PJ Lavakare nguyên là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Khoa học của chính phủ Ấn Độ, nguyên Giám đốc điều hành Quỹ giáo dục Hoa kỳ-Ấn Độ, New Delhi, Ấn Độ. E – mail: lavakarepj@gmail.com .
Ấn độ và Trung Quốc được coi là những trung tâm giáo dục đại học tiềm năng lớn ở châu Á cho sinh viên quốc tế. Cả hai nước đều có hệ thống giáo dục đại học lớn và đa dạng. Sinh viên từ hai nước đều mong muốn gia nhập thị trường lao động toàn cầu. Đây là thách thức đòi hỏi hệ thống giáo dục quốc gia tạo ra “những công dân toàn cầu” có trình độ cao, chất lượng cao, đa dạng và có nền tảng giáo dục quốc tế cần thiết trên thị trường toàn cầu. Giáo dục đại học quốc tế còn liên quan đến số lượng sinh viên quốc tế đa dạng nhập học vào các trường đại học địa phương (HEI). Cả hai nước đều đang cố thu hút nhiều sinh viên quốc tế vào hệ thống của họ. Bài báo này đánh giá ngắn gọn về tình trạng giáo dục quốc tế của Ấn Độ và Trung Quốc và nêu ra những thông số quan trọng chi phối hai hệ thống.
Cơ sở hạ tầng giáo dục đại học
Ấn Độ có 799 trường đại học và gần 38 ngàn trường trực thuộc (chủ yếu là đào tạo cử nhân); Trung Quốc có 2880 trường đại học. Số sinh viên nhập học tương ứng của mỗi quốc gia là 34,5 triệu và 47,9 triệu. Cả hai hệ thống đều khuyến khích thành lập các trường đại học (HEI) tư thục. Trung Quốc đã có những nỗ lực lớn để cải thiện hơn 100 trường đại học trong nước, và bảy trong số đó hiện được xếp hạng trong tốp 200 của bảng xếp hạng các trường đại học quốc tế Times Higher Education (THE). Ấn Độ cũng đã và đang mày mò với một số cải cách, cố gắng cải thiện các trường đại học hàng đầu của mình, nhưng cho đến nay vẫn chưa có trường đại học nào lọt vào tốp 200 toàn cầu. Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy tại hầu hết các trường đại học Ấn độ, nhưng quốc gia này vẫn không thể thu hút sinh viên quốc tế do xếp hạng thấp. Các trường đại học Trung quốc, về mặt này lại có những nỗ lực vượt bậc và một số trường đại học tốt của họ đã cung cấp các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Thâm chí các trường y dạy bằng tiếng Anh của Trung quốc còn thu hút cả sinh viên đến từ Ấn Độ, vì chính quyền Trung Quốc đảm bảo rằng các trường này được Hội đồng Y khoa Ấn Độ công nhận. Ấn Độ đã không làm được bất kỳ cải cách lớn nào như vậy để thu hút sinh viên quốc tế. Hơn nữa, Trung Quốc còn thành lập Hội đồng Học bổng Trung hoa (CSC) – một tổ chức phi lợi nhuận thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc; hội đồng này cấp học bổng cho sinh viên quốc tế du học tại Trung Quốc và cho sinh viên Trung Quốc đi du học nước ngoài. Ủy ban tài trợ (UGC) của Ấn độ – cơ quan điều phối mảng giáo dục đại học, không đưa ra bất kỳ biện pháp nào để thu hút sinh viên quốc tế hoặc khuyến khích sinh viên Ấn Độ tìm kiếm các trải nghiệm quốc tế. Rõ ràng là hạ tầng cơ sở giáo dục của Trung Quốc thuận lợi hơn rất nhiều cho giáo dục quốc tế và sinh viên quốc tế.
Dịch chuyển của sinh viên ở Ấn Độ và Trung Quốc
Số lượng sinh viên quốc tế đến, và số lượng sinh viên trong nước đi du học nước ngoài là thước đo quan trọng các chương trình quốc tế hóa của Ấn độ và Trung quốc. Năm 2015, Ấn độ có 181.872 sinh viên học tập ở nước ngoài, cùng thời gian đó Trung quốc có 523.700 sinh viên du học. Ấn Độ không hạn chế sinh viên ra nước ngoài du học, nhưng khác với Trung Quốc là không cấp nhiều học bổng. Trong khi Ấn Độ cho thấy mức tăng trưởng ổn định, ở Trung Quốc lại diễn ra những biến động lên xuống đáng kể. Nhưng thể hiện rõ xu hướng: Trung Quốc muốn đưa sinh viên ra nước ngoài và đã thực hiện các bước cụ thể để cấp học bổng quốc gia cho họ. Ở Ấn Độ, một vài trường tinh hoa như các Học viện công nghệ Ấn độ (ITT) gần đây đã bắt đầu gửi sinh viên kỹ thuật của họ tham gia vào một số chương trình thực tập ở nước ngoài, với một số học bổng hỗ trợ và sự giúp đỡ của các trường đối tác. Về lâu dài, lực lượng lao động Trung Quốc được đào tạo tốt chắc chắn sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt với các chuyên gia trẻ Ấn Độ đang tìm kiếm việc làm ở nước ngoài. Người Trung Quốc đang đang đuổi kịp họ về kỹ năng tiếng Anh, điều mà trong nhiều năm qua đã từng là lợi thế lớn của sinh viên Ấn Độ.
