Anamika Srivastava là Nghiên cứu viên – Giáo sư trợ giảng, Nandita Koshal là Nghiên cứu viên cộng tác tại Viện Nghiên cứu Giáo dục Đại học Quốc tế và Xây dựng Năng lực (IIHEd) tại O.P. Jindal Global University (JGU), Sonepat, Ấn Độ. E-mail: anamika@jgu.edu.in và nkoshal@jgu.edu.in.
Hiện nay nhiều nước đang lựa chọn chính sách giáo dục đại học có chủ đích tập trung vào một số trường đại học nghiên cứu quốc gia “hàng đầu”. Bằng cách này, các chính phủ nhắm đến một vị trí trong bảng xếp hạng trường đại học toàn cầu, nhưng đôi khi phải trả giá bằng việc bỏ qua toàn cảnh giáo dục đại học. Trong bối cảnh Ấn Độ, động thái mới nhất của chính phủ liên bang hướng tới việc phát triển một vài “Trường đại học Danh giá” (IoE) là đáng khen ngợi. Nhưng trong định hướng phát triển IoE, chính phủ không nên đánh mất tầm nhìn cải cách hệ thống giáo dục cấp tỉnh.
Tất cả các trường đại học Ấn Độ hoặc các cơ sở ngang đại học (các tổ chức giáo dục đại học có quyền trao đổi hoặc cấp bằng), công lập hoặc tư nhân, đều được thành lập theo Đạo luật của Quốc hội Ấn Độ / Đạo luật Liên bang hoặc bởi chính quyền tỉnh. Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học nổi tiếng như Viện Công nghệ Ấn Độ, Viện Quản lý Ấn Độ, Đại học Jawaharlal Nehru và Đại học Delhi được thành lập và tài trợ bởi chính phủ liên bang. Tuy nhiên, các trường được thành lập bởi chính quyền tỉnh chiếm số đông trong toàn cảnh giáo dục đại học Ấn Độ. Các trường cấp tỉnh bao gồm các trường đại học công lập, các trường cao đẳng liên kết với những trường đại học công lập này và các trường đại học tư. Gần 96% tổng số các cơ sở giáo dục đại học, gần 84% tổng số sinh viên và 92% tổng số giảng viên ở Ấn Độ là thuộc “các trường cấp tỉnh”. Theo Khung Xếp hạng Tổ chức Quốc gia áp dụng cho các trường đại học ở Ấn Độ, chỉ có 20 trường cấp tỉnh được xếp hạng trong tốp 100 năm 2017. Trong bảng xếp hạng QS BRICS mới phát hành năm 2018, trong số 65 cơ sở giáo dục đại học của Ấn Độ có mặt trong tốp 300, chỉ có 29 trường cấp tỉnh.
Thường bị phớt lờ hoặc không được nhắc đến trong các cuộc thảo luận về chính sách giáo dục đại học của đất nước, các trường cấp tỉnh rất cần nguồn tài chính và những cải cách trong quản trị và đòi hỏi sự chú ý khẩn cấp của các nhà hoạch định chính sách.
Nhu cầu tài chính
Trong khi các trường cấp liên bang được tài trợ bởi chính phủ liên bang, các trường cấp tỉnh chiếm số đông trong đội hình giáo dục đại học ở Ấn Độ, nhận tài trợ từ chính quyền cấp tỉnh, chính phủ liên bang và khu vực tư nhân. Theo ước tính, trong năm 2014-2015, 63,48% tổng chi tiêu công cho giáo dục đại học là do chính quyền tỉnh trợ cấp, chỉ có 36,52% do chính phủ liên bang trợ cấp. Tuy nhiên, vì phần lớn các cơ sở giáo dục đại học phụ thuộc về tài chính vào chính quyền tỉnh, chi tiêu bình quân đầu người hàng năm của chính quyền tỉnh là rất thấp so với chính phủ liên bang. Bởi vì mức chi cho giáo dục đại học ở các tỉnh thường tương quan với năng lực tài chính và tham vọng chính trị của chính quyền tỉnh, điều này ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học. Mặt khác, các trường cấp tỉnh nhận được rất ít hỗ trợ từ chính phủ liên bang. Trong năm học 2016 – 2017, chính phủ liên bang – thông qua Bộ Giáo dục Đại học – chỉ chuyển giao 6% tổng ngân sách dành cho giáo dục đại học cho chính quyền tỉnh.
Các trường được thành lập bởi chính quyền tỉnh chiếm số đông trong cảnh quan giáo dục đại học Ấn Độ. |
Vào năm 2013, Sứ mệnh Giáo dục Đại học Quốc gia (còn được gọi là Rashtriya Uchchatar Shiksha Abhiyan bằng tiếng Hindi, hoặc RUSA), một chương trình được chính phủ liên bang và các tỉnh đồng tài trợ, được triển khai với mục đích tài trợ cho các tổ chức giáo dục đại học cấp tỉnh. Theo dữ liệu trên trang web của RUSA, tính đến tháng 1 năm 2017, chỉ có 12,39% các quỹ trung ương cam kết trong giai đoạn kế hoạch XII (2012 – 2017) đã được giải ngân cho các tỉnh. Một trong những lý do chính phía sau điều này là chính quyền các tỉnh không thể giải ngân nguồn quỹ của mình và các trường cấp tỉnh không thể thuyết minh các yêu cầu tài chính của họ.
