Hans de Wit là Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: dewitj@bc.edu . Elspeth Jones là cựu Giáo sư quốc tế hóa giáo dục đại học, Đại học Leeds Beckett, Vương quốc Anh. E-mail: e.jones@leedsbeckett.ac.uk.
Bài này là phiên bản cập nhật của bài viết cùng tác giả đã đăng trên tạp chí World World News ngày 08/12/2017, số 486.
Quốc tế hóa không phải là một hiện tượng biệt lập trong giáo dục đại học, mà được nhúng vào bối cảnh giáo dục đại học rộng hơn trên đấu trường toàn cầu. Tinh hoa hóa, thương mại hóa, chi phí học tập cao, tham nhũng, gian lận, và số lượng đối lập với chất lượng – đều là những chủ đề có tính phổ biến toàn cầu trong giáo dục đại học quốc tế, ảnh hưởng đến quá trình quốc tế hóa và ngược lại. Để tiếp cận toàn diện phải tính đến bối cảnh chính trị xã hội, kinh tế và nhân khẩu học ở các vùng khác nhau trên thế giới, và phải đối mặt với một thực tế là các chính sách và thông lệ quốc tế hiện nay không tính đến và đang bỏ qua đại đa số sinh viên trên toàn thế giới.
Hai nghịch lý chính
Trong lĩnh vực giáo dục đại học, chúng ta đang đối mặt với hai nghịch lý chính. Thứ nhất, trong khi chúng ta có thể đang phấn đấu để tăng cường quốc tế hóa và hợp tác toàn cầu, thì xu hướng cô lập và chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nước lại phá hủy sự kết nối quốc gia với toàn cầu. Thứ hai, mặc dù số lượng các chương trình du học cấp tín chỉ hay bằng cấp cao hơn đang gia tăng trên toàn cầu, ngành công nghiệp hàng tỷ đô la này mới chỉ phục vụ cho một số ít sinh viên tinh hoa, còn 99% sinh viên trên thế giới đang bị bỏ lại ở phía sau.
Mặc dù mới trong giai đoạn đầu, quá trình đại chúng hóa đã tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục đại học ở các nước đang phát triển và mới nổi. Tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận, đồng thời đảm bảo sự công bằng luôn là vấn đề khó trong nhiều lĩnh vực, riêng với giáo dục quốc tế là một thách thức quá lớn. Chúng ta biết trải nghiệm quốc tế mang lại nhiều lợi ích cũng như những động lực thúc đẩy hiện tượng này. Tuy nhiên, ở một số nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, du học nước ngoài chỉ dành cho 1-2% tổng số sinh viên và đôi khi còn hàm ý tiêu cực, nếu coi đó là chảy máu chất xám theo quan điểm của nước sở tại.
Chuyển hướng sang du học/học tập để lấy tín chỉ, điều này được xem là một biện pháp chính hướng tới quốc tế hóa cho sinh viên. Tuy nhiên, ở các nước ngoài châu Âu và Hoa Kỳ, tỷ lệ sinh viên đi du học để lấy tín chỉ thấp hơn so với sinh viên du học lấy bằng cử nhân. Nói cách khác, mặc dù chính sách và thực tiễn quốc tế hóa chú trọng nhiều đến việc tăng cường du học, số lượng sinh viên tham gia vẫn rất ít. Các trường đại học ở nước Anh mới đây thấy rằng, những sinh viên xuất thân từ những gia đình có nền tảng quản trị và nghề nghiệp chuyên môn cao hơn có xu hướng du học nhiều gấp 5 lần những sinh viên có cha mẹ thất nghiệp lâu. Ngoài ra, sinh viên đi du học có điểm số cao hơn trong thời gian học đại học và có mức lương cao hơn so với những đồng sự không du học, có nghĩa là lợi thế lớn hơn lại dành cho những người vốn đã có đặc quyền. Các khía cạnh khác như mức thu nhập, dân tộc, lịch sử di cư, hoặc người khuyết tật chưa được xét đến.
Đẩy mạnh du học ngắn hạn
Tăng cơ hội du học không dễ, vì kinh phí là một trở ngại lớn. Một nỗ lực nhằm tăng số lượng sinh viên du học đó là thông qua các khóa học ngắn hạn hơn. Chúng ta biết sinh viên có thể nhận được nhiều lợi ích từ việc du học, kể cả du học ngắn hạn (trải nghiệm trong môi trường doanh nghiệp, học tập, hoặc làm tình nguyện viên nước ngoài), bao gồm học hỏi được những kỹ năng, ví dụ như làm việc nhóm, lãnh đạo nhóm, kỹ năng tổ chức, quản lý dự án, giải quyết vấn đề, kết nối mạng, kỹ năng hòa giải, giải quyết xung đột, ra quyết định và kỹ năng giao tiếp. Du học ngắn hạn cũng có thể giúp phát triển những kỹ năng liên văn hóa như sẵn sàng chấp nhận rủi ro, kiên nhẫn, nhạy cảm, linh hoạt, cởi mở, khiêm tốn, tôn trọng và sáng tạo.
