Vay nợ để học đại học ở Hoa Kỳ: mỹ từ và thực tế

Sandy Baum là Nghiên cứu viên tại Viện Urban, Washington, DC, Mỹ. E-mail: sbaum@urban.org.

Những ý kiến cho rằng việc sinh viên phải vay nợ “đang đè nén một thế hệ” tràn ngập các cuộc thảo luận về giáo dục đại học tại Hoa Kỳ. Giai thoại về các cựu sinh viên phải vật lộn với những món nợ lớn và thu nhập thấp phủ đầy mặt báo, và các ứng viên chính trị thề sẽ làm cho đại học trở thành “miễn nợ”. Hệ thống giáo dục đại học, trong thực tế, có những vấn đề quan trọng mang tính hệ thống, nhưng hầu hết những chuyện đang thu hút sự chú ý của dư luận lại không phải là điển hình. Cuộc khủng hoảng thật sự bị che khuất bởi những lời kêu gọi giảm bớt gánh nặng cho những người trẻ tuối vừa tốt nghiệp đại học, những người mà trên thực tế lại thuộc nhóm có triển vọng cuộc sống hứa hẹn nhất.

Trình độ giáo dục cao có liên quan với mức thu nhập cao, nên những người vay nợ để học tập thường tương đối sung túc. Trong năm 2013, sinh viên xuất thân từ 25% hộ gia đình có thu nhập cao nhất vay gần một nửa tổng số tín dụng dành cho sinh viên khá giỏi. Sinh viên xuất thân từ 25% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất chỉ chiếm 11% tổng số tín dụng. Những người đang chật vật kiếm sống là những người không học đại học và thậm chí chưa tốt nghiệp trung học. Một số người vay nợ để học tập phải đối mặt với những vấn đề thực tế mà chính sách công cần giải quyết. Tuy nhiên, những đề xuất về việc giảm nợ cho sinh viên nói chung lại mang lại lợi ích lớn nhất cho những người có thu nhập tương đối cao.

Ý kiến cho rằng việc sinh viên phải vay nợ “đang đè nén một thế hệ” tràn ngập các cuộc thảo luận về giáo dục đại học tại Hoa Kỳ.

Những thông tin cơ bản về nợ của sinh viên

Báo chí tìm thấy vài cá nhân sinh viên nợ số tiền cao đến mức kinh ngạc và có ít triển vọng công việc, nhưng hai phần ba những người sử dụng khoản vay dành cho sinh viên khá giỏi nợ ít hơn 25 ngàn đô la. Chỉ 5% nợ tới 100 ngàn đô la. Hai phần ba sinh viên khi tốt nghiệp nợ từ 50 ngàn đô la trở lên, 94% những người nợ từ 100 ngàn đô la trở lên có trình độ sau đại học. Nợ trung bình trong năm 2015-2016 của những người đã nhận bằng cử nhân tại các trường đại học, cao đẳng công và tư phi lợi nhuận – những người trước đó đã vay tiền để đi học – là 28.4 ngàn đô la; khoảng 40% không vay nợ. Trong thực tế, thu nhập trung bình của những người trong khoảng từ 25 đến 34 tuổi, có bằng cử nhân, cao hơn 18.9 ngàn đô la so với mức trung bình của những người có chỉ có bằng tốt nghiệp trung học năm 2015, cho nên đây không phải là một con số đáng sợ.

Tuy nhiên mức nợ đã tăng nhanh chóng. Trong giai đoạn giữa niên khóa 2003-2004 và 2011-2012, tỷ lệ người nhận bằng cử nhân tại Mỹ có vay nợ từ 40 ngàn đô la (tính theo giá trị đô la năm 2012) trở lên tăng từ 2% lên 18%, từ 1% lên 12% tại các trường đại học, cao đẳng công lập (khu vực này chiếm hai phần ba tổng số bằng cử nhân), và từ 4% lên 48% trong các trường vì lợi nhuận (khu vực này chiếm 8% tổng số bằng cử nhân trong năm 2011-2012).