Cải cách quản trị bên ngoài
Ngoài cải cách tài chính, giáo dục đại học của tỉnh đang cần những cải cách quản trị bên ngoài. Đáng chú ý là các nhiệm vụ duy trì và điều phối chất lượng trong giáo dục đại học là trách nhiệm của chính phủ liên bang. Điều này có nghĩa là các cơ quan quản lý giáo dục đại học ở cấp tỉnh chỉ còn vai trò hành chính thực hiện các đơn đặt hàng từ các cơ quan quản lý cấp liên bang như Ủy ban Trợ cấp Đại học, Hội đồng Giáo dục kỹ thuật Ấn Độ, Hội đồng Bar Ấn Độ, v.v… Hầu như không còn chỗ cho sự sáng tạo và đổi mới ở cấp tỉnh, bởi vì quy trình phê duyệt phải tuân thủ các quy tắc và quy định liên bang khiến cho các trường đại học cấp tỉnh bị hạn chế trong việc tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề hàng ngày của họ.
Cải cách quản trị nội bộ
Đối với cơ cấu quản trị nội bộ của các trường đại học, cần phải chỉ ra tầm quan trọng của cải cách liên kết. Tại Ấn Độ, các trường cao đẳng bắt buộc phải chính thức gắn liền (liên kết) với một trường đại học, trường này chịu trách nhiệm giải ngân kinh phí và cung cấp thông tin, nhân lực và chỉ thị trọng yếu cho trường liên kết. Các trường cao đẳng liên kết – về phần mình – có được sự công nhận từ trường đại học đó. Các trường đại học chịu trách nhiệm đưa ra các chính sách, cải cách và kế hoạch truyền thông cho các trường cao đẳng, ngoài việc quản lý các kỳ thi và công bố kết quả cũng như quy trình tuyển sinh. Các trường cao đẳng liên kết, về phía mình, chịu trách nhiệm thực hiện các hướng dẫn từ trường đại học, thu thập bằng chứng về việc thực hiện và thông tin cho trường đại học. Ở Ấn Độ, trung bình một trường đại học liên kết với 143 trường cao đẳng – trong khi Đại học Chatrapati Sahuji Maharaj Kanpur, một trường đại học ở Uttar Pradesh, liên kết với 896 trường cao đẳng – và những con số này cho thấy gánh nặng về quản lý mà cả trường đại học và các trường cao đẳng liên kết phải thực hiện. Thật vậy, các trường đại học quá tải thường chuyển gánh nặng quản trị của họ sang các trường cao đẳng liên kết. Điều này cho thấy sự bức thiết thực hiện những cải cách quản trị nội bộ liên quan đến việc liên kết, cho phép một số trường cao đẳng được tự chủ, và áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong quản trị hàng ngày.
“Hợp đồng hóa” lao động học thuật
Một vấn đề liên quan khác cũng cần được chú ý là sự gia tăng tình trạng “hợp đồng hoá” và bình thường hóa lao động học thuật. Những giảng viên được thuê mướn theo các hợp đồng ngắn hạn, hợp đồng không thường xuyên được gọi là giảng viên tạm thời hoặc thời vụ (“dùng tạm”). Giảng viên thời vụ tạo ra gánh nặng tài chính ít hơn, gánh vác trách nhiệm quản lý nhiều hơn ngoài tải trọng giảng dạy của họ, có thể dễ dàng “thuê và sa thải”, và do đó đã trở thành một lựa chọn ưu tiên cho các trường. “Hợp đồng hóa” lao động ở các trường cấp tỉnh nhiều hơn so với các trường được liên bang tài trợ. Theo một báo cáo của Cục Khảo sát Toàn Ấn Độ về Giáo dục đại học thuộc Bộ Phát triển nguồn nhân lực, từ năm 2011 đến năm 2016, số lượng giảng viên tạm thời làm việc tại các trường cấp tỉnh tăng 71%, còn trong các trường được liên bang tài trợ tăng 52%.
Kết luận
Chính phủ liên bang và chính quyền các tỉnh Ấn độ cần quan tâm khẩn cấp đến việc ban hành các chính sách riêng cho các tổ chức giáo dục đại học cấp tỉnh – không chỉ những nỗ lực từng phần mà nên là những chính sách toàn diện. Đặc biệt, không công bằng khi đánh giá hiệu quả của của các trường cấp tỉnh theo các thông số được áp dụng để đánh giá các trường đại học nghiên cứu toàn cầu. Nhiệm vụ chính của các trường công cấp tỉnh phải là đáp ứng nhu cầu của dân số trẻ được tiếp cận các chương trình và bằng cấp với giá phải chăng. Trong khi bắt tay vào hành trình phát triển một vài trường nghiên cứu đẳng cấp thế giới, Ấn độ không nên bỏ qua nhu cầu giảng dạy chất lượng nhưng với giá cả phải chăng trong các cơ sở giáo dục đại học cấp tỉnh.