Các vấn đề phụ nữ trong giáo dục đại học châu Mỹ Latinh

Alma Maldonado-Maldonado là Nghiên cứu viên tại Departamento de Investigaciones Educativas (DIE) – CINVESTAV ở Mexico City, Mexico. E-mail: almaldo2@gmail.com. Felicitas Acosta là Nhà Nghiên cứu và Giáo sư tại Universidad Nacional de General Sarmiento, Buenos Aires, Argentina. E-mail: acostafelicitas@gmail.com.

Năm 2015, trong một chương trình thực tế ở Brazil có tên “Master Chef”, một cô bé 12 tuổi tham gia chương trình đã bị các khán giả nam gửi những thông điệp quấy rối. Kết quả là một tổ chức vì quyền lợi của phụ nữ đã quyết định sử dụng hashtag #primeiroasseido (lần đầu tiên tôi bị quấy rối) để bắt đầu một chiến dịch trên Twitter lên án những hành vi quấy rối tình dục nhắm vào các cô gái. Phụ nữ Brazil hưởng ứng chiến dịch này và bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm của họ về quấy rối tình dục, những sự việc đó hầu hết xảy ra khi họ còn là những cô gái trẻ. Trong năm 2016 tiếp theo, một phong trào tương tự được khởi xướng bởi một người đấu tranh vì nữ quyền, bà là người Colombia nhưng sống ở Mexico City. Bà đã thúc đẩy việc sử dụng một hashtag khác là #MiPrimerAcoso (lần đầu tiên tôi bị bạo hành) để tố cáo nạn bạo hành mà phụ nữ ở Mexico phải chịu đựng. Trong những ngày tiếp theo, hơn 100 ngàn phụ nữ đã tham gia sáng kiến chia sẻ những hồi ức đầu tiên về quấy rối tình dục. Một lần nữa, hầu hết những phụ nữ này đã bị quấy rối khi họ còn là các bé gái từ bảy đến chín tuổi. Bạo lực đối với phụ nữ dường như là một thực tế rất phổ biến ở châu Mỹ Latinh. Thật vậy, đây là khu vực có báo cáo về số vụ giết người mà nạn nhân là nữ cao nhất trên thế giới.

Văn hóa machismo (trọng nam khinh nữ) dường như là một đặc điểm nội tại trong mối quan hệ giữa phụ nữ và nam giới ở hầu hết các nước châu Mỹ Latinh. Phụ nữ sống ở những nước này bị bạo hành cả về thể chất và tâm lý, bị phân biệt đối xử; họ không có được những cơ hội bình đẳng, và bản thân họ cũng bị hạn chế trong nhận thức về công việc, khả năng và năng lực của mình. Trong 40 năm, châu Mỹ Latinh chỉ có 10 nữ tổng thống – ở Argentina, Bolivia, Brazil, Chile, Costa Rica, Ecuador, Nicaragua và Panama. Tuy nhiên, vai trò của phụ nữ ở các vị trí uy tín nhất trong cơ quan lập pháp, chính phủ, công nghiệp, khoa học, kinh doanh và xã hội nói chung là không đáng kể. Các phong trào MeToo và Time’s Up (2017) đòi hỏi giải quyết vấn đề về vai trò của phụ nữ trong xã hội ngày nay và các trường hợp nam giới lợi dụng quyền lực chống lại phụ nữ, đặc biệt là những người ở các vị trí dễ bị tổn thương. Bài viết này phản ánh những gì đang xảy ra trong lĩnh vực này tại các trường đại học trong khu vực.