Những cuộc thảo luận về “cuộc khủng hoảng nợ sinh viên” đã bỏ qua việc phân loại các nhóm sinh viên. Ví dụ, chỉ có 11% sinh viên, những người đã hoàn thành bằng cử nhân trong 2011-2012 khi họ 23 tuổi hoặc trẻ hơn, vay tới 40 ngàn đôla, nhưng khoảng 30% số người tốt nghiệp ở độ tuổi 30 trở lên vay nợ ở mức này. Sinh viên da đen ít có khả năng tốt nghiệp mà không nợ nần, và số người vay nợ từ 40 ngàn đô la trở lên nhiều hơn nhiều so với các nhóm dân tộc/chủng tộc khác. Các yếu tố góp phần vào điều này bao gồm thu nhập thấp, cuộc sống kém sung túc trong các gia đình da đen, thời gian học lấy bằng lâu hơn, và tỷ lệ tuyển sinh viên da đen vào các trường vì lợi nhuận không cân xứng.

Khi người vay không trả được nợ

Một phần tư tổng số sinh viên đang vay nợ tham gia vào chương trình lựa chọn trả-nợ-theo-thu-nhập của liên bang, chương trình này giới hạn các khoản thanh toán hàng tháng với số tiền phải chăng. Nhưng không giống như sinh viên ở một số nước khác, sinh viên Mỹ phải vượt qua rất nhiều rào cản quan liêu để được tham gia vào các chương trình này và nhiều người vay vẫn bị vỡ nợ.

Tỷ lệ vỡ nợ cao nhất lại xảy ra trong nhóm sinh viên có mức nợ thấp nhất; hai phần ba những người vỡ nợ có mức nợ 10 ngàn đô la hoặc ít hơn. Tỷ lệ vỡ nợ của những người vay tiền để học tập nhưng không hoàn thành chương trình bằng cấp cao hơn 2-3 lần so với những người tốt nghiệp. Tỷ lệ này của những sinh viên học trong các trường vì lợi nhuận hoặc các chương trình 2 năm ở trường công cao hơn rất nhiều so với những sinh viên theo học chương trình bốn năm trong các trường đại học, cao đẳng công và trường tư phi lợi nhuận. Một lần nữa, thường xuyên xuất hiện trên bìa báo lại không phải những sinh viên đại học truyền thống, mà là những sinh viên phi truyền thống – lớn tuổi hơn, độc lập, đang theo đuổi học vấn nghề nghiệp, nhiều người trong số họ khó có khả năng trả nợ.

