Daniel C. Levy là Giáo sư Xuất sắc tại SUNY (The State University of New York), Khoa Chính sách và Lãnh đạo Giáo dục, Đại học Albany, Hoa Kỳ. E-mail: dlevy@albany.edu.
Sự mở rộng ngoạn mục của giáo dục đại học tư thục (PHE) trong hơn một nửa thế kỷ thường được mô tả một cách định lượng bằng số lượng tăng sinh viên đăng ký học, cũng như bằng tỷ lệ tăng sinh viên tư thục trong tổng số sinh viên. Khu vực đại học tư hiện có hơn 60 triệu sinh viên, chiếm 1/3 tổng số sinh viên trên thế giới.
Có thể thấy rõ tăng trưởng của khu vực tư thục nói chung chỉ là phần bổ sung vào sự tăng trưởng của khu vực công, bởi vì đại học công cũng có mức tăng trưởng ngoạn mục chưa từng có. Nhưng tương tự như vậy, có thể nhận thấy việc mở rộng tư nhân dẫn đến một hậu quả rõ ràng – sự độc quyền của khu vực công gần như biến mất. Cụm từ độc quyền của khu vực công được dùng ở đây chỉ với nghĩa là sự vắng mặt của các tổ chức tư nhân, có thể do bị luật pháp cấm đoán hoặc đơn giản là không tồn tại. Các tổ chức đại học tư nhân phá vỡ thế độc quyền của khu vực đại học công có thể hoạt động phi lợi nhuận hoặc vì lợi nhuận. Phi lợi nhuận là hình thức pháp lý phổ biến hơn trên toàn cầu, nhưng cả hai hình thức đều đang phát triển và ranh giới giữa hai hình thức này thường không rõ ràng.
Khu vực công giữ vị thế độc quyền từ lâu vẫn là một chuẩn mực chung. Nó ngự trị ở châu Phi, khu vực Ả rập, Đông Âu và một số khu vực của châu Á cho đến gần đây là năm 1989. Một điều chắc chắn là thế độc quyền đã tiêu tan sớm hơn ở châu Mỹ Latin, và ở những nước phát triển từ lâu có khu vực công gần như độc quyền hoặc cả công và tư cùng tồn tại song song. Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ 20, các nước cộng sản đã góp phần làm cho vị thế độc quyền của khu vực đại học công gia tăng đáng kể. Một số quốc gia sau đó còn thực hiện quốc hữu hóa khu vực tư nhân (ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan).
Khu vực đại học công mất đi thế độc quyền
Rõ ràng là trong những thập kỷ gần đây khu vực đại học công trên toàn cầu dần mất đi thế độc quyền. Sự biến mất đột ngột xảy ra cùng với sự sụp đổ của nhà nước cộng sản ở các nước Đông Âu và phần lớn Trung Á vào năm 1989. Và còn hơn thế, từ năm 1990 mỗi thập kỷ qua đi lại tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm đáng kể số lượng các hệ thống độc quyền.
Có thể thấy rõ tăng trưởng của khu vực tư thục nói chung chỉ là phần bổ sung vào sự tăng trưởng của khu vực công, bởi vì đại học công cũng có mức tăng trưởng ngoạn mục chưa từng có. |
Đến năm 2000, cơ sở dữ liệu quốc tế chính (của UNESCO) cho thấy chỉ còn 39 quốc gia không có khu vực tư thục; đến năm 2010 là 24. Đây là 24 trong số 179 quốc gia có dữ liệu ngành có sẵn. Tuy nhiên, phân tích kỹ hơn số liệu của PROPHE cho thấy chỉ có 10 quốc gia duy trì đại học công độc quyền: Algeria, Bhutan, Cuba, Djibouti, Eritrea, Hy Lạp, Luxembourg, Myanmar, Turkmenistan và Uzbekistan.
Ngoài thực tế quan trọng nhất là danh sách này chỉ còn rất ngắn, một điều nổi bật là sự vắng mặt của một số quốc gia cụ thể. Trung Quốc từ bỏ độc quyền đại học công vào đầu những năm 1980, sau đó đến Việt Nam, hiện nay tại mỗi nước này khu vực tư thục chiếm khoảng 15% thị phần. Bắc Triều Tiên không nằm trong cơ sở dữ liệu 179 quốc gia nhưng ngay cả quốc gia này, dù khá kỳ lạ, dường như có một trường đại học tư thục thuộc phái Phúc âm. Giống như Trung Quốc và Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ cho phép mở đại học tư ngay cả khi không cho phép giáo dục đại học tôn giáo hoạt động. Từ những năm 1980, thậm chí không còn chế độ dân túy cánh tả nào ở Mỹ Latinh (Bolivia, Ecuador, Nicaragua, Venezuela) đe dọa đóng cửa PHE nữa.
Hơn thế nữa, ngay cả 10 quốc gia trong danh sách cũng cho thấy khu vực đại học công độc quyền giờ đây rất hạn chế. Thứ nhất, 3 trong số 10 hệ thống trong danh sách có tổng số sinh viên ít hơn 10 ngàn và 3 hệ thống khác có tổng số sinh viên ít hơn 300 ngàn, chỉ có Algeria, Cuba, Hy Lạp và Myanmar duy trì khu vực đại học công độc quyền trong phạm vi khá lớn. Thứ hai, một số quốc gia (Hy Lạp, Turkmenistan, Uzbekistan) cho phép hiện diện các trường đại học quốc tế hoặc xuyên biên giới mà về cơ bản là các trường tư thục, số lượng sinh viên ghi danh chính thức vào trường tư ở những nơi này gần như bằng 0, đơn giản vì bằng cấp không được nhà nước công nhận. Tương tự như vậy, các chương trình đại học tư đơn độc trong nước tuy vẫn tồn tại nhưng bằng cấp không được nhà nước công nhận chính thức.