Sự thay đổi đáng chú ý nhất trong các chương trình quốc tế hóa của Ấn Độ và Trung Quốc là trong lĩnh vực tiếp nhận sinh viên quốc tế. Trong năm 2015, Ấn Độ chỉ thu hút được 42.420 sinh viên quốc tế, trong khi, cùng năm đó, Trung Quốc đón nhận 397.635 sinh viên quốc tế. Đây là kết quả của một sáng kiến quốc gia lớn, đó là sự thành lập CSC, tổ chức này không chỉ giúp đỡ tuyển sinh viên quốc tế một cách tập trung, mà còn cấp học bổng cho họ dựa vào thành tích học tập. Ấn Độ vẫn chưa thiết lập một cơ quan điều phối tập trung như vậy. Ảnh hưởng của sáng kiến này là 10% số sinh viên quốc tế trên toàn cầu hiện đang học tập tại Trung Quốc. Trung Quốc thậm chí còn thành công trong việc thu hút sinh viên Ấn Độ, với số lượng sinh viên Ấn Độ ở Trung Quốc ngày càng tăng từ 8145 năm 2008 lên 16694 trong năm 2015. Điều thú vị là 80% những sinh viên Ấn độnày theohọc chương trình đại học ngành y được giảng dạy bằng tiếng Anh. Trong khi đó, theo dữ liệu Khảo sát toàn Ấn Độ về Giáo dục Đại học (AISHE ) của Bộ Giáo dục Ấn Độ, tổng cộng chỉ có 185 sinh viên Trung Quốc học tập tại Ấn Độ trong niên khóa 2015 –2016. Đa số theohọc các ngành thương mại, quản lý, khoa học máy tính và các ngành khoa học khác. Sự mất cân bằng này cho thấy rõ rằng trong khu vực châu Á, Trung Quốc là một trung tâm giáo dục hấp dẫn hơn.
Số lượng sinh viên quốc tế đến, và số lượng sinh viên trong nước đi du học nước ngoài là thước đo quan trọng các chương trình quốc tế hóa của Ấn độ và Trung quốc. |
Để thu hút sinh viên quốc tế (và cung cấp giáo dục chất lượng quốc tế cho sinh viên trong nước), Trung Quốc khuyến khích bốn trường đại học đã được kiểm định của Mỹ thành lập cơ sở tại Trung Quốc. Ấn độ đặt ra những chính sách rất hạn chế đối với những nhà cung cấp giáo dục nước ngoài muốn thành lập phân hiệu ở Ấn Độ. Kết quả là không một tổ chức nước ngoài nào đến thành lập cơ sở ở Ấn Độ.
Kết luận
Cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều có cơ sở hạ tầng giáo dục đại học rất lớn và phát triển ở mức ngang nhau. Trong một thế giới toàn cầu hóa, cả hai đều có tiềm năng thu hút số lượng lớn sinh viên quốc tế từ các nơi khác trên thế giới – cả các nước phát triển và đang phát triển. Trung Quốc nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện cải cách để quốc tế hóa nền giáo dục đại học của mình. Như đã đề cập ở trên, bảy trường đại học Trung quốc hiện có tên trong danh sách 200 trường hàng đầu trên toàn thế giới, thu hút sinh viên quốc tế nhiều hơn gấp 10 lần so với Ấn Độ, đồng thời Trung quốc cũng đảm bảo một tỷ lệ đáng kể sinh viên Trung quốc được tiếp xúc với nền giáo dục ở nước ngoài. Ấn Độ đã không có những nỗ lực như vậy. Kết quả là, sinh viên Trung Quốc du học ở nước ngoài đông hơn sinh viên Ấn Độ và có lợi thế hơn khi gia nhập thị trường việc làm toàn cầu. Trung Quốc mở cửa cho các trường đại học có chất lượng của nước ngoài vào để thu hút sinh viên quốc tế cũng như sinh viên bản địa. Ấn độ sẽ thua trong cuộc đua với Trung Quốc để trở thành trung tâm giáo dục hấp dẫn nhất châu Á, trừ phi có những biện pháp đặc biệt tích cực để cải cách hệ thống giáo dục đại học của mình. Giáo dục đại học là phương tiện phát triển kinh tế. Bộ Phát triển nguồn nhân lực và Bộ Thương mai ở Ấn Độ cần phối hợp xây dựng một kế hoạch mới để đảm bảo phát triển kinh tế thông qua giáo dục đại học.