Aline Courtois là Nghiên cứu viên tại Trung tâm Giáo dục Đại học Toàn cầu, Viện Giáo dục, Đại học London, Vương quốc Anh. E-mail: a.courtois@ucl.ac.uk.
Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, 51.9% cử tri ủng hộ việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Tiến trình “Brexit” – những thực tiễn chưa ai biết rõ – chính thức được kích hoạt vào tháng 5 năm 2017. Brexit có thể gây tác động nghiêm trọng đến giáo dục đại học ở Vương quốc Anh và còn hơn thế nữa.
Hiện nay, Vương quốc Anh là nước nhận tài trợ nghiên cứu mang tính cạnh tranh lớn thứ hai từ Liên minh châu Âu sau Đức. Các nhà nghiên cứu của nước Anh thường có nhiều khả năng được chọn làm người đứng đầu trong các đấu thầu tài trợ hợp tác, và Vương quốc Anh là điểm đến ưa thích của những người nhận được học bổng nghiên cứu. 6% sinh viên và khoảng 17% nhân viên tại các trường đại học Anh đến từ các nước EU khác. Trong khi uy tín của các tổ chức giáo dục đại học của Vương quốc Anh đóng một phần vai trò trong thành công này, thì lợi thế là một “cửa ngõ” vào châu Âu cũng là lý do thu hút sinh viên và các nhà nghiên cứu đến Vương quốc Anh.
Ngoài ra, gần một nửa số tài liệu học thuật do Vương quốc Anh xuất bản được hợp tác với ít nhất một đối tác quốc tế, và trong số 20 quốc gia hàng đầu mà giới học thuật của nước Anh hợp tác nhiều nhất, có 13 nước thuộc Liên minh châu Âu. Một tỷ lệ đáng kể các tài liệu có đồng tác giả này ra đời từ các dự án hợp tác nghiên cứu được Liên minh châu Âu tài trợ. Lý do cuối cùng là một số cơ sở nghiên cứu quan trọng của Châu Âu như Cơ sở Nghiên cứu Năng lượng Laser Công suất Cao có trụ sở tại Vương quốc Anh. Quyền tự do di chuyển, được đảm bảo theo các quy tắc thành viên EU hiện nay là điều cần thiết để những cơ sở nghiên cứu này được khai thác hết tiềm năng.
Một “Brexit cứng” có thể tàn phá giáo dục đại học ở Vương quốc Anh. Tuy nhiên, rõ ràng là không chỉ hệ thống giáo dục đại học của nước Anh sẽ bị ảnh hưởng nếu xảy ra “Brexit cứng”, trong tình huống xấu nhất, các sinh viên EU sẽ phải trả toàn bộ học phí quốc tế để theo học tại Vương quốc Anh, các nhà nghiên cứu sẽ không còn được tự do dịch chuyển và Vương quốc Anh không thể tham gia vào các đấu thầu hợp tác tài trợ nữa.
Dự án nghiên cứu Brexit và châu Âu tại CGHE
Trong bối cảnh này, Trung tâm Giáo dục Đại học Toàn cầu (CGHE) đã thực hiện điều tra tác động tiềm tàng của Brexit đối với giáo dục đại học và nghiên cứu trên khắp châu Âu. Chúng tôi quy tụ được các nhà nghiên cứu từ 10 trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học ở Đan Mạch, Đức, Hungary, Ireland, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Thụy Sĩ, cũng như Vương quốc Anh. Trong vài tháng tiếp sau đó, 127 cuộc phỏng vấn đã được tiến hành tại các quốc gia này với các nhân vật chủ chốt ở cấp quốc gia, các lãnh đạo trường đại học, các học giả và các nhà nghiên cứu vừa mới bắt đầu sự nghiệp trên phạm vi quốc tế. Những người tham gia nghiên cứu được khuyến khích phản ánh về tác động của Brexit đối với tổ chức và với hệ thống quốc gia của họ.
Rủi ro và cơ hội: Tác động không đồng đều
Nghiên cứu cho thấy người dân ở các quốc gia khác nhau có thái độ rất khác nhau. Đáng chú ý là ở các nước Đông Âu như Hungary và Ba Lan những người tham gia nghiên cứu (cũng như một số người được phỏng vấn ở Bồ Đào Nha) bày tỏ quan điểm rằng ngay từ đầu họ đã không được coi là những đối tác đáng giá của Anh, và do đó tác động của Brexit sẽ tương đối hạn chế.
