Nhận biết lợi ích của đại chúng hoá giáo dục đại học

Fazal Rizvi là Giáo sư thuộc bộ phận Nghiên cứu Giáo dục Toàn cầu, Đại học Melbourne, Úc. E-mail: frizvi@unimelb.edu.au.

Bài viết này là bản cập nhật của bài báo đã được công bố trên tạp chí Giáo dục Đại học Đông Nam Á (HESB), do Quỹ Head Singapore xuất bản.

Từ đầu thế kỷ này, các hệ thống giáo dục đại học trên toàn thế giới bắt đầu mở rộng nhanh chóng. Không chỉ các nước có thu nhập trung bình, mà cả các nước có thu nhập thấp cũng đã “đại chúng hoá” – hoặc đang trong quá trình thực hiện. Giáo dục đại học đang trải qua một giai đoạn tăng trưởng cao chưa từng có về tỷ lệ sinh viên (Gross Enrolment Ratio – GER). Điều đáng chú ý là, sự thành công của “đại chúng hóa” không chỉ mang lại toàn điều tốt. Đồng thời với sự tăng trưởng về số lượng, đại chúng hóa cũng tạo ra một loạt vấn đề cần được tranh luận rộng rãi hơn.

Đội ngũ giảng viên, có trình độ phù hợp hoặc đang trong quá trình đào tạo, đã được chuẩn bị để chăm sóc nhu cầu cho những nhóm đối tượng sinh viên mới – trong đó nhiều người xuất thân từ những tầng lớp xã hội không có nền tảng học vấn cao – hay chưa?

Trước hết cần công nhận rằng tăng trưởng GER trong giáo dục đại học phản ánh mức độ thịnh vượng của nền kinh tế, sự gia tăng niềm tin xã hội và chính trị của quốc gia. Khi đã hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu, các quốc gia chắc chắn sẽ cân nhắc mở rộng hệ thống giáo dục đại học để tận dụng luồng vốn từ nước ngoài, sự chuyển đổi phương thức sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, không có gì lạ khi chính phủ các nước trên thế giới sẵn sàng phân bổ một khoản ngân sách công lớn cho giáo dục đại học; tạo điều kiện cho tư nhân thành lập các trường đại học và cao đẳng mới; và khuyến khích công chúng coi chi phí cho giáo dục đại học như một khoản đầu tư nhiều khả năng mang lại lợi nhuận tốt cho cá nhân và đất nước.

Quá nhanh và thiếu quy hoạch

Từ góc nhìn này, đại chúng hóa giáo dục đại học rõ ràng đáng được hoan nghênh, nó giúp nâng tầm giáo dục quốc gia, là dấu hiệu thịnh vượng và uy tín của quốc gia. Tuy nhiên, điều quan trọng cần cân nhắc là tốc độ tăng trưởng GER như vậy trong thực tế có quá nhanh, và mô hình phát triển có quá tuỳ tiện hay không. Cần xem xét liệu hệ thống giáo dục đại học đại chúng có đủ khả năng để đáp ứng tốc độ tăng trưởng như vậy hay không. Mức độ mở rộng nhanh chóng như vậy được thúc đẩy bởi nhu cầu học tập tăng hay bởi khả năng cung cấp dịch vụ của hệ thống – là kết quả của việc khai thác cơ hội khách quan hay của quá trình phân tích và phát triển chính sách một cách hệ thống?

Do nhu cầu giáo dục đại học trong tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh chóng ở các nền kinh tế đang phát triển, câu hỏi đặt ra là chính phủ những nước này đã làm gì để hỗ trợ các trường đại học công lập tăng cường cơ sở vật chất, phân bổ tài nguyên phù hợp và xây dựng năng lực nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng. Đội ngũ giảng viên, có trình độ phù hợp hoặc đang trong quá trình đào tạo, đã được chuẩn bị để chăm sóc nhu cầu cho những nhóm đối tượng sinh viên mới – trong đó nhiều người xuất thân từ những tầng lớp xã hội không có nền tảng học vấn cao – hay chưa? Hầu hết các chính phủ cố gắng “giải quyết” nhu cầu bằng cách mở cửa lĩnh vực giáo dục đại học, cho phép các nhà đầu tư tư nhân, với các mức độ cam kết, chuyên môn và nguồn lực khác nhau, mở ra các trường đại học tư có chất lượng giáo dục cao. Trong khi các quy trình phê duyệt và đảm bảo chất lượng đối với các trường đại học tư mới thành lập (một cách vội vàng) vẫn còn thiếu nhất quán. Ngoài ra, một câu hỏi quan trọng nữa là, liệu các chính quyền quan liêu có đủ năng lực chuyên môn để phát triển và hiện thực hoá những cơ chế cần thiết để điều phối hoạt động của các đại học tư hay không.