Phụ nữ trong giáo dục đại học

Ở châu Mỹ Latinh, chênh lệch giữa hai giới trong giáo dục không quá lớn như ở các khu vực khác trên thế giới: năm 2013, trong tổng số sinh viên đăng ký học đại học có khoảng 13,15 triệu là nữ so với 10,44 triệu là nam. Do đó quyền tiếp cận giáo dục đại học của nữ giới không phải là một vấn đề nghiêm trọng; tuy nhiên những vấn đề khác lại đòi hỏi sự chú ý, ví dụ như loại hình tổ chức giáo dục đại học và chương trình giáo dục nào phụ nữ có thể tiếp cận, tỷ lệ bỏ học do mang thai của sinh viên nữ và sự phân biệt liên quan đến thị trường lao động cũng như tiền lương.

Có ba lĩnh vực quan tâm chính trong các cuộc tranh luận hiện tại về giới và quấy rối: sự phân biệt giữa nam và nữ liên quan đến các vị trí có uy tín và được trả lương cao trong các công việc mang tính học thuật và quản trị; hiện tượng quấy rối tình dục nhằm vào sinh viên nữ trong trường đại học; và tình trạng giảng viên nữ trở thành nạn nhân bị ngược đãi bởi những người đàn ông có vị trí cao hơn.

Ở Mexico, trong thời kỳ lạc quan nhất, cũng chỉ có khoảng 16% hiệu trưởng đại học là phụ nữ; để thay đổi được điều này vẫn còn cả một chặng đường dài trước mặt. Mặc dù số lượng phụ nữ trong lãnh đạo cấp cao đã tăng lên, toàn bộ điều này vẫn phản ánh mức độ khó khăn để phụ nữ đạt được vị trí hàng đầu trong các trường đại học. Bức trần kính có vẻ không thể phá vỡ. Điều tương tự cũng diễn ra trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), nơi sinh viên nữ chiếm dưới 10%. Trong năm 2009, chỉ có 19% phụ nữ nắm giữ những vị trí ở tầng cao nhất trong hệ thống giảng viên.

Ở châu Mỹ Latinh, chênh lệch giữa hai giới trong giáo dục không quá lớn như ở các khu vực khác trên thế giới

Từ kết quả của cuộc tranh luận công khai về các phong trào MeToo, Time’s Up và chiến dịch #MiPrimerAcoso, các nhà hoạt động sinh viên Mexico trở nên chủ động hơn trong việc tố giác các trường hợp giảng viên nam quấy rối sinh viên nữ. Các cáo buộc được đưa ra tại các trường đại học lớn nhất và uy tín nhất tại Mexico: Đại học tự trị quốc gia Mexico, Trung tâm Nghiên cứu và Giảng dạy Kinh tế, Đại học tự trị Metropolitan, Đại học Ibero-Mỹ và các trường đại học khác. Do thiếu các quy trình tố tụng liên quan, cáo buộc công khai thông qua các mạng xã hội và biểu tình là hai phương tiện chính được sinh viên sử dụng để nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của vấn nạn quấy rối tình dục. Trong trường hợp giảng viên lạm dụng quyền lực để quấy rối sinh viên, như đòi hỏi tình dục đổi lấy đặc ân, các tổ chức phải đặt ra những cơ chế chính thức để bắt đầu các thủ tục chống lại giảng viên. Hiện nay, nhiều trường đại học đang cố gắng cải thiện cơ chế này. Những trường hợp quấy rối hoặc bạo hành mà nạn nhân là các giảng viên nữ hiếm khi được đưa ra ánh sáng vì nhiều lý do khác nhau: cấu trúc quyền lực trong môi trường học thuật, nỗi lo sợ sự nghiệp sẽ bị ảnh hưởng vì đã tố cáo các đồng nghiệp nam hoặc người quản lý, và thực tế là phụ nữ có thể cảm thấy việc tố cáo sẽ khiến họ bị tổn thương hơn. Nếu một phong trào tương tự như #MyFirstHarrasment được khởi động trong các tổ chức giáo dục đại học, thì không khó để hình dung là nhiều phụ nữ sẽ lên tiếng.

