Mona Khare là Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách về Giáo dục Đại học (CPRHE), và là Trưởng khoa Tài chính Giáo dục, Viện Kế hoạch và Quản lý Giáo dục Quốc gia, New Delhi, Ấn Độ. E-mail: mona_khare@rediffmail.com.
Bài viết này dựa trên một nghiên cứu đang được thực hiện tại CPRHE.
Trong khi một số học giả đề cao tầm quan trọng của giáo dục nhân văn, những người truyền bá tầm quan trọng của nền giáo dục dựa trên kỹ năng đáp ứng thị trường đang nhanh chóng thắng thế. Khái niệm “kỹ năng thích ứng công việc” (employability skills) đã trở thành trọng tâm đối với cả người sử dụng lao động và người lao động ở các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển. Trong 20 năm qua, định nghĩa về khả năng thích ứng công việc đã thay đổi, trước đây chỉ bao hàm các kỹ năng chuyên môn, giờ đây chuyển sang một cái nhìn toàn diện hơn về “các thuộc tính sau tốt nghiệp đại học” bao gồm các kỹ năng chuyển giao “mềm hơn” và các phẩm chất cá nhân, được phát triển cùng với kiến thức chuyên môn, kỹ năng và năng lực. Trong bối cảnh một thị trường lao động năng động và công nghệ thay đổi nhanh, yêu cầu ‘tái hình thành kỹ năng” và “nâng cấp kỹ năng” cũng được đặt ra. Những đòi hỏi đó – hình thành những cá nhân toàn diện được giáo dục nhân văn và đào tạo chuyên môn, để tăng cơ hội kiếm việc làm bền vững – đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho hệ thống giáo dục đại học trên toàn cầu. Vấn đề này trở nên gay gắt hơn ở các nước như Ấn Độ, không chỉ vì quy mô dân số lớn, mà còn vì lực lượng trẻ tuổi đông đảo, dẫn đến số lượng sinh viên ngày càng tăng và nền giáo dục đại học không đủ đáp ứng.
Khái niệm “kỹ năng thích ứng công việc” (employability skills) đã trở thành trọng tâm đối với cả người sử dụng lao động và người lao động ở các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển. |
Sinh viên tốt nghiệp thiếu khả năng thích ứng công việc
Thị trường việc làm ở Ấn Độ bị mất cân bằng về lực lượng lao động tốt nghiệp đại học, trong cả hai mặt cung và cầu. Sự mất cân bằng này, cùng với tăng trưởng việc làm thấp, dẫn đến tình trạng bấp bênh, trong khi sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng luôn không đạt các tiêu chuẩn bắt buộc. Người ta ước tính rằng chưa tới một phần tư sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật và chỉ 10% sinh viên tốt nghiệp các ngành khác có đủ năng lực làm việc. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp đại học buộc phải nhận những công việc thấp hơn trình độ bằng cấp của họ hoặc tham gia vào những hoạt động kinh doanh không thành công. Điều này đã tạo ra một sự mất cân đối cung – cầu mới – sinh viên tốt nghiệp đại học vừa thừa lại vừa thiếu kỹ năng. Sinh viên tốt nghiệp cũng buộc phải bổ khuyết và hoàn thiện kiến thức giáo dục đại học chính thống của họ bằng các hình thức giáo dục dựa trên kỹ năng khác, điều này dẫn đến sự hình thành các hình thức đào tạo văn bằng sau trung học mới do các tổ chức tư nhân không được kiểm soát thực hiện, với thu phí cao – đặt ra những thách thức khác về công bằng và chất lượng. Một số biến dạng cơ bản được liệt kê dưới đây giải thích cho sự mất cân đối cung – cầu.
• Các ngành học đại cương so với các ngành kỹ thuật/chuyên nghiệp: Mặc dù số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tìm kiếm việc làm đã tăng nhanh trong vài năm qua, một phân tích của các nghiên cứu cho thấy phần lớn là từ các ngành học tổng quát, với các sinh viên tốt nghiệp các ngành mỹ thuật đứng đầu danh sách. Trong khi đó, về phía cầu, sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật, chuyên nghiệp mới là đối tượng tìm kiếm của các nhà tuyển dụng, ngay cả cho các ngành công nghiệp phi kỹ thuật và các chức năng chuyên môn. Dữ liệu cho thấy hơn 70% người có bằng đại học hiện đang tham gia vào lĩnh vực dịch vụ, với các dịch vụ CNTT/IT (ITeS) và dịch vụ tài chính dẫn đầu với tỷ lệ trên 50%. Có thể có hai lời giải thích cho hiện tượng này. Thứ nhất, các ngành nghề và vị trí liên quan đến kỹ thuật và khoa học đã nằm trong 5 chỉ số việc làm hàng đầu trên toàn thế giới trong thời gian gần đây; và thứ hai, một cách tương đối, nhóm sinh viên tốt nghiệp này được trang bị tốt hơn các kỹ năng quan trọng của thế kỷ 21, bởi vì họ xuất thân từ những gia đình Ấn Độ có nền tảng văn hóa xã hội, kinh tế và học thuật tốt hơn. Như vậy, một tỷ lệ đáng kể lực lượng lao động sau đại học khó kiếm được việc làm, vì thị trường lao động cho sinh viên tốt nghiệp các ngành đại cương hẹp hơn so với sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành. Thách thức ở đây là gấp đôi. Đầu tiên, khuyến khích và đào tạo thanh niên cho các lĩnh vực đang phát triển khác của nền kinh tế và thứ hai, thường xuyên nâng cấp và cập nhật chuyển giao kỹ năng trong các ngành công nghệ cao, đào thải nhanh, năng động và tuyển dụng số lượng lớn như CNTT, IT và dịch vụ tài chính. Một vấn đề đáng lo ngại là nhóm lớn nhất trong sinh viên tốt nghiệp các ngành phi kỹ thuật, đại cương, và khoa học xã hội là những người có kiến thức chung về kinh tế xã hội rộng, nhưng không có bất kỳ kỹ năng kỹ thuật cụ thể nào phù hợp với một phân đoạn việc làm cụ thể.
