kiều dân về làm việc tại các trường đại học châu Phi kể từ năm 2013, cho biết trong số 103 kiều dân châu Phi từ Bắc Mỹ nhận mức tài trợ ba tháng hoặc ít hơn để đến làm việc tại các trường đại học châu Phi, có 98% đã đến châu Phi trước khi nhận tài trợ. Khảo sát này có tỷ lệ đáp ứng là 77%. Trong số 98% những người đã đến châu Phi những năm gần đây thì 66% với mục đích cá nhân và 60% với mục đích học tập, nghiên cứu. 33% đã từng làm việc tại các tổ chức chủ nhà hiện nay và 35% từng hợp tác với các trường chủ nhà trước khi nhận tài trợ.
Theo một khảo sát những nghiên cứu viên đã kết thúc chương trình được 6 tháng, 78% người tham gia chương trình cho biết họ vẫn tiếp tục cộng tác với học giả của các trường chủ nhà trong các hoạt động học thuật. Khảo sát 58 cựu nghiên cứu viên một năm sau khi họ kết thúc chương trình (tỷ lệ đáp ứng khảo sát là 53%) cho thấy 84% có giao tiếp ít nhất một hoặc hai lần một tháng với các học giả và quản trị viên của trường sở tại, và 41% (24 nghiên cứu viên) cho biết họ đã trở lại làm việc tại trường sở tại ngay sau khi kết thúc dự án đầu tiên. Những tiến bộ trong công nghệ và kết nối với chi phí thấp hoặc không tốn chi phí đã giúp hiện thực hoá sự cộng tác liên tục.
Trí tuệ kiều dân đóng góp cho mục tiêu giáo dục
Nhiều chính phủ châu Phi chủ yếu quan tâm đến lượng kiều hối chuyển về nước, trong khi trí tuệ kiều dân cung cấp những phương tiện để đáp ứng mục tiêu giáo dục quốc gia. Trong bài phát biểu khai mạc tháng 4 năm 2018, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali tuyên bố rằng chính phủ nỗ lực tối đa để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật “được trang bị kiến thức xứng đáng với khả năng của họ”. Ông kêu gọi cộng đồng kiều dân tích cực tham gia giải quyết các vấn đề của đất nước, và tuyên bố chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để tạo thuận lợi cho kiều dân đóng góp vào sự phát triển đất nước. Trong một hội thảo cấp cao tại Diễn đàn Einstein tháng 3 năm 2018 ở Kigali, Rwanda, Tổng thống Paul Kagame tuyên bố rằng nhờ được tạo môi trường thuận lợi, 80 – 85% người Rwanda du học nước ngoài đã trở về đóng góp trí tuệ cho đất nước.
Tương lai của giáo dục đại học ngày càng có tính xuyên biên giới. Theo UNESCO, 4 triệu sinh viên (2% tổng số sinh viên đại học) du học ở nước ngoài, và con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025. Trong bối cảnh này, việc tạo ra mối liên hệ giữa các trường đại học châu Phi và cộng đồng học giả kiều dân mong muốn chia sẻ nguồn vốn và nguồn lực trí tuệ là một chất xúc tác trao đổi học thuật, mở rộng cộng đồng học thuật và đổi mới trong giáo dục đại học. Những phát hiện ban đầu trong chương trình liên kết học giả kiều dân cho thấy việc tận dụng các nguồn quỹ bổ sung, chuyên gia, công nghệ và thiện chí mang lại lợi ích cho cả hai phía – trường nước ngoài và trường sở tại.