Andrei Volkov là Cố vấn chính sách học thuật tại Trường Quản lý Moscow SKOLKOVO, Nga. E-mail: andrei_volkov@skolkovo.ru. Dara Melnyk là Trợ lý nghiên cứu sau đại học tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: melnykd@bc.edu.
Chúng ta đang trong thời kỳ hoàng kim của quá trình chuyển đổi đại học, khi nhiều hệ thống giáo dục đại học, kể cả ở Nga, đang tìm cách nâng cấp hoạt động các trường đại học từ quốc gia lên cấp độ toàn cầu. Trong quá trình này, tư duy chiến lược độc lập của lãnh đạo trường đại học là rất quan trọng, và điều này chỉ có thể thực hiện được với quyền tự chủ đầy đủ.
Quan điểm lịch sử
Trong suốt 300 năm lịch sử của nền giáo dục đại học Nga, mức độ tự chủ của các trường đại học nhiều lần bị giao động. Ban đầu, mô hình thể chế được vay mượn từ Đức, và những điều lệ đại học đầu tiên có mức độ tự chủ táo bạo – trái ngược với các tổ chức công khác trong đế chế Nga. Vào giữa thế kỷ thứ XVIII, các trường đại học đã trở thành vườn ươm của tư duy tự do, và trong một nỗ lực hạn chế xu hướng này, Hoàng đế Nicholas I bãi bỏ đáng kể quyền tự chủ của các trường. Sau đó, vào đầu thế kỷ XIX, Alexander II đã khôi phục lại mức tự chủ ban đầu, tương đối cao, như một phần của quá trình Âu hóa đất nước. Trong thập niên 1920, chính phủ Liên Xô đã thay đổi mọi cấu trúc xã hội, bao gồm giáo dục đại học. Các trường đại học bị tước đoạt mọi quyền quản lý các vấn đề của chính họ; việc kiểm soát chương trình, tài trợ, cấp bằng, tuyển sinh, quản trị và bổ nhiệm giảng viên được quản lý tập trung. Vào thời điểm đó, tự chủ của trường đại học là không được phép, tư duy chiến lược độc lập là điều không tưởng. Chiến tranh lạnh và cuộc chạy đua vũ trang buộc chính phủ Liên Xô phải tìm cách tiếp cận mới để đào tạo các nhà khoa học và kỹ sư. Một nhóm các tổ chức giáo dục đại học với các quyền đặc biệt trong quản trị và thiết kế chương trình giảng dạy được thành lập. Hai ví dụ điển hình của các tổ chức như vậy là Viện Vật lý và Công nghệ Moscow nổi tiếng (“Phystech”) và Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia.
Giai đoạn sau khi Liên Xô sụp đổ có thể được gọi là “những năm 90 bị bỏ rơi”: quyền tự chủ đột ngột được cấp cho các trường hoàn toàn không chuẩn bị để tự chủ. Tỷ lệ thanh thiếu niên tiếp nhận nền giáo dục đại học tăng từ 17% lên 60%, và số lượng trường “được coi là đại học” tăng theo cấp số nhân, vì mọi cơ sở giáo dục sau trung học thuộc bất cứ loại nào đều xưng danh là “đại học”. Đồng thời, tình trạng chảy máu chất xám trong các tổ chức giáo dục đại học đạt quy mô chưa từng thấy. Các cơ sở giáo dục đại học Nga trong tình trạng hỗn loạn, với mức độ tự chủ lớn chưa từng có và rất ít trách nhiệm giải trình. Vào đầu những năm 2000, bức tranh đại học bắt đầu thay đổi. Để đổi lấy cam kết phát triển, các trường đại học được trao nguồn lực đáng kể và pháp nhân mới. Từng nhóm các trường đại học ưu tú được hình thành (bao gồm cả Sáng kiến Học thuật Xuất sắc 5–100 danh tiếng).
Trong suốt 300 năm lịch sử của nền giáo dục đại học Nga, mức độ tự chủ của các trường đại học nhiều lần bị giao động. |
Các trường này được rút ra khỏi sự thờ ơ về mặt tổ chức, và một số tận dụng được động lực để tự tái tạo (trong khi đó, các tiêu chuẩn liên bang ngày càng trở nên lỏng lẻo). Điều cơ bản mà những sáng kiến này làm được là cung cấp các điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, để phát triển mỗi trường cần có quyền tự chủ thực sự, và đủ sức mạnh tư duy chiến lược để sử dụng quyền đó.
Cái giá của quyền tự chủ hôm nay
Tự chủ không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học có thể làm những gì họ muốn. Cái giá phải trả là chịu trách nhiệm về quyết định của mình và chịu trách nhiệm trước các bên liên quan trực tiếp: sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên và công chúng. Một trường đại học chịu trách nhiệm về mục tiêu và hành động của mình nghĩa là các học giả của trường quyết định những gì cần nghiên cứu, giảng dạy và cách thức nghiên cứu, giảng dạy, còn sinh viên thiết kế con đường học tập của họ. Khi đó khó có thể đổ lỗi cho “hệ thống”.
