Yukiko Shimmi là Giáo sư phụ tá tại Trường Cao học Luật và Trung tâm Giáo dục Toàn cầu, Đại học Hitotsubashi, Tokyo, Nhật Bản. E- mail: yshimmi@gmail.com.
Từ giữa những năm 2000, dường như sinh viên Nhật Bản bắt đầu phát triển thái độ “hướng nội” (một vài lý do đã được thảo luận trong bài viết của Shimmi trong IHE, số 66, 2012). Gần đây, số lượng sinh viên tham gia chương trình học tập “siêu ngắn hạn” từ một tuần đến một tháng ở nước ngoài tăng đáng kể. Theo Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật bản (JASSO), số lượng sinh viên Nhật Bản tham gia các chương trình siêu ngắn hạn kiểu như vậy tăng hơn gấp ba lần từ năm 2009 đến 2016, từ 16873 đến 60145. Điều này phản ánh một xu hướng toàn cầu ngày càng tăng trong sinh viên đại học, đặc biệt là ở các nước phát triển. Bài này thảo luận về bối cảnh hình thành xu hướng này ở Nhật Bản cũng như về những thách thức mới xuất hiện.
Những chính sách mới của chính phủ Nhật Bản về du học
Trong giai đoạn sau chiến tranh, trọng tâm chính sách quốc tế hóa của chính phủ Nhật là thu hút sinh viên quốc tế đến học tại Nhật Bản. Tuy nhiên từ cuối những năm 2000, do số lượng sinh viên Nhật Bản học tập ở nước ngoài sụt giảm, chính phủ (dưới sự điều hành của Thủ tướng Abe) bắt đầu ưu tiên khuyến khích sinh viên Nhật bản du học nhằm cung cấp lực lượng lao động có tư duy toàn cầu cho các công ty Nhật Bản. Trước đó, học tập ở nước ngoài chủ yếu được coi là lựa chọn cá nhân, và chính phủ có rất ít chính sách hỗ trợ sinh viên du học. Giờ đây, để khuyến khích, chính phủ tăng cường cấp học bổng cho cá nhân sinh viên và cấp kinh phí cạnh tranh cho các trường đại học để xây dựng hệ thống hỗ trợ nhằm mở rộng phạm vi lựa chọn học tập ở nước ngoài.
Về học bổng, năm 2008, chính phủ tăng ngân sách quỹ học bổng du học JASSO dành cho sinh viên theo học trong các trường đại học Nhật Bản. Hiện tại, học bổng này được cấp cho những sinh viên tham gia vào một trong những chương trình du học của trường kéo dài từ tám ngày đến một năm. Số người nhận học bổng tăng đáng kể, từ 627 năm 2008 lên 22 ngàn vào năm 2017. Ngoài ra, trong năm 2014, chính phủ đã thiết lập một chương trình học bổng khác gọi là Chương trình Đại sứ trẻ “Tobitate!” (“Leap for Tomorrow!”) – một chương trình hợp tác công-tư khuyến khích sinh viên du học nước ngoài, do chính phủ và các công ty tư nhân đồng tài trợ. Học bổng “Tobitate” dự kiến cấp cho những sinh viên tham gia các khóa học ở nước ngoài có thời hạn từ 28 ngày đến hai năm. Năm 2017, đã có khoảng 3000 sinh viên đại học ra nước ngoài học tập nhờ học bổng “Tobitate”.
Để tăng thêm số sinh viên tham gia chương trình du học siêu ngắn hạn ở nước ngoài, điều quan trọng là cung cấp cơ hội để họ tiếp tục phát triển năng lực toàn cầu của mình sau khi về nước. |
Về ngân quỹ cạnh tranh dành cho các trường đại học, bắt đầu từ 2011, Dự án Giao lưu liên Đại học cấp kinh phí cho các hoạt động trao đổi hai chiều giữa Nhật Bản và những khu vực được chỉ định theo từng năm. Thông qua kế hoạch này, đến năm 2017 đã có 14.712 sinh viên Nhật Bản ra nước ngoài học tập, và 15.289 sinh viên quốc tế đến học tập tại Nhật Bản. Ngoài ra, từ 2012 đến 2016, dự án Nhật Bản Toàn cầu hóa đã cấp kinh phí cho 42 trường đại học để phát triển các chương trình du học giúp sinh viên tiếp thu những năng lực cần thiết trong xã hội toàn cầu mới. Mục tiêu của những trường đại học tham gia vào dự án này là đưa 58.500 sinh viên Nhật ra nước ngoài du học. Các chương trình khác như Chương trình Đại học Hàng đầu Toàn cầu, bắt đầu từ năm 2014 – cũng đặt mục tiêu khuyến khích sinh viên Nhật Bản đi du học.
