Hãy quên đi mỹ từ “cạnh tranh”

Creso M. Sá là Giáo sư môn Giáo dục đại học và là Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học Canada và Quốc tế, tại Viện Nghiên cứu Giáo dục Ontario, Đại học Toronto, Canada. E-mail: c.sa@utoronto.ca.

Trước khi chủ nghĩa dân túy nổi lên như một bóng ma đe dọa làm suy yếu quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học, một trong những ẩn dụ được sử dụng nhiều nhất trong các cuộc tranh luận liên quan đến chủ đề này là ảo tưởng về cuộc chạy đua toàn cầu để lôi kéo sinh viên quốc tế. Minh chứng cho điều này chính là các chương trình cấp học bổng và các chương trình thu hút sinh viên quốc tế được ghi nhận trong nhiều năm qua. Các tài liệu học thuật và chính sách đều nhấn mạnh đến quy mô xuyên quốc gia của cuộc chạy đua này và định vị nó như một yếu tố quan trọng để thành công về kinh tế. Do vậy, dường như các chính phủ phải cố gắng giành chiến thắng trong cuộc đua toàn cầu bằng cách thu hút thêm nhiều sinh viên nước ngoài ghi danh vào các tổ chức giáo dục đại học của mình.

Có điều gì sai trong bức tranh này? Nếu các chính phủ thực sự đang cạnh tranh, giống như cách họ vẫn làm trong các lĩnh vực khác như thương mại và các vấn đề quốc tế, chúng ta hy vọng thấy được một số hành động mang tính dài hạn của họ. Đó là những gì mà Emma Sabzalieva – Nghiên cứu sinh tại Đại học Toronto và tôi đã cố gắng tìm hiểu: có thật là các nước chủ nhà lớn trong Vùng văn hóa tiếng Anh (Anglosphere) thực sự tham gia vào cuộc đua toàn cầu để thu hút những sinh viên quốc tế xuất sắc nhất hay không?

Chúng tôi đã tìm hiểu các chính sách công của Úc, Canada, Anh và Hoa Kỳ liên quan đến sinh viên quốc tế trong giáo dục đại học từ năm 2000 đến 2016. Chúng tôi cũng xem xét những thay đổi theo thời gian của các khung chính sách có tác động đến sinh viên quốc tế. Bốn quốc gia này chiếm khoảng 40% tổng số sinh viên quốc tế vào năm 2015. Đối với mỗi quốc gia, chúng tôi tiến hành nghiên cứu một tình huống cụ thể để theo dõi những thay đổi của chính sách liên quan trong thời gian điều tra và xác định các sự kiện liên quan đến những thay đổi này. Chúng tôi diễn giải các luật được thông qua, các chương trình mới được đưa ra và những thay đổi chính sách dựa trên phân tích nền tảng chính trị của mỗi quốc gia. Trong bài báo “Chính trị của cuộc đua chất xám vĩ đại: chính sách công và cách thu hút sinh viên quốc tế của Úc, Canada, Anh và Mỹ”, được xuất bản gần đây trong cuốn Giáo dục đại học, chúng tôi nêu rõ rằng không quốc gia nào trong số bốn cường quốc này đã giải quyết vấn đề thu hút và giữ chân sinh viên quốc tế một cách thấu đáo. Hơn nữa, họ hoàn toàn không có tầm nhìn dài hạn cần thiết để giải quyết vấn đề cạnh tranh toàn cầu giả định nhằm thu hút sinh viên.

Chúng tôi đã tìm hiểu các chính sách công của Úc, Canada, Anh và Hoa Kỳ liên quan đến sinh viên quốc tế trong giáo dục đại học từ năm 2000 đến 2016.

Không nhất quán và thiếu hài hòa

Phân tích của chúng tôi cho thấy sự tăng trưởng dài hạn trong tuyển sinh sinh viên quốc tế ở bốn quốc gia này phần lớn tách rời khỏi sự phát triển chính sách. Mặc dù đôi khi vẫn có những biến động, số lượng sinh viên quốc tế tăng đều ở cả bốn quốc gia trong giai đoạn được xem xét, và tỷ lệ tăng là đáng kể: 226% ở Canada, 110% ở Úc, 81% ở Anh và 48% ở Hoa Kỳ.

