Cuộc chiến thương hiệu: Các trường “đại học Mỹ” ở nước ngoài

Kyle A. Long là một Nhà nghiên cứu độc lập tại New York, Hoa Kỳ. E-mail: longkylea@gmail.

Đầu năm nay, Bộ Giáo dục đại học Iraq công bố khai trương một trường đại học mới cho năm học 2018– 2019: đại học Mỹ Iraq-Baghdad. Đây sẽ là trường “đại học Mỹ” thứ ba ở nước này. Sự kiện này minh họa cho một xu hướng đã thống trị trong khu vực và phát triển khắp thế giới trong một phần tư thế kỷ qua: thành lập các tổ chức giáo dục đại học nằm bên ngoài Hoa Kỳ bằng cách sử dụng tên gọi “đại học Mỹ” và cấp bằng cử nhân hoặc cao hơn; bài viết này gọi những tổ chức như vậy là các trường “đại học Mỹ ở nước ngoài”. Hiện tại có 80 trường như vậy ở hơn 55 quốc gia trên toàn cầu. Từ Nicaragua, Nigeria đến Việt Nam với số lượng tuyển sinh ước tính lên tới hơn 150 ngàn sinh viên. Trong khi một số trường đại học Mỹ ở nước ngoài có lịch sử hình thành từ thời Nội chiến Hoa Kỳ, hơn hai phần ba được thành lập trong ba thập kỷ qua. Thật không may, nhiều trường mới trong số đó chỉ mang tên Mỹ, còn nội dung giáo dục đại học không phải là của Mỹ. Thực tế, hơn một nửa số trường đại học Mỹ ở nước ngoài dường như là mạo danh, không có hoặc không chủ động theo đuổi kiểm định giáo dục khu vực của Hoa Kỳ.

Thương hiệu chất lượng

Khi sử dụng tên đại học Mỹ, phần lớn mối quan tâm của các trường này – ở Trung Đông và các nơi khác – là làm thương hiệu. Cựu chủ tịch của trường Đại học Mỹ Beirut đã từng nhận xét rằng từ “American” gắn với giáo dục cũng giống như từ “Thụy sỹ” gắn với đồng hồ. Tại nhiều quốc gia đang tiến hành tư nhân hóa, sự bảo vệ pháp lý đối với tên gọi mang giá trị cao là “American” còn hạn chế, vì vậy các doanh nhân nhận thấy việc sử dụng tên này là một lựa chọn ngày càng hấp dẫn. Một loạt các doanh nhân đã thành lập chuỗi nhiều trường đại học Mỹ ở nước ngoài. Serhat Akpınar đã tạo ra các tổ chức giáo dục đại học có tên đại học Mỹ ở Síp và Moldova. Alex Lahlou cũng làm như vậy ở Algeria và Libya. Manmadhan Nair đưa thương hiệu đại học Mỹ đến một số quốc gia vùng Caribe. Khi các học giả, các giáo sĩ và chính trị gia tham gia thành lập các trường đại học Mỹ ở nước ngoài, các hoạt động liên kết của họ với giới kinh doanh còn đáng ngờ hơn. Chủ tịch một công ty tư vấn Kuwaiti đã cố gắng thành lập một trường đại học Mỹ ở Maribor (Slovenia), nhưng đã buộc phải từ bỏ dự án khi thị trưởng thành phố bị buộc tội hình sự vì bán đất trong khuôn viên trường theo giá thị trường. Một việc tương tự đang diễn ra ở Malta, nơi thủ tướng đã quy hoạch lại một bãi biển được bảo vệ nhằm thuyết phục một chủ khách sạn Jordan khởi động dự án đại học Mỹ.

Tính trung bình một trường tuyển từ 1 ngàn đến 2 ngàn sinh viên với ngân sách hoạt động khoảng 20 triệu đô la, nhưng quy mô thì rất khác nhau.

Khi các trường đại học Mỹ ở nước ngoài được thành lập và đi vào hoạt động, chúng thường không đạt được chất lượng giáo dục tương xứng với nhãn hiệu đại học Mỹ. Một trong số những ví dụ điển hình là Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Mỹ ở Tbilisi, Georgia, trường này được nêu tên như một “xưởng bán bằng” vào giữa những năm 2000. Sự kiện này đã khiến Bộ giáo dục Hoa Kỳ đình chỉ và cuối cùng thu hồi thẩm quyền của cơ quan kiểm định chương trình Hoa Kỳ đã xác nhận chất lượng cho trường này. Tuy nhiên, phổ biến hơn vẫn là các trường đại học Mỹ chất lượng tồi nằm ngoài vòng giám sát. Thương hiệu “đại học Mỹ” đủ mạnh ở nhiều địa phương mà không cần phải thực hiện kiểm định. Sinh viên tiếp tục ghi danh bất kể trường có được kiểm định chất lượng bên ngoài hay không. Và khi tránh được kiểm định chất lượng thì nhiều trường cũng né việc minh bạch các hoạt động. Một số trường dùng Facebook làm công cụ liên lạc chính của họ, không có trang web riêng. Các nhà nghiên cứu hay tò mò cũng thường bị từ chối.