Hậu quả bất ngờ và thách thức
Mặc dù quỹ học bổng và trợ cấp không ưu tiên một thời hạn du học nào, các trường đại học đặc biệt dành nhiều cơ hội cho các chương trình siêu ngắn hạn ở nước ngoài. Dường như lý do là sinh viên Nhật dễ tiếp cận các chương trình này hơn. Thứ nhất, thời hạn học tập ngắn ít ảnh hưởng đến các hoạt động khác, chẳng hạn như tìm kiếm việc làm tại các công ty Nhật Bản, thường diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định trong năm; chuẩn bị cho các kỳ thi quốc gia; và tham gia các hoạt động câu lạc bộ. Thứ hai, lệ phí tham gia chương trình siêu ngắn hạn thường thấp hơn so với các chương trình dài hạn hơn. Thứ ba, những chương trình siêu ngắn hạn tập trung dạy ngoại ngữ ở cấp độ cơ bản thường được sinh viên Nhật ưa thích vì nhiều người trong số họ không đủ trình độ ngoại ngữ để tham gia vào những chương trình trao đổi dài hơn thường yêu cầu sinh viên nước ngoài tham gia các khóa học cùng sinh viên bản địa.
Nỗ lực hỗ trợ của chính phủ Nhật bản gần đây đã tỏ ra hiệu quả trong việc tăng số lượng sinh viên học tập ở nước ngoài, ít nhất là với các chương trình siêu ngắn hạn; trong khi đó, số người tham gia các chương trình dài hạn lại tăng không nhiều. Ngoài ra, mặc dù việc tham gia các chương trình học tập ngắn hạn ở nước ngoài có thể là một bước khởi đầu để những sinh viên “hướng nội” trở nên cởi mở hơn với các nền văn hóa khác, các chương trình du học siêu ngắn hạn vẫn bị coi là quá ngắn, không đủ thời gian để củng cố các kỹ năng ngoại ngữ và hiểu biết văn hóa, không như các chương trình dài hạn. Những điều tương tự cũng thấy ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
Nuôi dưỡng sinh viên thành “hướng ngoại”
Để tăng thêm số sinh viên tham gia chương trình du học siêu ngắn hạn ở nước ngoài, điều quan trọng là cung cấp cơ hội để họ tiếp tục phát triển năng lực toàn cầu của mình sau khi về nước. Ví dụ, có thể khuyến khích sinh viên tham gia chương trình dài hạn hơn, nhưng cần nỗ lực giảm bớt những trở ngại còn tồn tại bằng cách cấp đủ học bổng, giải quyết các vấn đề liên quan đến hệ thống tuyển dụng của các công ty và xây dựng cơ chế cho phép sinh viên dễ dàng chuyển đổi tín chỉ đạt được ở nước ngoài. Cần tạo thêm các cơ hội trao đổi quốc tế tại chỗ trong những hoạt động thuộc chương trình đào tạo – ví dụ các khóa học dạy bằng tiếng Anh, cũng như những hoạt động ngoại khóa, như trao đổi ngôn ngữ, dạy kèm, hỗ trợ lẫn nhau và hệ thống hội nhóm.
Ngoài ra, để xóa bỏ những hoài nghi về tác dụng của các chương trình du học siêu ngắn hạn, cần tiến hành đánh giá để đo lường ảnh hưởng của các chương trình này cũng như kết quả học tập của sinh viên, và để tiếp tục nâng cao chất lượng chương trình. Cần thu thập bằng chứng và đánh giá giá trị trải nghiệm du học ngắn hạn đối với việc phát triển năng lực toàn cầu để có thể xây dựng hệ thống hỗ trợ. Những chương trình siêu ngắn hạn gần đây chủ yếu dành cho sinh viên có trình độ ngoại ngữ cơ bản; các chương trình nâng cao hơn, đòi hỏi trình độ ngoại ngữ cao và kỹ năng đa văn hóa (ví dụ như thực hiện dự án cùng với sinh viên bản địa) có thể là lựa chọn bổ sung để sinh viên tiếp tục phát triển năng lực của họ. Phát triển môi trường để sinh viên vận dụng và khai thác những trải nghiệm du học siêu ngắn hạn ở nước ngoài sẽ là chìa khóa để xu hướng mới này trở thành cơ hội nuôi dưỡng sinh viên thành “hướng ngoại” khi tốt nghiệp trong tương lai.