Mục tiêu tham gia du học châu Âu đối với 48 nước đã ký tiến trình Bologna là 20% vào năm 2020, trong khi đó nước Mỹ, với kế hoạch tăng gấp đôi lượng sinh viên du học nước ngoài sẽ có tỷ lệ tương tự. Tuy nhiên, ngay cả khi mục tiêu này đạt được cũng có nghĩa là phần lớn sinh viên, tức 80%, sẽ không được hưởng những lợi ích đã nêu ở trên. Ở các nước mới nổi và đang phát triển, tỷ lệ đó gần bằng 99%. Du học có thể là quan trọng và cần thiết, nhưng nó không đủ để dẫn đến quốc tế hóa toàn diện.
Du học ngắn hạn cũng có thể giúp phát triển những kỹ năng liên văn hóa như sẵn sàng chấp nhận rủi ro, kiên nhẫn, nhạy cảm, linh hoạt, cởi mở, khiêm tốn, tôn trọng và sáng tạo. |
Lồng ghép du học vào chương trình đào tạo
Quan trọng hơn, chúng ta cần coi du học chỉ là một khía cạnh của chương trình giảng dạy quốc tế, trong đó các kết quả đầu ra được tích hợp vào cốt lõi của chương trình, như vậyquá trình quốc tế hóa sẽ ở trong tầm tay đối với mọi sinh viên. Kêu gọi sinh viên đưa ra nhận xét về trải nghiệm học tập ở nước ngoài của họ vừa giúp họ củng cố kết quả học tập của bản thân, vừa cung cấp thêm nhiều góc nhìn đa dạng cho những người khác. Cách làm tương tự cũng được áp dụng để khuyến khích tính tích cực trong lớp học của các sinh viên đến từ những vùng địa lý, dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa khác nhau. Đây là cách tiếp cận vẫn được nhiều nhà bình luận đề nghị áp dụng tối đa. Về bản chất, nó sẽ không khiến cho chương trình giảng dạy trở thành quốc tế hóa: để đạt được điều đó cần có những đánh giá cơ bản hơn về nội dung chương trình, phương pháp sư phạm, phương pháp đánh giá và kết quả đầu ra. Tuy nhiên, cách tiếp cận này giúp cho các quan điểm khác nhau được kết hợp vào quá trình học tập, giảng dạy, và đánh giá.
Hướng tới cách tiếp cận toàn diện hơn
Chúng tôi cho rằng các chính sách quốc tế hóa đã không đến được với tất cả đối tượng mục tiêu và cần tập trung vào đối tượng sinh viên và nhân viên không đi du học. Nếu không kết hợp quốc tế hóa toàn diện vào trải nghiệm của tất cả sinh viên, chúng ta đứng trước nguy cơ phải duy trì chủ nghĩa tinh hoa là cái mà ta đang cố chống lại. Để giải quyết hai nghịch lý này, chỉ tập trung vào đẩy mạnh du học là phản tác dụng. Điều đó loại trừ phần lớn sinh viên, và củng cố lập luận của chủ nghĩa dân tộc – dân túy rằng, trong thực tế, đó là tinh hoa trí tuệ.
Quốc tế hóa toàn diện và thông minh đòi hỏi chúng ta thay đổi cách suy nghĩ của mình, không phụ thuộc hoàn cảnh ta đang sống. Quốc tế hóa dành cho tất cả mọi người nên là xuất phát điểm của các chiến lược phát triển đại học, phản ánh nhận thức rằng tất cả sinh viên phải được tham gia vào chương trình nghị sự quyết định cuộc sống tương lai của họ, với tư cách là công dân và là chuyên gia.
Tóm lại, để tất cả sinh viên có thể tham gia mà không chỉ dành riêng cho tầng lớp tinh hoa, quá trình quốc tế hóa cần giải quyết vấn đề quyền tiếp cận và tính công bằng và đòi hỏi chúng ta:
– Kết hợp quốc tế hóa tại chỗ như một biện pháp quan trọng để tất cả sinh viên có thể tham gia.
– Nhận biết, đánh giá và khai thác tính đa dạng trong lớp học, đưa những quan điểm thay thế khác nhau vào các chương trình học tập – từ sinh viên quốc tế, từ những người đã có trải nghiệm ở nước ngoài, và từ các sinh viên thuộc các cộng đồng khác nhau trong nước.
– Huy động toàn trường tham gia vào quá trình quốc tế hóa toàn diện.
– Làm cầu nối giữa địa phương với toàn cầu trong nghiên cứu, giáo dục và dịch vụ.
– Tập trung vào quan hệ đối tác trong khu vực và toàn cầu để giúp thực hiện một chương trình nghị sự quốc tế hóa toàn diện.