Chiến lược cạnh tranh của các tổ chức giáo dục đại học Việt Nam

Đỗ Minh Ngọc là Giảng viên môn Quản lý tại Khoa Quản lý và Du lịch, Đại học Hà Nội, Việt Nam. E-mail: ngocdm@hanu.edu. vn.

Trong nỗ lực không ngừng nâng cấp hệ thống giáo dục, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu chương trình cải cách giáo dục đại học (HERA) trong giai đoạn 2006-2020, cho phép các trường đại học và cao đẳng tự chủ, tự quyết định quy mô phát triển và mô hình tài chính của mình. Giờ đây, khi chương trình cải cách sắp kết thúc và các trường đại học đã hoàn thành dự án thí điểm từ năm 2014 đến 2017 như một phần của HERA, đã đến lúc các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cần xem lại những chiến lược đã được áp dụng để chuẩn bị cho những thay đổi cần thiết đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững.

Chương trình nghị sự mang tính cách mạng

Kể từ khi chính sách đổi mới ra đời vào năm 1986, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã trải qua những thay đổi đột phá, bao gồm loại bỏ sự kiểm soát độc quyền giáo dục của nhà nước, cho phép thành lập các trường đại học và cao đẳng tư nhân. Tuy nhiên, các tổ chức học thuật công lập vẫn phải tuân thủ kế hoạch tập trung và phụ thuộc vào ngân sách của chính phủ. Hiểu rằng nhất thiết phải thay đổi để nâng cao chất lượng và vai trò của các tổ chức giáo dục đại học trong nền kinh tế định hướng thị trường, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt HERA (được gọi là Nghị quyết 14/2005/NQ-CP) vào năm 2005. HERA cho phép các trường đại học tự quyết định chỉ tiêu tuyển sinh, nội dung chương trình và tự quản lý ngân sách hoạt động. Nói chung, HERA đã được công chúng và chính các trường đại học chấp nhận, và dự kiến sẽ đổi mới hoàn toàn hệ thống giáo dục đại học. Kết quả cho đến nay là, tất cả các tổ chức giáo dục đại học trong nước từng bước được trao quyền tự chủ, chất lượng đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy được cải thiện.

Mặc dù các tổ chức đại học công vẫn nhận một phần ngân sách hoạt động từ chính phủ, tự chủ hoàn toàn tiếp tục là mục tiêu cao nhất của họ như xác nhận của phó thủ tướng tại một hội nghị xem xét dự án thí điểm giai đoạn 2014-2017 diễn ra gần đây. Cuối cùng, các trường đại học và cao đẳng sẽ không khác biệt với các doanh nghiệp độc lập, vì thế bài viết này áp dụng quan điểm quản lý chiến lược để phân tích chiến lược chung của họ. Nói chung, các trường đại học phục vụ chủ yếu là sinh viên trong nước và chiến lược doanh nghiệp cũng như chiến lược kinh doanh của họ đều nhằm mục đích tăng trưởng và mở rộng.

Chiến lược doanh nghiệp

Nhiều trường đã và đang thực hiện một chiến lược hợp tác ở cấp doanh nghiệp bằng cách phát triển những chương trình đào tạo hợp tác với các đối tác nước ngoài. Đây là kết quả của chính sách của chính phủ năm 1987 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế với mục đích đa dạng hóa các nguồn lực tài chính của hệ thống giáo dục. Hợp tác đầu tiên như vậy được thực hiện vào năm 1998 và kể từ đó số lượng các chương trình hợp tác quốc tế đã tăng lên, trong đó bao gồm chương trình đào tạo văn bằng đại học, sau đại học và tiến sĩ. Sinh viên theo học các chương trình này phải trả học phí rất cao, nhưng được tiếp cận với chương trình giảng dạy nước ngoài, nhận bằng cấp từ các tổ chức nước ngoài, và có thể lựa chọn hình thức theo học một nửa chương trình ở Việt Nam và một nửa ở nước ngoài. Các chương trình hợp tác quốc tế tạo ra nguồn thu đáng kể cho các trường, giúp nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao danh tiếng và thu hút nhiều sinh viên hơn nhờ vào phương pháp giảng dạy được cải thiện.

