Wondwosen Tamrat là Phó giáo sư và là chủ tịch sáng lập trường Đại học St. Mary, Ethiopia. E-mail: preswond@smuc.edu.et và wondwosentamrat@gmail.com. Damtew Teferra là Giáo sư đại học, Lãnh đạo Khoa Giáo dục Đại học và Phát triển Đào tạo, Đại học KwaZulu-Natal, Nam Phi, và là Giám đốc sáng lập của Mạng lưới Quốc tế Giáo dục Đại học ở châu Phi. E-mail: teferra@ukzn.ac.za và teferra@bc.edu.
Các cuộc đối thoại hiện đang đặt ra quá nhiều lo ngại về vấn đề việc làm, bởi vì các tổ chức, các thể chế, các quốc gia, các khu vực và quốc tế đang điên cuồng tìm cách giải quyết những thực tế đáng ngại của số lượng người trẻ tuổi quá đông, của sinh viên “đại chúng” và tình trạng thất nghiệp sau đại học. Ở khắp mọi nơi, sự bùng nổ của số lượng sinh viên tốt nghiệp dẫn đến những thách thức lớn, tác động đến quá trình học tập của họ.
Đối với những người có đủ khả năng hoặc có cơ hội học tập ở một quốc gia khác, du học được coi là cơ chế cải thiện cơ hội có việc làm của họ. Điều này đã trở thành một trong những yếu tố chính thúc đẩy sinh viên dịch chuyển. Ngoài tác động tích cực đối với phát triển học thuật, học tập trong môi trường quốc tế còn mang lại nhiều cơ hội nâng cao khả năng làm việc, cung cấp nhiều lợi thế, bao gồm cải thiện ngoại ngữ, phát triển cá nhân, kinh nghiệm văn hóa, nhận thức toàn cầu và kỹ năng thị trường. Trong khi dịch chuyển sinh viên nhận được nhiều sự chú ý như một chiều hướng quốc tế hóa, các nghiên cứu về mối liên quan giữa quốc tế hóa và việc làm, đặc biệt là trong nhận thức và kỳ vọng của sinh viên quốc tế, vẫn chưa đưa ra được kết luận. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh châu Phi. Bài viết này báo cáo kết quả của một nghiên cứu lớn hơn được tiến hành với các sinh viên quốc tế từ Ethiopia để đánh giá quan điểm của họ về tác động của việc đào tạo đối với cơ hội có việc làm.
Bối cảnh và mục đích của nghiên cứu
Mặc dù thiếu dữ liệu thống kê đáng tin cậy về chủ đề này, hàng ngàn sinh viên Ethiopia được cho là đang du học ở nước ngoài. Du học nhờ vào học bổng của chính phủ, hoặc với sự giúp đỡ của gia đình hoặc tự chu cấp dường như đang gia tăng. Tuy nhiên, có rất ít thông tin về các hình thức du học, mục đích và các kế hoạch đặt ra.
Ngoài việc giới thiệu lý lịch học tập của họ, nghiên cứu này nhằm tìm hiểu các quan điểm của sinh viên Ethiopia về mối liên quan giữa việc học tập ở nước ngoài và cơ hội có việc làm bằng cách xem xét các yếu tố như động lực đi du học, khả năng thích ứng với thị trường lao động và các kỹ năng, kế hoạch của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Lý lịch học tập của những người tham gia nghiên cứu và những quan sát chính
Trong số 124 sinh viên quốc tế tham gia vào nghiên cứu, chỉ hơn 50% trả lời bảng câu hỏi trực tuyến; sáu người trả lời phỏng vấn qua Skype. Đa số sinh viên (80%), từ 18 đến 29 tuổi. Chỉ có 11% lớn hơn 30 tuổi, và 59% là nữ. Xét về nền tảng giáo dục, 88% hoàn thành giáo dục trung học ở Ethiopia, trong khi 8% còn lại học trung học ở những nơi khác ở châu Phi; 4% học bên ngoài lục địa. 57% sinh viên theo học các trường trung học tư thục; 21,5% theo học các trường cộng đồng quốc tế; và 16,9% tốt nghiệp các trường công lập và tôn giáo.
Tại thời điểm tiến hành nghiên cứu này, những sinh viên này theo học ở 39 cơ sở sau trung học trên bốn lục địa: Bắc Mỹ (50,8%), châu Á (21,5%), châu Âu (18,5%) và các phần khác của châu Phi (9,2%). Các chiến lược chính được sinh viên sử dụng để lựa chọn các trường đại học tương ứng bao gồm việc tự tìm hiểu, nguồn thông tin là các bảng xếp hạng các trường, tiếp theo là các trang web và các cáo bạch đại học. Ảnh hưởng của gia đình, đại lý giáo dục và bạn bè dường như khá hạn chế, điều này cho thấy sự tham gia trực tiếp và tích cực của sinh viên trong việc lựa chọn điểm đến học tập.
