Adriane De Gayardon là Nghiên cứu viên thuộc Viện Giáo dục, Trung tâm Giáo dục Đại học Toàn cầu, University College London, UK. E-mail: a.gayardon.ucl.uk.
Đại chúng hoá giáo dục đại học và học phí tăng lên đã khiến cho chính phủ các quốc gia trên khắp thế giới phải viện đến những giải pháp chia sẻ gánh nặng ngân sách quốc gia dành cho giáo dục. Tuy nhiên, với việc học phí tăng cao, các chính phủ phải đưa ra nhiều mô hình tài chính nhằm đảm bảo sinh viên từ mọi tầng lớp xã hội đều có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học. Mô hình tín dụng sinh viên do chính phủ bảo lãnh là một giải pháp.
Trong khi ai cũng có thể vay tiền từ các ngân hàng thương mại để mua nhà, mua xe, thì hiếm người vay được tiền để trang trải học phí đại học. Các ngân hàng cho rằng đầu tư vào sinh viên có nhiều rủi ro, một phần là vì tỷ lệ tốt nghiệp đại học không cao, hơn nữa họ không thể siết nợ – giống như siết nhà thế chấp khi người vay mất khả năng trả nợ. Vì những lý do này, nhà nước buộc phải can thiệp sâu vào lĩnh vực tín dụng sinh viên.
Vay học phí tín chấp bằng thu nhập tương lai (ICL)
Chính phủ thường cho vay học phí dưới hai hình thức: Thế chấp, hoặc Tín chấp bằng thu nhập sau khi ra trường (ICL: Income-Contingent Loan). Đối với dạng vay thế chấp, người vay phải hoàn trả tổng số tiền vay cùng với lãi trong một khoảng thời gian nhất định, nghĩa là hàng tháng bắt buộc phải trả một khoản cố định. Cách này có nhược điểm: giáo dục đại học không bảo đảm rằng người vay có khả năng trả nợ – điều này có thể dẫn đến nợ quá hạn, vỡ nợ và hậu quả là mất uy tín.
Mô hình ICL được thiết kế để sinh viên có thêm lựa chọn tốt hơn. Việc trả nợ được gắn với thu nhập sau khi tốt nghiệp, người vay trích một phần thu nhập để trả nợ, thường là trong một khoảng thời gian nhất định. Cách này giúp giảm nhẹ gánh nặng trả nợ. Cũng không còn tình trạng vỡ nợ, bởi vì chính phủ tự động xoá nợ khi thời hạn trả nợ kết thúc, việc này còn được gọi là “tài trợ ngầm”. ICL được nhiều nơi trên thế giới ủng hộ: nó được xem là một giải pháp hỗ trợ giáo dục đại học miễn phí vào thời điểm nhập học đồng thời đảm bảo một hình thức trả nợ hợp lý và công bằng.
Hiện nay điều gì đang diễn ra?
Tuy nhiên, vào năm 2017, đã có những cuộc tranh luận ngày càng gay gắt về việc tài trợ cho giáo dục đại học tại ba quốc gia hàng đầu áp dụng mô hình ICL: Úc, Anh và New Zealand. Xem xét các vấn đề liên quan và học hỏi từ những quốc gia này là việc quan trọng trong bối cảnh nợ nần của sinh viên tăng cao khắp nơi trên thế giới, dẫn đến sự hồi sinh khái niệm giáo dục đại học miễn phí.
Úc đang trong tình trạng bế tắc chính trị về vấn đề tài trợ cho giáo dục đại học. Sự cân bằng quyền lực ở thượng viện khiến nước này không thể thông qua một đạo luật nào về tài chính cho giáo dục đại học kể từ năm 2013. Các đề xuất pháp lý không được thông qua gồm bãi bỏ lệ phí, giảm ngưỡng trả nợ và bổ sung phí tín dụng sinh viên. Những đề xuất này nhằm giảm chi phí cho Chương trình Cho vay Giáo dục Đại học (HELP), duy trì tính bền vững của nó. Tháng 12 năm 2017, chính phủ Úc áp dụng một biện pháp triệt để bằng cách đưa cải cách tài chính giáo dục đại học vào ngân sách 2018. Cải cách này hạ thấp ngưỡng thanh toán xuống còn 11 ngàn đô la Úc (9 ngàn đô la Mỹ), điều này ảnh hưởng tiêu cực đến những đối tượng có thu nhập thấp hơn, và đóng băng ngân sách dành cho đại học trong hai năm, khiến các trường giảm khả năng cấp tín dụng sinh viên. Quyết định này là một bằng chứng rõ ràng về việc chính phủ Úc không đủ khả năng duy trì hệ thống tín dụng hiện tại.
