Trường chuyển tiếp: Một loại hình đại học mới ở Canada

Dale M. McCartney là Nghiên cứu sinh sắp hoàn thành luận án Tiến sĩ và Amy Scott Metcalfe là Phó giáo sư giáo dục đại học, Khoa Nghiên cứu giáo dục, Đại học British Columbia, Canada. E-mail: dale.mccartney@alumni.ubc.ca và amy.metcalfe@ubc.ca.

Sinh viên quốc tế bậc đại học đem lại nguồn thu quan trọng cho nhiều hệ thống giáo dục đại học, đặc biệt trong bối cảnh các chính phủ thắt chặt chi tiêu ngân sách. Trong nỗ lực tăng tuyển sinh quốc tế bậc đại học, các trường đại học Canada xây dựng quan hệ đối tác hoặc trực tiếp chủ trì “trường chuyển tiếp”. Trường chuyển tiếp là trường bán tự chủ hoặc vận hành theo kiểu tư nhân, có thỏa thuận chuyển giao với các trường đại học đối tác để đưa ra lộ trình nhập học cho những sinh viên quốc tế chưa đủ kiến thức và ngoại ngữ để vào thẳng chương trình đại học. Loại hình đại học chuyển tiếp này đã có ở nhiều quốc gia, nhưng tương đối mới ở Canada và cho đến nay phần lớn chưa được kiểm nghiệm. Một số ít bài viết về chủ đề này tập trung chú ý vào việc các trường chuyển tiếp chủ yếu sử dụng giảng viên thỉnh giảng, vào nguy cơ trường sẽ bị “công ty hóa”, và vào việc sinh viên quốc tế có thể bị lừa bởi những tài liệu tiếp thị về cơ hội chuyển tiếp vào một trường đại học ở Canada. Trước những lo ngại này, chúng tôi đề nghị chú ý tới các chính sách và thực tiễn của các trường chuyển tiếp. Dựa trên dữ liệu của Canada, chúng tôi phân loại các trường này theo một số tiêu chí chính, nhận diện những tác động tiềm ẩn của chúng đối với hệ thống giáo dục đại học công và đề xuất một số định hướng nghiên cứu tương lai.

Để hiểu rõ hơn về hiện tượng này, chúng tôi đã nghiên cứu 96 trường/viện thuộc Universities Canada, một tổ chức quốc gia đại diện cho các trường đại học và cao đẳng. Quan hệ hợp tác với các trường chuyển tiếp đang trở nên phổ biến trong các trường đại học công ở Canada: nghiên cứu của chúng tôi cho thấy 69 trong số 96 trường/viện, tức 72% trường đại học ở Canada, có liên kết với ít nhất một trường chuyển tiếp. Là một loại hình mới ở Canada, trường chuyển tiếp có nhiều hình thái khác nhau. Ba trục so sánh chính của nghiên cứu là quyền sở hữu, chương trình giảng dạy và cơ chế chuyển giao cho phép chúng ta hình dung khái quát về hiện tượng này ở Canada.

Quyền sở hữu

Chúng tôi ghi nhận hai hình thức sở hữu trường chuyển tiếp ở Canada: sở hữu tư nhân hoặc thuộc sở hữu trường công. Trong số 69 trường đại học có liên kết với chương trình chuyển tiếp, 22 (32%) trường liên kết với những trường chuyển tiếp là tổ chức tư nhân vì lợi nhuận. Các trường chuyển tiếp tư nhân này thường thuộc sở hữu của các công ty giáo dục quốc tế lớn, như Navitas hoặc Study Group, và vận hành độc lập với trường đại học đối tác. Những trường chuyển tiếp tư nhân hứa hẹn nâng cấp kiến thức hoặc ngoại ngữ cho sinh viên và công khai quảng cáo cơ hội nhập học vào trường đối tác trong tài liệu tuyển sinh của họ. Các trường chuyển tiếp còn lại (68%) đều thuộc sở hữu của các trường đại học công. Tuy nhiên, giữa họ và trường chủ quản vẫn có sự phân định rõ ràng, họ có tiêu chí tuyển sinh riêng, hầu hết sinh viên theo học các lớp tách biệt với sinh viên của trường chính.

Chương trình giảng dạy

Các trường chuyển tiếp ở Canada còn được phân biệt căn cứ vào chương trình giảng dạy. Trong 69 trường chuyển tiếp mà chúng tôi nghiên cứu, 44 trường (64%) có chương trình đào tạo kết hợp cả học thuật và ngoại ngữ. Ở một số trường, nội dung học thuật của các chương trình này tương đương một năm hoặc hơn trong chương trình đại học bốn năm; trong khi ở các trường khác nó bao gồm vài môn học khác nhau. Các chương trình học thuật kết hợp ngoại ngữ này hứa hẹn bổ trợ cho những sinh viên cần cải thiện kết quả học tập hoặc kỹ năng ngoại ngữ của mình để đủ điều kiện vào học trường đối tác. Những trường chuyển tiếp chỉ cung cấp chương trình ngoại ngữ hoặc tiếng Anh học thuật (EAP) chiếm tỷ lệ nhỏ hơn, 25 trường (36%). Tại đây, sinh viên theo học các chương trình ngoại ngữ nâng cao, tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp) nhằm đáp ứng các yêu cầu ngoại ngữ của trường đại học đối tác. Các trường chuyển tiếp do một trường đại học công sở hữu và điều hành thiên về các chương trình EAP nhiều hơn (38%) so với các trường do công ty tư nhân sở hữu (chỉ có 32% cung cấp chương trình EAP), nhưng trong cả hai loại hình sở hữu, chương trình kết hợp vẫn phổ biến hơn.