Chiến lược kinh doanh

Mục tiêu của cách tiếp cận thâm nhập thị trường là tăng doanh thu của các dịch vụ hiện tại trên thị trường hiện tại, có nghĩa là tuyển thêm sinh viên vào các khóa học hiện có. Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam liên tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh của họ trong suốt những năm qua. Từ năm 1999 đến năm 2013, số lượng sinh viên ghi danh vào các trường đại học liên tục tăng, được thúc đẩy bởi chính sách của chính phủ với mục đích cung cấp đủ nguồn nhân lực cho thị trường lao động. Mặc dù vậy, mối liên kết giữa đào tạo các kỹ năng cần thiết và nhu cầu thị trường vẫn chưa được giải quyết một cách hệ thống.

Phát triển thị trường bao gồm việc giới thiệu một dịch vụ hiện tại cho một thị trường mới, điều này có nghĩa là mở rộng việc cung cấp các khóa học hiện có cho các nhóm sinh viên mới. Các cơ sở giáo dục Việt Nam đã phát triển các khóa học bằng tiếng Anh cho sinh viên trong nước và chấp nhận cả sinh viên nước ngoài vào các khóa học này. Thu hút sinh viên quốc tế là một chính sách rõ ràng của chính phủ, với các sáng kiến như áp dụng một chương trình đắt tiền trong năm 2008 để cung cấp các khóa học đại học bằng tiếng Anh và đưa các giáo sư cao cấp đến giảng dạy ở Việt Nam, hoặc gần đây hơn, cho phép các trường đại học tự xác định điều kiện nhập học đối với sinh viên nước ngoài. Tuy nhiên, những khóa học bằng tiếng Anh thiếu đa dạng và chất lượng tương đối thấp là những trở ngại lớn trong việc thu hút sinh viên và các học giả quốc tế.

Phát triển sản phẩm là cung cấp các dịch vụ mới cho thị trường hiện tại, điều này có nghĩa là phát triển các khóa học mới cho sinh viên trong nước. Đây là động thái chiến lược nổi bật nhất của các trường đại học và cao đẳng Việt Nam. Các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam hoặc là đơn ngành hoặc đa ngành, và số lượng các trường đại học đa ngành được báo cáo tăng lên. Các khóa học mới được cung cấp với số lượng và lựa chọn ngày càng tăng để tiếp cận nhiều sinh viên hơn. Điều này phản ánh rõ nhất bản chất của các trường đại học và cao đẳng Việt Nam là các cơ sở giảng dạy dựa vào học phí là nguồn thu nhập chính.

Đa dạng hóa sản phẩm có nghĩa là chuyển sang phân khúc thị trường mới với các dịch vụ mới. Ở đây, phương pháp tiếp cận liên quan đến việc thu hút các nhóm học viên mới. Nhiều trường đại học cung cấp các khóa đào tạo dành cho người lớn (về ngôn ngữ, kỹ năng máy tính, kỹ năng thực hành, v.v…). Trong khi đó, một số tổ chức cố gắng đa dạng hóa để tiếp cận phân khúc trước đại học, hoặc các phân khúc khác nhau, của giáo dục. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sở hữu Trường THPT năng khiếu, trường Nguyễn Tất Thành (cấp hai và cấp 3) và trường mẫu giáo Búp Sen Xanh. Đại học Hoa Sen gần đây mới khai trương Trung tâm Ngoại ngữ và Du học, cung cấp dịch vụ cho cả người lớn và học sinh nhỏ tuổi (mẫu giáo, tiểu học và trung học) các khóa học tiếng Anh và tư vấn du học.

Nỗ lực để tự chủ hoàn toàn

Cho đến nay, chiến lược của các tổ chức giáo dục Việt Nam chủ yếu vẫn định hướng theo các kế hoạch của chính phủ, và phần lớn những động thái của họ mang tính ứng phó hơn là chủ động. Là một phần của hệ thống trung ương tập quyền trong thời gian dài, các trường đại học và cao đẳng công lập không được trang bị đầy đủ năng lực quản lý để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Nếu được cấp toàn quyền tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học công lập Việt Nam sẽ không khác gì những chú chim non bị rơi khỏi tổ – nơi trú ẩn an toàn, ở đó chúng đã quen được nhà nước cung cấp mọi giải pháp; một số có thể va đập mạnh xuống đất, một số khác sẽ học hỏi và bay lên được. Cho đến lúc đó, chính phủ nên tiếp tục giải quyết những thiếu sót của hệ thống để hình thành một lộ trình thuận lợi cho giáo dục đại học Việt Nam đạt đến tự chủ hoàn toàn.