Giải pháp đầy hứa hẹn

Câu chuyện gây hoang mang về nợ sinh viên làm xao lãng khỏi những vấn đề nghiêm trọng có thể được giải quyết mà không làm thay đổi hoàn toàn hệ thống tài chính giáo dục đại học, hoặc ngẫu nhiên và tùy tiện chuyển dịch gánh nặng từ những người được hưởng lợi nhiều nhất từ giáo dục đại học sang người nộp thuế nói chung. Quá nhiều sinh viên vay tiền để vào học tại những trường đại học và chương trình mà họ không có khả năng tốt nghiệp và/hoặc ngay cả khi họ tốt nghiệp, cũng ít có khả năng đóng góp tích cực vào thị trường lao động. Sự suy thoái gần đây làm các vấn đề này thêm trầm trọng. Nhiều người trưởng thành khi không tìm được việc làm đã quay trở lại trường học, thường là vào các trường vì lợi nhuận đắt đỏ. Học phí trong các trường cao đẳng, đại học công lập tăng lên nhanh chóng và khả năng hỗ trợ sinh viên của các gia đình ít đi. Những sinh viên đã hoàn thành chương trình đại học tham gia vào lực lượng lao động trong khi nền kinh tế còn yếu và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Một số phương-án-có-mục-tiêu-cụ-thể sẽ công bằng và hiệu quả hơn là những chính-sách-giảm-nợ rộng rãi. Sinh viên Mỹ cần được chuẩn bị tốt hơn về mặt học thuật trước khi vào đại học, cần được hướng dẫn kỹ hơn về việc lựa chọn trường và chương trình học; chính sách chất lượng của giáo dục đại học, và các hệ thống hỗ trợ sinh viên cũng cần phải tốt hơn. Hoa Kỳ cần đặt ra quy định chặt chẽ hơn cho các trường tham gia vào các chương trình hỗ trợ sinh viên của liên bang và có những chính sách ưu đãi mạnh hơn để khuyến khích các trường cải thiện hiệu suất và giảm mức nợ của sinh viên. Chúng ta nên hạn chế hình thức cho vay với định mức thấp hơn đối với sinh viên bán thời gian và bằng cách theo dõi sát sao quá trình học tập ở các trường họ tham gia để tránh tình trạng sinh viên ngày càng tích lũy nhiều nợ hơn nhưng lại không đạt được bất kỳ chứng nhận nào. Và chúng ta nên dừng việc cho phép sinh viên sau đại học và phụ huynh của sinh viên đại học vay tiền để trang trải chi phí bất kể những chi phí đó cao hay thấp.

Hoa Kỳ cần một kế hoạch trả-nợ-theo-thu-nhập duy nhất, trong đó người vay sẽ được thiết lập tự động và việc trả nợ sẽ được khấu trừ từ tiền lương, theo cách của những hệ thống đã có ở một số quốc gia khác. Xóa phần nợ chưa thanh toán hết sau một khoảng thời gian là hợp lý, nhưng nên thiết lập các điều kiện để hầu hết người vay trả được toàn bộ số nợ của họ. Tổng số tiền trả nợ phải bao gồm một tỷ lệ lãi nhất định tính trên số tiền vay và cần giới hạn khoản nợ có thể xóa.

Kết luận

Các khoản vay nợ để học tập ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều cựu sinh viên. Nhưng việc liên bang mở rộng tín dụng cho sinh viên đại học giúp nhiều người, đặc biệt những người có khả năng tài chính hạn chế, có thể theo đuổi việc học tập sau trung học, ghi danh và thành công trong một trường đại học thích hợp. Một số chính sách nhằm giảm bớt gánh nặng nợ nần, nghe có vẻ tiến bộ, nhưng thực tế lại tước đi các khoản trợ cấp của những người cần chúng nhất.

Những người gặp khó khăn nhiều nhất trong việc trả nợ là những người trước đây vay số tiền tương đối nhỏ, nhưng lại không có được bằng cấp hay chứng nhận có giá trị đối với thị trường lao động. Xóa nợ đồng loạt hoặc thậm chí giảm lãi suất đối với khoản còn nợ sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho những người không thực sự cần giúp đỡ. Sinh viên không nên vay tiền để vào học trong các trường đại học có tỷ lệ tốt nghiệp rất thấp hoặc ít có cơ hội việc làm cho những người tốt nghiệp – không nên mất thời gian và công sức để theo học một trường như vậy, ngay cả khi không cần đi vay. Điều này không có nghĩa là tất cả các khoản vay để học đại học là xấu. Chỉ là cần cân nhắc thận trọng và có đủ thông tin.

Tạo ra các cơ hội giáo dục chất lượng cao đòi hỏi nhiều nguồn lực đáng kể. Ai đó cần phải trả tiền. Sinh viên đang và cần có trách nhiệm trả một phần kinh phí cho giáo dục. Thừa nhận thực tế đó, và nỗ lực để phát triển một hệ thống có khả năng chuẩn bị và bảo vệ những người đang tìm cách đầu tư cho bản thân thông qua giáo dục sau trung học; điều này cần được nhấn mạnh trong chương trình nghị sự về chính sách quốc gia.