Một “Brexit cứng” có thể tàn phá giáo dục đại học ở Vương quốc Anh. |
Trong số các nước được nghiên cứu, những quốc gia lớn hơn, chẳng hạn như Đức, thực tế có thể được lợi từ việc tái phân bổ các quỹ. Các quốc gia Bắc Âu như Đan Mạch và Hà Lan còn đang lưỡng lự. Một mặt, xét các nguồn tài trợ họ đang nhận được và năng suất nghiên cứu, và thực tế là họ có định hướng cung cấp các khóa học bằng tiếng Anh, họ đang ở vị thế sẽ được lợi từ sự rút lui của Anh. Tuy nhiên, họ thành công một phần nhờ vào định hướng Anglo-Saxon. Nhìn từ khía cạnh này, có vẻ như sự ra đi của Anh, cùng với những thay đổi chính trị ở Hoa kỳ, sẽ tác động tiêu cực đến tương lai hợp tác với các đối tác có giá trị. Những người tham gia phỏng vấn ở Hà Lan và Đan Mạch cũng cho biết họ dựa vào Anh như một đồng minh chính trị trong các cuộc thảo luận ở cấp độ EU – nơi vẫn đang diễn ra những căng thẳng giữa các nước ủng hộ tài trợ nghiên cứu cạnh tranh và các nước ủng hộ hệ thống ít cạnh tranh và mang tính quân bình hơn. Ireland có lẽ đang ở trong tình thế lưỡng lự, sẵn sàng hưởng lợi về lưu lượng sinh viên quốc tế, nhưng phần lớn vẫn phụ thuộc vào hệ thống Anh Quốc theo nhiều cách. Số phận của sinh viên và chuyên gia nước ngoài tại Anh cũng là một vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt đối với Ba Lan và Bồ Đào Nha.
Nhìn chung, có thể cảm thấy rằng Anh sẽ mất sức hấp dẫn và danh tiếng. Những người tham gia phỏng vấn ở Vương quốc Anh đặc biệt lo ngại về nguy cơ mất đi nguồn tài trợ trong khoa học xã hội và nhân văn, họ hoài nghi việc chính phủ Anh sẽ tài trợ cho các lĩnh vực này trong bối cảnh giáo dục đại học đang ngày bị thị trường hóa. Các nghiên cứu viên đang làm việc theo hợp đồng ngắn hạn ở Thụy Sỹ cũng thể hiện nỗi lo ngại rằng các học giả không có kinh nghiệm sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Tái cấu trúc giáo dục đại học và bức tranh nghiên cứu
Mặc dù hợp tác là nguyên tắc chính của hệ thống hiện tại, không phải tất cả các nước đều là đối tác bình đẳng. Erasmus được thiết kế như một chương trình trao đổi sinh viên hai chiều. Tuy nhiên, một số quốc gia nhận được nhiều sinh viên hơn số lượng họ gửi đi: đặc biệt là trường hợp của Ireland và Vương quốc Anh, hai quốc gia này có rất ít sinh viên tham gia vào chương trình trao đổi sinh viên giữa các nước châu Âu. Các chương trình ứng dụng của Hội đồng Nghiên cứu châu Âu có mức độ thành công khác nhau ở các quốc gia khác nhau, và có thể nhận thấy rõ mạng lưới các mối liên kết – thường tập trung quanh những quốc gia lớn hơn như Đức và Anh, và ở mức độ thấp hơn là Tây Ban Nha, Pháp và Ý.
Nói về kế hoạch tương lai trước một Brexit khó đoán, ở hầu hết các nước, những người tham gia phỏng vấn đều dự đoán Anh sẽ được thay thế bằng một đối tác nghiên cứu mạnh khác và/hoặc tăng cường các liên kết hiện có trong và ngoài khu vực. Một mặt, một số người tham gia – đặc biệt là các học giả – vẫn mong muốn tiếp tục cộng tác với các đồng nghiệp tại Vương quốc Anh cho dù Brexit có đi theo hướng nào. Mặt khác, phần lớn những người tham gia phỏng vấn đều ủng hộ quan điểm thực dụng và những chiến lược mới nhằm giảm thiểu phí tổn mà các hệ thống và tổ chức quốc gia của họ phải gánh chịu vì Brexit; và điều này thường ngụ ý là loại bỏ một phần các đối tác Anh quốc khỏi quan hệ cộng tác.
Mối đe dọa cho dự án châu Âu nói chung
Việc là một thành viên của EU đã góp phần quan trọng trong sự thành công của Vương quốc Anh, nhưng năng suất nghiên cứu và danh tiếng của các tổ chức Anh quốc cũng giúp khu vực đạt được tầm nhìn lớn trong giáo dục đại học và bức tranh nghiên cứu toàn cầu.
Điểm nổi bật xuất hiện liên tục trong nghiên cứu này là mối quan tâm không chỉ về chất lượng và danh tiếng của giáo dục đại học và nghiên cứu ở châu Âu, mà còn về tương lai của dự án châu Âu nói chung. Danh tiếng khu vực sẽ bị ảnh hưởng nếu cô lập hoàn toàn Vương quốc Anh như một cách “trừng phạt” vì đã chọn Brexit. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi và kết cuộc tích cực hơn cho Vương quốc Anh sẽ khuyến khích phong trào chống EU ở những nơi khác. Điều này sẽ gửi một thông điệp bài ngoại cho các ứng viên quốc tế tiềm năng và cuối cùng sẽ khiến toàn bộ dự án châu Âu có nguy cơ tan vỡ. Brexit là một vấn đề đáng lo ngại ở nhiều cấp độ khác nhau cho toàn khu vực này.
Báo cáo đầy đủ “Giáo dục đại học và Brexit: quan điểm hiện tại của châu Âu” có thể được truy cập tại http://www.re- searchcghe.org/publications/higher-education-and-brexit- current-european-perspectives/