Các trường đại học công lập ở Argentina có nhiều đặc điểm chung với Mexico. Khoảng 48% học giả đại học là phụ nữ, nhưng họ chỉ chiếm những vị trí hàng đầu với tỷ lệ tương tự. Có rất ít nữ hiệu trưởng, chỉ có 5 nữ hiệu trưởng trong tổng số 57 trường đại học công lập, mặc dù số trưởng khoa là nữ đã tăng lên trong những năm gần đây. Tình trạng này cũng được phản ánh trong một nghiên cứu của hội đồng quốc gia về khoa học và kỹ thuật: 54% các nhà nghiên cứu ở giai đoạn đầu sự nghiệp là phụ nữ, nhưng chỉ 25% lên được đến nấc thang cao nhất.

Những năm gần đây đã chứng kiến một số tiến bộ trong vấn đề bình đẳng giới. Một trường đại học quốc gia trở thành tổ chức đầu tiên quy định thời hạn nghỉ thai sản lên đến sáu tháng đối với nữ và một tháng đối với nam giới (thông thường là ba tháng đối với nữ và ba ngày đối với nam giới). Các trường đại học quốc gia thành lập trong hơn 20 năm qua đã áp dụng những chính sách bình đẳng giới và các quy chế để ngăn chặn bạo lực giới tính, xâm phạm tình dục hoặc phân biệt đối xử. Vào năm 2015, trường đại học quốc gia nổi tiếng nhất, Universidad de Buenos Aires, đã đưa ra nghị quyết thông qua một quy chế như vậy, vừa kịp thời để xử lý trường hợp một giảng viên bị tố cáo quấy rối tình dục sinh viên trong cùng khoảng thời gian đó. Kể từ đó, chủ yếu là sinh viên đưa ra các cáo buộc mới bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Ngoài ra, các tổ chức sinh viên có truyền thống trong các hoạt động biểu tình đã tham gia đông đảo trong cuộc tuần hành nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3. Đến nay, họ dường như đang dẫn đầu trong việc thiết lập một chương trình chống phân biệt đối xử với phụ nữ.

Tiến lên phía trước

Rõ ràng là tình trạng bạo lực và phân biệt đối xử đối với phụ nữ ở châu Mỹ Latinh cần được chú ý nhiều hơn và đòi hỏi phát triển các quy chế ngăn chặn cũng như tiếp tục thảo luận để tìm cách tăng cơ hội bình đẳng trong giới khoa học, trong các trường đại học và thị trường lao động. Trong trường hợp của các tổ chức giáo dục đại học, dường như có sự hội tụ giữa một bên là các nhóm hoạt động xã hội thường lên tiếng đòi hỏi công chúng quan tâm đến những trường hợp quấy rối cụ thể – chủ yếu thông qua các mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng – và bên kia là các cơ quan quyền lực, những người đã không thể phớt lờ các nạn nhân thêm nữa. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy các cơ sở giáo dục đại học đang thay đổi chính sách của họ nhằm ngăn chặn quấy rối tình dục, và hình thành các chính sách để giải quyết những khác biệt giữa phụ nữ và nam giới ở mọi cấp. Cả sinh viên và giảng viên đều ý thức hơn về quyền cũng nhưgiới hạn của họ. Đây là tin tốt cho khu vực này, nhưng nó cũng có nghĩa là một thách thức lớn cho các tổ chức giáo dục đại học.

Ghi chú: Trong khi bài viết này được xuất bản, một cuộc biểu tình lớn đang diễn ra tại các trường Đại học Chile. Một số tòa nhà đại học của ít nhất 15 trường, trong đó có Đại học Công giáo Chile, đã bị các nữ sinh viên, cũng là các nhà hoạt động xã hội chiếm đóng. Sinh viên phản đối bạo lực giới và kêu gọi thiết lập các quy chế cho phép tố cáo các trường hợp quấy rối tình dục, để có được một nền giáo dục không kỳ thị giới tính, để thay đổi chương trình giảng dạy cùng các yêu cầu khác.