Một bức tranh khác xuất hiện từ việc xem xét các chính sách trong một số lĩnh vực giúp định hình những cơ hội để sinh viên quốc tế ghi danh vào một cơ sở giáo dục đại học và cơ hội ở lại tại bốn quốc gia này. Mặc dù đều tuyên bố hùng hồn về chính sách duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu và thu hút nhân tài, nhưng không một quốc gia nào duy trì một đường lối nhất quán tạo thuận lợi cho việc thu hút hoặc giữ chân sinh viên quốc tế, họ cũng không tìm cách cải thiện các chính sách và quy định của mình.

Ví dụ về nhập cư, các hạn chế đối với sinh viên quốc tế được thắt chặt ở các thời điểm khác nhau, từ trước khi xảy ra Brexit và Trump đắc cử tổng thống. Chẳng hạn, ở Anh, hệ thống nhập cư dựa trên điểm bị thay đổi vào đầu thập kỷ này đã trừng phạt các sinh viên quốc tế bằng cách hạn chế thời gian thị thực du học, quyền làm việc và số lượng khóa học mà họ được phép tham gia. Tương tự như vậy, Canada bắt đầu vận hành hệ thống tuyển chọn nhanh Express Entry vào năm 2015, nhằm hợp lý hóa quy trình xin thị thực và tạo điều kiện hội nhập với thị trường lao động, khiến sinh viên quốc tế gặp nhiều trở ngại hơn khi tìm kiếm cơ hội thường trú. Trong cả hai trường hợp, các chính phủ đương quyền đều tuyên bố tìm cách thu hút những người giỏi nhất và sáng lạn nhất, trong khi các chính sách họ đưa ra lại đang khiến sinh viên quốc tế khó tồn tại hoặc khó trở thành cư dân tại đó.

Nhìn vào một loạt các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, qui định xin việc làm, qui định về người phụ thuộc, hỗ trợ tài chính, học phí và thuế, có thể thấy rằng không quốc gia nào thể hiện một mô hình hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên quốc tế đến học tập. Chính sách công trong những lĩnh vực đó và các lĩnh vực khác đều tác động đến sinh viên quốc tế, và chúng liên quan đến mọi cơ quan chính phủ hoặc các bộ. Chính sách chỉ do một Bộ ban hành sẽ không bao trùm hết được các vấn đề phức tạp liên quan đến sinh viên quốc tế. Do đó, sự phối hợp giữa chính phủ và lĩnh vực giáo dục đại học là cần thiết để giải quyết những hạn chế đối với sinh viên quốc tế. Sáng kiến của Thủ tướng Anh và chiến lược gần đây về giáo dục quốc tế tại Úc là những ví dụ về các sáng kiến chính sách có cách tiếp cận liên ngành. Tuy nhiên, hầu hết sự phối hợp chính sách trong lĩnh vực này vẫn còn mờ nhạt.

Kết luận

Nếu trước đây các nhà hoạch định chính sách trong Vùng văn hóa tiếng Anh chủ định tham gia vào cuộc đua toàn cầu để thu hút sinh viên quốc tế, chúng ta đã được thấy những thay đổi chính sách theo một hướng nhất định. Đó là điều mà các quốc gia cạnh tranh trong một lĩnh vực nhất định sẽ làm: thực hiện một hành động mang tính quyết định để tối đa hóa lợi thế so sánh của mình. Trong thực tế, những thay đổi chính sách có thể tác động đến kết quả của việc thu hút và có thể là giữ chân sinh viên quốc tế, đã không hề nhất quán hay hài hòa trong 16 năm đầu của thế kỷ này. Trong khi diễn văn của các chính phủ thể hiện quan điểm tương đồng là ủng hộ tham vọng của các trường đại học thu hút sinh viên trên toàn cầu, thì thực tiễn chính sách qua thời gian lại rẽ theo các hướng khác nhau. Trong bối cảnh như vậy, số lượng sinh viên quốc tế ở bốn quốc gia dường như vẫn tăng trưởng bất chấp những thay đổi chính trị và chính sách, hơn là nhờ vào những thay đổi đó.