Thu hút và duy trì tài năng toàn cầu: sinh viên cao học quốc tế tại Hoa Kỳ

Rajika Bhandari là Trưởng ban nghiên cứu chính sách và Thực tiễn, Học viện Giáo dục Quốc tế (IIE), New York, Hoa Kỳ. E-mail: rbhandari@iie.org.

Dự án Mở cửa/Open Doors do IIE thực hiện với sự hợp tác của Vụ Văn hoá và Giáo dục của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (www.iie.org/opendoors).

    Dữ liệu Open Doors 2017 mới được công bố vào tháng 11 năm 2017, trong thời kỳ có nhiều suy đoán trong lĩnh vực giáo dục đại học của Hoa Kỳ về việc liệu các luồng sinh viên quốc tế đến Hoa Kỳ có bị sụt giảm hay không. Tuy nhiên, những dữ liệu này, cũng như một số cuộc khảo sát nhanh được tiến hành vào năm 2017 bởi IIE và các hiệp hội giáo dục đại học, cuối cùng đã cho thấy một bức tranh hỗn tạp. Mặc dù số sinh viên mới nhập học sụt giảm rõ rệt cho thấy số lượng sinh viên quốc tế đang ở mức rất thấp và tình trạng sẽ còn tệ hơn trong tương lai, vẫn có một vài bất ngờ khác: sự suy giảm xảy ra hay không tùy thuộc vào loại hình, vị trí địa lý, và tính chọn lọc của trường đại học. Với một số trường đại học, tình trạng suy thoái xảy ra do nhiều yếu tố, và số lượng sinh viên quốc tế sụt giảm trước khi có những thay đổi chính trị và xã hội của Hoa Kỳ vào năm 2017.

    Trong bối cảnh tình hình không chắc chắn này, một số bộ phận sinh viên quốc tế xứng đáng nhận được nhiều sự quan tâm hơn.

    Open Doors tiến hành khảo sát sinh viên quốc tế ở tất cả các cấp học sau trung học, còn bài báo này tập trung vào tình trạng của sinh viên quốc tế bậc cao học ở Hoa Kỳ.

Điều gì thu hút các sinh viên cao học quốc tế đến Hoa Kỳ?

Giáo dục đại học Hoa Kỳ có ba công cụ chính thu hút sinh viên cao học và những tài năng hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới. Thứ nhất là chất lượng và sự đa dạng của các trường đại học ở Hoa Kỳ, quốc gia này có hơn 4 ngàn trường đại học. Các cuộc khảo sát sinh viên quốc tế tương lai đã chỉ ra rằng Hoa Kỳ được xếp hạng cao nhất về chất lượng của các trường đại học và trải nghiệm học thuật tổng thể. Thứ hai, sự đầu tư đáng kể và tập trung vào khoa học, công nghệ và đổi mới trong giáo dục đại học; có cơ sở nghiên cứu tại trường; và sự cộng tác giữa các trường đại học với các doanh nghiệp là những thành phần quan trọng trong giáo dục sau đại học của Hoa Kỳ, điều này hấp dẫn những sinh viên cao học mong muốn theo đuổi các nghiên cứu cao hơn. Công cụ thứ ba, và rất thiết thực, là Hoa Kỳ có nhiều cơ hội hậu học tập như Chương trình thực tập không bắt buộc (OPT), cho phép các sinh viên cao học quốc tế áp dụng kiến thức học thuật của họ vào thực tế và cũng là một hướng để họ tìm kiếm công việc và một chỗ đứng lâu dài trong lực lượng lao động và đội ngũ tài năng của Hoa Kỳ.

Những phát hiện mới

Trong bối cảnh này, với những bằng chứng hiện tại, chúng ta biết gì về tình trạng của sinh viên cao học quốc tế tại mỗi giai đoạn khác nhau trong dòng chảy tài năng – tuyển sinh, cơ hội làm việc – học tập ngay sau khi tốt nghiệp, và giai đoạn làm việc toàn thời gian ở Hoa Kỳ? Trước hết hãy nhìn vào tuyển sinh hiện tại, cần ghi nhớ rằng 36% (hoặc 391.124 người) trong tổng số sinh viên quốc tế theo học tại Hoa Kỳ là sinh viên cao học. Theo Dự án Atlas, trong những năm gần đây, con số tuyệt đối sinh viên cao học quốc tế tại Hoa Kỳ tiếp tục tăng, và Hoa Kỳ có số lượng sinh viên cao học nhiều hơn bất kỳ nước chủ nhà cạnh tranh nào khác. Tuy nhiên, những phát hiện từ dữ liệu Open Doors gần đây về việc nhập học mới, dựa trên một cuộc khảo sát ngắn vào mùa thu năm 2017 và hai báo cáo gần đây của Quỹ khoa học quốc gia (NSF) và Hội đồng các trường đại học (CGS), cho thấy mức độ tăng trưởng của sinh viên cao học quốc tế đang chậm lại. Phân tích NSF cho thấy mức sụt giảm gần 6% trong tuyển sinh cao học quốc tế trong giai đoạn 2016 và 2017, và cuộc khảo sát của CGS về tuyển sinh cao học quốc tế mới cũng cho thấy tỷ lệ sụt giảm tổng thể gần 3%. Tình trạng sụt giảm cũng xảy ra với chương trình thạc sĩ và chương trình cấp chứng chỉ và tại các trường không tập trung nhiều vào nghiên cứu, một lần nữa chỉ ra rằng số lượng tuyển sinh quốc tế biến động tùy thuộc vào loại hình trường đại học.