Ở Nga, việc trước đây các trường đại học thiếu quyền tự chủ đã dẫn đến những sai lầm kinh niên trong tư duy chiến lược, và trong các sứ mệnh thể chế vô nghĩa, mang tính hình thức. Điều này làm giảm danh tiếng của các trường đại học trong con mắt công chúng – nếu một trường đại học không coi trọng danh tiếng của mình, tại sao công chúng phải coi trọng? Mặt khác, một hệ thống giáo dục đại học hoàn toàn không được kiểm soát sẽ trở nên hỗn loạn, trong khi các chính sách quản lý thấu đáo có thể mang lại lợi ích to lớn cho sự tăng trưởng. Ví dụ, Sáng kiến Xuất sắc Học thuật 5–100, được thiết kế để thúc đẩy các trường đại học hàng đầu của Nga hướng tới khả năng cạnh tranh toàn cầu, đã được chứng minh là một chất xúc tác mạnh mẽ cho sự đổi mới trong giáo dục đại học.
Những năm 90, trước làn sóng thủy triều “các trường được coi là đại học”, nước Nga đã lo sợ rằng nếu quyền tự chủ đột ngột tăng lên, các trường đại học sẽ trở nên hoàn toàn không thể kiểm soát được và chất lượng sẽ giảm mạnh. Quan điểm chuẩn mực vẫn coi quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình nằm ở hai đầu đối lập của một phổ, rằng chúng loại trừ nhau, và sự đối lập cực đoan đó sẽ dẫn tới tình huống các bên đều thua thiệt: quyền tự chủ cao và không có trách nhiệm giải trình dẫn đến sự lạm dụng niềm tin của công chúng; quyền tự chủ thấp và trách nhiệm giải trình cao chắc chắn tạo ra một nền giáo dục sao chép với các hoạt động nghiên cứu nghèo nàn.
Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình
Tuy nhiên quan điểm chuẩn mực trên không phải là cách nhìn duy nhất về quyền tự chủ-trách nhiệm giải trình. Các trường đại học có thể đồng thời vừa tự hào về mức độ tự chủ cao vừa thể hiện trách nhiệm giải trình cao. Để điều này trở thành có thể trong giáo dục đại học ở Nga, cần phải làm gì?
• Đầu tiên, nên khuyến khích các trường đại học hàng đầu thực hiện quyền thiết kế và sửa đổi chương trình giảng dạy của họ, quyền chọn ngôn ngữ giảng dạy, và quyền ấn định học phí và thủ tục nhập học.
• Thứ hai, chính phủ cần áp dụng hệ thống cấp ngân sách dài hạn, cạnh tranh, dựa trên hiệu suất và theo gói. Hiện tại ở Nga, chính phủ phân bổ ngân sách theo chi tiết đơn hàng, điều đó có nghĩa là các trường đại học nhận ngân sách kèm theo những hướng dẫn nghiêm ngặt về cách sử dụng chúng. Hệ thống này khiến việc đầu tư chiến lược và lập kế hoạch cho các dự án tham vọng lớn bị hạn chế.
• Thứ ba, các trường đại học cần hướng các nỗ lực của họ vào việc đa dạng hoá thu nhập. Hiện nay, các trường đại học hàng đầu của Nga đang nhận được mức tài trợ cao từ chính phủ. Phụ thuộc vào một nguồn kinh phí duy nhất làm hạn chế quyền tự chủ và khả năng tự quản lý của các trường đại học. Trong khi đây là những yếu tố quan trọng có thể thúc đẩy nền giáo dục đại học Nga vươn lên đẳng cấp thế giới.
• Thứ tư, các cơ quan trung ương không nên đưa ra các sáng kiến chiến lược, cũng như quyết định cuối cùng về chiến lược đại học, mà quá trình này cần được phân cấp cho địa phương. Con người có thể mắc sai lầm, và xác suất mà cơ quan trung ương phạm phải sai lầm chiến lược làm ảnh hưởng tiêu cực đến mọi trường đại học trong hệ thống là rất cao. Những thử nghiệm ở cấp địa phương, mặt khác, có thể nuôi dưỡng đổi mới và những sai lầm xảy ra tại địa phương không ảnh hưởng đến toàn bộ ngành. Nước Nga có thể làm điều này bằng cách tăng cường các ban quản trị địa phương, bao gồm các thành viên cộng đồng và đại diện của các bên liên quan trực tiếp. Điều này một lần nữa sẽ thiết lập mối liên kết giữa ban quản trị đại học và công chúng, sinh viên, cựu sinh viên và giảng viên. Hiện tại, ban quản trị trong các trường đại học Nga chỉ hoạt động như ủy ban kiểm toán, dành phần lớn thời gian “quản trị” của họ để phê duyệt các giao dịch tài chính và pháp lý. Trong khi chức năng chính của họ là đảm bảo trách nhiệm giải trình của các trường đại học trước các bên liên quan. Để điều này trở thành khả thi, ban quản trị phải được trao quyền, đặc biệt là quyền chọn, bổ nhiệm, và miễn nhiệm người đứng đầu điều hành tổ chức.