Bất kể danh sách ấn tượng các trường mà những sinh viên này đang theo học – bao gồm cả các trường đại học Ivy League – chỉ một phần nhỏ trong số họ tự chi trả học phí: 72,3% có học bổng toàn phần và 10,8% có học bổng từng phần; 6,2% được gia đình hỗ trợ. Số sinh viên tự chi trả học phí chưa đến 2%.
Có việc làm là động lực quan trọng nổi bật thúc đẩy du học ở nước ngoài, gợi ý một mối liên quan giữa đào tạo và nhận thức về kết quả tương lai. Sinh viên tin rằng học tập ở nước ngoài sẽ mang lại cho họ một lợi thế cạnh tranh bởi vì trong quá trình học tập họ được tiếp cận hàng loạt các kỹ năng và cơ hội phong phú trong các trường đại học và các chương trình nghiên cứu mà họ lựa chọn.
Kiến thức và kỹ năng thu được, cũng như kinh nghiệm học tập có chất lượng cao, được xác định là các yếu tố chính để lựa chọn các trường đại học nước ngoài. |
Khi xác định các yêu cầu và các kỹ năng được coi là quan trọng để có việc làm, sinh viên nhấn mạnh đến tư duy phản biện, sẵn lòng hoài nghi các ý tưởng của chính mình và của người khác, khả năng diễn đạt ý tưởng, kỹ năng viết và nói tiếng nước ngoài, khả năng nhanh chóng tiếp thu kiến thức mới và khả năng làm việc dưới áp lực cao. Sinh viên tỏ ra rất tự tin về mức độ chuẩn bị tham gia vào thị trường lao động – đặc biệt tự tin về khả năng sử dụng thời gian hiệu quả, làm việc hiệu quả với người khác, và nắm vững lĩnh vực chuyên môn của mình. Những lĩnh vực duy nhất mà người trả lời cho thấy tự tin hạn chế là kiến thức/hiểu biết về sự khác biệt văn hóa và xã hội và khả năng viết và nói bằng tiếng nước ngoài. Sinh viên cũng nhấn mạnh rằng những điểm khác biệt trong học tập tại các trường đại học nước ngoài mang lại cho họ những lợi thế đặc biệt. Bao gồm tỷ lệ sinh viên – giảng viên thấp, tính cam kết cao của giảng viên, hệ thống giải trình trách nhiệm, sự chú trọng vào đào tạo dựa trên kỹ năng, và quá trình đánh giá liên tục, là những điều còn thiếu ở Ethiopia.
Về kế hoạch sau khi tốt nghiệp, nghiên cứu này cho thấy phần lớn sinh viên quan tâm đến việc về nước. Với những bằng chứng mạnh mẽ về tỷ lệ trở về thấp và hiện tượng chảy máu chất xám phổ biến trong sinh viên Ethiopia, quan sát này cần được nghiên cứu và phân tích sâu hơn. Theo một kênh khảo sát tương tự, các sinh viên cũng thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến việc đóng góp vào sự phát triển của đất nước sau khi tốt nghiệp, mặc dù điều này bị hạn chế bởi sự thiếu nhận thức chung về những yêu cầu và kỹ năng trong nước đang cần. Tình trạng này là do vẫn còn thiếu cơ chế chia sẻ thông tin giữa sinh viên, chính phủ và người sử dụng lao động tiềm năng trong bối cảnh Ethiopia.
Kết luận
Nghiên cứu ý kiến của sinh viên quốc tế từ Ethiopia về động lực du học nước ngoài, những kỹ năng và yêu cầu nào được coi là rất quan trọng để có việc làm – đã chứng tỏ mối liên hệ giữa quốc tế hóa và cơ hội làm việc. Sinh viên quốc tế Ethiopia nhận thức rõ rằng học tập ở nước ngoài hiển nhiên mang lại cho họ lợi thế – yếu tố quan trọng nâng cao cơ hội có việc làm, và điều này được chứng minh bằng việc lựa chọn các trường đại học và chương trình học tập. Kiến thức và kỹ năng thu được, cũng như kinh nghiệm học tập có chất lượng cao, được xác định là các yếu tố chính để sinh viên lựa chọn các trường đại học nước ngoài. Điều này có thể có ý nghĩa đối với các tổ chức giáo dục đại học trong nước trong việc xây dựng giáo trình và triển khai công tác giảng dạy.
Ngoài ra, việc thiếu kiến thức và thông tin về sinh viên Ethiopia ở nước ngoài đặt ra trước chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và các viện nghiên cứu chiến lược yêu cầu tài liệu hóa và phân tích hệ thống để hỗ trợ quá trình lập kế hoạch và triển khai vốn nhân lực. Những nỗ lực đó sẽ tạo cơ hội khai thác được tiềm năng to lớn của giới trí thức Ethiopia bên ngoài biên giới của đất nước. Điều này cũng sẽ cho phép có được những hiểu biết sâu sắc các khía cạnh của quốc tế hóa và nghiên cứu ở nước ngoài.