Cơ chế chuyển giao

Trục so sánh cuối cùng là hình thức chuyển tiếp, hoặc cơ chế chuyển giao sinh viên quốc tế từ trường chuyển tiếp sang trường đại học đối tác. Một số ít trường chuyển tiếp (8 trong 69, chiếm 12%) yêu cầu sinh viên đăng ký với trường đối tác sau khi hoàn tất chương trình chuyển tiếp. Nhưng đại đa số trường chuyển tiếp ở Canada (88%) hứa chuyển thẳng sinh viên vàotrường đại học đối tác một khi họ đã hoàn tất chương trình chuyển tiếp. Tất cả các trường chuyển tiếp do công ty sở hữu đều đưa ra phương án nhập học trực tiếp vào một hoặc nhiều trường đại học. Nhập học trực tiếp là một công cụ tuyển sinh có giá trị mà các công ty sở hữu trường chuyển tiếp có thể yêu cầu trước khi thiết lập quan hệ đối tác chính thức với các trường đại học.

Quan hệ hợp tác với các trường chuyển tiếp đang trở nên phổ biến trong các trường đại học công ở Canada: nghiên cứu của chúng tôi cho thấy 69 trong số 96 trường/viện, tức 72% trường đại học ở Canada, có liên kết với ít nhất một trường chuyển tiếp.

Bàn luận

Trong ví dụ của Canada, các trường chuyển tiếp là một hình thức mới quan trọng. Ở thời điểm này, tác động của chúng đối với các trường đại học vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có thể thấy tiềm năng ảnh hưởng ngày càng tăng của mô hình giáo dục đại học tư nhân trong các nước có nền giáo dục đại học công rất mạnh như Canada. Mô hình định giá của các công ty tư nhân từng thu hút nhiều chú ý khi đưa ra mức học phí khác nhau cho sinh viên quốc tế và sinh viên trong nước; giờ đây mô hình trường chuyển tiếp cho phép các tổ chức và ban quản trị của họ vận hành một “thử nghiệm” tư nhân hóa ngay bên trong các bức tường đại học công, và biện minh cho hướng phát triển này bằng nhiều ví dụ quốc tế và địa phương. Hiệu ứng này còn thể hiện trong nhiều điểm tương đồng giữa các trường chuyển tiếp thuộc sở hữu tư nhân và các trường thuộc sở hữu của đại học công. Điều này không có gì lạ vì chương trình chuyển tiếp tạo ra thu nhập đáng kể cho các trường đại học, bằng cách tăng số lượng sinh viên quốc tế trả đầy đủ học phí, cũng như tăng thêm một năm học cho mỗi sinh viên. Xét ở cấp độ hệ thống, những trường chuyển tiếp này là đối thủ tiềm năng, có thể giành giật nguồn thu nhập từ sinh viên quốc tế khỏi tay các trường cao đẳng cộng đồng vốn cũng đang tích cực tìm cách tuyển sinh nước ngoài. Theo những cách này, các trường chuyển tiếp đã và đang thay đổi cảnh quan giáo dục đại học.

Cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn nữa để đánh giá đầy đủ mức độ ảnh hưởng của các trường chuyển tiếp. Mối lo ngại ở Canada là trường chuyển tiếp có thể khuyến khích các trường đại học chấp nhận cả những sinh viên không có khả năng thành công. Một vấn đề khác nữa là sinh viên trong các trường chuyển tiếp sẽ không nhận được các dịch vụ học tập hoặc dịch vụ sinh viên giống như sinh viên của trường chính, họ không có cơ hội tiếp cận các tư vấn viên, thanh tra viên hoặc các hệ thống hỗ trợ khác. Tương tự như vậy, những nghiên cứu ban đầu cho thấy các trường chuyển tiếp chú trọng đến việc tạo ra doanh thu (và trong một số trường hợp là lợi nhuận) có nghĩa là nhiều khả năng giảng viên và nhân viên trong trường không phải là công đoàn viên và công việc của họ rất bấp bênh. Nghiên cứu sâu hơn về trường chuyển tiếp là hết sức cấp thiết, vì ảnh hưởng của hình thức này trong toàn bộ hệ thống đại học công có thể trở thành áp lực cạnh tranh thúc đẩy các tổ chức còn lại áp dụng những mô hình tương tự.

Có lẽ việc quan trọng hơn là khảo sát các trường chuyển tiếp này trong bối cảnh quốc tế. Nhiều công ty có các đối tác hoạt động ở vài quốc gia khác nhau, điều này đặt ra câu hỏi về cách thức các chính sách khác nhau định hình các trường chuyển tiếp. Khi đặt câu hỏi những công ty đa quốc gia này chuẩn hóa các trường chuyển tiếp của họ trên khắp thế giới như thế nào, hoặc họ có chuẩn hóa hay không – điều này bao hàm không chỉ nhận thức của chúng ta về các luồng sinh viên quốc tế, mà còn về mức độ mở rộng của hiện tượng công ty hóa toàn cầu các luồng dịch chuyển sinh viên quốc tế; vượt ra ngoài những gì vẫn được coi là vấn đề của đại lý tuyển sinh và chuẩn bị hồ sơ tuyển sinh. Ta thấy các trường chuyển tiếp là đại diện cho sự thay đổ i hướng đến nhữngchính sách giáo dục đại học cho phép hình thành một mô hình liên kết quốc tế và “mềm dẻo” hơn, thách thức những giả định và khái niệm về hệ thống giáo dục đại học bao gồm hai khu vực công, tư tách biệt.