Ứng dụng công nghệ thường được xem là một lựa chọn khả thi để đáp ứng nhu cầu giáo dục đại học ngày càng cao với chi phí hợp lý. Tuy nhiên kinh nghiệm trên khắp thế giới cho thấy học trực tuyến đúng nghĩa và bền vững thường tốn kém và phức tạp hơn nhiều so với giáo dục truyền thống “gặp nhau trong lớp”. Thật điên rồ nếu giả định rằng có thể phát triển chuyên môn sư phạm trong lĩnh vực này với giá rẻ và nhanh mà không phải hy sinh chất lượng.

Một số trường đại học (công và tư) ở các nền kinh tế đang phát triển được thành lập trên cơ sở tái lập hoặc đổi tên các trường kỹ thuật, cao đẳng và cao đẳng sư phạm, mà không có bất kỳ thay đổi đáng kể nào theo hướng hoạt động dự kiến hoặc thay đổi đối tượng tuyển sinh và đào tạo. Nhiều trường hoạt động trong tình trạng thiếu kinh phí và giống như những “công xưởng đông người”. Họ thiếu cả thư viện và phòng thí nghiệm là hai tài nguyên mà bất kỳ một đại học điển hình nào cũng có. Hệ thống quản trị không được thiết kế hướng đến việc phát triển đội ngũ học thuật chuyên nghiệp. Mặc dù không nhất thiết tất cả giảng viên đềuphải nghiên cứu hoặc có công trình xuất bản trong các tạp chí quốc tế, một trường đại học không được phép bỏ qua trách nhiệm xây dựng đội ngũ chuyên môn có trình độ cao và có khuynh hướng học thuật trong lĩnh vực của họ. Với quan niệm như vậy, cần xem nhiệm vụ xây dựng năng lực là trọng tâm của tiến trình đại chúng hoá giáo dục đại học.

Những vấn đề năng lực

Sự vội vã thành lập các trường đại học mới cũng như mở rộng các trường hiện có trong khi thiếu tập trung phát triển năng lực dẫn đến tình trạng chương trình giảng dạy tại hầu hết các trường đại học ở các nền kinh tế đang phát triển có rất ít lựa chọn, bị giới hạn trong những lĩnh vực không yêu cầu phòng thí nghiệm đắt tiền, thư viện rộng lớn cũng như đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Ví dụ, các ngành đào tạo kinh doanh và quản lý, được xem là hiệu quả về chi phí với giá cả phải chăng phù hợp đông đảo đối tượng, đã tăng trưởng bùng nổ trong những thập kỷ gần đây, trong khi các chương trình đào tạo STEM (Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Toán), dù rất cần thiết, lại hạn chế về số lượng. Kết quả là nguồn cung sinh viên tốt nghiệp dư thừa ở một số lĩnh vực, trong khi lại thiếu hụt ở những lĩnh vực khác. Ngoài ra, nhiều sinh viên tốt nghiệp không có những kiến thức và kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần trong thị trường lao động thay đổi hướng tới nền kinh tế toàn cầu. Sinh viên ra trường thường không kiếm được công việc đúng ngành học; tình trạng này về lâu dài dẫn đến nguy cơ hệ thống giáo dục đại học sẽ gây ra cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp và động lực trong cộng đồng sinh viên tốt nghiệp. Những sinh viên này cũng không thể tạo ra những đóng góp cho phát triển kinh tế quốc gia mà các chính phủ kỳ vọng từ việc đại chúng hóa hệ thống giáo dục đại học. Điều này cho thấy đại chúng hoá không phải lúc nào cũng tốt. Thành công phụ thuộc rất nhiều vào mục đích và kết quả, vào cách thức tổ chức và phối hợp, vào những gì đại chúng hóa có thể đóng góp cho sự phát triển kiến thức và kỹ năng cần thiết trong nền kinh tế toàn cầu.

Tóm lại, gia tăng GER trong giáo dục đại học là cần thiết nhưng không đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng. Cần bổ sung các chương trình cải cách giáo dục đại học toàn diện hơn. Điều này liên quan đến việc tái tạo và đổi mới chương trình giảng dạy và phương pháp giảng dạy, cũng như cách thức tổ chức và quản lý trường đại học. Trên tất cả, điều này đòi hỏi xây dựng năng lực và các biện pháp thích hợp trong việc lập kế hoạch và đảm bảo chất lượng. Vì lẽ đó các cuộc tranh luận về mở rộng hệ thống giáo dục đại học nên tập trung vào vấn đề then chốt là các hình thức triển khai đại chúng hóa. Những vấn đề rộng hơn về mục tiêu của giáo dục đại học cũng quan trọng, không chỉ liên quan đến tăng trưởng kinh tế, mà còn liên quan đến phát triển văn hóa và xã hội. Để thực hiện những nhiệm vụ cấp bách này không thể chỉ dựa vào lực lượng của thị trường giáo dục đại học mới nổi.