Sự gia tăng số lượng các trường hoạt động vì lợi nhuận đang khai thác thương hiệu “đại học Mỹ” và hệ thống đảm bảo chất lượng yếu đã đặt ra một thách thức lớn đối với các trường chân chính, đặc biệt là với Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng quốc tế Mỹ (AAICU) – tổ chức có 28 đại học thành viên. Năm 2008, hiệu trưởng các trường thành viên của AAICU đã cố gắng xây dựng các tiêu chuẩn cho sự phát triển toàn cầu đang mở rộng nhanh chóng bằng cách đưa ra Tuyên bố Cairo, một tuyên bố về các nguyên tắc khẳng định tính trung tâm của quyền tự chủ thể chế được đảm bảo bởi các ủy ban độc lập và kiểm định chất lượng của Hoa Kỳ. Tuyên bố này cũng khẳng định tầm quan trọng của chương trình giảng dạy mang tính khai phóng và mô hình tài chính phi lợi nhuận – đối lập với các chương trình kinh doanh và kỹ thuật là những chương trình đào tạo đang thống trị trong các trường mạo danh.

Những thách thức bổ sung

Duy trì một mặt trận thống nhất chống lại những trường lừa đảo còn gặp phải một khó khăn khác là sự đa dạng về thể chế của những trường chân chính, bao gồm cả những trường nghiên cứu lớn như Đại học Mỹ ở Cairo và những trường khai phóng nhỏ như Đại học Mỹ Thessaloniki. Tính trung bình một trường tuyển từ 1ngàn đến 2 ngàn sinh viên với ngân sách hoạt động khoảng 20 triệu đô la, nhưng quy mô thì rất khác nhau. Đại học Mỹ Ả Rập tại Palestine có hơn 10 ngàn sinh viên, trong khi Đại học Mỹ Ailen tuyển dưới 200 sinh viên. Chi phí hoạt động hàng năm của Đại học Mỹ Sharjah và Đại học Mỹ Lebanon vượt trên con số 170 triệu đô la. Còn Đại học Mỹ Armenia và Đại học Mỹ Trung Á mỗi trường tiêu ít hơn 10 triệu đô la mỗi năm. Sự không đồng nhất ngày càng tăng làm cho những khác biệt ngày càng lớn.

Một thách thức quan trọng nữa là cần làm rõ trường nào đủ điều kiện nhận tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ. Một số trường đại học Mỹ ở nước ngoài được thành lập và được Hoa Kỳ công nhận đang tìm kiếm tài chính từ các quỹ Title IV và cạnh tranh để được nhận tài trợ từ các Quỹ Khoa học Quốc gia. Phiên bản trước đó của Đạo luật Giáo dục Đại học (HEA) có một số sửa đổi thuận lợi nhưng đã dừng thực hiện. Một số trường đại học Mỹ ở nước ngoài đã được nhận tài trợ của liên bang, chủ yếu thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) dành cho các trường học và bệnh viện Mỹ ở nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ 4% tổng ngân sách của các trường thành viên AAICU là đến từ các nguồn của chính phủ Hoa Kỳ.

Chủ nghĩa độc tài gia tăng trên toàn thế giới tạo ra một thách thức khác cho các trường đại học Mỹ ở nước ngoài. Sự việc chính phủ Hungary gần đây trấn áp trường Đại học Trung Âu (CEU) – một thành viên của AAICU là ví dụ rõ ràng nhất. Trong khi CEU dường như đủ sức chịu đựng, những trường khác đã không thể sống nổi sau các cuộc tấn công có động cơ chính trị như vậy. Đại học Mỹ Ailen đóng cửa năm 2000, Đại học Mỹ Myanmar đóng cửa vào đầu năm nay. Áp lực chính trị ở Kiev không cho phép Đại học Mỹ Ukraine ngóc đầu lên khỏi mặt đất. Các cuộc tấn công liên tiếp vào Đại học Mỹ Afghanistan chứng minh rằng ngay cả những trường có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng không tránh khỏi những thiệt hại từ chủ nghĩa chính trị cực đoan.

Nhìn về phía trước

Nhiều khả năng vấn đề tài trợ và giữ danh tiếng sẽ là mối quan tâm chính của các trường này trong những năm tới. Mặc dù các mức viện trợ về cơ bản vẫn giữ nguyên cho đến nay, chính sách đối ngoại “nước Mỹ trên hết” của chính quyền Trump có thể làm giảm các khoản tài trợ cho các trường đại học Mỹ ở nước ngoài. Trong khi đó, việc thành lập các trường đại học Mỹ ở nước ngoài chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp. AAICU đã có một số thành công trong thập kỷ qua trong việc chống lại sự pha loãng thương hiệu, và các nhà lãnh đạo của các trường thành viên vẫn tiếp tục thảo luận về các chiến lược nhằm duy trì tính toàn vẹn của tên gọi “đại học Mỹ”. Các lựa chọn được xem xét bởi AAICU trong những năm gần đây bao gồm phát triển chức năng kiểm định và/hoặc xếp hạng. AAICU cũng có thể theo đuổi sự công nhận của US Treasury như một dạng tiêu chuẩn. Nếu AAICU có thể thống nhất được ý chí tập thể, các nhà quan sát có thể mong đợi một vài thay đổi sẽ sớm có hiệu lực.