    Sinh viên cao học quốc tế ở Hoa Kỳ chủ yếu đến từ châu Á (73%), một nửa trong số đó là từ Ấn Độ và Trung Quốc. Do đó, nguồn sinh viên từ hai quốc gia then chốt này là rất quan trọng. Trong khi số sinh viên cao học của Ấn Độ giảm 13% trong giai đoạn 2016 và 2017, thì số sinh viên cao học mới của Trung Quốc tăng 5%. Mặc dù bức tranh dễ khiến rối trí, các tổ chức báo cáo rằng cả sinh viên Ấn Độ và Trung Quốc, đặc biệt là ở trình độ cao học, rất lo ngại về khả năng chương trình OPT hoặc thị thực lao động sẽ có những hạn chế trong tương lai. Nhìn chung, sinh viên quốc tế đến từ Ấn Độ và Trung Quốc (bất kể trình độ học thuật), chiếm hơn một nửa trong số thực tập sinh của OPT từ năm 2012 đến năm 2015, theo một phân tích của Trung tâm nghiên cứu Pew.

    Chương trình OPT – giai đoạn tiếp theo của dòng chảy tài năng, là nơi mà số lượng sinh viên quốc tế tăng lên trong vài năm qua, với ngày càng nhiều sinh viên tận dụng cơ hội vừa học vừa làm. Do đó, số lượng sinh viên được tính trong hệ thống giáo dục đại học của Hoa Kỳ càng nhiều hơn, trong khi đó việc tuyển sinh viên mới lại không phát triển cùng tốc độ. Vào mùa thu năm 2016, đã có 175 ngàn sinh viên tham gia chương trình OPT, chủ yếu là nhờ mở rộng cho sinh viên STEM, những người có thể ở lại Hoa Kỳ trong 36 tháng theo các điều khoản của chương trình.

Sinh viên cao học quốc tế ở Hoa Kỳ chủ yếu đến từ châu Á (73%), một nửa trong số đó là từ Ấn Độ và Trung Quốc. 

    Phần lớn sinh viên cao học quốc tế (62%) thuộc về các lĩnh vực STEM và do đó tận dụng được tùy chọn OPT mở rộng. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến tình huống là có nhiều sinh viên cao học quốc tế hoàn thành OPT, nhưng số thị thực H1B (thị thực lao động tạm thời, không cho phép nhập cư) lại không đủ cho những người muốn ở lại trong lực lượng lao động. Một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy các đơn xin cấp thị thực H1B đã vượt quá lượng cung trong 5 năm qua. Thực tế, 41% quản trị viên các trường đại học đã báo cáo về sự sụt giảm số lượng sinh viên nhập học mới trong cuộc khảo sát nhanh của IIE vào mùa thu năm 2017, điều này cho thấy sự giảm sút này có thể có nguyên nhân là sinh viên lo ngại không tìm được việc làm tại Hoa Kỳ sau khi hoàn thành chương trình học.

    Một thách thức nữa trong việc duy trì sinh viên cao học quốc tế liên quan đến hỗ trợ tài chính, và thực tế là từ lâu sinh viên vẫn dựa vào nguồn học bổng trợ giảng và phụ tá nghiên cứu do các khoa của họ cung cấp. Một thập kỷ trước, trong năm 2006-2007, tỷ lệ vẫn tương đối cân bằng giữa số lượng sinh viên cao học quốc tế tự chi trả học phí từ nguồn cá nhân (45,4%) và số lượng sinh viên được các trường đại học và cao đẳng cấp học bổng (46,6%), chủ yếu thông qua các hình thức trợ giảng và phụ tá nghiên cứu. Một thập kỷ sau, tỷ lệ sinh viên cao học tự chi trả học phí bằng các nguồn lực của cá nhân và gia đình đã tăng lên 61%. Điều này có thể do kết hợp của nhiều lý do, bao gồm việc số lượng sinh viên quốc tế học thạc sỹ ngày càng tăng, và họ khó nhận được công việc trợ giảng hoặc phụ tá nghiên cứu thường đòi hỏi trình độ tiến sĩ; lý do khác nữa là nguồn tài chính hỗ trợ sinh viên cao học (cả trong nước và quốc tế) cũng giảm đi. Thêm vào đó, chi phí trung bình để một sinh viên quốc tế lấy được bằng thạc sĩ tại một trường công lập tại Hoa Kỳ đã tăng 52% trong giai đoạn 2008-2016 và tăng 46% tại các trường tư nhân.

    Không nên đánh giá thấp hiệu ứng cấp số nhân của các sinh viên cao học quốc tế và những gì họ mang lại cho doanh nghiệp giáo dục đại học ở Hoa Kỳ. Một phân tích gần đây năm 2017, của Kevin Shih cho thấy sinh viên cao học quốc tế giúp mở rộng tuyển sinh cao học trong nước, đồng thời trợ cấp cho việc tuyển sinh trong nước. Về phần những sinh viên cao học quốc tế ở lại, nhiều người tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế tri thức của Hoa Kỳ. Ví dụ, có một tỷ lệ đáng kể các doanh nghiệp ở thung lũng Silicon được thành lập bởi những người được coi là doanh nhân nhập cư mới – hầu hết trong số họ đến Hoa Kỳ với tư cách là sinh viên quốc tế – và nhiều người Mỹ giành giải Nobel trước đây cũng đến đất nước này như sinh viên cao học quốc tế.

    Cuối cùng, những người trở về quê hương của họ giúp thiết lập mối quan hệ thương mại, ngoại giao và giáo dục giữa các nước khác và Hoa Kỳ, đặc biệt là dưới hình thức nghiên cứu chung và hợp tác quốc tế.