Bài học từ ba quốc gia này cho chúng ta thấy các hệ thống đang áp dụng mô hình ICL cũng gặp phải vấn đề và có thể có những chính sách sai lầm. |
Ở nước Anh cũng bùng nổ những cuộc tranh luận về tài chính giáo dục đại học từ khi Đảng Lao động trở nên nổi tiếng với đề xuất “giáo dục đại học miễn phí”, một biểu hiện bất mãn với hiện trạng học phí cao và mức nợ tín dụng của sinh viên gia tăng. Trong số những vấn đề đang tranh luận ở Anh, thực tế cho thấy mô hình hỗ trợ tài chính ICL đã dẫn tới lạm phát mức trần học phí, từ 1000 bảng Anh (1400 đô la Mỹ) theo khảo sát năm 1998, tăng lên thành 9250 bảng (13 ngàn đô la Mỹ) năm 2017. Tỷ lệ lãi suất cao (lên đến 3%, chưa tính lạm phát) trong quá trình học của sinh viên cũng góp phần làm tăng mức nợ và gây chán nản cho người vay học phí. Ngoài ra, từ năm 2016, các khoản tài trợ (học bổng) đã hoàn toàn biến mất và được thay bằng các khoản vay – một động thái tài chính nhằm cứu vãn thâm hụt ngân sách quốc gia. Kết quả là, những sinh viên có thu nhập thấp giờ đây sẽ là những người tốt nghiệp với khoản nợ lớn nhất – điều này cho thấy rõ hệ thống bị thụt lùi. Thêm một vấn đề đáng nói nữa là số lượng sinh viên bán thời gian sụt giảm mạnh kể từ khi mức trần học phí tăng lên vào năm 2012, cho thấy hệ thống hỗ trợ tài chính đã không tính đến đối tượng sinh viên này. Một số thay đổi đã được thực hiện, như tăng ngưỡng thanh toán để giảm bớt gánh nặng nợ nần, nhưng chính phủ Anh đang tiến hành một đánh giá tổng thể hệ thống giáo dục đại học, và hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng, dự án này sẽ dẫn đến những thay đổi lớn trong hệ thống tài chính Anh, rất có thể là giảm học phí.
Cuối cùng, New Zealand cũng đang phải vật lộn với nợ vay của sinh viên và hệ thống ICL của họ, thể hiện qua các chính sách mâu thuẫn lợi ích được ban hành trong những năm 2000 và việc tăng tỷ lệ trả nợ từ 10% lên 12% – cao hơn nhiều so với ở Anh (9%) và Úc (không quá 8%). Các tranh luận kết thúc với kết quả bầu cử chính phủ đương nhiệm vào năm 2017, với cam kết giáo dục đại học miễn phí, chia tay với mô hình ICL.
Những bài học từ Úc, Anh và New Zealand
Bài học từ ba quốc gia này cho chúng ta thấy các hệ thống đang áp dụng mô hình ICL cũng gặp phải vấn đề và có thể có những chính sách sai lầm. Các trường hợp này cũng cho thấy cần có sự linh hoạt trong qua trình thực hiện và xác định ICL, để hệ thống có thể thích nghi với những thay đổi của bối cảnh kinh tế và xã hội. Ngoài ra, hệ thống ICL không thể tồn tại nếu không có các khoản trợ cấp ngầm từ chính phủ – để xóa những khoản nợ không được hoàn trả đủ. Yếu tố này phải được thiết kế từ đầu, bằng một quyết định có ý thức của chính phủ, là một cách tài trợ cho sinh viên.
Khi cân nhắc mức độ phù hợp của ICL với bối cảnh giáo dục đại học hiện tại, người ta dễ dàng quên một điều là ICL vẫn là một khoản vay. Điều này không chỉ có nghĩa là phần thu nhập hàng tháng còn lại sau khi trích trả nợ sẽ ít đi, mà còn là mặc cảm tâm lý về việc mang công mắc nợ. Mặc cảm nợ nần đặc biệt mạnh mẽ trong những tầng lớp xã hội thấp. Nếu ICL là lựa chọn duy nhất về tài chính, số lượng tham gia của các tầng lớp xã hội này có thể sẽ giảm xuống. Những người này cũng không có khả năng trả hết nợ, và cuối cùng chính phủ phải xóa nợ. Điều này nhấn mạnh đến sự cần thiết xây dựng một hệ thống hỗ trợ tài chính công bằng, đạt được sự cân bằng giữa hệ thống tài trợ đã được kiểm nghiệm và hệ thống ICL được thiết kế tốt, đáp ứng tốt nhất cho tất cả các đối tượng sinh viên.