Nhóm 10 yếu ớt
Một số nước trong danh sách 10 quốc gia (ví dụ như Myanmar) đã có những cuộc thảo luận công khai tích cực về việc thành lập khu vực tư thục. Việc soạn thảo dự luật đã vài lần được kích hoạt. Hệ thống lớn nhất trong danh sách là Algeria trong vài năm gần đây đã đưa ra các đề xuất cụ thể về việc phát triển khu vực tư thục. Các quá trình cấp phép thường là giai đoạn đầu của các trường tư trên thực tế.
Một quan sát chính trị nổi bật biện minh cho danh sách hiện tại bằng những ngụ ý về nguyên nhân của sự cố chấp độc quyền. Các chế độ chính trị này có xu hướng tả khuynh (dù từ này khá là mơ hồ). Trong thực tế, chúng ta đều thấy rằng xu hướng tả khuynh không bảo đảm sự độc quyền của khu vực công; tính tương thích của các chế độ cánh tả với đại học tư là một dấu hiệu nổi bật của thời đại chúng ta chứng tỏ sự độc quyền của khu vực công đang trong tình trạng bấp bênh. Tuy nhiên, nó không phủ nhận thực tế rằng nhóm 10 có xu hướng tả khuynh mạnh hơn nhiều so với phần 169 quốc gia còn lại.
Cuba là minh họa rõ ràng nhất. Quốc gia cộng sản duy nhất ở châu Mỹ này là nơi duy nhất không có trường đại học tư, và đến nay vẫn không có bất kỳ cuộc thảo luận nghiêm túc nào về tiềm năng thành lập đại học tư. Quốc gia cuối cùng trong số 20 nước cộng hòa Mỹ Latin truyền thống xóa bỏ độc quyền của khu vực đại học công là Uruguay vào năm 1985. Giống như Uruguay trong khu vực của mình, Hy Lạp từ lâu đã nổi bật ở châu Âu vì nguyên tắc trung ương tập quyền mạnh mẽ trong các lĩnh vực phúc lợi xã hội. Turkmenistan nói chung nằm ở bên tả trong số các “fan cuồng” (một khái niệm tương tự thích hợp với Tajikistan, gần đây cũng đã phá vỡ độc quyền của khu vực công). Từ chính xác nhất để mô tả đặc điểm chính trị trong nửa thế kỷ độc lập của Myanmar là độc tài, nhưng cũng với định hướng xã hội chủ nghĩa. Độc quyền của khu vực công ở Algeria có thể liên quan không chỉ đến truyền thống thuộc địa của Pháp (nhìn chung khó chấp nhận khái niệm tư thục hơn so với các thuộc địa của Anh), mà còn liên quan đến các khuynh hướng tả khuynh của nó. Thực tế là rất nhiều chế độ cánh tả khác sau khi phá vỡ sự độc quyền của khu vực công đã không lường trước được sức sống dai dẳng của tính độc quyền; còn một số quốc gia khác đã không tiến hành các động thái cần thiết để hình thành khu vực tư thục tiềm năng. Nhìn chung, thời đương đại có khuynh hướng tư nhân hoá đáng kể trên các hoạt động xã hội khác nhau.
Một quan điểm khác ít liên quan đến ý thức hệ chính trị hơn là quan điểm độc lập về xu hướng tổ chức hoặc hệ thống toàn cầu; quan điểm này có thể nhấn mạnh đến cách thức hai hình thức công và tư nhân lan rộng sau khi hình thành. Giáo dục đại học công lập chỉ tồn tại ở một số quốc gia trước khi lan truyền đến gần như tất cả các nước khác; các khu vực tư nhân hiện đang phát triển tương tự, giống như cách thức khu vực giáo dục đại học công và sau đó là khu vực giáo dục đại học tư thục lan rộng từ một nơi sang vài nơi khác và đến gần như tất cả các nơi trong từng quốc gia riêng lẻ. Nhưng những tháng ngày độc quyền của khu vực đại học công có thực sự đang kết thúc hay không, hay có bao giờ khu vực công sẽ lại chiếm thế độc quyền hay không, điểm chính ở đây không phải là dự đoán. Bởi một điều rằng, rất khó dự đoán về mối quan hệ công – tư; khi độc quyền của khu vực công vẫn đang là một chuẩn mực mạnh mẽ, có bao nhiêu nhà tiên tri thông thái xác định được mức độ của đợt tăng đại học tư sắp tới? Điểm chính ở đây là làm nổi bật được một thực tế tiềm năng mạnh mẽ. Hai khu vực tồn tại song song đã trở thành chuẩn mực thống trị mới, và đã lan rộng gần như toàn bộ thế giới. Sự gia tăng đại học tư đáng chú ý không chỉ do quy mô tổng thể mà còn do sự phổ biến khắp nơi của nó. Những nơi khu vực công chiếm thế độc quyền đã trở nên hiếm hoi.