• Chất lượng: Dữ liệu cho thấy một số lượng đáng kể người dân ở Ấn Độ cần được đào tạo kỹ năng, vì lực lượng lao động của Ấn Độ có đặc trưng là nền tảng tri thức thấp. Trong số 500 triệu người có tay nghề vào năm 2020, 25% là ở cấp độ “cao đẳng cộng”, tương ứng với 125 triệu người. Giáo dục kiến thức mới và đào tạo kỹ năng cho số lượng lớn này là việc thực sự khó. Trong khi nhu cầu của ngành công nghiệp đang chuyển dịch nhanh – từ cơ bản sang chuyên ngành – do sự chuyển đổi công nghiệp hướng tới tự động hóa và tinh vi hơn, phần lớn các tổ chức giáo dục đại học thấy mình không đủ khả năng ứng phó với những thách thức này, dù bằng cách thay đổi chương trình hoặc thông qua sự hợp tác công nghiệp – đại học, vì nhiều lý do khác nhau, từ những hạn chế về cơ sở hạ tầng đến những khó khăn về tài chính và nguồn nhân lực. Ngoại trừ một số tổ chức chất lượng ở tốp đầu, hệ thống giáo dục đại học hiện tại chỉ trang bị cho sinh viên tốt nghiệp những kỹ năng cơ bản, và thường với chất lượng kém.
• Sự mất cân đối giữa chứng chỉ nghề và bằng đại học: Nói về “Chứng chỉ nghề (diploma) và bằng đại học (degree)” là điều kiêng kỵ ở Ấn Độ. Tỷ lệ giữa người có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ nghề là khoảng 2:1, trong khi tỷ lệ 1:3 mới là hợp lý cho nền kinh tế. Một mặt, có rất ít chương trình cấp chứng chỉ nghề tại các tổ chức công – khu vực này bị chi phối bởi các nhà cung cấp tư nhân tính phí cao – và mặt khác, nhận thức xã hội cho rằng bằng đại học giúp tìm việc dễ dàng hơn khiến cho chứng chỉ nghề kém hấp dẫn. Đây là những rào cản đáng kể cho thanh thiếu niên khi lựa chọn các chương trình học.
• Sự công bằng: Cuối cùng, sự chênh lệch trong khả năng thích ứng công việc còn bao hàm ý nghĩa khu vực, kinh tế xã hội và giới tính. Nhiều yếu tố như nền tảng gia đình và văn hóa, nơi cư trú, chất lượng và loại hình giáo dục trước đó, và khả năng và cơ hội tiếp cận đào tạo bổ sung, tất cả điều này dẫn đến khả năng thích ứng công việc khác nhau giữa các nhóm và cá nhân. Vấn đề kỹ năng còn nghiêm trọng hơn ở các khu vực nông thôn và ngoại thành. Các nghiên cứu cho thấy khoảng cách giữa cơ hội được tuyển dụng của sinh viên tốt nghiệp kỹ thuật giữa các thành phố cấp I và cấp II là gần 50%, và lớn hơn nhiều đối với sinh viên tốt nghiệp từ các ngành khác. Sinh viên tốt nghiệp là nữ và sinh viên tốt nghiệp xuất thân từ các tầng lớp kinh tế xã hội thiệt thòi còn phải đối mặt với những bất lợi nặng nề hơn.
Kết luận
Đào tạo được những sinh viên tốt nghiệp đại học đáp ứng yêu cầu tuyển dụng trong khi vẫn đảm bảo chất lượng và sự công bằng là một thách thức rất lớn. Giáo dục đại học ở Ấn Độ cần một bước nhảy vọt từ giáo dục vị giáo dục sang giáo dục để làm việc, bằng chiến lược điều chỉnh những méo mó hệ thống và tập trung vào các chương trình đào tạo “kỹ năng thích ứng công việc bền vững”, nhằm giúp sinh viên tốt nghiệp chuyển từ trường đại học sang môi trường làm việc một cách thuận lợi.